23/04/2016
2810
Câu chuyện cuối tuần, số 58_AMORIS LAETITIA


 

 

Ngày 19.03.2016, lễ trọng kính Thánh Cả Giuse, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ký, và ngày 08.04, chính thức ban hành Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris laetitia). Tông huấn này dài 256 trang (bản tiếng Anh), gồm 325 số, chia ra thành 9 chương:


- Chương một:      Trong ánh sáng của Lời (số 8-30);

- Chương hai:        Những trải nghiệm và thách đố của gia đình (31-57);

- Chương ba:         Nhìn lên Chúa Giêsu: Ơn gọi của gia đình (58-88);

- Chương bốn:      Tình yêu trong hôn nhân (89-164);

- Chương năm:      Tình yêu sinh hoa trái (165-198);

-  Chương sáu:       Một vài viễn ảnh mục vụ (199-258);

- Chương bảy:       Hướng tới việc giáo dục con cái (159-190);

- Chương tám:       Đồng hành, phân định và hội nhập sự yếu đuối (291-312);

- Chương chín:      Linh đạo hôn nhân và gia đình (313-325).

 

Tông huấn được coi là tài liệu dài nhất từ trước đến nay. Lý do, như chính Đức giáo hoàng giải thích, là vì Tông huấn phải bàn đến nhiều vấn đề. Ngài cũng khuyên không nên đọc vội vã, nhưng nên đọc cách cẩn thận và kiên nhẫn (số 7). Cũng vì thế, bài viết ngắn này không nhằm khai triển nội dung Tông huấn, nhưng chỉ muốn nêu lên một vài gợi ý để hướng dẫn cách đọc Tông huấn.

1. Niềm Vui: Từ khi lãnh nhận sứ vụ Đấng kế vị Thánh Phêrô, Đức giáo hoàng Phanxicô đã ban hành hai Tông huấn: Niềm Vui Phúc Âm (Evangelii Gaudium) và Niềm Vui của Tình Yêu (Amoris Laetitia). Cả hai Tông huấn đều bắt đầu bằng từ “niềm vui”, cho thấy cung giọng cũng như nội dung giáo huấn muốn công bố. Đúng thế, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô và giáo huấn của Giáo Hội đều hướng đến mục đích đem lại niềm vui chân thực và vững bền cho con người và mọi lãnh vực trong đời sống: gia đình, xã hội, thế giới. Có chăng là niềm vui đó lại giống như niềm vui của người mẹ khi sinh con, nghĩa là trước đó phải trải qua “cơn đau đẻ” khủng khiếp. Có lẽ vì thế nên nhiều người chỉ thấy Tin Mừng là “tin buồn phúc âm” (cụm từ của Trịnh Công Sơn), và giáo huấn của Giáo Hội toàn là những cấm đoán, hạn chế những niềm vui trong đời! Chúng ta hãy đọc Tông huấn với niềm tin tưởng rằng đây là sứ điệp của niềm vui, để khám phá những giá trị tích cực hơn là chỉ thấy những răn đe và cấm đoán.

2. Tính mục vụ: Phải khẳng định ngay là Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu không hề đưa ra bất cứ thay đổi nào về mặt tín điều và giáo thuyết liên quan đến đời sống hôn nhân và gia đình. Giáo huấn của Chúa Giêsu về hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và người nữ, chung thủy và trung thành với nhau, sinh sản và giáo dục con cái… tất cả vẫn được giữ nguyên: “Điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6; số 62). Ngoài ra, giáo huấn của các vị Giáo hoàng tiền nhiệm như Đức Phaolô VI trong thông điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) về mối liên hệ mật thiết của sự kết hợp vợ chồng với việc sinh sản con cái (số 80), cũng như giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II trong tông huấn về Gia đình (Familiaris Consortio) vẫn được tôn trọng và tiếp nối. Trong bối cảnh thế giới ngày nay, Đức giáo hoàng Phanxicô còn đi xa hơn khi mạnh mẽ lên án những hình thức của hệ ý thức chủ trương chối bỏ sự khác biệt và bổ túc giữa người nam và người nữ, muốn xây dựng một xã hội không còn khác biệt giới tính, người ta có thể thay đổi giới tính theo ý muốn và sở thích riêng, do đó loại trừ nền tảng nhân học của gia đình (số 56).

