12/10/2019
1468
Phác Họa Chân Dung Một Vị Thánh ĐỨC HỒNG Y JOHN HENRY NEWMAN  _Gm Phêrô Nguyễn Văn Khảm



















 

 

PHÁC HỌA CHÂN DUNG MỘT VỊ THÁNH

ĐỨC HỒNG Y JOHN HENRY NEWMAN

 

 

Ngày 1 tháng 7 năm 2019, Tòa thánh Vatican loan báo Chân phước John Henry Newman và 4 vị khác sẽ được tuyên phong hiển thánh vào ngày 13 tháng 10 năm 2019. Chân phước Newman được đánh giá là một trong những bậc thầy vĩ đại của Hội Thánh, vì thế sẽ thật hữu ích khi nhìn lại cuộc đời và giáo huấn của ngài để đón nhận những bài học cần thiết cho đời sống và sứ vụ của Hội Thánh ngày nay.

Một cuộc đời kiếm tìm chân lý

Đức hồng y John Henry Newman sinh tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 21 tháng 2 năm 1801. Ngài được dạy dỗ trong truyền thống Anh giáo và từ nhỏ đã có thiên hướng tôn giáo, cụ thể là siêng đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh giúp ngài sống đạo đức, nhưng mối quan tâm tri thức lại khiến ngài đặt những câu hỏi nền tảng và muốn tìm kiếm câu trả lời rõ ràng, chính xác. Vì thế khi mới 14 tuổi, ngài đã bị cám dỗ bỏ đạo: “Tôi muốn sống tốt nhưng không cần theo đạo; tôi không hiểu Thiên Chúa yêu thương có nghĩa gì”.

Chính trong giai đoạn đó, Chúa gõ cửa lòng Newman. Trong những ngày nghỉ lễ năm 1816, Newman đọc cuốn Force of Truth (Sức mạnh của chân lý) của Thomas Scott, và tác phẩm đó đã gây ấn tượng rất sâu đến nỗi ngài coi đó như “cuộc hoán cải đầu tiên” và là một trong những ơn ban lớn nhất trong đời. Newman bắt đầu nhận thức cách sâu sắc sự hiện hữu và hiện diện của Thiên Chúa cũng như của thế giới vô hình. Ngài cũng rút từ tác phẩm của Thomas Scott hai câu ghi dấu ấn suốt đời ngài: “Tìm kiếm sự thánh thiện hơn là bình an”, và “Bằng chứng duy nhất của sự sống là sự tăng trưởng”.

Sau cuộc hoán cải đầu tiên này, Newman đặt Thiên Chúa trên hết mọi sự và hết lòng bước theo Chân lý như ngài diễn tả trong tác phẩm Apologia pro vita sua: “Khi tôi 15 tuổi (mùa Thu năm 1816), một sự thay đổi lớn lao về tư tưởng diễn ra trong tôi. Tôi đặt mình dưới sự hướng dẫn của Kinh Tin kính và tâm trí đón nhận đạo lý đức tin, đó là những điều nhờ lòng Chúa thương xót, sẽ không bao giờ lu mờ hoặc bị xóa nhòa”. Newman bắt đầu nhận ra tầm quan trọng của những tín điều trong Kitô giáo: sự Nhập thể của Con Thiên Chúa, công trình cứu độ của Đức Kitô, ân huệ Thánh Thần ngự xuống trong linh hồn người chịu Phép Rửa, đức tin không đơn thuần là một lý thuyết nhưng cần được diễn tả trong chương trình sống.

Sau khi hoàn tất chương trình học tại Trinity College, Oxford, Newman trở thành mục sư Anh giáo và sau này phụ trách nhà thờ Saint Mary, nhà thờ của đại học Oxford. Trong thời gian này, ngài quan tâm nghiên cứu các Giáo phụ, đồng thời cảm thấy quan ngại trước tình trạng thiêng liêng của Giáo hội Anh giáo trước sự gia tăng ảnh hưởng của chủ nghĩa tự do (liberalism) tại Oxford cũng như trên khắp nước Anh. Để chống lại xu hướng này, Newman cùng với một vài người bạn lập nên Phong trào Oxford (Oxford Movement) năm 1833. Phong trào này phê phán việc Anh Quốc không còn thực hành đức tin, và kêu gọi phải trở về với Kitô giáo nguyên thủy thông qua cuộc cải cách đích thực về mọi mặt: tín lý, thiêng liêng, phụng vụ. Với mục đích này, phong trào thực hiện những ấn phẩm nhỏ, dễ phổ biến, cố gắng gây tác động trên hàng giáo sĩ cũng như các tín hữu đơn thành, đang bị giằng co giữa hai thái cực là chủ nghĩa duy cảm và chủ nghĩa duy lý.

Newman nhận ra rằng cuộc tranh luận chống lại chủ nghĩa tự do về mặt tôn giáo cần có một nền tảng giáo thuyết vững chắc, và ngài xác tín ngài đã tìm được nền tảng đó nơi những văn bản của các Giáo phụ mà ngài coi là các sứ giả và tiến sĩ đích thực của đức tin Kitô. Từ đó, Newman khai triển lý thuyết được gọi là Via media (con đường trung dung). Newman cũng tìm cách chứng minh rằng Anh giáo là người thừa kế hợp pháp của Kitô giáo nguyên thủy và là Giáo hội đích thực trong Đức Kitô, vì nơi Anh giáo không có những sai lầm về giáo thuyết như Tin Lành, cũng không có những lạm dụng mà ngài cho là đang có trong Công giáo Rôma.

Thế nhưng khi nghiên cứu lịch sử Giáo hội ở thế kỷ IV, Newman khám phá một điều quan trọng là Kitô giáo trong thời đại ngài đang sống lại phản ánh 3 nhóm tôn giáo ở thế kỷ IV, có thể so sánh như sau: Tin Lành giống như phái Ariô; Công giáo Rôma giống như các tín hữu Rôma; Anh giáo giống như người theo thuyết Ariô nửa vời (semi-Arianism). Khám phá đó bắt đầu gợi lên những nghi ngờ về Anh giáo. Không lâu sau đó, Newman đọc một bài viết trong đó tác giả so sánh Anh giáo với những người theo thuyết Donatism ở châu Phi thời thánh Ausgustinô. Và ngài sẽ không bao giờ quên câu nói của thánh Augustinô: “Hội Thánh phổ quát, trong phán quyết của mình, là sự bảo đảm cho Chân lý” (Securus judicat orbis terrarum). Newman nhận ra rằng những xung đột về giáo thuyết thời Hội Thánh sơ khởi được giải quyết không chỉ dựa vào nguyên tắc về tính cổ xưa (antiquity) nhưng còn là tính Công giáo (catholicity), nghĩa là ý kiến của Hội Thánh xét như một toàn thể chính là lời tuyên bố bất khả ngộ.

Trung thành với nguyên tắc phải tôn trọng Chân lý, Newman quyết định lui về Littlemore, một làng nhỏ gần Oxford, dành thời giờ cho việc cầu nguyện và nghiên cứu. Ngài bắt đầu liên kết những đường dây suy tưởng xuất hiện trong những năm qua. Câu hỏi đặt ra là nếu Hội Thánh Công giáo Rôma thực sự là tông truyền thì làm sao có thể lý giải những giáo thuyết bên Công giáo xem ra không phải là di sản được để lại từ Kitô giáo nguyên thủy?

Từ đó hình thành những suy nghĩ dẫn đến nguyên lý về sự phát triển chính thực mà Newman khai triển để giải thích những giáo huấn mới trong đời sống Hội Thánh: những tín điều sau này là sự phát triển chính thực mặc khải nguyên thủy. Newman trình bày lập luận này trong bài An Essay on the Development of Christian Doctrine (Sự phát triển giáo thuyết Kitô), trong đó ngài phi bác quan điểm cho rằng chân lý hoặc sai lầm trong các vấn đề tôn giáo chỉ là những ý kiến khác nhau, và ơn cứu độ không lệ thuộc vào lời tuyên xưng đức tin đúng đắn. Newman khẳng định: “Chân lý và giả dối được đặt trước mắt chúng ta để thử lòng chúng ta; chọn lựa của chúng ta là chọn lựa đáng sợ vì được cứu độ hay bị chối bỏ tùy thuộc vào đó; trước mọi sự, phải bám chặt vào đức tin Công giáo”.

Gia nhập Hội Thánh Công giáo

Khi Newman nghiên cứu về sự phát triển giáo thuyết Kitô, ngài nhận ra rằng Hội Thánh Rôma là Hội Thánh của các Giáo phụ, Hội Thánh đích thực của Đức Kitô. Vì thế ngày 9 tháng 10 năm 1845, ngài tuyên xưng đức tin Công giáo, được Chân phước Dominic Barberi, người Ý, dòng Passionist, đón nhận vào Hội Thánh Công giáo.

Quyết định của Newman gia nhập Hội Thánh Công giáo đã gây chấn động lớn trong Giáo hội Anh giáo. Có người cảm phục trước quyết định can đảm của ngài nhưng không ít người coi đó như sự phản bội, và Newman phải chịu nhiều đau khổ vì quyết định này. Dư luận vẫn còn bám theo ngài trong nhiều năm sau đến độ có lúc báo chí tung tin Newman cảm thấy lạc lõng trong Hội Thánh Công giáo, nên sẽ trở lại Giáo hội Anh giáo. Thế nhưng Newman rất vững tâm như ngài viết cho một người quen: “Kể từ khi được đón nhận vào Hội Thánh Công giáo, tôi không có lúc nào bị lung lay trong niềm tin vào Hội Thánh. Tôi tin chắc, và sẽ mãi chắc chắn rằng Đức Giáo hoàng là trung tâm của sự hiệp nhất và là Đấng Đại diện Chúa Kitô; tôi mãi mãi tin vào Kinh Tin kính Hội Thánh tuyên xưng, mọi tín điều trong đó; tôi hoàn toàn thỏa mãn với việc thờ phượng, kỷ luật, giáo huấn của Hội Thánh; và dù rất khó khăn, tôi vẫn mong mỏi nhiều người bạn của tôi theo Tin Lành cũng sẽ được chia sẻ niềm hạnh phúc của tôi”.

Sau khi trở thành linh mục Công giáo, Newman lập chi nhánh Dòng Thánh Philip Neri ở Birmingham.[1] Trong nhiều hoạt động thần học và mục vụ, ngài chú trọng nhiều nhất đến việc đào tạo trí thức và thiêng liêng cho các tín hữu Công giáo, các anh em trong dòng và các tân tòng. Ngài xác tín rằng trong thời đại hiện nay với những thay đổi rất nhanh về văn hóa và xã hội, cần phải có một đức tin có khả năng bày tỏ những lý do của niềm hi vọng Kitô giáo. Vì thế ngài làm việc không ngơi nghỉ để huấn luyện những giáo dân có học thức, sống trong thế giới, làm việc trong ánh sáng đức tin và có khả năng bảo vệ đức tin của mình.

Cha John Henry Newman được Đức Giáo hoàng Lêô XIII nâng lên hàng Hồng y ngày 15 tháng 5 năm 1879, nhưng ngài xin là không chịu chức Giám mục và vẫn ở lại Birmingham. Trong dịp này, ngài có bài phát biểu nổi tiếng, được coi như những lời tiên tri về thời đại chúng ta ngày nay:

“Chủ nghĩa tự do về tôn giáo là học thuyết chủ trương không có chân lý tích cực trong tôn giáo, niềm tin nào cũng tốt như nhau, và đây là chủ trương đang chiếm ưu thế từng ngày. Chủ trương này không chấp nhận bất cứ tôn giáo nào là chân lý, vì mọi tôn giáo chỉ là chuyện ý kiến riêng. Tôn giáo mặc khải không phải là chân lý nhưng chỉ là tình cảm và cảm nhận; không phải sự kiện khách quan; đó là quyền của mỗi người nói ra điều mình thích. Đạo đức không nhất thiết phải xây nền trên đức tin. Người ta có thể đi nhà thờ Tin Lành hay Công giáo, có thể thấy ích lợi của cả hai nhưng không thuộc bên nào cả. Người ta có thể làm bạn với nhau về tư tưởng và tình cảm thiêng liêng mà không có chung niềm tin và cũng không cần phải có. Bởi lẽ tôn giáo là chuyện cá nhân, đặc thù, riêng tư nên không cần phải biết đến trong những tương giao con người. Nếu một người cứ mỗi ngày lại theo một đạo thì mắc mớ gì đến bạn? Thật không thích hợp nếu nghĩ về tôn giáo của một người như nghĩ đến nguồn lợi tức hoặc việc điều hành gia đình của họ. Tôn giáo không liên quan gì đến mối dây xã hội cả”.

Những gì Đức hồng y Newman nói về chủ nghĩa tự do, ngày nay có thể gọi là chủ nghĩa tương đối và chúng ta không thể quên cụm từ nổi tiếng của Đức Bênêđictô XVI về “sự chuyên chế của chủ nghĩa tương đối”! Lối nghĩ và lối sống mà Đức hồng y Newman cảnh giác xem ra ngày càng phổ biến và thắng thế, với những hậu quả tai hại rất lớn cho đời sống đức tin, nhất là chiều kích văn hóa và xã hội của đức tin. Đức hồng y Newman nhắc nhở mọi Kitô hữu, mục tử cũng như giáo dân, rằng Chân lý là kho tàng quý giá mà chúng ta đón nhận bằng đức tin, chân lý ấy phải được loan báo cách trung thực và bảo vệ bằng mọi giá.

Ngày 11 tháng 8 năm 1890, Đức hồng y Newman qua đời tại nhà dòng ở Edgbaston. Vào thời điểm đó, tờ Times of London (Thời báo Luân Đôn) viết: “Dù Rôma có tuyên thánh cho Hồng y Newman hay không, ngài cũng sẽ được tuyên thánh trong suy nghĩ của những người đạo đức thuộc nhiều niềm tin ở nước Anh”.

Sự nhìn nhận của Rôma

Trong dịp Đức Lêô XIII nâng cha John Henry Newman lên hàng Hồng y, Tòa Thánh Vatican đã gửi đến Hồng y Newman sứ điệp ngày 15 tháng 3 năm 1879: “Đức Thánh Cha trân trọng cách sâu sắc tài năng và học thức nổi trội của hiền huynh, lòng đạo đức và sự nhiệt thành của hiền huynh trong việc phục vụ Tác vụ thánh, sự tận tụy và sự gắn bó hiếu thảo của hiền huynh với Tòa Thánh, và sự phục vụ đáng kể của hiền huynh trong nhiều năm đối với tôn giáo, (ngài) quyết định dành cho hiền huynh bằng chứng công khai và cao quý về sự trân trọng và thiện ý của ngài”.

Trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày Newman được nâng lên hàng hồng y, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gửi thư cho Đức cha George Patrick Dwyer, Tổng giám mục Birmingham, trong đó ngài viết: “Tư tưởng triết học và thần học cũng như linh đạo của Đức hồng y Newman bám rễ sâu và được phong phú hóa nhờ Kinh Thánh và giáo huấn của các Giáo phụ, (tư tưởng đó) vẫn còn nguyên giá trị và tính độc đáo của nó….Tôi hi vọng rằng dung mạo và giáo huấn của vị hồng y vĩ đại này sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho việc thi hành sứ mệnh của Hội Thánh trong thế giới ngày càng hiệu quả hơn, và giúp canh tân đời sống thiêng liêng của các thành viên trong Hội Thánh cũng như thúc đẩy việc phục hồi sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu”.

Ngày 19 tháng 9 năm 2010, Đức Bênêđictô XVI nâng Đức hồng y Newman lên hàng Chân phước. Trong giờ canh thức trước ngày tuyên phong, tại công viên Hyde Park, Luân Đôn, Đức Bênêđictô XVI đã nêu cao tấm gương của Newman: “Newman dạy chúng ta rằng nếu chúng ta đã đón nhận chân lý của Đức Kitô và trao phó đời sống cho Người, thì không thể có sự tách biệt giữa điều chúng ta tin và cách chúng ta sống. Mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta phải quy hướng về vinh quang Thiên Chúa và mở rộng Vương quốc của Người. Newman đã hiểu được điều này và đã là nhà vô địch đáng kính trong sứ vụ tiên tri của người Kitô hữu. Ngài thấy rõ ràng rằng chúng ta không đón nhận chân lý như một hành động thuần tri thức cho bằng (đón nhận) trong một tiến trình năng động thiêng liêng, và chân lý ấy thấm vào tận tâm khảm chúng ta. Chân lý được thông truyền không chỉ bằng giáo huấn, dù là điều quan trọng, nhưng còn bằng chứng tá của những cuộc đời đã sống chân lý ấy trong sự toàn vẹn, trung tín và thánh thiện; những ai sống trong và nhờ chân lý sẽ tự nhiên nhận ra những gì là giả dối, và vì giả dối nên cũng là thù nghịch của cái đẹp, cái thiện vốn song hành với vẻ huy hoàng của cái thật, Veritatis splendor”.

Kết luận

Trong một bài thuyết trình về Đức hồng y Newman nhân kỷ niệm 100 năm ngày qua đời của ngài (1990), Đức hồng y Joseph Ratzinger (Đức Bênêđictô XVI sau này) đã nói: “Đối với tôi, đặc điểm của vị Tiến sĩ Hội Thánh là ngài không chỉ dạy chúng ta bằng tư tưởng và lời nói nhưng còn bằng đời sống của ngài, vì nơi ngài, tư tưởng và đời sống đan quyện vào nhau. Nếu thế, Newman cũng đứng trong hàng ngũ những bậc thầy vĩ đại của Hội Thánh, vì ngài vừa chạm đến con tim chúng ta vừa soi sáng suy nghĩ của chúng ta”.

Nhận xét này vừa đáng quý vừa mang tính tiên tri. Đáng quý vì chỉ cho chúng ta thấy dung mạo thực sự của Newman: không chỉ là nhà thần học với những suy tư sâu sắc nhưng còn là một vị thánh. Và mang tính tiên tri vì nhiều người trong Hội Thánh Công giáo ngày nay đang nghĩ đến một ngày Thánh John Henry Newman sẽ được tuyên phong là Tiến sĩ Hội Thánh, vị tiến sĩ không chỉ dạy chúng ta thứ thần học bàn giấy nhưng còn giúp chúng ta sống nền thần học bàn quỳ vốn là điều hết sức cần thiết trong thời đại tục hóa ngày nay.

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

 

 

 

------

[1] Dòng Thánh Philip Neri (The Congregation of the Oratory of St Philip Neri) là Hội dòng giáo hoàng về đời sống tông đồ, quy tụ các linh mục và sư huynh sống chung trong một cộng đoàn, không có lời khấn công khai nhưng chỉ liên kết với nhau bằng mối dây đức ái. Thánh Philip Neri lập dòng này ở Rôma năm 1575. John Henry Newman, sau khi thành linh mục Công giáo, đã cùng với một vài linh mục lập chi nhánh ở Birmingham, cuối cùng dời về Edgbaston.

 

 

Tài liệu tham khảo:
 

Herman Geissier, On the 125th Anniversary of John Henry Newman’s Becoming a Cardinal, L’Osservatore Romano, 11/18 August 2004.

Fabio Attard SDB, Blessed John Henry Newman, Theology and Holiness, www.newmanfriendsinternational.org/en/blessed-john-henry-cardinal-newman.

Benedict XVI, Prayer Vigil on the Eve of the Beatification of Cardinal John Henry Newman, www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2010/september/documents.

John Paul II, Letter to H.E. Msgr. George Patrick Dwyer, Archbishop of Birmingham, for the first centenary of the elevation to the cardinalate of John Henry Newman, www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/letters/1979/documents.