16/09/2020
590
Cùng Tweet Với Chúa 12_Truyền Thống Và Những Việc Đạo Đức


 





















 

Truyền Thống Và Những Việc Đạo Đức

 

1. Nước thánh được làm phép thế nào? Lời chúc lành được thực hiện ra sao?

Nước thánh là nước được làm phép bởi giám mục, linh mục hoặc phó tế.  Lời chúc lành là lời cầu nguyện chúng ta xin Thiên Chúa hiện diện và chúc lành. Những gì được chúc lành đều được Thiên Chúa thánh hiến, dành riêng, được đọc hoặc được sử dụng trong việc biểu lộ đức tin của chúng ta.

Ngoài các bí tích còn có các á bí tích. Á bí tích thường là những lời cầu nguyện kết hợp với một hành động biểu tượng, chẳng hạn như dấu thánh giá và rảy nước thánh. Nước thánh, lời chúc lành và dấu thánh giá là những nghi thức đi kèm trong các á bí tích.

Lời chúc lành của linh mục làm cho nước hoặc những vật khác nên thánh. Đây là các á bí tích.

 

 

 

 

 

2. Thánh tích là gì?

Thánh tích là một vật hữu hình nhắc nhớ về một vị thánh. Thánh tích thường là những mảnh quần áo hoặc thân thể của vị thánh. Thánh tích không giống như kỉ vật, trang sức, một nhúm tóc hoặc tro cốt của người thân yêu đã qua đời.

Thật ra, việc đến gần và chạm đến thánh tích của một vị thánh có thể củng cố đức tin của chúng ta. Để rồi giống như các vị thánh, chúng ta trở nên hoàn toàn và thực sự hạnh phúc khi luôn cố gắng gần gũi mật thiết với Thiên Chúa và yêu thương những người thân cận.

Thánh tích là những vật hữu hình nhắc nhớ về các vị thánh, giúp bạn nghĩ về các ngài và xin các ngài cầu nguyện cho bạn.

 

 

 

 

3. Tại sao có các cuộc rước kiệu và những chuyến hành hương? Tĩnh tâm là gì?

Giống như những gì Chúa Giêsu đã làm với các môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu cũng mời gọi tất cả con người ngày nay bước theo Người (Mc 1,17). Người hành hương (lữ hành) là người đi du ngoạn với Chúa Giêsu đến vùng đất thánh. Là người hành hương, bạn có hai mục tiêu: (1) lớn lên trong mối tương quan với Chúa và gia tăng kiến thức; (2) tiến bước trên hành trình đi về thiên đàng, điểm đến cuối cùng của bạn.

Việc ca hát và cầu nguyện trong những cuộc rước long trọng nhắc nhở chúng ta về một chân lí: chúng ta là những người lữ hành. Khi đi tĩnh tâm, bạn rời khỏi cuộc sống thường ngày một thời gian để hoàn toàn hướng về Chúa.

Các cuộc rước kiệu và những chuyến hành hương nhắc bạn rằng cuộc sống là hành trình hướng về thiên đàng cùng với Thiên Chúa và tha nhân. Chúng ta tĩnh tâm để ra khỏi cuộc sống thường ngày và cầu nguyện.

 

 

 

 

 

4. Việc trừ tà để xua trừ ma quỷ liệu có thật không?

Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc thấy Chúa Giêsu đã xua trừ thần ô uế và ma quỷ trong một số trường hợp (Lc 4,33-35). Các tông đồ của Người cũng được dạy để xua trừ ma quỷ (Mc 6,7). Sứ mạng chiến đấu với sự dữ của Chúa Giêsu được truyền lại cho những người kế vị các tông đồ là các giám mục và linh mục.

Thừa tác viên trừ quỷ là một linh mục được giám mục bổ nhiệm riêng biệt cho vai trò này. Vị linh mục trừ quỷ chủ yếu nhờ vào lời cầu nguyện và đức tin của ngài để tình yêu Thiên Chúa chiến thắng trên tất cả sự dữ.

Tình trạng bị quỷ ám là rất hiếm thấy nhưng có thật. Nếu đương sự không mắc bệnh tâm sinh lí, thì nhờ lời cầu nguyện, việc trừ tà có thể xua trừ ma quỷ.

 

 

 

 

 

5. Tín đồ Hồi giáo và Do Thái giáo không ăn thịt heo. Các tín hữu Công giáo thì thế nào?

Cựu ước khẳng định heo là vật ô uế, và vì thế, không nên ăn thịt heo (Lv 11,7). Tuy nhiên, Chúa Giêsu nói người Kitô hữu có thể ăn tất cả mọi thứ (Mc 7,18-19), nhưng nên tránh thói ham mê ăn uống. Cũng có những ngày ăn kiêng, ngày mà người Công giáo kiêng ăn thịt động vật, chẳng hạn như vào ngày thứ Tư lễ Tro và thứ Sáu tuần Thánh.

Để ý thức sống với Chúa, sẽ hữu ích cho bản thân khi có vài lần ăn uống ít hơn bình thường. Việc này được gọi là giữ chay. Chúng ta giữ chay 40 ngày trước lễ Phục sinh. Khi giữ chay, chúng ta tự nhủ với bản thân và cho mọi người biết rằng tình yêu Thiên Chúa là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, chứ không phải đồ ăn thức uống.

Bằng việc ăn chay kiêng thịt ngày thứ Sáu tuần Thánh, chúng ta hiệp nhất chính mình với hy tế của Chúa Giêsu và dành chỗ trong cuộc sống của mình cho Thiên Chúa.

 Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets