18/05/2023
905
Yếu đuối thành sức mạnh
















 

YẾU ĐUỐI THÀNH SỨC MẠNH

PETER KREEFT

“Khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh”; “sức mạnh được hoàn hảo trong sự yếu đuối”. Những câu như thế thường được trích làm chìa khóa cho sự trưởng thành tâm linh, nhưng chúng ta có thật sự hiểu những câu đó muốn nói gì không? Có ai hiểu được không?

Có. Nếu chúng ta không thể hiểu gì về điều đó, Thiên Chúa đã không nói về nó cho chúng ta. Thiên Chúa không phí lời. Đó là một mầu nhiệm vĩ đại, nhưng mầu nhiệm không phải là điều chúng ta không thể hiểu, nhưng là điều chúng ta không thể hiểu được bằng lí trí của mình, khi không có sự mặc khải của Thiên Chúa. Đó cũng là điều chúng ta không thể hiểu hết, nhưng là điều chúng ta có thể hiểu được một phần. Hiểu được một phần không hoàn toàn là bóng tối.Chúng ta nhìn qua một tấm kính, cách lờ mờ”.

Chìa khóa để hiểu mầu nhiệm sức mạnh được hoàn hảo trong sự yếu đuối là thập giá của Chúa Kitô. Không có thập giá, nó không phải là mầu nhiệm nhưng sự phi lí, là bóng tối.

Nhưng những người không phải Kitô hữu như Lão Tử, nhà thần bí và thi sĩ vĩ đại Trung Hoa, dường như đã hiểu mầu nhiệm sức mạnh được hoàn hảo trong sự yếu đuối khá sâu sắc, ít nhất trong một số khía cạnh của nó, mà không cần biết đến Chúa Kitô hay thập giá.

Có lẽ họ hiểu một mầu nhiệm tương tự và có liên quan nhưng không hoàn toàn giống. Hoặc có lẽ họ hiểu điều đó qua Đức Kitô và thập giá của Người, mặc dù một cách không ý thức và rõ ràng. Làm sao chúng ta biết ranh giới của thập giá kéo dài đến đâu? Vòng tay của thập giá rất rộng. Đức Kitô là “ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,9) bằng mặc khải tự nhiên, sự khôn ngoan tự nhiên và luật tự nhiên được lương tâm nhận biết. Khi một vị Lão Tử, hoặc một Socrates, hoặc một Đức Phật thâm hiểu một chân lí vĩnh cửu, các vị ấy làm được vậy là nhờ ánh sáng của Đức Kitô, Ngôi Lời vĩnh cửu, Người là Lời trước khi nhập thể hay là sự mặc khải của Thiên Chúa. Ngài vẫn là đấng (ngôi vị) ấy, nhưng không mang bản tính nhân loại, nhập thể.

Tất cả chân lí là chân lí của Ngài. Nhưng Chúa Giêsu nhập thể là mặc khải dứt khoát của Thiên Chúa, là gương mặt của Thiên Chúa hướng về chúng ta trong sự thân mật tột cùng. Chúng ta biết nhiều về một người thông qua gương mặt của người đó hơn là lưng hoặc bàn chân của họ. Vì vậy, chúng ta hãy nhìn vào mặc khải chung cuộc, dứt khoát và trọn vẹn ấy của Thiên Chúa mà chúng ta hiện có ‒Đức Kitô và thập giá của Người‒ để cố gắng làm sáng tỏ nghịch lí về sức mạnh đến từ sự yếu đuối. Câu hỏi của chúng ta là: Làm sao sự yếu đuối lại làm cho chúng ta mạnh mẽ nhờ thập giá? hoặc, làm sao sự yếu đuối của thập giá làm cho chúng ta mạnh mẽ?

Đây là hai câu hỏi, chứ không phải một. Câu thứ nhất có tính lí thuyết và không thể trả lời. Câu thứ hai có tính thực tế và có thể trả lời.

Câu hỏi thứ nhất là: Nó hoạt động như thế nào? Bằng kĩ thuật tâm linh, siêu nhiên nào mà cỗ máy là sự yếu đuối tạo ra sản phẩm là sức mạnh? Thập giá hoạt động như thế nào?

Các nhà thần học đã nghiên cứu về điều đó trong gần hai nghìn năm, và không có sự đồng thuận rõ ràng trong Kitô giới, không có câu trả lời rõ ràng đầy đủ, chỉ có những điều loại suy. Phép loại suy lành mạnh của Thánh Anselmô là sự dữ chiếm hữu chúng ta và Đức Kitô đã trả giá để chuộc chúng ta về. Các Giáo phụ đầu tiên đã đưa ra một phép loại suy như trận chiến vũ trụ: Đức Kitô đã xâm chiếm lãnh thổ bị kẻ thù chiếm đóng—trước hết là mặt đất, sau đó, vào Thứ Bảy Tuần Thánh, đến âm phủ, và đánh bại ma quỷ cùng các thế lực tội lỗi và sự chết của hắn. Khi đó có một Chủ nghĩa thực tiễn Mỹ mang tính đơn sơ thú vị của mục sư thuộc Southern Free Will Baptist cho rằng: “Satan bỏ phiếu chống lại bạn, và Chúa Giêsu bỏ phiếu ủng hộ bạn, còn bạn đưa ra lá phiếu quyết định”. Những ẩn dụ này hữu ích, nhưng chúng chỉ là những biểu tượng, những sự tương tự thôi. Chúng ta hầu như không biết cách thức hoạt động của điện, làm sao chúng ta có thể biết sự cứu chuộc hoạt động như thế nào?

Tuy nhiên, câu hỏi thứ hai có thể trả lời chắc chắn hơn. Đó là câu hỏi thực tế: Tôi phải sống như thế nào; Tôi nên cư xử như thế nào liên quan đến sự yếu đuối? Tôi nên thể hiện thập giá như thế nào trong cuộc sống của tôi? Bởi vì thập giá ở ngay trong cuộc sống của tôi. Nó không phải là một điều kì dị mà là một sự thật phổ quát đã nhập thể, không chỉ là một sự kiện chỉ xảy ra một lần là xong ở bên ngoài tôi trong không gian và thời gian, ở Israel vào năm 29 Công nguyên, cách tôi 8.000 dặm và 2.000 năm, nhưng đó cũng là một sự kiện đang tiếp diễn bên trong tôi, hay đúng hơn tôi ở trong đó.

Có hai sai lầm ngang nhau và trái ngược nhau khi trả lời câu hỏi này: Tôi sẽ thể hiện mầu nhiệm thập giá này như thế nào trong cuộc đời tôi? Đó là chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa ẩn dật, chủ nghĩa hiếu động và chủ nghĩa thụ động. Chủ nghĩa nhân văn nói rằng tất cả đều là hành động của con người, rằng chúng ta phải tranh đấu và vượt qua sự yếu đuối, thất bại, thua thiệt, bệnh tật, cái chết và đau khổ. Chúng ta phải vượt qua thập giá. Nhưng rốt cuộc chúng ta không bao giờ vượt qua được. Chủ nghĩa nhân văn là Don Quixote phóng ngựa đối đầu với xe tăng.

Chủ nghĩa ẩn dật, hay thuyết định mệnh, quan niệm một cách đơn giản là: Hãy chịu đựng nó, hãy chấp nhận nó. Nói khác đi, đừng là con người. Hãy đi “nhẹ nhàng vào đêm tối tốt lành đó”, đừng “tức giận, nổi xung vì ánh sáng lụi tàn”.

Kitô giáo còn nghịch lí hơn chủ nghĩa nhân văn và thuyết định mệnh ‒chủ nghĩa nhân văn cứ vậy mà chối bỏ; còn thuyết định mệnh thì cứ vậy mà chấp nhận. Có một nghịch lí kép trong câu trả lời của Kitô giáo về sự nghèo khó, đau khổ và cái chết. Sự nghèo khó phải được chống lại và giảm bớt, nhưng nó là mối phúc. Giúp đỡ người nghèo thoát khỏi sự tàn phá của sự nghèo khó là một trong những nhiệm vụ thiết yếu của Kitô hữu. Nếu chúng ta chối bỏ sự khó nghèo, chúng ta không phải là Kitô hữu, chúng ta không được cứu độ (Mt 25, 41-46). Tuy nhiên, chính những người giàu có mới là những người cần được thương xót và đáng thương, như Mẹ Têrêsa đã nói với Harvard những lời gây sửng sốt: “Đừng gọi đất nước của tôi là một nước nghèo. Ấn Độ không phải là nước nghèo. Mỹ là nước nghèo, một nước nghèo về tinh thần”. Người giàu khó được cứu rỗi (Mt 19,23), trong khi những người có tâm hồn nghèo khó, nghĩa là những người vui lòng nghèo khó, những người không dính bén của cải, thì được chúc phúc (Mt 5,3).

Cũng thấy được thái độ bộ đôi đầy nghịch lí ấy trong Kitô giáo đối với cái chết. Cái chết một mặt là sự dữ lớn lao, là “kẻ thù cuối cùng” (Cr 15,26), là dấu vết và hình phạt của tội lỗi. Đức Kitô đến để đánh bại nó. Tuy nhiên, cái chết cũng là cánh cửa dẫn đến sự sống đời đời, dẫn vào thiên đàng. Đó là cỗ xe ngựa vàng do vị vua vĩ đại gửi đến đón cô dâu Lọ Lem của ngài.

Đau khổ cũng là một nghịch lí. Một mặt nó cần được xoa dịu, mặt khác nó là mối phúc. Các thánh là thánh chủ yếu vì hai lí do: họ có tình yêu anh hùng và lòng trắc ẩn đối với những người thân cận, nghĩa là, họ cống hiến hết mình để xoa dịu những nỗi đau khổ của người khác. Nhưng họ cũng yêu mến Thiên Chúa đến nỗi họ chấp nhận và dâng hiến những đau khổ của riêng mình một cách anh dũng và thậm chí còn lấy làm vui nữa. Họ vừa chiến đấu với đau khổ vừa chấp nhận đau khổ. Họ năng động hơn những người theo chủ nghĩa nhân văn và dễ chấp nhận hơn những người theo chủ nghĩa ẩn dật. Cả ba ‒ nghèo khó, cái chết và đau khổ ‒ đều là những hình thức của sự yếu đuối. Vấn đề yếu đuối là vấn đề chung và phổ quát hơn. Chẳng hạn, sự đau khổ tự nó không phải là không chịu đựng được như sự yếu đuối, vì chúng ta sẵn sàng chịu lấy những đau đớn như việc sinh con chỉ với điều kiện chúng được chọn lựa cách tự do, trong khả năng của chúng ta ‒ nhưng ngay cả những nỗi đau và bất tiện nhỏ, như trễ chuyến bay hay bị dầm đâm ngón tay, cũng khiến chúng ta cảm thấy quá sức chịu đựng nếu chúng được áp đặt lên chúng ta ngược lại ý muốn của chúng ta. Chúng ta thà chạy một dặm cách tự do còn hơn bị buộc phải chạy một dãy nhà. Kierkegaard nói: “Nếu tôi có một người đầy tớ khiêm tốn, khi tôi xin anh ta một li nước, thay vào đó, anh mang đến những loại rượu đắt tiền trên thế giới được rót vào một cái li đúng kiểu, tôi sẽ sa thải anh ta, để dạy anh rằng niềm vui thực ở chỗ làm theo cách của riêng tôi”.

Alfred Adler là môn đệ lập dị của Freud đã rời bỏ thầy của mình vì vấn đề trung tâm này: đâu là mong muốn cơ bản nhất của con người; Adler đã khám phá ra đó không phải là thú vui, như Freud nghĩ, mà là sức mạnh.

Ngay cả Thánh Tôma Aquinô cũng ngầm đồng ý, vì khi ngài xem lại và loại bỏ tất cả những ứng viên không thích hợp và có vẻ thần tượng cho vị trí hạnh phúc tối cao của con người, tất cả những thứ chúng ta theo đuổi thay vì Thiên Chúa, ngài nhận xét rằng chúng ta bị quyền lực thu hút bởi vì nó có vẻ thần thánh nhất. (Tuy nhiên, điều này dễ gây lầm lẫn vì quyền năng của Chúa sự tốt lành của Ngài). Quyền lực là câu trả lời của Thánh Augustinô về lí do ngài đi ăn trộm những quả lê cứng, không ăn được và không bán được khi còn là một cậu bé. Cái ngài muốn không phải là niềm vui hay tiền bạc mà là quyền lực, quyền lực để không bị đặt dưới luật “ngươi không được trộm cắp”, quyền lực để bất tuân luật pháp và dường như thoát khỏi nó. Chúng ta khổ sở dưới sự ràng buộc.

À, nhưng bản chất của chúng ta là sự ràng buộc. Nói cho cùng, chúng ta chỉ là những thọ tạo, không phải là người sáng tạo; hoàn toàn hữu hạn, không vô hạn; phải chết, không bất tử; ngu dốt, không biết tất cả. Tất cả những điều này là các hình thức của sự yếu đuối, chúng không phải là những điểm yếu ngẫu nhiên và có thể tránh được mà là những điểm yếu bẩm sinh và cần thiết cho chính con người chúng ta với tư cách là những thụ tạo. Khi bực bội với những hạn chế của sự yếu đuối, chúng ta bực bội với chính con người mình.

Thậm chí trước khi chúng ta bắt đầu cố gắng thoát khỏi vấn đề của chúng ta về sức mạnh từ sự yếu đuối, trước tiên chúng ta phải nhìn vào trong đó cách sâu hơn và rõ ràng hơn. Có ba nhược điểm liên quan nhưng khác biệt cần xem xét.

Trước tiên, có sự yếu đuối do đứng thứ hai, đóng vai phụ, đáp ứng thay vì khởi xướng, theo sau thay vì dẫn đầu, vâng lời thay vì ra lệnh. Chúng ta có bực tức chống lại điều này thì quả là chuyện hoàn toàn ngu xuẩn, vì chính Thiên Chúa cũng có sự yếu đuối này! Từ muôn đời Chúa Con vâng phục Chúa Cha. Điều gì Ngài làm trên trần gian, Ngài đã làm trong cõi vĩnh hằng. George MacDonald đã trình bày như sau: “Ngài đã làm, trong thời tiết gay gắt ở những vùng xa xôi, điều Ngài đã làm từ đời đời nơi quê nhà trong vinh quang”. Chưa có ai từng vâng phục hơn Đức Kitô.

Do đó, vâng lời không phải là dấu hiệu của sự thấp kém. Đáp ứng, hát bè, đóng vai phụ, không hạ thấp phẩm giá, vì Đức Kitô, Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, là Đấng vâng lời hoàn hảo. Trong đó, chúng ta có một trong những cuộc cách mạng đáng kinh ngạc và triệt để nhất mà thế giới đã từng được nghe, và vẫn chưa hiểu. Phụ nữ vẫn phẫn nộ vì là phụ nữ, nghĩa là, về mặt sinh học phải tiếp nhận sự thụ tinh của nam giới, cần sự bảo vệ và lãnh đạo của nam giới, bởi họ nghĩ điều này khiến họ thấp kém hơn. Trẻ con khó chịu phải vâng lời cha mẹ, và công dân khó chịu phải phục tùng chính quyền dân sự, vì cùng một lí do: họ nghĩ rằng sự vâng lời đánh dấu sự kém cỏi của họ. Không phải vậy.

Đức Kitô trước đến giờ ngang hàng với Chúa Cha trong mọi sự; nhưng Đức Kitô đã vâng lời và thậm chí bây giờ vẫn đang vâng lời Chúa Cha. Có vai trò khác nhau không có nghĩa là khác nhau về giá trị. “Sự yếu đuối” của sự vâng phục không đến từ sự thấp kém mà đến từ sự bình đẳng về giá trị.

Con cái cũng phải vâng lời cha mẹ. Tuy nhiên, con cái không thua kém cha mẹ về đạo đức hay tâm linh. Mệnh lệnh phải vâng lời không hạ thấp phẩm giá nhưng giải phóng ‒nếu chúng ta đang nói về sự vâng phục “trong Đức Kitô”. Trên thế giới, quyền lực thống trị, và kẻ mạnh đặt mình lên trên kẻ yếu. Ở đó, vâng phục thực sự là dấu hiệu thấp kém về quyền lực. Nhưng không phải trong Hội Thánh. Ở đây, mọi thứ khác hẳn: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em. Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 25-28).

Chúa Giêsu ngang hàng với Chúa Cha, nhưng Ngài vâng phục. Nếu sự kiện đơn giản nhưng có tính cách mạng đó được hiểu và đánh giá đúng, chúng ta sẽ có một thế giới mới ‒ không phải thế giới nô lệ và áp bức cổ xưa, cũng không phải thế giới Phương Tây hiện đại bị mất gốc và rối loạn, cào bằng trái tự nhiên và đầy cạnh tranh vì oán hận. Thay vào đó, chúng ta sẽ có tình thương.

Tình thương làm nên sức mạnh. “Sự yếu đuối” của Đức Kitô trong sự vâng phục Chúa Cha đã làm cho Người mạnh mẽ vì đó là sự vâng phục vì thương. Nếu Đức Kitô đã không vâng theo ý muốn của Đức Chúa Cha, khi Satan cám dỗ Người trong hoang địa, Ngài sẽ mất sức mạnh, như Samson, và yếu ớt chịu thua kẻ thù của mình. Sự vâng phục là một dấu hiệu của thiên tính nơi Người. Chúng ta cũng vậy: nếu chúng ta hoàn toàn vâng phục Chúa Cha, chúng ta được biến đổi thành những người dự phần vào bản tính Thiên Chúa. Bởi vì sự hối cải, đức tin và phép rửa tội, ba công cụ giúp cho sự biến đổi đó, đều là những hình thức vâng phục. Chúng ta được truyền phải hối cải, tin tưởng và chịu phép rửa.

Hình thức thứ hai củasự yếu đuối” chỉ dành riêng cho chúng ta, không phải cho Đức Kitô, nhưng hình thức thứ hai này cũng không phải để gây khó chịu. Đó là sự hữu hạn của chúng ta, thuộc tính thọ tạo của chúng ta. Chúng ta được tạo dựng. Do đó, chúng ta phụ thuộc vào Thiên Chúa về mọi thứ, về chính sự tồn tại của chúng ta và tất cả những gì phát sinh từ đó. Không có gì chúng ta có là của riêng chúng ta bởi vì chính con người chúng ta không phải là của chúng ta. Thiên Chúa sở hữu chúng ta. (Vì vậy, tự tử là hành vi trộm cắp). Chúng ta không có quyền vượt lên trên Thiên Chúa. Không có tạo vật nào, kể cả tổng lãnh thiên thần vĩ đại nhất, vượt trên Thiên Chúa.

Không có thụ tạo nào là toàn năng, cũng không có thụ tạo nào hoàn toàn bất lực. Ngay cả một thiên thần cũng không thể tạo ra vũ trụ hay cứu rỗi một linh hồn, và ngay cả một hạt cát cũng có thể thể hiện Thiên Chúa, có thể chọc tức một ngón chân và một bộ não, và có thể quyết định một trận đánh và một cuộc chiến.

Ngay cả trong cõi vĩnh hằng không một thọ tạo nào có thể làm cạn kiệt và khám phá hết tình thương của Ngài. Thiên Chúa sẽ luôn luôn hơn nữa. Chúng ta sẽ không bao giờ mất đi niềm vui vô song do sự khiêm tốn,do sự tôn sùng. Thật ngớ ngẩn làm sao khi lấy làm bực bội vì “sự yếu đuối” đó.

Và thật ngớ ngẩn khi oán trách cách Thiên Chúa và thiên nhiên đắp cho sự yếu đuối đó, bằng sự phụ thuộc lẫn nhau, liên đới, hợp tác, vị tha. Chúng ta mang gánh nặng cho nhau, như vậy là chu toàn luật Đức Kitô (Gl 6,2). Tôi nghĩ cụm từluật của Đức Kitô” có nghĩa lớn hơn tuân theo các lệnh truyền của Đức Kitô; tôi nghĩ nó có nghĩa là sống sự sống của Đức Kitô. Tôi nghĩ luật của Chúa Kitô giống như luật trọng lực hơn là luật của vùng đất này. Những quả táo rơi hoàn thành luật trọng lực, còn việc mang gánh nặng cho nhau hoàn thành luật của Đức Kitô.

Hôn nhân là ví dụ hàng đầu của việc mang gánh nặng cho nhau. Đàn ông cần đàn bà, như Thiên Chúa đã tuyên bố lúc tạo dựng:Đàn ông ở một mình thì không tốt” (St 2,18). Còn đàn bà cần đàn ông. Ngày nay, cả đàn ông lẫn đàn bà thường hay oán ghét nhu cầu đó. Đó là sự nổi loạn chống lại luật của Đức Kitô, được ghi trong luật tự nhiên của con người. Chính hình ảnh của Thiên Chúa được minh định trong sách Sáng thế 2,27 là “người nam và người nữ”.

Cuối cùng, hình thức yếu đuối thứ ba mà người ta phải chống lại: sự yếu đuối do tội lỗi và những hậu quả của nó. Hữu hạn là tốt, nhưng sa ngã thì không. Tất cả chúng ta đều bất thường, không còn ở trạng thái tự nhiên. Ở đây, chúng ta cần nổi loạn chống lại con người của mình, vì con người của chúng ta đây không phải tự nhiên, không phải là cái do Chúa tạo thành. Việc chúng ta không hài lòng với sự yếu đuối về mặt luân lítâm linh của mình ngầm chứng tỏ rằng chúng ta biết một điều gì đó tốt hơnvề một tiêu chuẩn mà chúng ta dùng để đo lường bản thân, cuộc sống và thế giới của mình, và thấy là chúng thiếu sót. Chính ký ức của chúng ta về vườn Địa đàng đã gây ra cuộc tranh cãi giữa người yêu hiện tại của chúng ta với thế giới, với vùng hoang địa “phía đông vườn Địa đàng” (St 3,24).

Chính bởi vì chúng ta yếu đuối về luân lí nên chúng ta được truyền phải cầu xin “chớ để chúng con sa chước cám dỗ”, nghĩa là, sa vào thử thách và khó khăn. Bởi vì tất cả chúng ta, đều có điểm giới hạn của mình. Nếu Thiên Chúa không rút ngắn những ngày Đại nạn, thì cả các thánh cũng không chịu nổi và được cứu rỗi (Mt 24,22).

Chúng ta không chỉ yếu đuối về luân lí mà còn yếu kém về mặt trí tuệ: dốt nát, khờ dại, ngu ngốc. Tội lỗi không đơn thuần là sự ngu xuẩn như Plato dạy, và chắc chắn nguyên nhân của nó không chỉ là sự thiếu hiểu biết như Plato dạy, mà vì sự thiếu hiểu biết không phải là nguyên nhân của tội lỗi, nó là hậu quả của tội lỗi.

Thân xác chúng ta cũng yếu đuối vì tội lỗi. Một khi linh hồn tuyên bố độc lập với Thiên Chúa, Đấng là nguồn gốc của mọi sự sống và sức mạnh, thì thể xác trở nên yếu đuối vì nó càng độc lập với linh hồn, là nguồn sự sống của nó. Do đó, sự chết là kết quả tất yếu của tội lỗi. Giống như nam châm. Thiên Chúa là nam châm giữ hai vòng sắt, thể xác và linh hồn, lại với nhau. Lấy nam châm ra và các vòng rơi ra. Một khi xa lìa Thiên Chúa, chúng ta làm được gì ngoài việc chịu chết? Và một khi chúng ta kết hợp với Thiên Chúa, chúng ta sẽ làm gì nếu không phải là sống đời đời?

Chúng ta nên chấp nhận vâng phục Đức Chúa Cha như làđiểm yếu” đầu tiên của chúng ta, và chúng ta nên nhận sự hữu hạn là “điểm yếu” thứ hai của mình, nhưng liệu chúng ta có nên chấp nhậnđiểm yếu” thứ ba, tức là tội lỗi của chúng ta không? Có và không. Tội lỗi giống như bệnh ung thư. Khi mắc bệnh ung thư, chúng ta nên chấp nhận sự thật đó bằng trí tuệ chứ không phải bằng ý chí của chúng ta. Chúng ta nên chấp nhận sự thật, chứ không phải sự tốt đẹp của bệnh ung thư, bởi vì bệnh ung thư là không tốt. Hãy chấp nhận nó về mặt lí thuyết, nhưng không phải về mặt thực tế. Ở mức độ thực tế, chúng ta nên chống lại nó. Đối với tội lỗi cũng vậy.

Người ta thường nhầm lẫn về điểm đơn giản này. Ngay cả một tư tưởng vĩ đại như Carl Jung dường như cũng rơi vào sự nhầm lẫn chết người này khi ông bảo chúng tachấp nhận mặt tối của chính mình, bóng tối của chúng ta. Không! Thiên Chúa đã phải chết và chịu đựng những sự khủng khiếp của hoả ngục để cứu chúng ta khỏi mặt tối đó. Làm sao chúng ta dámchấp nhận” nó trong khi Đấng Thánh đã tuyên chiến vĩnh viễn với nó? Làm sao chúng ta dám trung lập khi Thiên Chúa chia phe hẳn hoi? Làm sao chúng ta dám đóng vai Chamberlain ở Munich trước những phát minh quái quỷ? [Hai thủ tướng Anh và Pháp là Neville Chamberlain và Edouard Daladier ký hoà ước Munich với lãnh đạo đảng Quốc xã Adolf Hitler ngày 30/9/1938. Thoả thuận này ngăn chặn chiến tranh nổ ra nhưng giao Czechoslovakia cho Đức chiếm đóng (ND)]. Chỉ có một số phận thích hợp cho sự yếu nhược tâm linh như vậy. Hãy tra trong sách Khải huyền 3,16. Đừng ai cố ăn thứ Thiên Chúa đã nôn ra.

Bây giờ tôi sẽ đi vào những lĩnh vực sâu hơn, gai góc hơn về vấn đề chúng ta đang suy gẫm.

Yếu đuối của chúng ta trở thành sức mạnh khi Thiên Chúa bước vào sự yếu đuối của chúng ta. Như bác sĩ gây mê bệnh nhân để bệnh nhân không còn là người khoẻ mà thành người bệnh, thành thụ động, để không nhảy dựng trên bàn mổ, Thiên Chúa làm chúng ta yếu đi để Ngài có thể thực hiện những ca phẫu thuật trên chúng ta, nếu không chúng ta không thể làm được.

Điều này đặc biệt đúng về cái chết. Cái chết là cuộc phẫu thuật triệt để, và chúng ta phải được gây mê cách triệt để hầu đón nhận nó. Thiên Chúa muốn thâm nhập vào trái tim của chúng ta, con người sâu thẳm nhất của chúng ta. Trái tim của chúng ta phải ngừng đập để hoạt động đó diễn ra.

Cũng nguyên tắc ấy hoạt động trong những cách thấp hơn trước cái chết, trong những cái chết nhỏ. Thiên Chúa phải đánh gục chúng ta trước để cứu chúng ta khỏi chết đuối, vì chúng ta vùng vẫy một cách ngu xuẩn. Ngài phải đập vỡ những món đồ chơi chúng ta đang cầm trên tay để lấp đầy bằng niềm vui của Ngài.

Đến đây là tốt rồi. Nguyên tắc đó khá nổi tiếng. Nhưng khi chúng ta tìm đến các nhà thần bí, và rồi khi chúng ta đọc thứ ngôn ngữ kì lạ của họ về việc “hóa ra không”, tuyệt đích của sự yếu đuối, chúng ta lắc đầu khó hiểu và nghi ngờ. Tuy nhiên, ý nghĩa vềsự hư vô trước Thiên Chúa của các nhà thần bí không là gì khác hơn chính nguyên tắc được đưa đến kết luận hợp lí của nó. Nếu sức mạnh của Chúa lấp đầy chúng ta khi chúng ta yếu đuối, và sự vĩ đại của Chúa lấp đầy chúng ta khi chúng ta nhỏ bé, thì tất cả của Chúa sẽ lấp đầy chúng ta khi chúng ta không là gì cả.

Nhưng chúng ta phải phân biệt hai loạikhông là gì”. Các nhà thần bí phương Đông dường như nói rằng linh hồn là “hư không” vì nó không có thật. Họ nhìn quaảo ảnh về cá nhân. Họ dường như nói rằng chúng ta thực sự không phải là thụ tạo, trừ Thiên Chúa. Bởi vì tất cả đều là Thiên Chúa nếu bạn là một người tin vào thuyết phiếm thần. Điều đó đơn giản là sai, vì Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta khác biệt với chính Ngài.

Thay vì vậy, “sự hư không” của các nhà thần bí Kitô giáo có nghĩa là không có ý riêng và không còn chú ý đến bản thân.Đừng theo ý con, nhưng xin cho ý Cha thể hiện” là công thức cơ bản dành cho mọi sự thánh thiện, không chỉ dành cho các nhà thần bí. Trong đây không có gì đặc biệt là thần bí. Nhưng khi, được Thiên Chúa mê hoặc qua việc nếm trước cảnh tượng hạnh phúc của thiên đàng, nhà thần bí được ban ơn dường như mất hết ý thức về chính mình, ông dường như không là gì đối với chính mình, bởi vì ông không còn nhìn vào mình nữa, mà chỉ nhìn vào Thiên Chúa. Nhưng, tất nhiên, ông vẫn có đó, vì phải có một cái tôi để thực hiện hành động quên mình. Ai đang quên? Chắc chắn không phải Thiên Chúa, vì sự toàn tri thì không quên.

Nhà thần bí Kitô giáo trải nghiệm một niềm hạnh phúc trong sự yếu đuối hoàn toàn đến mức hư không này, vì đó là sự tin tưởng hoàn toàn, nghỉ ngơi hoàn toàn trong vòng tay của Chúa, được Cha ôm lấy. Do đó, tất cả lo lắng và sự quan tâm đến bản thân đều tan biến. Đây là sự khiêm tốn hoàn toàn. Vì kiêu ngạo là tội lỗi đầu tiên, tội lỗi của ma quỷ, nên khiêm nhường là nhân đức đầu tiên.

Kiêu ngạo không có nghĩa là quan điểm phóng đại về giá trị của bản thân; đó là sự phù phiếm. Kiêu ngạo nghĩa là đóng vai Thiên Chúa, đòi làm Thiên Chúa. “Thà cai trị địa ngục còn hơn phục vụ trên thiên đường,” đây là câu nói mà Satan dùng để biện minh cho sự nổi loạn của mình trong Paradise Lost [Thiên đàng đã mất] của Milton. Đó là công thức kiêu ngạo. Kiêu ngạo lúc nào cũng làý tôi thể hiện”.

 Khiêm tốn làý Cha thể hiện”. Khiêm tốn là tập trung vào Thiên Chúa, chứ không vào bản thân. Khiêm tốn không phải là đánh giá quá thấp bản thân. Khiêm tốn là quên mình. Một người khiêm tốn không bao giờ nói với bạn rằng anh ta tệ như thế nào. Anh ấy bận nghĩ về bạn đến nỗi không thể nói về bản thân mình. Đó là lí do tại sao khiêm tốn là một niềm vui và rất gần với nhãn quan hạnh phúc, nơi mà chúng ta sẽ say mê Thiên Chúa đến nỗi chúng ta hoàn toàn quên mình, giống như các nhà thần bí. Khi kết hợp hai điều này –hoàn toàn muốn “không phải ý con mà là ý Cha được thực hiện” biết hoàn toàn quên mình– có lẽ chúng ta có thể bắt đầu hiểu làm thế nào các nhà thần bí tìm thấy niềm vui vô song khi trở thành hư không. Đó là cảm giác hồi hộp bí ẩn mà chúng ta cảm thấy khi hát dâng Chúa Thánh Thần: “Hãy thổi, thổi, thổi cho đến khi tôi còn sống / Nhưng đó là hơi thở của Chúa Thánh Thần thổi trong tôi”.

Rất khó để nói về việc này, về sự ngây ngất. Thi thoảng nghe chuyện đó có vẻ ngớ ngẩn. Nó rất dễ bị hiểu lầm. Nó không thể được giải thích bằng ngôn ngữ thông thường. Nó giống như đang yêu vậy. đang yêu. Nó không phải một ý tưởng, cần giải thích. Đó là một trải nghiệm, để được sống, hoặc ít nhất để được đồng cảm, với tâm và trí mở rộng.

Thập giá liên quan đến điều này như thế nào? Ngoài việc cứu chúng ta khỏi tội lỗi, thập giá còn biểu lộ bản chất ngây ngất nơi Ba Ngôi Thiên Chúa, đó là Thần Khí của tình yêu tự hiến giữa Cha và Con, là chính bí mật của sự sống nội tại của Thiên Chúa. Thập giá, mà Đức Kitô đã cắm như một thanh gươm vào lòng đất trên đồi Canvê, được giữ bằng cán gươm trên thiên đàng. Thiên đàng đã rèn lưỡi kiếm đó. Thập giá đã gây chiến với tội lỗi và sự chết trong thời gian, nhưng nó bày tỏ sự bình an và sự sống trong cõi đời đời.

Xin cho “ý Cha, không phải ý con, được thể hiện” không chỉ là điều khó khăn nhất trong các việc chúng ta có thể làm (đó là điều mà tội lỗi đã làm cho chúng ta), nhưng còn là điều vui sướng và tự do nhất mà chúng ta có thể làm (đó là điều mà ân sủng đã ban tặng cho chúng ta). Có cả nghìn t thí nghiệm đã chứng minh một điểm vượt qua tất cả nghi ngờ: rằng bất cứ khi nào chúng ta nhắm đến hạnh phúc như thể chúng ta là Thiên Chúa, bằng cách phát huy năng lực và sự kiểm soát của mình, chúng ta sẽ kết thúc trong bất hạnh, cho dù chúng ta có được thứ mình muốn hay không. Vì nếu có được nó, chúng ta đâm chán; và nếu không đạt được, chúng ta thất vọng. Nhưng bất cứ khi nào chúng ta trở thành hư không, trở nên hoàn toàn yếu đuối, bất cứ khi nào chúng ta nói nói hoàn toàn thật lòng: “Xin đừng theo ý con, nhưng xin cho ý Cha được thể hiện”, chúng ta tìm thấy hạnh phúc, niềm vui và bình an lớn lao nhất có thể có trên thế giới này. Tuy nhiên, cho dù đã có hàng nghìn tỉ thực nghiệm xác nhận chân lí này, chúng ta vẫn tiếp tục thử những trải nghiệm khác để tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài Thiên Chúa và bên ngoài sự phục tùng Thiên Chúa, do đó chúng ta liên tục bán đi quyền được hưởng niềm vui vốn có của mình. Nói cách khác, chúng ta bị điên. Tội lỗi là sự điên rồ.

Trọng tâm của Hồi giáo là sự thật mạnh mẽ mà chúng ta vừa thấy.Hồi giáo” mang hai ý nghĩa:phục tùng” và “bình an” (cùng nguồn gốc với từ “shalom [trong tiếng Do Thái]). Quy phục Thượng đế (“Allah”, “Đấng”) là con đường dẫn đến hòa bình. Dante trình bày điều này chỉ bằng năm từ trong một dòng và được T.S. Eliot cho là hoàn hảo và sâu sắc nhất trong tất cả các áng văn chương:Theo ý Chúa, ta bình an” (In his will, our peace).

Sự yếu đuối này chính là sức mạnh của Thiên Chúa, là bí mật về sự toàn năng của Thiên Chúa. Thiên Chúa toàn năng không phải vì Ngài có thể tạo ra vũ trụ hay làm các phép lạ. Thiên Chúa toàn năng vì Ngài là tình yêu, vì Ngài có thể khuất phục chính mình, vì Ngài có thể yếu đuối. Không một người hữu thần nào ngoại trừ Kitô hữu hiểu được bí mật sự toàn năng. Một Thiên Chúa mà chỉ có một mình thì không thể hoàn toàn toàn năng.

Chỉ có Thiên Chúa Ba Ngôi, chỉ có vị Thiên Chúa, Đấng có thể liên tục trút bỏ chính mình cho chính mình, mới có thể toàn năng.

Chúng ta thường nghĩ về Chúa Cha là nguồn sự toàn năng, nhưng thật ra cả ba ngôi vị đều cần thiết cho sự toàn năng. Sự toàn năng chỉ phát sinh khi chúng ta đến với Chúa Thánh Thần tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con dành cho nhau. Khi Thánh Thần được thổi vào trong chúng ta, thì cả Ba Ngôi vào trong chúng ta, và sống sự sống của Ngài trong và qua chúng ta. Thánh giá vinh quang của Chúa Ba Ngôi vĩnh cửu và thánh giá đẫm máu trên đồi Canvê hòa quyện trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta khi chúng ta tham dự vào niềm vui nơi tình yêu Thiên Chúa và vào sự đau khổ mang lại ơn cứu độ của Thiên Chúa.

 

Chuyển ngữ: Martin Lâm

Nguồn: peterkreeft.com