05/01/2022
2425
NỖI ĐAU CỦA TRẺ THƠ
















 

NỖI ĐAU CỦA TRẺ THƠ
 

Câu chuyện bé gái 8 tuổi bị dì ghẻ bạo hành dã man đến mức tử vong đã khiến dư luận dậy sóng suốt nhiều ngày qua. Rất rất nhiều lời lẽ lên án nặng nề, kể cả yêu cầu tử hình kẻ thủ ác. Những phản ứng đó một mặt thể hiện sự căm phẫn trước cái ác, mặt khác phản ánh sự thương cảm trước nỗi đau của trẻ thơ vô tội, và như thế cũng cho thấy sự nhạy bén của hầu hết mọi người đối với những giá trị đạo đức.

Cũng trong tâm thế đó, tôi muốn nghĩ thêm về những tổn thương tâm lý và tinh thần mà trẻ thơ phải chịu khi cha mẹ ly dị. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy những vết hằn vì roi vọt trên thân thể cháu bé bị dì ghẻ bạo hành, nhưng liệu có thể thấy những vết hằn trong tâm hồn cháu và hằng ngàn cháu bé có cha mẹ ly dị chăng? Những vết bầm tím trên thân thể cháu bé bị hành hạ được chiếu lên màn hình cho nhiều người xem, nhưng có màn hình nào có thể trình chiếu những vết thương trong tâm hồn con người? Đã nhiều năm rồi nhưng tôi vẫn không thể quên tâm sự của một em thiếu niên: “Con ở hai cái nhà nhưng không có cái nào là của con! Con ở với mẹ nhưng mẹ có người đàn ông khác không phải là ba con. Thỉnh thoảng ba đón con về nhà ba nhưng ở đó ba có người đàn bà khác không phải mẹ con!” Nghe mà não lòng. Chơi vơi, chao đảo, cảm giác cô đơn, bị loại trừ…và nếu những cảm nhận ấy hằn sâu trong tâm hồn các em, làm sao các em có thể phát triển cách quân bình về tâm lý cho dù được cung cấp đầy đủ về vật chất?

Cách đây ít năm, trong một hội nghị, tôi nghe một Giám mục, cũng là Tiến sĩ khoa Tâm lý, kể về trường hợp một linh mục tài giỏi, vui tươi với mọi người, nhưng luôn chống đối bề trên của mình. Sau nhiều buổi tư vấn, vị giám mục mới hiểu nguyên cớ sâu xa của thái độ chống đối nơi linh mục này, đó là trải nghiệm hết sức tiêu cực về người cha trong gia đình, một người cha ích kỷ thường xuyên hành hạ vợ con trong nhà. Rồi trong suốt quá trình học ở ngoài đời cũng như đào tạo ở chủng viện, không có ai giúp vị linh mục ấy đối diện với thương tích thầm kín trong tâm hồn để được chữa lành, và nó âm thầm chi phối cách hành xử của ông, kể cả khi đã làm linh mục.

Kể lại câu chuyện ấy để thấy những tổn thương tinh thần và tâm lý có thể tác động sâu xa thế nào trong đời sống chúng ta, kể cả khi ta trở thành người có học thức, địa vị cao trong xã hội. Và nhiều khi chính đương sự cũng không ý thức hoặc muốn giấu kín nỗi niềm nếu không có người đồng hành, khơi gợi, giúp đỡ.

Thế nên có nhiều câu hỏi cần được đặt ra với những đôi vợ chồng đang nghĩ đến ly hôn: khi quyết định ly hôn, các bạn có nghĩ đến con cái không? Con cái chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong suy nghĩ và quyết định của các bạn? Các bạn có nghĩ đến nỗi đau tâm hồn mà con trẻ phải chịu hay chỉ nghĩ đến việc mỗi bên phải cung ứng bao nhiêu tiền để nuôi con về thể lý, và coi thế là đủ?

Cũng từ đó mới thấy quan trọng biết bao giai đoạn chuẩn bị hôn nhân, và việc chuẩn bị tốt nhất lại là chính gia đình của các bạn trẻ: “Những người được chuẩn bị kết hôn tốt nhất là những người đã học được từ chính cha mẹ mình thế nào là một hôn nhân Kitô giáo, trong đó cả hai người chọn nhau vô điều kiện và tiếp tục làm mới lại quyết định đó mỗi ngày” (Amoris laetitia, số 208).

Cũng cần khám phá lại giá trị tích cực của đòi hỏi chung thủy và trung tín trong hôn nhân Công giáo. Ngày nay khi ly hôn ngày càng phổ biến, một số người coi đó là chuyện bình thường và hơn thế nữa, coi việc cấm ly hôn trong Hội Thánh Công giáo là lạc hậu, cứng cỏi, thiếu cảm thông và hiểu biết. May thay là vẫn có nhiều người hiểu được giá trị tích cực của luật cấm ly hôn bằng chính trải nghiệm sống của mình. Tôi từng nghe một cặp vợ chồng tâm sự rằng nhờ luật cấm ly hôn mà vợ chồng họ và gia đình giữ được hạnh phúc và bình an như ngày nay. Thực tế là đôi vợ chồng ấy đã từng nghĩ đến ly hôn và điều duy nhất giữ họ ở lại với nhau là luật Chúa cấm ly hôn, và bây giờ khi nhìn lại, họ tạ ơn Chúa về luật Chúa dạy đã giúp họ giữ gìn gia đình hạnh phúc. Nhiều khi quyết định ly hôn chỉ là quyết định trong lúc nóng nẩy, tự ái, không ai chịu nhường ai, đến khi ly hôn xong mới hối hận và vì tự ái nên không dám bày tỏ sự hối hận của mình. Tôi cũng từng nghe một người cha là người ngoài Công giáo tâm sự rằng ông rất an tâm khi con mình kết hôn với một người Công giáo vì Công giáo không cho ly hôn. Thiết nghĩ người cha đó cũng nói lên một nhận xét phát xuất từ chính những quan sát và kinh nghiệm sống của ông.

Khi ấy, sẽ không còn phải nghe những lời tâm sự của trẻ thơ về chuyện “con ở hai nhà nhưng không nhà nào là nhà của con…”. Xin hãy nghĩ đến nỗi đau của trẻ thơ.

Thiên Triệu