THIÊN CHỨC LINH MỤC
Trích dịch bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
với các Linh mục Pháp năm 1980
Hãy tin vào chức linh mục của các bạn.
1- (chào hỏi, niềm ưu ái của Ngài đối với anh em Linh Mục).
2 - Để bước tới trong cuộc đời của anh em với niềm vui và hy vọng, chúng ta hãy trở về nguồn. Không phải thế gian qui định vai trò của chúng ta, thể chế của chúng ta, sự đồng nhất của chúng ta.
Chính Chúa Giêsu, chính Giáo hội mới làm được điều đó.
Chính Chúa Giêsu đã chọn chúng ta như bạn thân tình của Ngài, để chúng ta mang nhiều hoa trái; chính Ngài đã làm cho chúng ta thành những thừa tác viên của Ngài: Chúng ta tham dự vào gánh nặng của ĐẤNG TRUNG GIAN duy nhất là CHÚA KITÔ. Chính Giáo hội, Thân Thể của Chúa Kitô, trong hai ngàn năm nay, đã tỏ rõ cho mọi người thấy chỗ đứng không thể thiếu được mà các Giám Mục, Linh Mục và Phó Tế đã nắm giữ trong lòng Giáo hội (...). Nếu chỉ nói đến thời gian gần nhất, Cha nghĩ đến thánh Phanxicô Salê, thánh Vincentê Phaolô, thánh Gioan Ơđê -những bậc thầy trong trường phái nước Pháp - thánh Grignon de Monfort, thánh Gioan Maria Vianney, những bậc truyền giáo thế kỷ 19 và 20 mà Cha vẫn tán dương công trình tại Phi Châu. Đường lối tu đức của các vị chủ chăn ấy đều mang tính chất thời đại của họ, nhưng sức năng động bên trong vẫn như nhau và đặc điểm của mỗi Đấng đều làm phong phú chứng tá chung của chức Linh Mục mà chúng ta phải sống. Cha sở họ Ars vẫn là một mẫu gương ngoại hạng cho tất cả các nước về việc thi hành hoàn hảo chức vụ thừa tác vừa về sự thánh thiện của thừa tác viên, luôn luôn chăm lo cầu nguyện và đền tội cho các linh hồn được ăn năn trở lại. (…)
Những lời khuyên nhủ.
3 - Hãy tin vào chức vụ linh mục của các bạn.
Không phải là Cha không biết tất cả những gì có thể làm nản chí và có lẽ làm lung lạc một số linh mục hiện nay. Rất nhiều bài phân tích, nhiều chứng tá đã nhấn mạnh đến những khó khăn thực sự ấy mà Cha vẫn luôn có trước mắt Cha - đặc biệt là con số quá ít các linh mục mới.- Dẫu vậy Cha vẫn nói với anh em: Hãy hạnh phúc và hãnh diện vì mình là linh mục. Tất cả những người đã lãnh nhận phép rửa tội hợp thành một dân tư tế, nghĩa là họ có nhiệm vụ hiến dâng lên Chúa của lễ thiêng liêng của cả cuộc đời họ, được thấm nhuần bởi một đức tin đầy yêu thương, bằng cách kết hợp với lễ hi sinh duy nhất của Chúa Kitô. Thánh Công Đồng đã nhắc nhở cho chúng ta điều đó. Nhưng chính vì đó mà chúng ta đã lãnh nhận một chức tư tế thừa tác để giúp giáo dân ý thức về chức tư tế của họ và cho họ biết thi hành chức vụ ấy. Chúng ta đã nên đồng hình với Chúa Kitô Linh Mục để đủ điều kiện hành động nhân danh Đức Kitô là Đầu. (sl PO 12).
Chúng ta được rút ra từ đám đông con người và chúng ta vẫn là những tôi tớ hèn hạ, nhưng sứ mệnh linh mục của chúng ta thật cao cả và cần thiết: đó là sứ mệnh của Chúa Kitô, Đấng Trung Gian duy nhất và là Đấng thánh hóa, đến nỗi nó đòi hỏi chúng ta phải toàn hiến cuộc sống và bản thân chúng ta. Không bao giờ Giáo hội chấp nhận thiếu linh mục và linh mục thánh.
Dân Chúa càng trưởng thành, các gia đình Công giáo và nhiều giáo dân nắm vai trò của họ trong nhiều cách dấn thân cho việc tông đồ, thì họ càng cần đến linh mục, thực sự là linh mục, chính trong sự sống động mãnh liệt của đời sống Kitô hữu của họ. Và trong một chiều hướng khác, thế giới càng trở nên vô đạo hay thiếu trưởng thành trong đức tin, thế giới lại càng cần nhiều linh mục hoàn toàn tận tụy làm chứng nhân cho sự sung mãn tràn đầy của mầu nhiệm Chúa Kitô. Đó chính là niềm tin vững mạnh phải có để nâng đỡ sự hăng say linh mục của chúng ta, đó chính là viễn tượng cần thiết đòi buộc chúng ta khuyến khích với tất cả sức lực của chúng ta, nhờ cầu nguyện, chứng tá, kêu gọi và đào tạo những ơn gọi linh mục và phó tế.
4- Cha thêm: là tông đồ của Chúa Giêsu bởi thánh ý Chúa, hãy gìn giữ nỗi băn khoăn lo lắng việc tông đồ, việc truyền giáo, rất sống động trong phần đông các linh mục Pháp. Nhiều linh mục, nhất là trong những thập niên gần đây, luôn mang trong tâm hồn cái ám ảnh là loan báo Tin Mừng giữa lòng thế giới, giữa cuộc sống con người thời đại, trong mọi tầng lớp trí thức, công nhân hay ngay trong “đệ tứ thế giới”, cho ngay những kẻ thường sống xa Giáo hội, những người bị ngăn cách với Giáo hội do một bức tường nào đó và việc ấy được thực hiện nhờ những cách tiếp cận mới mẻ, dưới mọi hình thức, nhờ những sáng kiến thâm thúy và can đảm, đến nỗi đi tới sự chia sẻ việc làm và những điều kiện sinh sống của công nhân trong viễn tượng truyền giáo, trong mọi trường hợp hầu như với những phương tiện nghèo nàn. Nhiều linh mục, ví dụ các cha tuyên úy các phong trào, luôn luôn sẵn sàng để đối phó với những nhu cầu thiêng liêng của một thế giới bỏ đạo, tục hóa và thường bị đảo lộn vì những vấn đe văn hóa mới.
Sự băn khoăn mục vụ ấy, được suy nghĩ và thực hiện trong sự hiệp nhất với các Giám Mục của anh em, là một vinh dự của anh em: chớ gì nó được tiếp nối và được thanh tẩy luôn mãi. Đó là lời cầu chúc của Đức Giáo Hoàng. Là linh mục, làm sao chúng ta không chia xẻ sự hăng say của Đấng Chăn Lành được? Người chăn chiên nhân lành chăm lo cho những ai đã rời xa chuồng vì thiếu niềm tin hay thiếu việc đạo đức (xem P.O. số 6), ngài càng lo hơn cho số đông những tín hữu phải quy tụ và dưỡng nuôi, như thừa tác vụ của nhiều vị cha sở hay cha phó đã chứng minh.
5- Trong viễn tượng mục vụ và truyền giáo ấy, chớ gì thừa tác vụ của anh em mãi mãi là thừa tác vụ của vị tông đồ của Chúa Kitô, của linh mục của Chúa Giêsu Kitô. Đừng bao giờ quên lãng mục đích do đó anh em được thụ phong: đưa mọi người tiến lên đời sống thần linh (xem nt số 2). Công Đồng Vaticanô II đòi hỏi anh em một trật đừng trở nên xa lạ với cuộc sống của mọi người và nên những nhân chứng và người ban phát một sự sống khác với sự sống trần gian (nt số 3).
Như thế, anh em là thừa tác viên của Lời Chúa để rao giảng Phúc Âm và đào tạo những người rao giảng, để đánh thức, dạy dỗ và nuôi dưỡng đức tin - đức tin của Giáo hội - để mời gọi mọi người trở lại và sống thánh thiện (nt số 4). Anh em được cộng tác vào việc thánh hóa của Chúa Kitô, để dạy cho giáo dân biết hiến dâng cuộc sống của họ, bất cứ lúc nào, và đặc biệt trong hiến tế tạ ơn, là “nguồn suối và đỉnh chóp” của việc rao giảng Tin Mừng (nt số 5). Và đó, chúng ta hãy lo với một sự chăm sóc thật cẩn thận, làm sao cho việc cử hành Thánh Lễ được thực sự xứng đáng với mầu nhiệm thánh thiện ấy. Trong việc cử hành ấy, thái độ của chúng ta phải làm sao cho giáo dân thực sự đi vào trong hành động thánh thiện ấy, nhờ đó họ được liên hệ với Chúa Kitô, Đấng thánh của Thiên Chúa. Giáo hội đã giao phó mầu nhiệm ấy cho chúng ta, và cũng chính Giáo hội day chúng ta phải cử hành mầu nhiệm ấy như thế nào. Anh em cũng hãy dạy cho giáo dân biết thấm nhập tinh thần cầu nguyện vào tất cả cuộc sống của họ, anh em chuẩn bị họ lãnh nhận các bí tích; Cha liên tưởng đặc biệt đến Bí tích Hòa Giải, là bí tích có tầm quan trọng đặc biệt, đưa dân Chúa vào con đường hoán cải.
Anh em là những nhà giáo dục đức tin, những người huấn luyện lương tâm, những người hướng dẫn các linh hồn, để mỗi Kitô hữu có thể làm triển nở ơn gọi của họ theo Phúc Âm, trong một đức ái thành thật và sinh động, biết đọc thấy trong mọi biến cố những gì Chúa mong đợi nơi họ, biết nắm giữ vị trí của họ trong cộng đoàn Kitô hữu mà anh em là những người quy tụ và cộng đoàn này phải truyền giáo (xem nt số 6), biết lãnh nhận trách nhiệm của mình trong cộng đồng nhân loại theo đường lối Phúc Âm. (...).
Tóm lại, tất cả sức lực của anh em đều phải được hiến dâng trọn vẹn để làm cho Thân Thể Chúa Kitô phát triển, dù với thừa tác vụ rõ rệt hay trong một sự hiện diện truyền giáo nào được trao phó cho anh em. Đó chính là phần gia nghiệp của anh em, phần gia nghiệp ấy là nguồn vui lớn lao và cũng là nguồn hi sinh cũng rất lớn lao.
Anh em gần gũi tất cả mọi người và những vấn đề của họ với tư cách là linh mục. Trong đó anh em giữ vững bản chất linh mục nhờ đó anh em có thể phục vụ Đức Kitô, chính cho việc phục vụ đó mà anh em đã được thụ phong. Nhân cách linh mục của anh em phải là một dấu chỉ, là một định hướng cho người khác; trong chiều hướng đó cuộc sống linh mục của anh em không thể bị tục hóa. (...).
7- Sự hiệp nhất với các Giám Mục của anh em không tách rời khỏi sự hiệp nhất mà anh em phải sống giữa anh em linh mục với nhau. Tất cả môn đệ Chúa Kitô đều đã nhận giới luật yêu thương nhau; đối với anh em, Công Đồng đã nói đến tình huynh đệ linh mục, anh em tham dự vào chính chức tư tế của Chúa Kitô. Sự hiệp nhất phải ở trong chân lý: anh em đặt nền móng vững chắc cho sự hiệp nhất khi sống như những chứng nhân can đảm của chân lý được Giáo hội dạy dỗ hầu các tín hữu không bị cuốn theo chiều gió của các chủ thuyết, và khi thi hành tất cả những bổn phận của thừa tác vụ của anh em đúng theo luật lệ mà Giáo hội đã nêu rõ, nếu không sẽ là gương mù và chia rẻ. Sự hiệp nhất phải nằm trong công việc tông đồ trong đó, anh em được kêu gọi lãnh nhận những công việc khác nhau và bổ túc cho nhau trong sự tôn trọng lẫn nhau và sự cộng tác. Sự hiệp nhất cũng cần thiết không kém trên bình diện tình huynh đệ: không ai được lên án người anh em bằng cách nghi cho họ là thất tín, bằng cách phê bình chỉ trích, hơn nữa, bằng cách vu oan cho người anh em, như Chúa Kitô đã trách người biệt phái về phương diện đó. Chính từ tình yêu linh mục của chúng ta mà chúng ta trở thành chứng tá và xây đắp Giáo hội. Hơn nữa, chúng ta còn có nhiệm vụ, như Công Đồng đã nói, dẫn đưa giáo dân vào sự hiệp nhất trong tình yêu và làm thế nào để không có ai cảm thấy mình xa lạ trong cộng đoàn các tín hữu. (P.O. số 9). Trong một thế giới thường bị chia rẻ, và những chọn lựa thường là một chiều và khó khăn, những phương pháp quá riêng biệt, linh mục mang lấy một ơn gọi quí báu là những kẻ xây dựng tình liên đới và sự hiệp nhất.
8 - Anh em thân mến,
Tất cả những điều nói trên được nối liền với kinh nghiệm mà chúng ta đã có về Chúa Giêsu Kitô, nghĩa là với sự thánh thiện. Sự thánh thiện của chúng ta có một mối liên hệ thiết yếu với sự thành công của thừa tác vụ mà chúng ta thi hành. Chúng ta là những dụng cụ sống động của Chúa Kitô, Thầy Cả đời đời. Vì đó, chúng ta nhận được một ơn riêng biệt, vì lợi ích của dân Chúa, để hướng tới sự trọn lành của Đấng mà chúng ta thay mặt.
Trước hết, chính những hành động khác nhau của thừa tác vụ làm cho chúng ta nên thánh: thông chuyển những gì chúng ta đã cung chiêm, bắt chước những gì ta thi hành, chúng ta tự hiến dâng hoàn toàn trong thánh lễ, cho Giáo hội mượn tiếng nói của chúng ta trong phụng vụ giờ kinh, chúng ta hiệp nhất trong tình yêu mục tử của Chúa Kitô... (P.O. 12-14). Cuộc sống độc thân của chúng ta, trong lãnh vực của nó, chứng tỏ rằng chúng ta hoàn toàn được hiến dâng cho công việc mà Chúa đã kêu gọi chúng ta: linh mục bị Chúa Kitô nắm bắt, trở thành con người cho mọi người, hoàn toàn có sẵn cho Nước Chúa, quả tim không bị chia sẻ, có khả năng tiếp nhận tình phụ tử trong Chúa Kitô. Sự gắn bó của chúng ta với con người Chúa Kitô phải được tăng sức bất cứ bằng cách nào, bằng việc suy niệm Lời Chúa, bằng lời cầu nguyện liên hệ tới thừa tác vụ của chúng ta, bằng hy tế thánh thiện mà chúng ta cử hành mỗi ngày, và nó phải dùng những phương tiện mà Giáo hội luôn luôn khuyến dụ các linh mục của mình. Chúng ta phải liên lỉ tìm lại, với niềm hân hoan, cái trực giác của tiếng gọi đầu tiên đến với chúng ta từ Thiên Chúa: “Hãy đến, theo Ta”.
9 - Anh em thân mến,
Cha mời gọi anh em vào hy vọng. Cha biết rằng anh em chịu đựng “sự nặng nề của ngày nắng và sự nóng bức” với nhiều công việc. Chúng ta có thể kê khai cả một danh sách, những khó khăn bên trong và bên ngoài, những vấn đề lo ngại, nhất là trong thời vô đạo này: không ai hơn thánh Phaolô, đã nói đến nỗi gian truân của thừa tác vụ tông đồ (2Cr 1,4-5), nhưng cũng nói đến những hy vọng của Ngài nữa. Trước tiên, đó chính là một vấn đề đức tin. Chúng ta không tin rằng Chúa Kitô đã thánh hóa và sai chúng ta đi sao? Chúng ta không tin rằng Ngài vẫn ở với chúng ta, dù chúng ta mang kho tàng ấy trong những bình sành mỏng manh, và chúng ta cũng cần đến lòng thương xót của Ngài, mà chúng ta là những thừa tác viên cho người khác hay sao? Chúng ta không tin rằng Ngài hành động nhờ chúng ta, ít ra là khi chúng ta làm những công việc của Ngài, và làm tăng triển những gì chúng ta đã lao nhọc gieo trồng theo Thánh Thần của Ngài sao? Và chúng ta không tin rằng Ngài cũng sẽ ban hồng ân của ơn gọi linh mục cho tất cả những ai sẽ cùng làm việc với chúng ta và tiếp nối chúng ta, nhất là nếu chúng ta biết nhen nhúm lại trong chúng ta hồng ân mà chúng ta đã lãnh nhận nhờ việc đặt tay hay sao? Cầu mong Chúa tăng thêm lòng tin cho chúng ta! Hãy nới rộng lòng trông cậy của chúng ta cho cả Giáo hội nữa: một số các phần tử của Giáo hội đang đau khổ, một số khác đang bị áp bức bằng nhiều cách, một số đang sống trong một mùa xuân huy hoàng. Chúa Kitô phải lặp lại với chúng ta: “Tại sao chúng con sợ? hỡi những kẻ hèn tin?” (Mt 8,26 ).
Chúa Kitô không bỏ rơi những ai đã tự nộp mình cho Ngài, những ai đã tự nộp mình cho Ngài mỗi ngày.
10 - Linh mục chúng ta, chúng ta phải là những người trước tiên cầu khẩn Mẹ Maria như Mẹ chúng ta. Mẹ là Mẹ của chức tư tế mà chúng ta đã lãnh nhận từ nơi Chúa Kitô. Cha xin anh em hãy trao cho Mẹ thừa tác vụ của anh em, hãy trao cho Mẹ cuộc đời của anh em. Chớ gì Mẹ theo bước của anh em, như những môn đệ đầu tiên, từ cuộc gặp gỡ vui tươi tại Cana, làm anh em liên tưởng đến rạng đông của chức linh mục, cho đến cuộc hy sinh trên thập giá, đóng ấn một cách rõ ràng trên cuộc sống của anh em, cho đến ngày Hiện Xuống trong sự đợi trông Chúa Thánh Thần mà Mẹ là Hiền Thê từ ngày nhập thể.
TÌNH YÊU
Chúng tôi, những người đầu đường xó chợ, xác tín rằng chúng tôi có thể yêu mến Thiên Chúa như Chúa muốn chúng tôi yêu Ngài.
Chúng tôi không nghĩ rằng tình yêu là một cái gì sáng chói nhưng là một cái gì làm chúng tôi tiêu hao đi.
Chúng tôi nghĩ rằng làm những việc nhỏ nhặt vì Chúa cũng làm cho chúng tôi yêu Ngài như làm những công việc lớn lao. Đàng khác, chúng tôi vẫn không bao giờ biết được giá trị của những công việc chúng tôi làm. Chúng tôi chỉ biết hai điều này: điều thứ nhất là tất cả những gì chúng tôi làm đều nhỏ bé, điều thứ hai là tất cả những gì Chúa làm đều cao cả.
Điều đó làm chúng tôi yên tâm trong mọi việc.
Chúng tôi biết rằng tất cả công việc của chúng tôi không phải là múa may dưới sự thúc đẩy của ơn Chúa, cũng không phải là chọn lựa những công việc làm mà là chính Chúa hành động qua chúng tôi.
Vì chúng tôi tìm thấy trong tình yêu một công việc vừa sức chúng tôi rồi, chúng tôi không có thì giờ để sắp đặt những hành động thành nguyện cầu và thành hoạt động.
Chúng tôi thấy rằng nguyện cầu là một hành động và hành động là nguyện cầu. Hình như hoạt động thực sự yêu thương thì đầy tràn ánh sáng.
Thánh Âutinh nói về Linh Mục
“Hãy chăn dắt đoàn chiên của Thầy”…
Nếu một ông chủ giao phó đoàn chiên của mình cho một đầy tớ, chắc ông ấy cũng đòi hỏi người đầy tớ những bảo đảm tương xứng với giá trị của đoàn chiên. Chủ sẽ giao đoàn chiên cho một người đầy tớ có thể trả tiền thiệt hại trên đồng lương của mình, nếu chiên thất lạc, vì ông đã mua chiên bằng chính tiền của ông. Vậy bây giờ, Chúa Giêsu Kitô, khi trao cho những đầy tớ đoàn chiên mà Ngài đã mua với giá máu của Ngài, Ngài cũng phải chắc chắn về khả năng của người đầy tớ đó và nói trước cho anh biết anh phải chịu đau khổ và phải đổ máu.
“Nhưng chúng tôi là gì?”
Là những thừa tác viên, những đầy tớ của Ngài thôi. Những gì chúng tôi ban phát, không phải là do vốn liếng của chúng tôi, mà do kho tàng vô tận của Ngài.
Madeleine Delbrel
Lm Trầm Phúc chuyển ngữ