15/10/2016
1993
Câu chuyện cuối tuần, số 71_Tước hiệu hồng y và ý nghĩa chứng nhân




 

Ngày 9 tháng 10 vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã công bố danh sách 17 giám mục và linh mục được vinh thăng Hồng y. Trong danh sách này, có những vị đã được dự báo từ trước nhưng cũng có những bất ngờ, đặc biệt là trường hợp Đức Hồng y tân cử Ernest Troshani Simoni, 88 tuổi, người Albania, linh mục dòng Phanxicô.

Trong chuyến thăm mục vụ của Đức Giáo hoàng Phanxicô năm 2014 tại Tirana, Albania, cha Simoni đã chia sẻ chứng từ đời sống của ngài, một cuộc sống đầy dẫy những thử thách và hi sinh. Đức Giáo hoàng đã rất xúc động đến nỗi trào nước mắt và khi cha Simoni kết thúc bài chia sẻ, Đức Giáo hoàng tiến đến ôm lấy vị linh mục đáng kính đang ngồi trên xe lăn.

Cha Simoni bắt đầu vào chủng viện năm 1944, cũng là lúc chế độ Cộng sản được thiết lập ở Albania. Chính quyền tìm mọi cách để tiêu diệt đức tin tôn giáo bằng cách “bắt giữ, tra tấn, thủ tiêu các linh mục và giáo dân suốt bảy năm”. Năm 1948, các bề trên của cha Simoni bị bắn chết, ngài phải học chui và sau đó được phong chức linh mục. Ngày 24 tháng 12 năm 1963, khi cha Simoni vừa làm lễ Vọng Giáng Sinh xong, bốn viên chức nhà nước xuất hiện, đọc lệnh bắt giam và quyết định tử hình. Trong cuộc thẩm vấn, họ nói ngài là kẻ thù của đất nước vì đã bảo dân chúng rằng, “Nếu cần thiết, tất cả chúng ta sẵn sàng chết vì Đức Kitô”.

Ngài chia sẻ thêm: “Chúa quan phòng đã muốn án tử hình không thi hành ngay. Họ mang một tù nhân khác vào ở chung phòng để dò xét tôi. Anh ta nói xấu chế độ cách công khai nhưng tôi trả lời rằng Chúa Giêsu dạy tôi phải yêu thương cả kẻ thù và tha thứ cho họ, và phải cố gắng làm điều tốt cho dân tộc. Những lời này đã lọt đến tai của nhà độc tài và ít ngày sau đó, tôi thoát án tử hình”.

Không bị giết chết nhưng cha Simoni phải ở trại cải tạo suốt 28 năm. Trong thời gian đó, ngài âm thầm dâng lễ, giải tội và đem Mình Thánh Chúa đến cho tù nhân Công giáo. Cha Simoni chỉ được ra khỏi trại cải tạo khi chế độ Cộng sản sụp đổ và quyền tự do tôn giáo được nhìn nhận. Ngài nói: “Chúa đã ban ơn cho tôi được phục vụ rất nhiều người và hòa giải nhiều người, xua tan những hận thù và căm ghét khỏi nhiều tâm hồn”.

Khi quyết định trao mũ hồng y cho cha Simoni, Đức Giáo hoàng muốn nói lên điều gì? Thông thường, những vị được vinh thăng hồng y là các Tổng giám mục hoặc giám mục đang coi sóc giáo phận hoặc đang làm việc tại giáo triều. Cũng có một số linh mục được vinh thăng hồng y và hầu hết các ngài là những nhà thần học có ảnh hưởng lớn trong Hội Thánh, chẳng hạn các Hồng y Henri Newman, Yves Congar, De Lubac, Avery Dulles. Đức Hồng y tân cử Simoni không phải là nhà thần học mà chỉ là một linh mục âm thầm trong đời sống thánh hiến và công tác mục vụ. Điều đặc biệt là vị linh mục này đã phải chịu rất nhiều đau khổ và hi sinh vì lòng yêu mến Đức Kitô và Hội Thánh của Chúa.

Trao mũ đỏ cho cha Simoni, Đức Giáo hoàng Phanxicô muốn nêu cao ý nghĩa của tước vị hồng y không phải là vinh quang thế gian nhưng là chứng tá Tin Mừng, nhất là Tin Mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa. Màu đỏ của mũ hồng y cũng là màu của máu! Hồng y là người làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu đến mức dám đổ máu, hi sinh mạng sống của mình như cha Simoni nói: “Chúa Giêsu dạy chúng tôi phải yêu thương cả kẻ thù và tha thứ cho họ”.

Hãy vui mừng vì Hội Thánh có thêm các vị Hồng y phụ giúp Đức Thánh Cha trong việc điều hành và cai quản Hội Thánh toàn cầu. Hãy cầu nguyện cho các ngài và cho nhau để tất cả chúng ta cũng biết sống tinh thần chứng nhân trong đời sống Kitô hữu của mình.

Ngày 15.10.2016

Người Mỹ Tho