30/10/2019
815
Cùng Tweet Với Chúa 3


 

 

1. Tại sao Chúa Giêsu chết cho chúng ta?

Thiên Chúa yêu chúng ta bằng một tình yêu bao la. Vì thế Ngài muốn chúng ta được hoàn toàn hạnh phúc và sống với Ngài muôn đời nơi Thiên đàng. Thế nhưng tội lỗi xen vào giữa Thiên Chúa và con người. Vì tội lỗi, cuộc sống chúng ta chỉ còn một khoảng trống rất nhỏ hay không còn khoảng trống nào cho Thiên Chúa. Vì không để cho Thiên Chúa đi vào đời sống, chúng ta phải tự thân vận động và đau khổ một mình. Điều đó khiến chúng ta thật bất hạnh.

Và vì thế, Thiên Chúa đã gửi Đức Giêsu, Con của Ngài, Đấng không hề phạm tội, đến với chúng ta. Chúa Giêsu được sinh ra như một người phàm. Khi Người chết trên Thập giá, tất cả tội lỗi của chúng ta cũng chết đi với Người. Kể từ đó, chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa qua Bí tích Rửa Tội. Giờ đây, chúng ta phải đón nhận sự tha thứ của Thiên Chúa để cùng đồng hành với Ngài.

2. Giao Ước và kế hoạch của Thiên Chúa về ơn cứu độ là gì?

Cựu Ước thuật lại cho chúng ta về dân Israel, dân được Chúa chọn. Thiên Chúa đã thiết lập giao ước với dân này: Nếu họ trung thành với Thiên Chúa thì Thiên Chúa sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Dù dân Israel phá hủy giao ước này bằng hành vi sai trái nhưng Thiên Chúa vẫn tha thứ cho dân Ngài và ban cho họ Mười Điều Răn như một Giao ước mới. Tiếc thay, dân Israel vẫn tiếp tục phạm tội. Dù vậy, Thiên Chúa luôn tha thứ, tha thứ không ngừng, và Ngài luôn thực hiện giao ước mới đó với họ.

Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc mãi mãi. Ngài muốn tẩy xóa tội của ông bà nguyên tổ và của cả con cháu của họ. Đây là kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và con đường Chúa cùng đi với chúng ta được gọi là lịch sử cứu độ. Qua hy tế của Chúa Giêsu trên thập giá, Thiên Chúa đã thiết lập giao ước mới và chung cuộc với con người. Kể từ đó, con người có thể vào Thiên đàng và sống muôn đời với Thiên Chúa.

3. Tại sao Chúa Giêsu đã phải chết đáng sợ đến thế?

Chúa Giêsu đã chết cách đáng sợ, đau đớn và không còn hình dáng con người trên thập giá. Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu đã chịu đau khổ như một phàm nhân và đã trải qua đau đớn và sợ hãi. Qua đau khổ và cái chết, Chúa Giêsu đã chuộc chúng ta lại từ cõi chết và ban ơn tha thứ cho chúng ta khỏi mọi tội lỗi.

Bằng cái chết kinh hãi đó, Chúa Giêsu đã minh chứng cho những gì Người nói nhân Danh Chúa Cha, và Thiên Chúa đã xác nhận điều này nơi sự phục sinh của Chúa Giêsu. Qua đời sống của mình, Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy Người yêu thương con người. Người đã biểu lộ tình yêu này cho chúng ta cách đặc biệt trên thập giá, nơi Người đã mang lấy tất cả tội lỗi của chúng ta trên chính thân thể Người.

4. Chúa Giêsu không phải là người tốt và khôn ngoan sao?

Chúa Giêsu là vừa là Thiên Chúa và vừa là con người. C.S. Lewis, một tác giả vĩ đại, đã nói: “Bạn phải chọn lựa: Giêsu là Con Thiên Chúa, là một người điên hay điều gì đó tồi tệ”.

Một số người đã gọi Chúa Giêsu là kẻ điên rồ hoặc bị quỷ ám, nhưng những người khác nhận ra Người chính là Đấng Cứu Thế mà Thiên Chúa đã hứa cho chúng ta qua mọi thời đại. Người đã làm cho người mù được thấy, người què đi được, kẻ chết sống lại, và Người đã giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi qua cái chết của Người trên thập giá. Điều này chỉ có thể là việc Chúa làm, không phải do bất cứ phàm nhân nào có thể làm được.

5. Chúa Giêsu có anh chị em không?

Kinh Thánh thường nhắc đến anh chị em của Chúa Giêsu. Chúng ta có thể tin thế nào về việc Đức Maria vẫn là một trinh nữ (sau khi sinh Chúa Giêsu) và không sinh thêm đứa con nào nữa? Trong Kinh Thánh, từ “anh chị em” không chỉ được dùng để nói đến những người có cùng cha mẹ (như chúng ta sử dụng ngày nay).

Trong Kinh Thánh, từ “anh em” cũng có thể là anh em họ, cháu trai và chú bác; từ “chị em” cũng có thể là chị em họ, cháu gái và cô dì. Chúa Giêsu gọi tất cả chúng ta là anh chị em. Mối dây liên kết tình thương giữa các Kitô hữu không phải đặt nền tảng trên ràng buộc huyết thống, nhưng là đi theo Chúa Giêsu và trở thành anh chị em của Người.

6. Chúa Thánh Thần là ai?

Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa Ba Ngôi. Ba ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa có mối dây ràng buộc đặc biệt. Chúa Thánh Thần có nhiệm vụ linh hứng, giúp chúng ta học hỏi về Thiên Chúa và khơi nguồn đức tin.

Chúa Thánh Thần cũng linh hứng cho các tác giả Kinh Thánh khi họ viết những sứ điệp của Thiên Chúa. Ngày nay Chúa Thánh Thần cũng giúp chúng ta đọc Kinh Thánh một cách đúng đắn. Chúng ta thấy Ngài được miêu tả cách biểu tượng như hơi thở, khí, bão tố, nước, lửa, ánh sáng, hoặc đám mây. Ngài thường được biểu trưng bằng hình ảnh chim bồ câu xuống trên Chúa Giêsu khi Người chịu phép rửa (Mt 3,16).

7. Chúa Thánh Thần làm những gì? Chúng ta có cần Ngài không?

Chúa Thánh Thần giúp chúng ta sống như một người Kitô hữu tốt lành. Chúng ta nhận sự trợ giúp này cách đặc biệt nơi Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thêm Sức. Lúc đó, chúng ta cũng nhận lãnh nhận món quà Thánh Thần. Tạ ơn Chúa Thánh Thần vì nhờ Ngài, chúng ta có thể tin vào Thiên Chúa và cầu nguyện với Chúa với tất cả tâm hồn (1Cr 12,3; Gal 4,6).

Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần là trung tâm của sự chú ý. Khi đó, chúng ta cử hành việc Đấng Bảo Trợ ngự đến, Đấng mà Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ của Người (Ga 14,16-17). Chúa Thánh Thần có thể trợ giúp chúng ta với những ân ban của Ngài như là ơn Khôn Ngoan, ơn Thông Hiểu. Tuy nhiên sự chọn lựa là tùy ở chúng ta. Chúng ta có tự do để cộng tác với ơn của Ngài. Vì thế Chúa Thánh Thần chỉ có thể trợ giúp khi chúng ta đón nhận sự trợ giúp này và cố gắng tin tưởng vào Ngài.

8. Thiên Chúa vừa duy nhất vừa ba ngôi. Điều đó có hợp lý không?

Thiên Chúa là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Khái niệm Thiên Chúa Ba Ngôi có nghĩa là Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong ba cách khác nhau, gọi là ba ngôi vị, những ngôi vị yêu thương chúng ta rất nhiều.

Mối tương quan yêu thương giữa ba ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi cho thấy bản thể của Thiên Chúa là tình yêu. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ thấu hiểu mầu nhiệm này cách trọn vẹn.

Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets