30/03/2016
1354
Sự sống tôi ở nơi Người là Đức Kitô Giêsu tử nạn và Phục sinh 

 

“Trước mắt kia là vạn điều tiếc nuối

Trong tim đây là chất ngất thương đau

Một cuộc đời đang thảng thốt qua mau

Về đâu hỡi cánh gió mùa tan tác”. (Hữu Hạn Đời Người – Đàm Lan)

 

Một hữu thể nhân vị, con người không chấp nhận nỗi một thực tế: “sự sống của tôi không thể kéo dài được vô hạn”. Chính vì sự hữu hạn, vô hằng, vô thường, bất tất này, có lẽ nhiều người phẫn chí thở than: trong cuộc sống không có gì là quá quan trọng. Thế nhưng, khi chạm đến “hơi thở vĩnh cửu” – divine spiritus, về niềm hy vọng sự vô biên thường hằng phía sau thực tại cái chết, sự phấn đấu, chịu đựng gian khó, bền bỉ trong nhân đức mang một ánh sáng hy vọng. Ánh sáng đó chiếu soi từ nguồn sáng là sự Phục Sinh của Đức Kitô Giêsu. Cái chết và sự sống của Thầy Chí Thánh buộc tôi phải đảm nhận tự do của mình cách nghiêm túc, có trách nhiệm và cao thượng.

Nhà Thần học K. Rahner cho rằng: Đức Kitô đã ôm trọn sự sống con người của chúng ta, và do đó cũng ôm trọn lấy cả sự chết con người của chúng ta. Người đã sống kinh nghiệm sự sống một cách tràn đầy bao trọn cả sự chết. Rahner khẳng định nhờ cái chết của Đức Kitô, cái chết đối với chúng ta giờ đây có thể trở thành là một cái chết ân sủng, nghĩa là, chúng ta có thể gắn kết cái chết của mình với cái chết của Đức Kitô như là một cái chết mang lại cứu độ. Dĩ nhiên, vẫn còn có khả năng từ chối làm như thế. Chúng ta có thể loại bỏ cái chết của Đức Kitô, trong trường hợp đó cái chết của ta trở thành chỉ còn là cái chết của tội lỗi, không hy vọng. Cái chết của tội lỗi là cái chết của tuyệt vọng.

Trong kiệt tác “Hữu thể và Thời gian” của M. Heidegger, ông đã khá mạnh dạn gọi con người là ‘hiện hữu để chết’. Heidegger dường như quan tâm quá sâu đến sự chết. Ông xem xét như hiện tượng nhân văn trước hết, chứ không phải như một hiện tượng sinh học. Xét như hiện tượng nhân văn, con người luôn đang đi trên con đường hướng về cái chết. Ngay khi vừa mới sinh ra, một con người đã đủ già để có thể chết. Sự chết là chân trời bọc lấy không gian sống. Về mặt nào đó chúng ta luôn tính đến cái khả năng chết của mình cho dẫu ta làm thế như để tránh thoát hay đẩy lùi nó. Heidegger như muốn nói rằng cái chết là tương lai cuối cùng đối với mỗi một người chúng ta. Vậy nhân loại là hữu thể đáng thương vì ‘biết mình sẽ chết’, chúng không còn vô tư nữa mà ‘sống như chết’. Khác với muông thú, chúng không hề biết chúng sẽ chết, nên chúng sống ‘như cuộc sống đáng phải sống’. Và, dường như, chúng hạnh phúc bội phần?

Phải chăng đó cũng chính là nỗi niềm đối diện với cái chết của nhân sinh cõi tạm?

Với niềm tin Công giáo, vấn nạn “nhân sinh quan” này gần như đã được giải đáp ngay từ những trang đầu của Kinh Thánh. A-đam-E-Va, sau khi khước từ Lời Thiên Chúa “Ngày nào các ngươi ăn trái cây này, các ngươi sẽ phải chết” (x. St 2,17), nghe lời ma quỷ xúi giục, đã đưa tay “hái trái cấm”… và thế là “sự chết đã lan tràn tới mọi người” (x. Rm 5,12): Ca-in giết A-ben, lụt đại hồng thủy, bảo lửa hủy diệt Sodoma và Gomora. Hơn năm trăm năm trước khi Chúa Cứu Thế giáng sinh, chính trong cái “vũng lầy nhầy nhụa” đầy những đống xương khô của bóng tối và sự chết, của đọa đày và thất vọng, của đắng cay ưu phiền trong kiếp nô lệ của thời lưu đày Babylon năm 587 B.C, dân Ít-ra-en đã nghe vang lên lời của Thiên Chúa như “tiếng kèn hy vọng” qua miệng của ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Này hỡi dân Ta, Ta sẽ mở cửa huyệt cho các ngươi. Ta sẽ đem các ngươi lên khỏi huyệt… Ta sẽ đặt Thần Khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ được hồi sinh...” ( x. Ed 37,12-14).

Nếu thân phận lưu đày của Ít-ra-en là ảnh hình của một nhân loại đọa đày tội lỗi, chết chóc như đống xương khô thì “tin vui hy vọng” của Ê-dê-ki-en kia cũng chính là tín thư riêng tặng cho mỗi người mà nội dung xuyên suốt chính là: niềm hy vọng chứa chan vào lòng trung tín của Thiên Chúa vượt trên khổ đau và chết chóc. Tình yêu cứu độ của Thiên Chúa là sức mạnh hồi sinh, là quyền uy giải thoát. Chân lý này nếu được diễn tả bằng sự sống và hồng ân cứu độ qua Đức Kitô tử nạn và phục sinh. Niềm tin đó không là chuyện hoang tưởng mê lầm của giới bình dân, truyền khẩu, hay câu chuyện thần thoại của giới văn sĩ mộng mơ nhưng là một chân lý rõ như ban ngày. Gilbert K. Chesterton nhận định: “Nếu những hạt giống trong lòng đất đen mà còn có thể biến thành những cánh hoa hồng xinh đẹp như thế, thì trái tim con người còn thể biến thành thế nào nữa trong cuộc hành trình hướng đến các vì sao”. Chính ngay “quê hương của tử thần”, ngay cánh cửa dẫn vào huyệt mộ, một tiếng nói từ Đấng Quyền năng đã âm vang thấu tận âm phủ, mở toang cánh cửa âm ty: “Hỡi La-da-rô hãy bước ra”, Đấng ấy đã công bố: “Ta là sự sống lại và là sự sống” (x. Gioan 11,1-45)

Chính vì niềm hy vọng hằng sống tìm thấy trong Đức Kitô, Kitô hữu nhận thức sức mạnh hằng sống qua những khó khăn, bất hạnh trong cuộc đời để được sống lại vĩnh cửu đằng sau cái chết thể lý. Nhờ Đức Kitô chịu đóng đinh, họ quên đi thực tại đau thương hiện thời để dấn thân yêu thương như Đức Kitô yêu thương, cúi xuống phục vụ mở rộng lòng thương xót. Cuộc sống của người Kitô hữu đặt nền tảng trên cuộc sống của Đức Kitô, và chỉ Đức Kitô chịu đóng đinh và đã phục sinh mà thôi. Vì Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Người cho đến cùng (x. Ga 13,1). Đây không phải là tình yêu lãng mạn để làm thuốc mê cho con người quên đi cái hữu hạn đáng chết của mình, cũng không phải là tình yêu dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi như một hợp đồng phát sinh lợi nhuận.

Tình yêu mang lại sự sống vĩnh cửu chính khi nó có sức trao ban ngay cả khi không thấy có đền đáp. Người môn đệ Đức Kitô phải học yêu thương ngay cả khi tình yêu bắt đầu gây đau khổ, thiếu vắng tương trợ, hoặc thậm chí tha nhân phản bội. Và phải làm như thế không phải theo kiểu cách của một kẻ anh hùng, nhưng đơn giản chỉ vì đó là phương thế để đi đến cùng, trong Đức Kitô để được sống, yêu thương, tử nạn và phục sinh với Người. Chặng đường cuối cùng của yêu thương là đỉnh cao hiến tế trên thập giá đời và mai táng chính mình cho tha nhân. Mầu nhiệm sự sống vĩnh cửu là mầu nhiệm tự hủy mình ra không để thực hiện ý Chúa. Chính lúc chết đi, là khi vui sống muôn đời.

