05/12/2019
806
Cùng Tweet Với Chúa 4


 

 

1. Thiên Chúa có tạo ra sự dữ không?  Sự dữ có liên quan gì đến tội của tôi?

Có một điều dường như khó hiểu cho chúng ta là Thiên Chúa không can dự vào khi việc xấu xảy ra. Tất cả sự dữ đều trái ngược với tình yêu cao vời của Thiên Chúa. Là con người, chúng ta không thể thấu hiểu đích đáng nguồn gốc của sự dữ. Một trong những cách giải thích là chúng ta, những con người được Thiên Chúa tạo dựng cách tốt đẹp, có thể sử dụng sai tự do của mình.

Chúng ta có thể chọn điều tốt (hợp với Thánh Ý Thiên Chúa), nhưng cũng có thể chọn điều xấu. Khi chúng ta chọn sai, trong sâu thẳm tâm hồn, chúng ta biết mình đang làm điều không đúng và chúng ta phạm tội. Tuyệt vời thay, Chúa Giêsu đã đến để cứu chúng ta khỏi tội lỗi bằng cái chết của Người trên thập giá (Rm 5,20).

Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp. Ngài ban cho chúng ta tự do để chọn điều tốt. Sự dữ là kết quả từ việc chúng ta lạm dụng tự do để phạm tội.

2. Nếu Thiên Chúa là Đấng toàn năng thì tại sao lại xảy ra những tai họa? Tại sao có sự dữ?

Có sự khác biệt giữa sự dữ do con người tạo ra và điều xấu do thiên tai. Con người đã lãnh nhận sự tự do từ Thiên Chúa và có thể chọn điều tốt hay điều xấu. Nếu Thiên Chúa can thiệp vào, chúng ta sẽ không còn tự do nữa.

Tại sao những thảm họa thiên nhiên xảy ra và tại sao Thiên Chúa không can thiệp để chấm dứt sự dữ khủng khiếp do con người phạm phải? Điều đó vẫn còn là mầu nhiệm. Tuy nhiên đó không bao giờ là việc trừng phạt từ Thiên Chúa, Đấng tràn đầy tình yêu. Thiên Chúa thương xót những ai đau khổ, và thôi thúc con người giúp đỡ lẫn nhau. Nếu chúng ta cộng tác với Ngài thì sự dữ sẽ không bao giờ là kết quả chung cuộc.

Thế giới và cả con người đều không hoàn hảo, nên sự dữ đã xảy ra. Thiên Chúa chứng tỏ quyền năng của Ngài bằng cách mang điều thiện ra khỏi điều ác.

3. Phải chăng theo Thánh Ý Chúa là con người phải chết?

Nơi kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa không có sự chết. Sự chết chỉ đi vào đời sống con người như là hậu quả của tội mà nguyên tổ đã phạm phải. Khi phạm tội, nguyên tổ loài người đã khước từ Thiên Chúa. Dù vậy, Thiên Chúa vẫn muốn chúng ta được sống muôn đời. Nhưng việc sống muôn đời trên trần gian, với tất cả những nỗi cơ cực và đau khổ, sẽ không tuyệt hảo chút nào. Chúa Giêsu đã đến thế gian, chết trên thập giá, và được Thiên Chúa cho phục hồi lại sự sống để xóa bỏ hậu quả của tội nguyên tổ.

Nhờ Chúa Giêsu, chúng ta có thể sống muôn đời nơi thiên đàng sau khi chết. Chúng ta có thể vào thiên đàng bằng cách bước theo Chúa Giêsu, sống trong mối tương quan yêu thương với Thiên Chúa và anh em đồng loại.

Cái chết không phải là những gì Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Cái chết đến trong thế gian là do tội lỗi. Tất cả chúng ta đều chết, nhưng nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu, chúng ta có thể sống muôn đời.

4. Đau khổ có giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa không?

Đau khổ không bao giờ là sự trừng phạt cá nhân đến từ Thiên Chúa. Thực ra, Thiên Chúa rất gần gũi với những ai đau buồn và sầu khổ. Đau khổ không bao giờ là một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa cho thế giới này, nhưng đau khổ đã đến trong thế giới như kết quả của tội nguyên tổ và sự sa ngã của con người. Để thay đổi tình trạng này, Chúa Giêsu đã sẵn sàng hiến tế chính mình trên thập giá vì yêu thương nhân loại. Người đã bị sỉ nhục và tra tấn bởi chính những con người này.

Qua sự đau khổ tột cùng, Chúa Giêsu đã mở ra một con đường đến với Thiên Chúa trên thiên đàng. Khi chúng ta đau khổ, chúng ta biết mình được kết hợp với Chúa Giêsu, Đấng đã chịu đau khổ. Người đã chiến thắng sự chết. Càng hiểu biết và gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta càng có thể vượt qua những đau buồn sầu khổ và tiến vào sự hiện diện của Thiên Chúa trên quê trời. Nhờ việc kết hợp với Chúa Giêsu, đau khổ của chúng ta có thể trở nên đầy đủ ý nghĩa.

Đau khổ của Chúa Giêsu vì tình yêu dành cho mỗi người sẽ cứu chúng ta. Đau khổ của chúng ta cũng có ý nghĩa nếu cùng với Chúa Giêsu, chúng ta dâng lên Thiên Chúa.

5. Tại sao vai trò của Đức Maria là rất quan trọng?

Đức Maria được Thiên Chúa chọn để sinh Chúa Giêsu và nuôi dưỡng Người. Khi thực hiện điều đó, Mẹ cũng cộng tác vào ơn cứu độ của tất cả mọi người. Mẹ là người phụ nữ đạo đức và yêu con của Mẹ với tất cả tâm hồn. Khi Chúa Giêsu chịu đau khổ, Mẹ đã đau khổ với Người.

Khi bị treo trên thập giá, Chúa Giêsu đã nói với Gioan, môn đệ của Người: “Đây là Mẹ con” (Ga 19,27). Với câu nói này, Đức Maria đã trở nên Mẹ của tất cả chúng ta. Điều này có nghĩa là tất cả chúng ta đều có thể là môn đệ của Chúa Giêsu. Đức Maria gần gũi mật thiết với Chúa Giêsu trên thiên đàng. Chúng ta có thể xin Mẹ cầu nguyện cho chúng ta, đó là điều Mẹ vui lòng thực hiện.

Vai trò của Đức Maria thật quan trọng và độc nhất cho chúng ta. Mẹ tràn đầy ân sủng, được chúc phúc giữa các phụ nữ và là Mẹ Thiên Chúa.

6. Đức Maria không phải là Thiên Chúa, tại sao tất cả chúng ta thể hiện lòng sùng kính đối với Mẹ?

Đức Maria không phải là Thiên Chúa nhưng là Mẹ của Thiên Chúa (Mẹ của Chúa Giêsu, Đấng là Thiên Chúa). Vì vai trò đặc biệt này chúng ta có thể tôn kính Mẹ. Tôn kính khác với thờ phượng. Việc thờ phượng chỉ dành riêng cho một mình Thiên Chúa. Lòng sùng kính đối với Đức Maria được cắm rễ trong Kinh Thánh. Khi đã mang thai Chúa Giêsu, Mẹ Maria tiên báo: “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” (Lc 1,48).

Kinh Kính Mừng gồm nhiều câu được rút ra từ Kinh Thánh. Tổng lãnh thiên thần Gabriel nói với Mẹ Maria: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (Lc 1,28), và bà Elizabeth, chị họ của Đức Maria, nói: “Em thật có phúc giữa các người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng thật có phúc” (Lc 1,42).

Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Đức Mẹ, như Mẹ của chúng ta. Do đó, chúng ta có thể cầu nguyện với Mẹ, xin Mẹ đặt Ngôi Lời, Con của Mẹ, vào lòng chúng ta.

7. Đức Maria vẫn luôn trinh trắng và không bao giờ phạm tội phải không?

Nói một cách khoa học thì người nữ không thể mang thai nếu không có tinh dịch của người nam hoặc sự can thiệp của con người. Tuy nhiên, Thiên Chúa có khả năng siêu việt trên luật tự nhiên và có thể làm phép lạ.

Đức Maria mang thai do sự tác động trực tiếp của Thiên Chúa, như Kinh Thánh đã tuyên báo (Is 7,14; Mt 1,23) hàng trăm năm trước. Thiên Chúa và tội lỗi đối lập với nhau. Chúa Giêsu là Thiên Chúa và Người sẽ không bao giờ có thể ở lại 9 tháng trong cung lòng của một người tội lỗi. Đức Maria nhận được ân sủng đặc biệt từ Thiên Chúa, ân sủng cho phép Mẹ tinh tuyền suốt đời.

Đức Maria vẫn đồng trinh và không bao giờ phạm tội. Mẹ đã được hiến dâng cho Thiên Chúa trong mọi sự. Đó là lý do tại sao Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác.

8. Các thiên thần có thật sự ở trên thiên đàng không?

Các thiên thần là những ngã vị giống như con người, nhưng không có xác thể. Các thiên thần ở với Thiên Chúa trên thiên đàng. Họ chọn ở với Chúa và phục vụ Thiên Chúa. Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng các thiên thần thường hoạt động như những sứ giả, chẳng hạn như thiên thần Gabriel loan báo sự chào đời của Chúa Giêsu (Lc 1,26) và sự phục sinh của Người về sau (Mt 28,2-6).

Các thiên thần quan sát con người. Bạn cũng có một thiên thần bản mệnh, người được Thiên Chúa chỉ định để cùng đồng hành và chăm sóc bạn (Mt 18,10; Tv 90,11).

Các thiên thần được nói đến nhiều nơi trong Kinh Thánh. Các ngài thờ phượng Chúa trên thiên đàng và mang thông điệp đến cho chúng ta. Các ngài trông nom chúng ta. Bạn cũng có một thiên thần bản mệnh!

9. Kinh Thánh nói gì về các thiên thần sa ngã?

Kinh Thánh nói với chúng ta sự sa ngã của một thiên thần đã gây ra tai hại thế nào. Thiên thần đó trở thành ma quỷ hoặc satan. Vị thiên thần này chọn cách chống lại Thiên Chúa với ý chí tự do của cá nhân họ và khước từ tình yêu Thiên Chúa. Ma quỷ có thể gây ra nhiều tổn hại nhưng nó vẫn là loài thụ tạo. Vì vậy, quyền lực của nó có giới hạn. Nó không thể ngăn cản Nước Chúa trị đến.

Chỉ có Thiên Chúa biết tại sao Ngài cho phép những việc làm xấu xa của ma quỷ tiếp tục xảy ra, và tại sao sự dữ vẫn tồn tại trên thế gian. Tuy nhiên, chúng ta được hứa rằng Thiên Chúa làm mọi sự trở nên tốt đẹp đối với những ai yêu mến Ngài (Rm 8,28).

Các thiên thần được tạo dựng tốt đẹp, nhưng một số thiên thần lạm dụng tự do và chống lại Thiên Chúa. Họ bị loại khỏi thiên đàng và cám dỗ chúng ta sa ngã như họ.

Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets