06/02/2023
2037
Câu chuyện đầu tuần_Mahatma Gandhi và Bài Giảng Trên Núi Của Chúa Giêsu - Đức Cha Phêrô















 


MAHATMA GANDHI

&

BÀI GIẢNG TRÊN NÚI CỦA CHÚA GIÊSU



 

Mahatma Gandhi

 

Trong những Chúa nhật từ sau Tết Quý Mão đến Mùa Chay (CN IV – VII thường niên), Hội Thánh mời các tín hữu lắng nghe và suy niệm Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu (Mt 5-7). Mahatma Gandhi không phải là Kitô hữu nhưng ông rất yêu mến và quý trọng Bài giảng trên núi của Chúa. Xin ghi lại đôi nét về những suy nghĩ và tâm tình ông dành cho Bài giảng quan trọng này, rất đáng cho người Công giáo quan tâm.

Gandhi đã có cơ hội làm quen với Kinh Thánh của Kitô giáo khi còn học ở Luân Đôn, Anh Quốc. Một người bạn đã tặng ông quyển Kinh Thánh và ông hứa sẽ đọc. Ông đã giữ lời hứa, đọc trọn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước, cách riêng là Tân Ước, và ông vẫn tiếp tục đọc suốt cả đời. Trong Kinh Thánh Tân Ước, ông đặc biệt quý trọng Tin Mừng theo thánh Matthêu vì sách Tin Mừng này ghi lại Bài giảng trên núi của Chúa Giêsu cách hệ thống, bài giảng mà ông mô tả là “khiến tôi vô cùng sung sướng, mang lại cho tôi sự nâng đỡ và niềm vui tràn ngập”.

Đọc Bài giảng trên núi, Gandhi xem Chúa Giêsu như “người gieo mầm cho triết lý bất bạo động” của ông sau này: “Khi tôi đọc trong Bài giảng trên núi những câu như ‘Đừng chống cự người ác, trái lại nếu ai bị vả má bên phải thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa’; hoặc ‘Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những người ngược đãi anh em, để anh em được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời’, tôi hết sức vui mừng và thấy suy nghĩ của tôi được củng cố hơn ở nơi tôi ít mong đợi nhất”.

Gandhi trực tiếp đọc Kinh Thánh và hiểu Kinh Thánh theo cách của ông. Ông không đồng ý với cách giải thích của một số Kitô hữu về Bài giảng trên núi. Chẳng hạn ông không chấp nhận ý kiến cho rằng Bài giảng này là bất khả thực hiện, chỉ trình bày một lý tưởng xa vời và thiếu thực tế; hoặc ý kiến khác lập luận rằng Bài giảng này chỉ dành cho một thiểu số ưu tuyển là các môn đệ thân tín của Chúa chứ không dành cho tất cả mọi người. Gandhi không nghĩ như thế vì theo ông, “Bài giảng trên núi sẽ không có ý nghĩa nếu không được đem ra ứng dụng trong cuộc sống thường ngày…Giáo huấn của Bài giảng có giá trị cho từng người và cho tất cả chúng ta”. Trong thực tế, Gandhi đã quyết định áp dụng giáo huấn của Chúa Kitô để vượt qua cái ác bằng cái thiện và đã đem lại kết quả lạ lùng, khi ông dẫn đầu phong trào bất bạo động để đòi lại quyền tự do cho người Ấn, chống lại những vũ khí tàn bạo của đế quốc Anh.

Do đó Gandhi muốn nói với các Kitô hữu rằng: “Dù bản thân tôi không phải là Kitô hữu, nhưng như một người học trò khiêm tốn của Kinh Thánh, tiếp cận Kinh Thánh với lòng tin và sự kính cẩn, tôi muốn trình bày với các bạn những gì là cốt lõi của Bài giảng trên núi”. Theo ông, Bài giảng ấy là toàn bộ Kitô giáo, thế nhưng những người xưng mình là Kitô hữu lại bỏ quên giáo huấn ấy, chạy theo quá nhiều những ham muốn và thỏa mãn vật chất. Vì thế ông mời gọi các Kitô hữu “hãy sống xứng đáng với sứ điệp của Bài giảng trên núi”. Dĩ nhiên để sống như thế, phải chấp nhận nhiều hi sinh và từ bỏ, phải “mặc áo nhậm và rắc tro trên đầu”!

Thực ra những gì Gandhi suy nghĩ đâu phải là điều chi mới mẻ, rất nhiều vị thánh và giáo huấn của Hội Thánh thường xuyên nhắc nhở điều đó. Chỉ có điều là mỗi chúng ta chưa đủ can đảm đáp lại tiếng Chúa kêu gọi thôi: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
 

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm