14/08/2023
86517
Đạo và đời - Đức Cha Phêrô












 







ĐẠO VÀ ĐỜI                 

      

Cách đây không lâu, trang phys.org đăng một bản tin khá thú vị: Catholic Church can reduce carbon emissions by returning to meat-free Fridays, 31/10/2022. Trang yahoo.com đã đăng lại bản tin này để phổ biến rộng rãi hơn: “Giáo hội Công giáo Anh quốc đã quay lại với truyền thống kiêng thịt các ngày thứ Sáu, và việc này đã đem lại những tác động tích cực trên môi trường sinh thái”.

Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Gp. Mỹ Tho hành hương Thứ Sáu đầu tháng

Đầu đuôi câu chuyện là từ tháng 9 năm 2011, các giám mục Anh quốc và xứ Wales kêu gọi người Công giáo lấy lại truyền thống đã có từ lâu đời là kiêng thịt ngày thứ Sáu trong tuần. Thế rồi sau 10 năm áp dụng, một nghiên cứu mới đây của đại học Cambridge và các cộng tác viên chỉ cho thấy:

- Khoảng 28% người Công giáo đã hưởng ứng lời kêu gọi của các giám mục, trong đó 55% ăn ít thịt hơn và thay vào đó là ăn cá, còn 41% là hoàn toàn kiêng thịt.

- Bằng việc kiêng thịt mỗi tuần một lần như thế, người Công giáo tại Vương quốc Anh – chiếm khoảng 10% dân số - đã làm giảm bớt hơn 55,000 tấn carbon gây ô nhiễm mỗi năm.

Trước kết quả đó, giáo sư Shaun Larcom, tác giả chính của nghiên cứu trên, phát biểu: “Giáo hội Công giáo với hơn 1 tỉ tín hữu trên khắp thế giới đã làm rất tốt trong việc làm giảm đi sự biến đổi khí hậu. Đức giáo hoàng Phanxicô đã nhấn mạnh mệnh lệnh đạo đức là phải hành động chống lại sự biến đổi khí hậu, và vai trò quan trọng của xã hội dân sự trong việc thay đổi lối sống”.

Nghiên cứu còn cho biết thêm nếu người Công giáo tại Hoa Kỳ cũng quay lại với truyền thống kiêng thịt ngày Thứ Sáu như thế, thì tác động trên môi trường sẽ lớn gấp 20 lần những gì diễn ra tại Vương quốc Anh. Cũng giáo sư Larcom giải thích thêm: “Chăn nuôi để lấy thịt là một trong những nhân tố chính tạo nên phát thải khí nhà kính. Nếu Giáo hoàng lấy lại quy định mọi người Công giáo phải kiêng thịt ngày thứ Sáu, cho dù chỉ một số ít người Công giáo tuân theo, thì đó cũng sẽ là một nguồn lớn trong việc giảm phát thải”.

Những thông tin trên là kết quả nghiên cứu khoa học, nêu cao giá trị tích cực của việc thực hành tôn giáo trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Phải chăng Giáo hội đã có ý thức về môi trường như thế ngay từ lúc thiết lập việc kiêng thịt mỗi ngày thứ sáu? Có lẽ không, mục đích chính của luật kiêng thịt là để đào tạo con người tâm linh, giúp các tín hữu “làm chủ bản năng, đạt tới sự tự do của trái tim” (SGLHTCG 2043).

Mục đích chính là về thiêng liêng, tuy nhiên việc đạo đức ấy cũng mang lại những tác động tích cực trong đời sống xã hội. Nếu xã hội có nhiều người biết làm chủ bản năng, không dễ dàng chiều theo những đòi hỏi của bản năng, và không nô lệ cho những đam mê tội lỗi… thì xã hội lành mạnh biết bao!

Người ta thường lên án các lề luật trong Giáo hội Công giáo là cổ hủ, lỗi thời, phản khoa học… Bây giờ vì thấy rõ mối nguy hiểm của sự ô nhiễm môi trường sinh thái, người ta mới thấy tác động tích cực của việc đạo đức trên môi trường sống. Nhưng Giáo hội Công giáo không chỉ có lời khuyên kiêng thịt ngày thứ Sáu mà còn nhiều điều răn khác nữa. Đến bao giờ người ta mới thấy tác động tốt đẹp của những điều răn ấy trong đời sống con người, không chỉ trên mỗi cá nhân nhưng còn trong cả cộng đồng xã hội?

 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm