19/02/2016
2766
SỐNG VÀ LOAN BÁO PHÚC ÂM GIỮA LÒNG XÃ HỘI

 

 

Được đề nghị trình bày về đường hướng mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) trong năm 2016, xin chia sẻ một vài suy nghĩ.

 

1    Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam (1960-2010), HĐGMVN đã cử hành Đại hội Dân Chúa năm 2010. Tài liệu kết thúc Đại hội đã phác họa đường hướng mục vụ cho những năm kế tiếp theo ba chiều kích: mầu nhiệm, hiệp thông, sứ vụ. Ba chiều kích này cũng là ba chủ đề được nhấn mạnh trong kế hoạch tam niên 2011-2013. Sau đó, trong ba năm 2014-2016, chiều kích sứ vụ được khai triển chi tiết hơn cho từng lãnh vực: Tân Phúc-Âm-hóa đời sống gia đình (2014), Tân Phúc-Âm-hóa đời sống giáo xứ và cộng đoàn (2015), Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội (2016).

Nhìn lại như thế để thấy tính thống nhất và liên tục trong đường hướng mục vụ của HĐGMVN. Vẫn chỉ là một dòng sông sự sống khởi đi từ mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chảy vào lòng Hội Thánh và lan đến mọi lãnh vực của đời sống con người. Đường hướng đã rõ, vấn đề là gây ý thức đức tin, khơi dậy sự cộng tác và hiệp thông nơi mọi thành phần Dân Chúa, để cùng nhau “bồi đắp nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống” giữa lòng xã hội.

 

2    Trong tầm nhìn tổng thể trên, chủ đề của năm 2016 là Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội. Đây là đòi hỏi tất yếu của sứ vụ, bởi lẽ người Công giáo không sống đức tin trong cõi trừu tượng nào đó, nhưng ở đây, giữa lòng xã hội, với những tương quan đa chiều của đời sống. Chính ở đó, người môn đệ Chúa Giêsu được mời gọi đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập vào những tương quan và môi trường mình đang hiện diện, sinh sống, làm việc.

Để được như vậy, người Công giáo phải nhớ rằng “trong bất cứ lãnh vực trần thế nào, họ luôn phải để cho lương tâm Kitô hữu hướng dẫn, vì không một hoạt động nào của con người, dù thuộc phạm vi trần thế, có thể tách khỏi quyền thống trị của Thiên Chúa” (Hiến chế Giáo Hội, số 36). Một đàng, phải nhìn nhận rằng “thành đô trần thế, vì liên hệ đến các việc trần thế, nên được điều hành theo những nguyên tắc riêng của mình”; đàng khác, “phải loại bỏ chủ trương sai lầm muốn xây dựng xã hội mà không hề lưu tâm đến tôn giáo, để rồi chống lại và tiêu diệt quyền tự do tôn giáo của công dân” (Ibid., 36).

Đây là lý do việc học hỏi Giáo huấn xã hội của Giáo Hội được nhấn mạnh, như HĐGMVN viết: “Đây là tài liệu đúc kết và hệ thống hóa những chỉ dẫn của Giáo Hội, nhằm đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập các lãnh vực của đời sống xã hội. Chúng ta không thể Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội mà lại không biết gì về giáo huấn xã hội của Giáo Hội” (HĐGMVN, Thư gửi Cộng đồng Dân Chúa, 7-9-2015).

Tại mỗi đất nước và ở từng thời điểm lại có những vấn đề khác nhau, ví dụ Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ mới công bố Thư Mục Vụ mang tựa đề “Xin tạo cho con trái tim trong sạch: Đáp ứng mục vụ trước vấn đề phim ảnh khiêu dâm”, vì đây là vấn đề nhức nhối tại Hoa Kỳ hiện nay. Tại Việt Nam trong thời điểm hiện tại, các giám mục thấy cần lưu tâm đến ba vấn đề lớn: (1) chăm sóc môi trường sống, (2) đồng hành với anh chị em di dân, và (3) an toàn giao thông. Trong khuôn khổ của một lá thư, HĐGMVN chỉ có thể đưa ra những hướng dẫn tổng quát và kêu gọi tín hữu ở các địa phương học hỏi, suy nghĩ, thảo luận và có những thực hành cụ thể.

 

3    Để thực hiện đường hướng Tân Phúc-Âm-hóa xã hội, giáo dân đóng vai trò quan trọng nhất, vì tính trần thế là nét riêng biệt đặc thù của giáo dân, và “những phận vụ, sinh hoạt trần thế chính là lãnh vực riêng của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 43). Vì thế, “dù phải bận rộn với những công việc trần thế, người giáo dân vẫn có thể và phải thực thi công trình cao cả là Phúc-Âm-hóa thế giới,” đến nỗi “như linh hồn ở trong thân xác thế nào, người Kitô hữu cũng ở giữa thế giới như vậy” (Hiến chế Giáo Hội, 35.38).

