20/03/2023
31700
Thánh Giuse và nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa - Đức Cha Phêrô














 


 

THÁNH GIUSE VÀ NHIỆM VỤ RAO GIẢNG LỜI CHÚA

Lễ Thánh Giuse năm nay, tôi có dịp đến thăm Dòng Tên và phong chức Phó tế cho một số anh em. Trong nghi thức phong chức Phó tế, sau khi đọc lời nguyện phong chức, còn có phần Nghi thức diễn nghĩa. Giám mục chủ sự trao sách Phúc Âm cho từng Phó tế và nói: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm của Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con hãy biết là phải tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy”. Một trong những nhiệm vụ chính của Phó tế là giảng Lời Chúa trong cử hành phụng vụ. Các thầy nhận chức Phó tế vào lễ Thánh Giuse là cơ hội để chúng ta chiêm ngắm ngài như khuôn mẫu cho nhiệm vụ giảng Lời Chúa.

Thế nhưng Thánh Giuse không để lại bài giảng nào cả! Chúng ta có rất nhiều bài giảng của các thánh tiến sĩ trong Hội Thánh, nhưng không có bài giảng nào của thánh Giuse. Không những bài giảng mà kể cả một câu nói của thánh Giuse cũng không. Vậy ta có thể học được điều gì từ thánh Giuse cho việc rao giảng Lời Chúa?

Khi  nói về thánh Giuse, các bản văn Kinh Thánh toàn dùng những động từ chỉ hành động chứ không về lời nói: “Khi tỉnh dậy, ông Giuse làm như sứ thần dạy” (Mt 1,24); “Ông Giuse chỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập” (Mt 2,14); “Ông liền chỗi dậy đưa Hài Nhi và đưa Mẹ Người về đất Israel” (2,21).

Đây chính là bài học lớn cho chúng ta: giảng bằng hành động hơn lời nói. Theo phân tích của ngành truyền thông, ngôn ngữ là phương tiện kết nối, giao tiếp giữa người với người. Có ngôn ngữ bằng lời và ngôn ngữ không lời, và ngôn ngữ không lời chiếm 70% (ánh mắt, diễn tả trên khuôn mặt, cử chỉ, hành động). Cũng thế, giảng Lời Chúa không chỉ là giảng bằng lời nói mà còn bằng ngôn ngữ không lời, và ngôn ngữ không lời chiếm tỉ lệ lớn hơn, đến 70%. Ngôn ngữ không lời ấy là cuộc sống và những hành động trong cuộc sống người giảng. Nếu cuộc sống của người giảng thể hiện những gì người ấy nói thì hiệu quả thật tốt đẹp, ngược lại nếu có sự bất nhất giữa lời nói và cuộc sống thì quả là thảm họa như Chúa Giêsu lên án các kinh sư và người Pharisêu ngày xưa: “Họ nói mà không làm”. Cũng vì thế Hội Thánh khuyên các Phó tế trong nhiệm vụ giảng Lời Chúa: “Hãy tin điều con đọc, hãy dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy”.

Chiêm ngắm thánh Giuse còn là cơ hội để chúng ta ý thức hơn về tầm quan trọng của thinh lặng nội tâm khi thi hành nhiệm vụ giảng Lời Chúa. Một tác giả về linh đạo viết: “Chúng ta đang sống trong thời đại của ngôn từ. Chúng ta bị chôn vùi, bị ngạt thở, bị tràn ngập vì ngôn từ từ mọi phía. Và những ngôn từ ấy thường ít gây ấn tượng nơi chúng ta vì nhiều quá và lại hời hợt. Nó không phát sinh từ thinh lặng nhưng từ sự bận rộn. Thomas Merton đã từng cảnh giác: “Nếu đời ta cứ tuôn ra toàn những lời vô ích, thì sẽ chẳng bao giờ ta nghe được bất cứ cái gì, chẳng bao giờ ta trở thành bất cứ cái gì, và cuối cùng, vì ta toàn nói trước khi có cái gì để nói, ta sẽ trở thành người không biết nói”.

Nếu chúng ta cứ toàn nói trước khi có cái gì để nói, ta sẽ trở thành người không biết nói. Nhưng để có cái gì để nói, cần phải lắng nghe. Lắng nghe tiếng Chúa nhiều khi thì thầm như làn gió nhẹ chứ không phải giữa tiếng ồn ào của cơn động đất. Lắng nghe tiếng khóc của con người ẩn dưới những niềm vui ồn ào bên ngoài; lắng nghe nỗi chán nản buồn phiền ẩn dưới những tiếng cười xã giao nhạt nhẽo; lắng nghe nỗi hoang mang sợ hãi ẩn dưới những thành công bên ngoài.

Để có thể lắng nghe như thế, cần trở về với thinh lặng nội tâm, và khi ấy, những lời nói của chúng ta sẽ là những lời từ trái tim và hi vọng có thể chạm đến trái tim người khác. Đây chính là lý do giải thích tại sao có những tu sĩ sống cô tịch trong đan viện nhưng lời của họ lại gây tác động sâu xa nơi người nghe:

“Thomas Merton đã nói khởi đi từ thinh lặng nội tâm, và niềm thinh lặng ấy tặng ban sức mạnh cho những gì ông nói. Sự thu hút của Merton là ở chỗ lời của ông phát sinh từ thinh lặng mà ông đã hoàn thành trong đời mình. Lời của ông là những lời sâu sắc vì lời ấy đến từ chiều sâu tâm hồn ông, chiều sâu kinh nghiệm của ông về Đấng Thánh, Đấng vừa là Lời vừa là thinh lặng. Lời của ông là lời nâng đỡ cho nhiều người vì trong sự cô tịch của đời sống đan viện, ông đã học lắng nghe lời vô ngôn của Thiên Chúa. Ông có một cái gì để nói vì ông đã lắng nghe. Ông đã nghe được vì ông chọn thinh lặng” (William Shannon).

 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm