15/04/2022
1787
Dòng MTG Mỹ Tho: Đức Cha chủ sự nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa









 






Têrêsa Mai An

MTG Mỹ Tho

(WGPMT) Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội Công giáo cùng nhau tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa, cùng đi vào mầu nhiệm Thập Giá, mầu nhiệm của tình yêu tự hiến, nơi đó Chúa Giêsu là của lễ duy nhất dâng lên Chúa Cha, một hy lễ mang lại ơn cứu độ. Chính trong ý nghĩa đó, Đức Cha Phêrô đã long trọng cử hành nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa tại nguyện đường Hội dòng MTG Mỹ Tho. Tham dự nghi thức có quý Dì tại cộng đoàn Nhà Mẹ, và một số giáo dân thuộc Giáo xứ Tân An.

Trước khi cử hành nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Chúa, lúc 16g00, 15.04.2022, quý Dì và cộng đoàn đi Đàng Thánh Giá trọng thể. Qua từng chặng Thương Khó Chúa giúp mỗi người xác tín hơn về tình yêu của Chúa, về ơn gọi của mình để rồi “Con xin được chọn thánh giá là đường đời con đi. Con xin được chọn thánh giá dù đường đầy khổ nguy. Con xin được chọn thánh giá là đường đời con đi. Xin Chúa giữ gìn, hướng dẫn vì đường đầy khổ nguy…”







 

Nghi thức tưởng niệm Cuộc Thương Khó Chúa do Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm - Giám mục Giáo phận - cử hành lúc 17g00. Nghi thức gồm có 3 phần: Phụng vụ Lời Chúa, Kính thờ Thánh Giá, và Hiệp lễ.



 

Phụng vụ Lời Chúa

Trong sự thinh lặng, bàn thờ không hoa nến, Đức Cha cùng cha Phêrô Trương Ngọc Đức tiến ra quỳ trước cung thánh trong vài phút. Sau đó, ngài đến bàn thờ và đọc lời nguyện nhập lễ. Tiếp đến là các bài đọc và Bài Thương Khó theo thánh Gioan.
















Giảng trong thánh lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn nhìn vào hình ảnh của Phêrô qua bài Thương Khó: Phêrô là người chân thành nhưng ông không tự lượng sức mình, nên khi lâm trận, ông đã sa ngã. Ông rất chân thành, tin yêu Chúa thực sự khi ông rút gươm chém đứt tai người đầy tớ. Nhưng liền đó, ông lại chối Chúa trước mặt tớ gái trong sân dinh Philatô.

Qua hình ảnh của Phêrô như thế, Đức Cha nhắn nhủ Quý Dì: Quý Dì có giống Phêrô không? Quý Dì là những người thánh hiến, thuộc về Chúa, trao phó trọn vẹn cuộc đời trong tay Chúa thể hiện rõ nét trong ngày tuyên khấn. Nhưng thực tế, nhìn vào đời sống tu, quý Dì không đến nỗi chối Chúa, nhưng nhiều khi vì một lý do không chính đáng, làm cho quý Dì không trung thành với Chúa, đó là quên cầu nguyện. Ngài diễn tả tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện như bình nước đun sôi, nó nóng lên từ từ, và nguội từ từ. Đời sống cầu nguyện cũng thế, nếu chúng ta không có cơ hội, thời gian, không biết hâm nóng thường xuyên, thì đời sống nội tâm của chúng ta sẽ lạnh nhạt.

Với người giáo dân, là những người Công giáo, Đức Cha nói: chúng ta có cùng chung một kinh nghiệm sống đức tin, mình nghĩ mình sẽ vững, nhưng chúng ta sẽ sa ngã, dễ dàng đánh mất căn tính của người Kitô hữu. Vì thế, bài thương khó giúp chúng ta không những suy niệm về Cuộc Khổ Nạn của Chúa, mà còn là dịp chúng ta nhìn lại chính mình: tôi có mặt ở đâu trong Cuộc Thương Khó Chúa, để chúng ta sống đời Kitô hữu mỗi ngày tốt đẹp hơn.








Sau bài giảng, cộng đoàn cùng hiệp ý với chủ tế dâng lên Chúa 10 lời nguyện, để cầu cho mọi thành phần dân Chúa, cũng như những người ngoài Kitô giáo, những người đau khổ; đặc biệt Đức Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho hòa bình tại Ucraina.


Kính thờ Thánh Giá

 







Thánh Giá được Cha Phêrô rước từ cuối nhà nguyện lên cung thánh, và lần lượt xướng lên 3 lần: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”. Sau mỗi lần đáp, cộng đoàn quỳ gối và tôn kính thánh giá Chúa.





Hiệp lễ

Cuối cùng là phần hiệp lễ, và nghi thức kết thúc. Mọi người thinh lặng ra về.