Đức Kitô là Đấng Cứu Độ Duy Nhất cho thế nhân bất toàn, tử tội trong đam mê, cuồng loạn, tham dục, ích kỷ và tàn ác. Tất cả nhân sinh thành hình trong tình trạng và môi trường tội lỗi – “Tội Nguyên Tổ”. Chúa Kitô đến như một sứ giả của Thiên Chúa để giải thoát, tha thứ, ban bình an, công bố hồng ân, cho con người được nâng dậy khỏi kiếp tục lụy, vực thẳm đam mê hun hút tối tăm (x. Lc 1,1-4; 4,14-21). Sự chết thống trị con người bằng tội lỗi và dục vọng. Đức Kitô mở lòng trí nhân loại đến Minh Triết: tự hủy cho tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu là cứu cánh duy nhất đến sự trường tồn thịnh vượng. Nhân loại cần một ai đó tóm lấy và mang ra khỏi tội lỗi để đem đến với Thiên Chúa. Sự chết là sự khủng khiếp lớn nhất của nhân loại, nó đã bị đánh bại bằng Tình Yêu của Thiên Chúa, qua Đức Kitô Giêsu.

Không ai có thể tự cứu mình vì chúng ta đầy tội lỗi, chính Thiên Chúa đã cứu chúng ta bằng cách trở nên người phàm trong Chúa Giêsu Kitô. Giống như người cha người mẹ đã cúi xuống đứa con tật nguyền để ẵm nó lên, Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, đã làm cho chúng ta điều chúng ta không thể tự mình làm được. Không một nhà khai sáng tôn giáo nào làm như Đức Kitô đã làm qua một cung cách như thế. Thánh Phaolô nói cách cô đọng như sau: “Chúa Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công chính” ( x. Rm 4,25). Các nhà khai sáng tôn giáo chỉ suy tư Minh Triết, sống và truyền lại đạo pháp Minh Triết của mình, tuyệt nhiên không ai cho tín đồ mình sự sống từ chính thân thể mình. Không ai cả. Với Chúa Giêsu Kitô, cuộc đời, hoạt động, phép lạ, sự sống, hiến tế thập giá nói lên tình yêu cứu rỗi, sự sống vĩnh cửu mà Người sẽ trao, như đã trao thần khí trong tay Chúa Cha (x. Ga 19,30).

Nhờ sự chết và sự sống lại, Người kết hợp các tín hữu với Người đến nỗi có thể chia sẻ những gì Người đã làm, nhất là được chết và sống lại với Người. Đức Kitô đã đồng hóa chúng ta với Người và đã chết vì tội lỗi chúng ta. Người cũng đồng hóa cho ta nhân phẩm cao quý làm con Thiên Chúa và hiệp thông sự sống của Thiên Chúa, để không ai còn sống cho chính mình mà sống cho Thiên Chúa, sự sống thường hằng, sung mãn bất biến. Qua cái chết vì nhân loại, Đức Kitô tha thứ tội lỗi cho nhân loại, triệt tiêu nọc độc sự chết cho những ai bước theo Người và thi hành thánh ý Thiên Chúa. Khi Người bị giết chết, Người tiêu diệt sức mạnh tội lỗi đè nặng trên chúng ta; xóa khỏi chúng ta sự vô thường, hữu hạn do tội lỗi thiết định khi Người được an táng, sức mạnh của tội lỗi bị chôn vùi với Người (x. Rm 6,4-11).

Nhờ sự sống lại, Đức Kitô mang lại cho chúng ta đời sống mới trong ơn hiện sủng của Thiên Chúa. Đức Kitô là đầu của dòng dõi loài người được tái sinh, là “trưởng tử giữa đàn em đông đúc” (x. Rm 8,29). Người ban cho chúng ta đời sống mới này là đời sống chia sẻ sự sống của Thiên Chúa, chính Thiên Chúa ở giữa chúng ta (x. Mt 1,18-24). Nếu chúng ta chấp nhận điều này thì đây là khởi đầu của một mối thân tình không thể tưởng tượng được với Thiên Chúa và sẽ không bao giờ chấm dứt. Thế giới cũ đã chấm dứt và một thế giới hoàn toàn mới, một cái nhìn mới về thực tại đã bắt đầu. Giờ đây, dân Kitô giáo hợp với nhân loại mới có thể có một đời sống yêu thương và thân tình không tưởng tượng nổi với chính Thiên Chúa.

Sự sống lại của Đức Kitô cũng là tiếng nói của niềm tin cho những ai siêng năng kết hợp với Người trong mầu nhiệm thập giá đời mình; những người ấy cũng sẽ được sống lại với Người trong vương quốc của Người (x. Lc 23,43). Người đã phục sinh để giải thoát chúng ta khỏi sự sợ hãi trước cái chết và đem lại niềm vui và hy vọng cho cuộc sống đời đời, cuộc sống mà không một ai trong nhân loại có thể cho chúng ta. Vì Tin Mừng công bố rằng Đức Kitô chính là sự sống lại và là sự sống để những ai tin thì dù đã chết, cũng sẽ được sống, rồi ai sống và tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết (x. Ga 11,25-26).

Kết hợp với Đức Kitô là thông phần vào sự chết và sự sống lại của Người để đạt tới sự sống đời đời với Thiên Chúa. Trong lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, Hội Thánh đọc lời tiền tụng như sau: “Vì tình thương lạ lùng, khi bị treo trên thập giá, Đức Kitô đã tự hiến thân vì chúng con. Từ cạnh sườn bị đâm thủng, Người đã đổ máu và nước chảy ra, hầu khơi nguồn các Bí tích của Hội Thánh. Nhờ đó, khi mọi người chúng con được lôi cuốn đến cùng trái tim rộng mở của Đấng cứu thế, thì được luôn vui mừng múc tận nguồn ơn cứu độ muôn đời”. Khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu Kitô về với Chúa Cha. Chính Người cũng đã nói: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (x. Mt 28,20). Tuy Người hiện diện với chúng ta cách vô hình nhưng rất gần chúng ta, Người ở bên cạnh chúng ta, trong lòng chúng ta. Đặc biệt Người kết hiệp với chúng ta trong Hội Thánh của Người. Sự kết hợp đem lại sự sống trong Thiên Chúa, với Thiên Chúa và vì Thiên Chúa để phục vụ cộng đồng.

Vào ngày chung thẩm, Chúa Kitô sẽ xuất hiện cách hữu hình để xét xử toàn thể nhân loại. Lúc đó sự sống hữu hình, thể lý và thiêng liêng của Người giữa tín hữu mới hoàn tất. Lúc đó Người sẽ đưa mọi người vào Vương quốc tình yêu sự sống và trao lại cho Chúa Cha mãi mãi. Sự sống của Đức Kitô giữa mọi Kitô hữu sẽ được hoàn tất nhờ Chúa Thánh Thần, qua mỗi Thánh lễ, Chúa Thánh Thần sẽ biến đổi bánh và rượu nên Mình và Máu Đức Kitô và ban cho người thông hiệp để can đảm để theo Đức Kitô, sống như Đức Kitô. Công cuộc cứu chuộc toàn thể nhân loại đã được Chúa Kitô thực hiện một lần là đủ (x. Rm 6,10; Dt 7,27; 9,12), nhưng mầu nhiệm Phục sinh của Chúa Kitô không chỉ thuộc về quá khứ. Tất cả những gì Chúa Giêsu Kitô đã làm, đã chịu, cuộc khổ nạn và phục sinh v.v... đều có tính vĩnh cửu thần linh vượt trên mọi thời gian và hiện diện ở mọi thời gian. Biến cố thập giá và sống lại của Chúa Kitô sẽ tồn tại và lôi kéo mọi người tới sự sống muôn đời, sự sống duy nhất chỉ có được trong Đức Kitô tử nạn và phục sinh.

Lm FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho