14/09/2022
1019
Xem lễ và tham dự thánh lễ_Têrêsa Ngọc Thuỳ



















 

Xem lễ và tham dự thánh lễ

(WGPMT) Thoạt đầu nghe đến hai khái niệm này, chúng ta có thể cho rằng đây là hai khái niệm, hành vi giống nhau nhưng thực chất đây là hai hành vi với những cách thể hiện hoàn toàn khác nhau. Xem lễ là khi ta đi lễ muộn nhưng về sớm, xem thánh lễ như việc đi cũng được không cũng không sao, dửng dưng, chẳng bao giờ để ý Lời Chúa hay lời giảng của linh mục, lúc nghe giảng thì nói chuyện, mở điện thoại ra xem… Xem lễ là khi ta chẳng chú ý gì đến thánh lễ, đi vì thói quen, người lớn bắt buộc. Xem lễ là khi ta xem dự lễ như tham dự một sự kiện xã hội, văn hóa, kiếm chỗ mát mẻ ngồi nói chuyện,không có tâm tình đạo đức lắng đọng… Có rất nhiều biểu hiện khác nhưng quy chung của việc xem lễ là ta xem việc đi đến nhà thờ là việc phải làm, bắt buộc làm nên mới làm, là khi ta đến với một tâm tình không chuẩn bị, không quan tâm, không tập trung, là ta chỉ thực sự “xem” mọi thứ đang diễn ra.

Vậy còn tham dự thánh lễ là gì? Tham dự thánh lễ là khi ta cảm thấy hạnh phúc khi được dự lễ, là niềm khao khát được gặp gỡ Chúa. Đó không phải là những việc quá lớn lao, đôi khi chỉ là việc ngồi nghiêm trang, hăng say lắng nghe Lời Chúa, tích cực cùng “thưa đáp” với mọi người, dâng lễ trong tâm tình sốt sắng để không chỉ lắng nghe Lời Chúa mà còn hiểu được Lời Chúa, giúp Lời Chúa đi vào đời sống mỗi người chúng ta.

Có linh mục từng nói: “Thánh lễ là nơi ta dâng cuộc sống mình, chấp nhận như tấm bánh chia sẻ cho mọi người. Cho nên, tham dự lễ không phải là ngồi bất động như cái xác vô hồn. Dự lễ là hướng lòng trí về những sự trên trời, không chạy theo thói đời, đua tranh nhau, hơn thua nhau trong chức quyền danh vọng”. Hiến chế Phụng vụ cũng viết: “Giáo hội hằng bận tâm lo cho các tín hữu đừng tham dự Thánh Lễ như những khách bàng quang, câm lặng, nhưng nhờ hiểu thấu đáo mầu nhiệm đó qua nghi lễ và kinh nguyện sao cho họ tham dự hoạt động cách ý thức, thành kính và linh động, cho họ được đào luyện bởi Lời Chúa, được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa, biết tạ ơn Chúa” (PV 47). Và: “Để tham gia linh động, cần có những lời tung hô của dân chúng, những câu đối đáp, những bài thánh vịnh, thánh ca, và cả những động tác những cử chỉ, thái độ của thân xác. Cũng cần giữ sự thinh lặng thiêng liêng đúng lúc” (PV 30). Bởi vì ý nghĩa của Thánh Lễ là sự trao đổi giữa Chúa Tình yêu và các con cái của Người nên: “Trong Phụng vụ, Chúa nói với dân Chúa qua Lời Chúa, còn dân Chúa đáp lại Chúa qua tiếng hát lời kinh” (PV 33).

Là một người trẻ, là mầm non, là tương lai của Giáo hội, chúng ta cần quan tâm hơn đến đời sống đức tin của bản thân. Thật buồn, khi có rất nhiều bạn trẻ ngày nay đi đến nhà thờ nhưng lại ngồi ở ngoài nhà thờ mặc dù trong nhà thờ vẫn còn chỗ ngồi, không thưa kinh, không tập trung lắng nghe Lời Chúa cũng như các nghi thức khác, hoặc chỉ làm theo nhưng không ý thức được ý nghĩa của các nghi thức. Nhiều bạn không biết mình đi lễ vì điều gì mà chỉ làm theo lời gia đình bảo hay vì người khác đi lễ nên mình cũng đi. Hãy bắt đầu từ việc điều chỉnh lại thái độ tham dự thánh lễ của bản thân bằng việc chuẩn bị tâm hồn, đến nhà thờ nói chuyện cùng Chúa, thưa kinh và hát cùng cộng đồng… Hãy xem việc đến cùng Chúa mỗi tuần là một niềm vui hay một buổi tâm tình, nói chuyện cùng Chúa để Chúa đến gần bên ta làm bạn cùng ta.

Còn bạn thì sao, bạn đang xem lễ hay tham dự thánh lễ?
 

Têrêsa Ngọc Thuỳ