Thật vậy, anh chị em giáo dân là những người hiện diện và làm việc trong mọi lãnh vực trần thế: gia đình, trường học, bệnh viện, công xưởng, kinh doanh…và chính ở đó, họ được Thiên Chúa mời gọi “trở nên những nắm men góp phần vào việc thánh hóa thế giới từ bên trong, và như thế, họ làm cho người khác nhận biết Đức Kitô, đặc biệt bằng chứng tá đời sống tỏa sáng đức tin, đức cậy, đức mến” (Ibid., 31). Để được như thế, người giáo dân phải thấm đẫm tinh thần Phúc Âm, “mang trong lòng mình những tâm tư của Chúa Giêsu” (Phil 2,5), để những tâm tư đó hướng dẫn phản ứng và cư xử của mình trong mọi hoàn cảnh. Phúc-Âm-hóa bản thân luôn là khởi đầu cho những công việc khác.

Dĩ nhiên các linh mục phải là người đồng hành thiêng liêng với giáo dân trong những dấn thân trần thế, nhưng cũng cần xác định ranh giới cho rõ như Giáo Hội khẳng định: “Giáo dân vẫn mong nhận được ánh sáng và sức mạnh tinh thần từ các linh mục. Tuy nhiên họ đừng vì thế mà nghĩ rằng các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể đưa ra ngay một giải pháp cụ thể cho từng vấn đề đang xảy ra, kể cả những vấn đề quan trọng; cũng đừng lầm tưởng đó là sứ mạng dành cho các chủ chăn, nhưng tốt hơn là chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi dẫn và với thái độ quan tâm tôn trọng Huấn quyền của Giáo Hội, hãy nhận lấy trách nhiệm của mình” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 43).

 

4   Tân Phúc-Âm-hóa đời sống xã hội là đòi hỏi của sứ vụ, nhưng cũng là một thách đố lớn cho mọi Kitô hữu. Nếu xem đây là dự án phải thực hiện xong trong một năm thì quả là bất khả thi, bởi lẽ yêu cầu thì quá lớn mà thời gian lại giới hạn. Có khi chỉ vừa nghe triển khai thì đã hết năm rồi. Cách cụ thể, bảo vệ môi sinh, an toàn giao thông, đồng hành với di dân là những chuyện có thể hoàn tất trong một năm sao? Chính vì thế, cần phải đặt chủ đề này vào trong tầm nhìn tổng thể như đã trình bày, để hiểu rằng sự sống đức tin không chỉ giới hạn trong nhà thờ nhưng còn được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày giữa lòng xã hội, hơn thế nữa, còn cố gắng làm cho đời sống xã hội mang chất Phúc Âm nhiều hơn. Đó là hướng đi không của một năm nhưng của cả đời, làm nên những Kitô hữu dấn thân phục vụ trong tầm nhìn của Vương quốc Đức Kitô, vương quốc của sự thật và sự sống, yêu thương và an bình.

Ngoài ra, khi người Công giáo muốn Phúc-Âm-hóa xã hội, có thể họ sẽ gặp những va chạm, kể cả chống đối, từ những anh chị em có những tầm nhìn khác. Kể cả giữa người Công giáo với nhau, cũng có thể xảy ra những va chạm, vì tuy cùng một niềm tin nhưng lại khác nhau trong cách nhìn và đánh giá về một vấn đề nào đó. Đây là chuyện bình thường ở mọi nơi và mọi thời. Hãy thử nhìn lại Thượng Hội đồng giám mục thế giới trong hội nghị tháng 10-2015 vừa qua. Các nghị phụ cùng chung một đức tin và truyền thống Giáo Hội, nhưng lại có những thực tế mục vụ khác nhau phải đối diện, những ưu tư mục vụ khác nhau phải quan tâm, nên cũng có những khác biệt và va chạm trong hướng giải quyết.

Điều quan trọng là chọn thái độ đối thoại hơn là đối đầu: “Phải luôn nỗ lực dùng cách thức đối thoại chân thành để cùng nhau tìm hiểu vấn đề, bảo toàn tình yêu thương nhau và trên hết phải nhắm đến lợi ích chung” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 43). Thái độ ấy được thể hiện qua phương châm “yêu thương trong sự thật, sự thật trong yêu thương”. Cất lên tiếng nói của sự thật vì yêu thương chứ không vì hận thù và oán ghét. Thể hiện tình yêu thương trong sự thật chứ không vì đồng lõa với gian dối và lừa mị. Đó chẳng phải là lộ trình của Năm Thánh Lòng Thương Xót hay sao?

 

+Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Giám mục Mỹ Tho


(Bài viết cho báo CGvDT)