26/06/2021
1267
Đừng nản chí­_ Chủng viện Thánh Gioan XXIII biên dịch


 

















 

 

Đừng nản chí

Chika Anyanwu

Khi bạn không đủ tiêu chuẩn so với đặc ân làm Kitô hữu, đừng nản chí bởi vì sự nản chí là hình thức của tính tự phụ. Lí do bạn buồn chán là vì bạn đã nhìn vào bản thân chứ không nhìn vào Thiên Chúa; nhìn vào khuyết điểm của bạn, không nhìn vào tình yêu của Ngài... Thiên Chúa luôn phù hộ bạn... Thiên Chúa khoan dung hơn bạn bởi vì Ngài hết sức tốt lành và, vì thế yêu bạn hơn nữa.

 

-Đấng Đáng Kính Fulton Sheen
Preface to Religion (New York: P.J. Kenedy and Sons, 1946), 126.

Vào cuối tháng Ba năm 2020, tôi đã cầm lấy cây đàn guitar của mình lần đầu tiên sau nhiều tháng, mở cuốn sách nhạc tới một bài ca ngợi hợp âm Sol cho dễ đàn, và trình diễn buổi hòa nhạc đời mình trong phòng ngủ. Nhưng chỉ ba phút, những ngón tay chưa đủ chai sạn của tôi đã nhoi nhói do những dây đàn bằng thép hằn vào da. Mặc dù tôi tưởng tượng mình ca ngợi cùng với các thiên thần và các thánh trước một Thính Giả duy nhất, tôi chỉ biết năm hợp âm, chỉ mới học một kiểu gảy đàn nhưng lại không phù hợp cho bài hát; cũng như không thể chơi đàn và hát cùng một lúc. Tôi đặt cây guitar sang một bên và bắt đầu bĩu môi trước mấy ngón tay đau buốt của mình. Điều duy nhất tôi muốn làmca tụng Chúa và giỏi việc này, giống như mọi người khác học được tài năng mới một cách thật dễ dàng trong thời gian cách li. Nhưng tôi đã trông đợi điều gì? Tôi đã không đụng đến cây đàn hơn chín tháng qua, và trước đó, tôi hiếm khi bền bỉ luyện tập.

Đây là câu chuyện về cuộc đời của tôi, và có lẽ bạn có thể liên quan đến nó. Bạn chỉ muốn thành thạo một sự gì đó ngay từ đầu. Bạn không muốn được nó mà không phải vất vả hay khó khăn nhưng được một cách tự nhiên mà không phải gặp nhiều căng thẳng.

Giống như việc đến phòng gym chỉ một lần và sau đó nhìn vào gương chờ đợi những kết quả ấn tượng, bạn có thể đã tham dự một hội nghị hoặc một cuộc tĩnh tâm -trước thời COVID- và đã có một cuộc gặp gỡ Chúa khiến cho đời sống thay đổi, và sau đó mong đợi sự bình an và niềm vui thấm nhập đời sống của bạn một cách tự động và lâu dài, và không cần nổ lực cho tương lai. Thậm chí bạn có thể ngạc nhiên khi các cám dỗ nảy sinh, và sốc hơn khi bạn chịu thua những cám dỗ đó. Và bây giờ phát sinh một đại dịch, một sự hoang mang về chủng tộc và dân sự ngày càng tăng, và nền kinh tế bất ổn. Bình an và niềm vui có lẽ đã được thay thế bằng lo lắng và giận dữ.

Bạn đã nói “xin vâng” với Chúa Giêsu và đời sống Kitô hữu, nhưng thể hiện nó sao khó thế?

Giống như bất kì tương quan đáng chú ý nào, chúng ta muốn tương quan của chúng ta với Chúa bắt đầu bền vững và mãi bền vững. Hầu hết anh chị em thánh thiện của chúng ta như thánh Anne-Marie Javouhey, Đấng Đáng Kính Matt Talbot,chân phước Cyprian Michael Iwene Tansi, có thể chứng thật rằng việc làm môn đệ là một sự lựa chọn không ngừng cải thiện đời sống của chúng ta bằng cầu nguyện và luyện tập.

Những lời đầu tiên của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Marcô kêu gọi chúng ta sống một cuộc đời khác biệt rõ rệt với cuộc đời của những người không muốn tin. “Thời kì đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần; hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Khi mời gọi chúng ta sám hối, Chúa Giêsu không chỉ kêu gọi chúng ta thay đổi các thói quen và thái độ xấu. Ngài mời gọi chúng ta hoán cải (metanoia) đó là gặp gỡ Ngài khiến ta từ bỏ tội lỗi và thay đổi tâm hồn cách sâu xa. Hoặc như thánh giáo hoàng Phaolô VI trình bày trong tông hiến Paenitemini: “Sự thay đổi và canh tân toàn bộ con người cách hoàn toàn thâm sâugồm mọi ý kiến, phán đoán và quyết định của người ấy - diễn ra nơi người ấy trong ánh sáng thánh thiêng yêu thương của Thiên Chúa” (Pope Paul VI, Paenitemini, ch. 1, Vatican website, February 17, 1966).