Điều được quan tâm và khai triển nhiều hơn trong Tông huấn là định hướng mục vụ. Giáo Hội nhìn vào thực tế của đời sống hôn nhân gia đình ngày nay với rất nhiều khó khăn thử thách, đồng thời tìm cách để có thể đồng hành với họ cách tốt nhất, với tình yêu và lòng thương xót hơn là với sự khắt khe lên án. Sự kiện Đức giáo hoàng ban hành Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu trong khung cảnh Năm Thánh Lòng thương xót đã nói lên điều đó.

3. Lòng thương xót: Định hướng này được thể hiện rõ nét trong việc chăm sóc mục vụ cho những gia đình gặp khó khăn. Một đàng, Giáo Hội cho rằng việc cắt đứt mối dây hôn phối là “đi ngược thánh ý Thiên Chúa”, đàng khác Giáo Hội là bà mẹ hiểu biết sự yếu đuối của con cái. Do đó, Giáo Hội muốn đồng hành với con cái mình, cách riêng những đứa con bị tổn thương trong tình yêu, để mang lại cho họ niềm hi vọng và tin tưởng, như ngọn hải đăng giữa đại dương giúp những con thuyền lạc bến tìm lại hướng đi. Đây là lý do Tông huấn dành hẳn một chương để nói về sự đồng hành mục vụ và phân định thiêng liêng khi chăm sóc mục vụ cho những gia đình bị tổn thương.

Nhận xét trên giúp chúng ta tránh được hai thái cực xuất hiện khá nhiều trên các mạng thông tin. Một là cho rằng Đức giáo hoàng Phanxicô muốn làm cuộc cách mạng, thay đổi giáo thuyết Công giáo cho phù hợp với con người thời đại; hai là rơi vào thái độ duy lề luật, chỉ biết đến luật mà không biết gì đến hoàn cảnh hiện sinh của từng người, từng gia đình. Cả hai thái cực đều không phản ánh đúng về giáo huấn của Đức giáo hoàng Phanxicô nói chung và Tông huấn Niềm Vui của Tình Yêu nói riêng.

4. Để đọc Tông huấn: Vì Tông huấn quá dài nên người ta dự liệu sẽ không có nhiều tín hữu đọc trọn Tông huấn. Đức giáo hoàng Phanxicô cũng biết như thế nên đã có những gợi ý hướng dẫn (số 7). Theo đó, các đôi hôn phối nên đọc chương 4 và 5 bàn về Tình yêu trong hôn nhân và Tình yêu sinh hoa trái. Chắc chắn đây cũng là tư liệu rất quý, cần được vận dụng trong các lớp giáo lý hôn nhân. Đang khi đó, các bậc cha mẹ nên đọc kỹ chương 8 về việc giáo dục con cái. Các linh mục và những người làm công tác mục vụ gia đình không thể không quan tâm đến chương 6 và chương 8, để lắng nghe lời mời gọi của Đức giáo hoàng trong việc chăm sóc mục vụ cho những gia đình gặp khó khăn.

Kết thúc Tông huấn, Đức giáo hoàng Phanxicô hướng nhìn lên Thánh gia thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse, tha thiết xin cho các gia đình không phải chịu cảnh “bạo lực, chia rẽ, loại trừ”; nhưng xin cho họ nhớ lại “tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm của gia đình, cũng như vẻ đẹp của gia đình trong chương trình Thiên Chúa”, để họ xây dựng gia đình họ thành “nơi chốn của hiệp thông và cầu nguyện, trường Phúc Âm và Hội Thánh tại gia”.

Ngày 23.04.2016

Người Mỹ Tho