07/07/2020
861
Cùng Tweet Với Chúa 11_Hình Thức Cầu Nguyện


 



















 

Hình Thức Cầu Nguyện

 

1. Làm thế nào để tôi có thể cầu nguyện với một đoạn Kinh Thánh?

Kinh Thánh chứa đựng những lời mà Thiên Chúa muốn nói với bạn. Cầu nguyện với một đoạn Kinh Thánh sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu được luyện tập thường xuyên. Bạn sẽ không chỉ lớn lên trong đức tin bằng việc cầu nguyện với những đoạn Kinh Thánh mà bạn thích hoặc có liên hệ tới mình, nhưng còn với những đoạn bạn cảm thấy khó hiểu.

Thường xuyên sử dụng những đoạn Tân ước trong lúc cầu nguyện là rất tốt. Điều đó giúp bạn lớn lên trong mối tương quan giữa bạn với Chúa Giêsu. Hãy thử nhập vai vào bên trong câu chuyện, tưởng tượng chuyện gì đã xảy ra và hiểu biết Chúa Giêsu hơn bằng cách tham dự vào những đoạn Kinh Thánh đó.

Hãy dành thời gian cầu nguyện, đọc một đoạn Kinh Thánh và để đoạn Kinh Thánh nói với bạn. Sau đó hãy nói với Chúa Giêsu về những gì xuất hiện trong tâm trí của bạn.

 

2. Chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Con, hay Chúa Thánh Thần? Hoặc với Mẹ Maria và các thánh?

Lúc nào chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng luôn hợp nhất với nhau. Tuy nhiên, Ba Ngôi cũng biểu lộ nơi từng ngôi vị những nét riêng biệt. Khi chúng ta ngỏ lời cầu nguyện dâng lên Chúa Cha, chúng ta liên kết với lời cầu nguyện liên lỉ của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha.

Chúng ta cũng có thể cầu nguyện với Chúa Giêsu hoặc Chúa Thánh Thần, như cầu xin ơn khôn ngoan và ơn soi sáng. Trong khi chúng ta cầu nguyện trên mặt đất, các thánh và các thiên thần cũng đang cầu nguyện liên lỉ trên thiên đàng. Vì thế, bạn có thể cầu xin các thiên thần khẩn cầu cùng Chúa cho chúng ta, khi các ngài đang ở gần Chúa trên thiên đàng.

Bạn có thể cầu nguyện với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần vì Ba Ngôi là một Thiên Chúa. Bạn cũng có thể xin Đức Maria, các thánh và các thiên thần chuyển cầu cho bạn.

 

3. Tại sao chúng ta lặp lại những lời cầu nguyện giống nhau?

Chúng ta thường cầu nguyện bằng cách lặp lại những lời nguyện có sẵn. Những lời đó được gọi là khẩu nguyện hoặc những lời nguyện chính thức. Điều này xem ra khá nhàm chán. Nhưng cầu nguyện không giống như việc ngân nga những từ ngữ giống nhau.

Cầu nguyện là điều bạn thực hiện với tất cả con tim. Sức mạnh của lời khẩu nguyện được nhận thấy ở việc lặp lại. Vì chúng ta đã biết những lời đó rồi, chúng ta có thể hoàn toàn ở với Chúa Giêsu trong tâm hồn và tâm trí của mình khi cầu nguyện.

Khẩu nguyện giúp bạn cầu nguyện với tất cả tâm hồn, cho bạn lời cầu khi bạn không biết phải nói gì và tạo nên sức mạnh bằng việc lặp lại.

 

4. Kinh Lạy Cha là gì?

Bằng cách gọi Thiên Chúa là Cha (Mt 6,9-13), bạn biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên chúng ta và là Cha của chúng ta. Chúng ta cầu nguyện cho Nước Chúa trị đến và có thể đã nhận ra dấu chỉ của Nước Thiên Chúa trong mọi sự tốt đẹp mà chúng ta trải nghiệm.

Trong khi đọc “Ý Cha thể hiện”, bạn xin cho ý của bạn phù hợp với Thánh Ý Thiên Chúa. Cuối cùng, chỉ khi làm theo Thánh Ý Thiên Chúa bạn mới có thể hạnh phúc thực sự.

Chúa Giêsu ban cho chúng ta kinh Lạy Cha, lời kinh tôn vinh Thiên Chúa, kêu xin những gì chúng ta cần và lời hứa ban ơn tha thứ, cùng xin Chúa bảo vệ chúng ta.

 

5. Tôi lần chuỗi Mân côi như thế nào?

Bạn có thể luôn mang một tràng hạt Mân côi bên mình. Tràng hạt Mân côi là chuỗi hạt gồm có 5 bộ, mỗi bộ 10 hạt. Sau khi đọc 1 kinh Lạy Cha, chúng ta đọc 10 kinh Kính Mừng.

Khi lần chuỗi, chúng ta hồi tưởng lại các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Những sự kiện này được gọi là “các mầu nhiệm Mân côi”. Chuỗi Mân côi như một vòng hoa hồng của những lời cầu nguyện chúng ta dâng tiến lên Đức Mẹ, và xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta.

Khi lần chuỗi, bạn cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha hoặc kinh Kính Mừng nơi mỗi hạt, suy ngẫm về đời sống của Chúa Giêsu và Đức Maria, và ở cùng các ngài.

 

6. Giờ kinh phụng vụ là gì?

Giờ kinh phụng vụ là những lời cầu nguyện được sắp xếp để dâng lên Chúa trong những khoảng thời gian đặc biệt của ngày sống, nhất là nơi các tu viện. Người Do Thái cầu nguyện vào lúc bình minh và hoàng hôn. Với những thời khắc cầu nguyện này, các Kitô hữu thêm vào thời gian cầu nguyện trong ngày.

Giờ kinh phụng vụ là cách tốt đẹp để dâng trọn ngày sống lên Chúa. Bạn có thể đọc kinh phụng vụ cùng với người khác hoặc đọc một mình: trên tất cả, Thiên Chúa luôn hiện diện ở đó với bạn.

Giờ kinh phụng vụ mang Chúa vào ngày sống bằng việc đọc Thánh vịnh trong những giờ cố định. Linh mục, tu sĩ và cả bạn cũng có thể cầu nguyện bằng giờ kinh phụng vụ.

 

7. Tôi làm gì trong lúc chầu Thánh Thể?

Trong suốt thời gian suy tôn, Thánh Thể, thân thể Chúa Giêsu được đặt trong mặt nhật cách xứng hợp. Vì thế, Chúa Giêsu trở nên hữu hình cho chúng ta tôn thờ.

Bạn không phải làm gì nhiều trong lúc thờ phượng Chúa. Sức mạnh thực sự của việc tôn thờ hệ tại ở việc không làm gì cả trong lúc này. Trong thinh lặng, bạn có thể suy niệm sâu sắc về Chúa Giêsu với tất cả tâm hồn. Khi ở với Chúa Giêsu như thế này, chúng ta thấy mình không thể sống thiếu Người.

Chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu nơi Thánh Thể bằng cách ở với Người trong thinh lặng. Người nhìn bạn và bạn nhìn Người. Bạn có thể kể mọi sự với Người.

 Nhóm dịch Gioan XXIII

Nguồn: tweetingwithgod.com/en/tweets