18/09/2016
3145
Câu chuyện cuối tuần, số 69_ Hướng tới ngày cầu nguyện cho hòa bình

 

 












 

 

HƯỚNG TỚI NGÀY CẦU NGUYỆN CHO HÒA BÌNH



Qua vị đại diện Tòa Thánh tại Việt Nam, Đức hồng y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã gửi thư kêu gọi các giáo phận hiệp thông với Đức giáo hoàng Phanxicô trong Ngày Cầu nguyện cho Hòa bình, được tổ chức tại Assisi, Italia, vào ngày 20 tháng 9 tới đây.

Nhìn lại lịch sử, chính Thánh Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng có sáng kiến mời các đại diện tôn giáo đến Assisi, Italia, để cùng cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Trong dịp đó, ngày 27 tháng mười năm 1986, 160 vị lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới đã đến Assisi theo lời mời của Đức giáo hoàng, dành một ngày để ăn chay và cầu nguyện với Đấng mà họ tin tưởng.

Đây được coi là sự kiện mang tính lịch sử. Kể từ đó, cộng đoàn Sant’Egidio ở Rôma hằng năm vẫn tổ chức Ngày gặp gỡ liên tôn tại nhiều địa điểm khác nhau trên thế giới. Riêng tại Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô khó khăn, Thánh Gioan Phaolô II tiếp tục tổ chức những ngày cầu nguyện này vào các năm 1993 và 2002. Năm 2011, để kỷ niệm 25 năm sáng kiến của Thánh Gioan Phaolô II, Đức Bênêđictô XVI cũng đã đến Assisi để cầu nguyện cho hòa bình. Năm nay, nhân kỷ niệm 30 năm sự kiện lịch sử này, Đức giáo hoàng Phanxicô sẽ có mặt tại Assisi để chủ sự Ngày cầu nguyện.

Hiểu như thế, việc Đức giáo hoàng Phanxicô đến Assisi để cầu nguyện cho hòa bình không phải là sự kiện mới lạ, đúng hơn là tiếp nối truyền thống đã được Thánh Gioan Phaolô II thiết lập năm 1986. Tuy nhiên Ngày cầu nguyện lần này cũng có những bối cảnh và sắc thái riêng.

Trong hai thập niên qua, thế giới phải chịu biết bao đau khổ vì nạn khủng bố, và điều đáng buồn là những cuộc khủng bố này lại được tiến hành nhân danh niềm tin tôn giáo. Cụ thể nhất là những cuộc khủng bố của tổ chức IS (Nhà nước Hồi giáo) gieo rắc kinh hoàng khắp nơi, từ Trung Đông đến châu Âu. Thay vì là “khí cụ bình an” như Thánh Phanxicô Assisi cầu nguyện trong Kinh Hòa Bình, tôn giáo lại bị lạm dụng để trở thành khí cụ của chiến tranh, bạo lực và chia rẽ. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, các tôn giáo cần khẳng định rằng bản chất đích thực của tôn giáo là kiến tạo hòa bình, và mọi thứ chiến tranh nhân danh tôn giáo chỉ có thể là hoạt động của ma quỷ, nói theo ngôn ngữ của Đức giáo hoàng Phanxicô. Phải chăng vì thế mà chủ đề Ngày cầu nguyện cho hòa bình lần này là “Khao khát hòa bình: Cuộc đối thoại của các tôn giáo và các nền văn hóa”?

Bên cạnh đó, một nét riêng của Ngày cầu nguyện lần này là sự tham gia của toàn thể Gíao Hội. Vào ngày 20 tháng 9 tới đây, không chỉ có Đức giáo hoàng và một số chức sắc đến Assisi cầu nguyện, nhưng là mọi thành phần Dân Chúa đều được mời gọi hiệp thông với Đức Thánh Cha trong tâm tình cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Hòa bình là một ơn ban như chúng ta vẫn đọc trong mỗi Thánh Lễ: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các Tông đồ: Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con”. Vì thế chúng ta phải cầu xin, và sẽ đẹp biết bao khi lời cầu xin đó không chỉ là của một người nhưng của hơn 1 tỉ người Công giáo đang có mặt trên mọi miền đất của địa cầu.

Đồng thời, khi cầu nguyện cho hòa bình, người môn đệ Chúa Giêsu không chỉ cầu xin cách thụ động, nhưng còn ý thức chính mình phải trở thành khí cụ bình an ngay trong môi trường mình đang sống: gia đình, khu xóm, xứ đạo, xã hội. Chính vì thế, Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi sẽ là bản chỉ đường tốt nhất cho những suy niệm, ý cầu nguyện và hướng sống trong Ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới: “Lạy Chúa, xin làm cho con nên khí cụ bình an của Chúa… Ôi, Thần linh thánh ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn an bình”. 

Ngày 17-9-2016
Người Mỹ Tho