Đời sống với Chúa Kitô sẽ biến đổi chúng ta từ trong ra ngoài, nhưng nhân tính của chúng ta thường làm chúng ta thất bại, chúng ta bị bỏ mặc tuỳ theo sự dao động của lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng của mình. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cho biết về “cuộc chiến đấu để hoán cải”: Mặc dù chúng ta được rửa sạch tội tổ tông nhờ nước Bí tích Rửa tội, nhưng sự hướng chiều theo tội lỗi mà truyền thống gọi là dục vọng - vẫn tồn tại nơi chúng ta (x. số 1426). Chúng ta có thể liên hệ đến cuộc chiến thiêng liêng của thánh Phaolô khi ngài nói: “Điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,15). Tội lỗi và sự tự mãn quyến rũ chúng ta ra khỏi ánh sáng và lôi kéo chúng ta vào bóng tối để, ngay khi bên ngoài chúng ta có vẻ là môn đệ gắn bó với Chúa Giêsu, chúng ta thực sự đang đổ rượu mới vào bầu da cũ. Sự thay đổi toàn bộ đời sống là một quá trình trong đó chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình. Thật không dễ chút nào, nhưng tình yêu chúng ta ban tặng và lãnh nhận không phải là của chúng ta; đúng hơn, đó là tình yêu của Chúa Cha ở trong chúng ta khiến chúng ta có khả năng làm những điều mà chúng ta không thể tự mình làm được.

Và tình yêu của Ngài đòi chúng ta đáp trả bằng sự khiêm nhường thẳm sâu để cùng với Đấng Cứu Độ của mình thưa với Chúa Cha: “Xin đừng cho ý con, nhưng là ý Cha được thể hiện” (Lc 22,42). Mỗi ngày chúng ta được mời gọi sống một cách có ý thức trong đó chúng ta hành động theo ân sủng của Thiên Chúa để “cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa... [và] mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22.24). Chúng ta thực hiện điều này như thế nào? Bằng cầu nguyện và luyện tập.

Mặc dù tôi muốn làm một tay guitar và đánh các bài ca ngợi, tôi không làm được nếu tôi không thạo nhạc cụ của mình hoặc cách chơi nó. Tôi phải dành thời gian tìm hiểu và luyện tập. Cũng vậy, để sống cuộc đời người môn đệ, chúng ta cần dành thời gian tìm hiểu Chúa Giêsu và luyện tập nhân đức để thể hiện tương quan của chúng ta với Ngàivới người khác.

Chúng ta bắt đầu bằng cầu nguyện. Cầu nguyện không phức tạp như chúng ta nghĩ, và hoàn toàn giống đi đến phòng gym, thông thường phần khó nhất là có mặt. Chúng ta nghĩ quá nhiều là sẽ thế này thế nọ, và chuyện sẽ thế nào nếu chúng ta chấm dứt. Chúa Giêsu muốn chúng ta gặp gỡ và ở với Ngài để lắng nghe, trò chuyện, nhận lãnh ân sủng và dâng lời ca tụng, được yêu và biết yêu. Thật là một cuộc trao đổi tuyệt vời!

Thế nào là cầu nguyện? Thiên Chúa có tính sáng tạo và thời gian chúng ta ở với Ngài không cần phải ngày nào cũng như nhau. Hãy ngụp lặn trong vô vàn cơ hội Thiên Chúa đã ban cho chúng ta như tham dự Thánh lễ, đọc Kinh Thánh, nghe nhạc, lần chuỗi Mân côi, xét mình theo thánh Inhaxiô, dành thời gian trong thinh lặng, chiêm ngắm thiên nhiên... Hãy dành một thời gian cụ thể ba mươi phút mỗi ngày với Chúa, và nếu bạn dành nhiều thời gian hơn thì tốt! Nếu dành ít hơn cũng tốt! Cứ làm như vậy!

Chúng ta càng dành nhiều thời gian với Chúa Giêsu, chúng ta càng muốn nên giống Ngài và luyện tập nhân đức. Nhân đức là một thói quen có được do ước muốn làm điều tốt. Cho dù đónhân đức tin, cậy, mến, khôn ngoan, công bằng, tiết độ, hay dũng cảm chịu đựng, nhân đức “khiến nhân vị không những thực hiện những hành vi tốt, mà còn cống hiến những điều tốt nhất của bản thân mình. Người nhân đức hướng về điều thiện với tất cả sức mạnh giác quan và tinh thần của mình; họ theo đuổi và lựa chọn điều thiện bằng những hành động cụ thể của mình (GLHTCG 1803). Khi chúng ta thấy mình tiến bộ về nhân đức, đó là dấu hiệu tốt cho thấy chúng ta đang trưởng thành trong đời sống thiêng liêng và sự trưởng thành đó là thành quả của việc cầu nguyện bền bỉ và cam kết hoán cải.

Kì diệu thay vì hết ơn này lại đến ơn khác. Từ ơn hoán cải, chúng ta có được lòng ao ước yêu mến Chúa cách thân thiết. Rồi chúng ta hành động dựa trên tình yêu đó bằng cách luyện tập nhân đức. “Luyện tập làm cho hoàn hảo” là một lời nói sáo rỗng sai lầm, nhưng “luyện tập xây dựng nhân đức” thì đúng. Đừng nản chí khi gặp thất bại, sai lầm, tội lỗi, hay thiếu sót. Thiên Chúa của mọi loài vẫn yêu thương bạn.

Chika Anyanwu là người rao giảng Tin Mừng Công giáo ở Nam California và là tác giả cuốn My Encounter: How I met Jesus in Prayer. Quý vị có thể liên lạc với bà tại www.chika.church.

Trích từ ebook Catholicism after Coronavirus, A Post-COVID Guide for Catholics and Parishes (Đạo Công giáo sau thời Coronavirus, Hướng dẫn dành cho người Công giáo và các giáo xứ thời hậu Covid) của Word on Fire, trang 27-33.

Biên dịch: Chủng viện thánh Gioan XXIII

Gp. Mỹ Tho