20/11/2022
272
Tử đạo là cuộc vượt qua của hữu thể con người_Phêrô Hoàng Anh















 

TỬ ĐẠO LÀ CUỘC VƯỢT QUA

CỦA HỮU THỂ CON NGƯỜI

Đừng tạo vật nào, dù hữu hình hay vô hình, tìm cách ngăn cản không cho tôi chiếm hữu Đức Giêsu Kitô! Lửa thiêu, thập tự, thú dữ, phanh thây, vặn xương, nghiền tán thân thể, tất cả hình khổ do ma quỷ dữ tợn bày ra, tôi xin chịu, miễn là tôi có được Đức Giêsu Kitô!... Tôi tìm kiếm Ngài, là Đấng đã chịu chết vì chúng tôi...”

(Thánh Ingatiô thành Antiôkia).

Ngày 19 tháng 6 năm 1988, tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên phong 117 vị Tử đạo tại Việt Nam lên hàng hiển thánh. Trong năm 2018, Hội Thánh Công Giáo Việt Nam hân hoan cử hành kỷ niệm 30 năm sự kiện trọng đại này. Để mừng kính Các Thánh Tử Đạo và vì ích lợi thiêng liêng của Dân Chúa, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh và đã được chấp thuận. “Với thư này, chúng tôi chính thức công bố Năm Thánh mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, bắt đầu từ ngày 19 tháng 6 năm 2018 (kỷ niệm ngày phong thánh) đến ngày 24 tháng 11 năm 2018 (Lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam).” (x. HĐGM VIỆT NAM. Thư Công Bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. ttps://tonggiaophanhanoi.org/tu-lieu/tai-lieu-khac/13908-thu-cong-bo-nam-thanh-ton-vinh-cac-thanh-tu-dao-viet-nam.html.)

1. Màu sắc Tử đạo:

Khi nói đến tử đạo, trong chúng ta không tránh khỏi những cảm giác ghê sợ, hãi hùng vì những hình thức và diễn tiến của các bản án được đề ra do các vua chúa hoặc các thế lực cầm quyền hầu để loại trừ đức tin. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không khỏi bị choáng với màu chủ đạo trong các cuộc tử đạo, màu đỏ. Màu sắc này dễ gây chú ý và làm cho giác quan con người một sự phấn kích đặc biệt hoặc mang đến cho người ta một cảm giác sợ hãi. Tiếp đến, màu đỏ cũng làm kích thích tinh thần của con người bừng lên một khí phách anh hùng nơi các cuộc chiến đấu.

Tuy nhiên với cái nhìn đức tin, màu đỏ biểu trưng cho sự hy sinh anh hùng của các thánh tử đạo và được khơi nguồn từ thân mình Đức Giêsu Kitô, là Đấng Tử đạo đầu tiên. Ngài đã lấy Máu mình làm giá chuộc tội lỗi con người. Giá máu ấy còn mang đến cho nhân loại một sự sống đời đời, diễn tả sự hy sinh tột cùng của Đấng giàu Lòng Thương Xót. Chính trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã nói:Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em..” (Mt 22,19), hay khi Chúa Giêsu chết trên đồi Calvario: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34) để từ đó khai sinh sự sống mới cho nhân loại, khai sinh ra Hội thánh.

2. Các hình thức Tử Đạo:

Mừng kính các thánh tử đạo Việt Nam, nhắc nhở và thúc đẩy tất cả những người Kitô hữu của chúng ta sống tinh thần “tử đạo” trong môi trường hiện nay. Bằng cái chết của mình, các thánh tử đạo đã làm chứng trước mặt vua chúa, quan quyền và mọi người rằng Nước Trời là “kho tàng chôn giấu trong ruộng” và “ngọc quý vô giá” nên khi tìm được, các ngài sẵn sàng bán tất cả những gì mình có, kể cả mạng sống, để “mua thửa ruộng và ngọc quý đó” (x. Mt 13,44-46). (x. HĐGM VIỆT NAM. Thư Công Bố Năm Thánh Tôn Vinh Các Thánh Tử Đạo Việt Nam. ttps://tonggiaophanhanoi.org/tu-lieu/tai-lieu-khac/13908-thu-cong-bo-nam-thanh-ton-vinh-cac-thanh-tu-dao-viet-nam.html.)

Ngược dòng lịch sử trong khung trời đức tin Kitô giáo, chúng ta dễ dàng nhận ra vô vàn những hình thức tử đạo của các thánh từ thời khởi thủy cho đến nay.

Trước tiên, chúng ta lấy mốc điểm từ thế kỷ thứ nhất, vào thời Chúa Giêsu giáng sinh, vua Hêrôđê khi biết tin đã cho giết tất cả các trẻ em trong thành Jerusalem từ hai tuổi trở xuống để “trừ họa” cho ông: “Bấy giờ vua Hêrôđê thấy mình bị các nhà chiêm tinh đánh lừa, thì đùng đùng nổi giận, nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bêlem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các nhà chiêm tinh” (Mt 2,16).

Kế đến, cuộc tử đạo của Stêphanô sau bài diễn từ của ông trước các vị thượng tế Do thái:“Họ ném đá ông Tê-pha-nô, đang lúc ông cầu xin rằng: “Lạy Chúa Giê-su, xin nhận lấy hồn con.” Rồi ông quỳ gối xuống, kêu lớn tiếng: “Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này.” Nói thế rồi, ông an nghỉ” (Cv 7,59).

Còn các thánh tử đạo Việt Nam thì sao? Những khổ hình dành cho các ngài cũng không kém phần đau đớn. Vì đức tin, các ngài đã phải chịu đủ mọi thứ cực hình dã man. Bị gông cùm, bị xiềng xích, bị nhốt trong cũi, bị đánh đòn, bị bỏ đói, bị voi giầy, bị trói ném xuống sông, bị đổ dầu vào rốn rồi cho bấc vào mà đốt, bị đóng đinh vào ván rồi đem phơi nắng, bị chặt đầu, bị thắt cổ, bị thiêu sống, bị phân thây ra từng mảnh v.v… Trong 117 vị thánh Tử Đạo Việt Nam có 79 vị bị trảm quyết (bị chặt đầu); 18 vị bị xử giảo (bị thắt cổ); 8 vị chết rũ tù; 6 vị bị thiêu sinh; 4 vị bị lăng trì (phân thây ra từng mảnh); 1 vị bị tử thương và 1 vị bị bá đao. (x. www.tgpsaigon.net (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Tuy nhiên, “giữa các vị tử đạo và Chúa Kitô có một liên hệ đặc biệt và thân thiết, vì Đức Kitô là Đấng Tử Đạo đầu tiên, là chứng nhân đầu tiên và đích thực của Thiên Chúa. Khi một Kitô hữu phải chết vì Thiên Chúa và vì Chúa Kitô, họ cảm nghiệm sự gần gũi thân mật và mới mẻ giữa họ và Chúa Kitô.”(x. TGM. Phaolô BÙI VĂN ĐỌC, Chỉ Có Một Thiên Chúa: Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, NXB: Tôn Giáo, 2017, tr. 255)

I. TỬ ĐẠO – CUỘC VƯỢT QUA CỦA ĐỨC GIÊSU:

Công đồng Chalcedon (451) tuyên tín: “Đức Giêsu vừa có bản tính Thiên Chúa vừa có bản tính nhân loại và hai bản tính ấy nằm trong cùng một ngôi vị, không tách rời nhau nhưng cũng không hòa hợp lẫn nhau.” Dựa trên nền tảng này, nơi bản tính con người của Đức Giêsu để chúng ta có thể thấy rằng Đức Giêsu, con người của lịch sử, Ngài cũng trải qua những khó khăn, đau khổ và đỉnh cao là cuộc khổ nạn trên Thập giá nơi hữu thể con người.

Trình thuật Tin mừng của thánh sử Maccô cho chúng ta thấy rõ ba lần loan báo cuộc thương khó của Đức Giêsu. Ngài cho các môn đệ biết những đau khổ mà chính mình phải chịu:Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở” (Mc 8,31-32); lần thứ hai: (Mc 9,31); lần thứ ba: (Mc 10,33-34).

Ba trình thuật ấy cho chúng ta cái nhìn về Đức Giêsu nơi hữu thể con người, chính Ngài cũng lo lắng đau khổ và sợ hãi trước cái chết của mình trên Thập giá. Đồng thời thánh sử Maccô còn tường thuật lại rằng: “Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức.” Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đất mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn.” (Mc 14,33-36). Nhưng với thánh Luca, ngài còn diễn tả thêm một chi tiết nữa để thuật lại cho chúng ta một viễn cảnh đau buồn hơn của Đức Giêsu trước khi đứng trước cuộc khổ nạn, và nỗi sợ của Ngài đã trở nên tột cùng: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Như vậy, nỗi sợ hãi trong bản tính con người của Đức Giêsu cho chúng ta hình dung và cảm nhận được nỗi sợ nơi các thánh tử đạo ngày xưa. Tuy nhiên, tất cả các ngài đều hiên ngang anh dũng không tỏ ra sợ sệt trước pháp trường. Vì sao? Bởi vì, Chúa Giêsu đã chịu trước rồi. Khi Ngài bị đóng đinh trên Thập giá tuy đau đớn, sợ hãi nhưng vẫn can đảm để biểu lộ Lòng Thương Xót. Ngài vẫn thống thiết cầu xin Thiên Chúa Cha tha cho những kẻ đã đóng đinh Ngài (x. Lc 23,34) và tha thứ cho kẻ trộm ăn năn sám hối (x. Lc 23,43). Đức Giêsu đã không nghĩ đến mạng sống của mình nhưng vì lòng Thương Xót, một tình yêu cá vị, đã yêu thương con người cho đến hơi thở cuối cùng. Qua đó, chúng ta bắt gặp điểm tương đồng nơi các thánh tử đạo và Đức Giêsu, tất cả đã vì tình yêu mà hy sinh chính mạng sống của mình: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Qua cuộc khổ nạn của Đức Giêsu làm nền tảng để mỗi người Kitô hữu chúng ta nhìn lại đời mình trên nẻo đường làm người, chúng ta cần phải tháp nhập đời mình vào cuộc khổ nạn của chính Đức Giêsu Kitô để vượt qua những khó khăn và cố gắng hoàn thành sứ mạng đời mình.

2. TỬ ĐẠO – CUỘC VƯỢT QUA CỦA HỮU THỂ CON NGƯỜI:

Có một câu nói: “Lịch sử là quá khứ nhưng là bài học cho hiện tại và là hướng mở cho tương lai” (Lm. Giuse Nguyễn Thanh Tùng). Chúng ta có thể nói như thế, lịch sử là một kho tàng kinh nghiệm để chúng ta nhìn lại và soi chiếu vào thực tại nơi mà chúng ta đang sống. Như những tướng quân muốn đánh trận giỏi thì họ luôn xem lại binh pháp của người xưa để lại, mà áp dụng cho từng trận chiến khác nhau trên chiến trường.

Bánh xe lịch sử vẫn quay, thời gian vẫn cứ trôi và những gì từ cái nhìn hoài cổ vẫn mang cho người đương thời một kinh nghiệm mới mẻ. Hơn hết những biến cố đã từng xảy ra trong lịch sử vẫn diễn ra trong hiện tại, theo cách nhìn chủ quan của người viết, nó chỉ đang khoác lên mình một dáng vẻ mới mà thôi. Từ những sự bách hại đẫm máu ngày xưa đến những đau khổ mà các thánh tử đạo phải trải qua, thì ngày nay chúng vẫn còn chễm chệ với thời gian dưới những hình thái thật hấp dẫn như: đam mê, dục vọng, tiền của, văn minh “ngoại lai” v.v… Chúng vẫn đang đầy dẫy trước mắt chúng ta. Tất cả những điều ấy được ví như: ông vua, ông quan, ông chủ thời hiện đại, chúng “bắt bớ” và “tra tấn” con người bằng những khoái cảm, ảo giác, vị kỷ v.v… dẫn con người đi trên con đường ma mị. Như thánh Phaolô đã từng nói:“Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6, 23a), để từ đó con người hoàn toàn lệ thuộc vào những điều ấy. Nhưng thật ghê sợ khi chúng ta là những “tù binh” cho những ông chủ đó, chúng ta trở thành nô lệ. Đồng thời với những bắt bớ thời đại, thì sự khó khăn của nó cũng kéo theo: chúng ta trở nên hời hợt với bản thân, với gia đình và các mối tương quan trong xã hội, từ đó chúng ta cũng hời hợt với chính Chúa. Vì vậy, khi nói: “Tử đạo là cuộc vượt qua của hữu thể con người” có lẽ không sai vì xét trên bình diện con người và giá trị của chân lý đức tin, chúng ta có thể xác tín và nhìn nhận những cuộc vượt qua ấy là con đường duy nhất để chúng ta đạt tới hạnh phúc vĩnh hằng mai sau. Con người là một hữu thể tạo thành khi được Thiên Chúa đặt vào thế gian với những cám dỗ và căn tính yếu hèn đã dẫn con người sa ngã. “Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51,7). Từ hữu thể sa ngã ấy con người được trở nên hữu thể được Thiên Chúa cứu qua chính Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô nhằm dẫn con người trở về với hữu thể vinh phúc của đời mình.

Trong niềm tin mà mỗi người Kitô hữu được thừa hưởng từ niềm tin của Giáo hội bắt nguồn từ Đức Giêsu Kitô, “Tôi Tin, Chúng Tôi Tin” (Credo – Credimus) (x. GLHTCG, số 26), mỗi thọ tạo phải trải qua tiến trình tiệm tiến trên nẻo đường trần thế để trở nên thành toàn trong Đấng Tạo Thành. Trong khung trăm năm đó con người phải vượt qua hữu thể đời mình như một cuộc tử đạo. Vì sao lại nói như vậy? Một cái nhìn khách quan từ bối cảnh hiện đại hôm nay, đặt biệt khép góc ở đại bộ phận giới trẻ như một minh chứng cho ý nghĩ đã đề ra. Họ đã bị “tha hóa” hay nói cách khác bị tục hóa (Sécularization) trong lối sống và nhân bản của mình, hơn hết ý niệm về nếp dân gian hay cái gọi là truyền thống cũng khác đi và họ đã phá cách nhiều hơn… Họ bị “bách hại” từ chính những nền văn minh của sự chết, từ chính những tiện nghi mà họ đang thụ hưởng, họ đã đánh mất chính mình.

Do đó, để đạt tới hữu thể vinh phúc có phải chăng con người cần “tử đạo”, cần chết đi mỗi ngày cho sự lạc thú tiêu ma của mình không? Để rồi nhận biết rằng chúng ta phải tháp nhập cuộc người của mình vào cuộc tử đạo của Đức Giêsu Kitô, nhờ đó chúng ta mới có thể đạt tới hạnh phúc viên mãn mai sau trong hữu thể vinh phúc mà Chúa muốn nơi mỗi người.

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

Mùa gặt mai sau khấp khở mừng” (Tv 126,5)

III Tạm Kết:

Người viết xin mượn lời của tác giả Jorathe Nắng Tím trong tác phẩm Tôi Tin để rút ra cho cuộc đời mình cái nhìn xác tín trong đức tin mà Thiên Chúa đã ban tặng con người như một hồng ân quý giá. Từ đó biết xem việc chiến đấu mỗi ngày để vượt qua hữu thể đời mình như một cuộc tử đạo, là điều cốt yếu của đời người để trở nên thành toàn trước mặt Thiên Chúa. Nhưng để làm được điều này chúng ta cần phải tháp nhập cuộc tử đạo của chúng ta vào trong cuộc tử đạo của Đức Giêsu Kitô và như thế ánh sáng của sự Phục Sinh nơi Đức Kitô là niềm hy vọng tuyệt vời để cho chúng ta có đủ sức gánh lấy vận mạng đời mình. “Ý muốn đời đời của Thiên Chúa là thông ban tình yêu và hạnh phúc của Ngài cho con người; vì thế hành trình làm người của con người bắt nguồn từ Thiên Chúa và kết thúc ở nơi Thiên Chúa; khởi đi từ Thiên Chúa để trở về với Thiên Chúa. Ý muốn ấy đã được khắc ghi sâu đậm trong trái tim mỗi người, vì mọi người được dựng nên bởi Thiên Chúa. Với bản tính và ơn gọi thuộc về Thiên Chúa, con người là một hữu thể có khả năng kết hiệp, tương giao với Thiên Chúa. Chính dây liên lạc mật thiết với Thiên Chúa làm nền cho nhân vị và bảo đảm cho phẩm giá con người.”(x. Jorathe NẮNG TÍM, Tôi Tin, NXB: Tôn Giáo, 2013, tr. 206.)

 

Phêrô Hoàng Anh