23/05/2023
285
Người con gái mang tên Maria_ Bài 18: Thống khổ













 





 

NGƯỜI CON GÁI TÊN MARIA

Bài 18: Thống khổ

 

Mẹ đang ngồi quay tơ. Một người đến, vẻ mặt hớt hãi, cho Mẹ hay: Giêsu, Con Mẹ đã bị người ta bắt và đang bị xét xử. Người ấy kể sơ lượt những gì đã xảy ra.

Mẹ Maria hoảng hốt. Phải làm gì?

Phải cấp tốc đi Giêrusalem ngay để biết việc gì đã xảy ra.Vài người trong xóm biết đã vây quanh Mẹ, thăm hỏi. Mọi người sững sờ…Một người hàng xóm cho mượn con lừa…

Con đường dài hơn một trăm cây số, nắng cháy, đèo giốc, đối với Mẹ, không còn đáng ngại nữa. Mẹ không còn biết nắng bụi là gì. Tất cả chỉ còn một việc là Giêsu, Con Mẹ thôi.

Một ngày sau mới đến nơi. Mẹ được các bà Salômê, Maria Mađalêna hướng dẫn đến con đường núi Canvê. Một cảnh tượng hãi hùng đang diễn ra trước mắt Mẹ: một đám đông hò hét, một đám khác tọc mạch đi theo coi. Mẹ phải cực khổ hết sức mới đến được với Chúa Giêsu.

Không có thánh sử nào đã nói đến việc Mẹ gặp Chúa trên con đường khổ giá. Đây chỉ là truyền khẩu nhưng cũng có thể là đúng vì Mẹ có mặt trên đỉnh núi Canvê. Mẹ đã gặp Chúa trên đường thập giá và đã đi theo Chúa đến núi Canvê.

Mẹ phải can đảm lắm mới không té xỉu. Bà mẹ nào có thể chịu nổi khi thấy con mình như thế? Mặt mũi không còn là người, đầy máu, đầu đội mão gai, hai tay giăng ra, cột vào thanh thập giá.

Nhìn thấy Mẹ đứng bên đường với những người phụ nữ đã theo giúp Ngài, Chúa Giêsu dừng lại. Mẹ nhìn con, con nhìn Mẹ. Ai có thể hiểu được nỗi đau của Mẹ trong giờ phút ấy?

Trong cuộc sống, có những khoảnh khắc tiếng nói con người như bất lực, không thể diễn tả bằng lời…

Nơi đây, trên con đường thống khổ này, hai tia nhìn giao nhau, không thể diễn tả bằng gì khác, mà chỉ im lặng. Một thứ im lặng đong đầy đau thương.

Chúa Giêsu nhìn Mẹ với tất cả tình thương. Ngài biết Mẹ đau khổ như thế nào.

Mẹ nhìn Chúa, người con yêu của Mẹ. Mẹ không thể ngờ, Con của Mẹ phải tàn tạ, khổ đau đến như thế.

Mẹ ơi!

Cũng vì tội con đấy! Tội con đã tàn phá dung nhan tuyệt vời của Con Mẹ.

Tội con, chính là những mũi gai nhọn đâm vào đầu Ngài.

Tội con đã làm Ngài tổn thương đến như thế đấy!

Nhìn Con yêu tàn tạ không còn là người, Mẹ nhớ những lời thánh vịnh mà Mẹ đã nằm lòng từ nhỏ: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi…”

Tim Mẹ đau nhói. Mẹ chỉ biết nhìn và in sâu vào tâm hồn khuôn mặt bầm giập đầy máu của Con. Đó chính là khuôn mặt của nhân loại hôm nay, bầm giập và đầy máu. Biết bao người hôm nay đang đi trên con đường thấp giá của Con Mẹ. Nhân loại hôm nay đang cấu xé nhau, giết hại những người vô tội, dày đạp tất cả những kẻ bé mọn…

Xin Mẹ thương…

Chúa Giêsu tiếp tục bước đi. Giờ đây Mẹ theo con từng bước. Những bước đi nặng nề đau đớn.

Mẹ đâu biết rằng Con Mẹ đang đi trên hai bàn chân chỉ còn da non.

Làm sao có thể bước đi với hai bàn chân như thế?

Mẹ đâu biết rằng, sau khi đánh đòn, bọn lính tổ chức một cuộc “suy tôn vua Do thái”. Họ bắt Chúa ngồi trên một miếng ván có tám cây đinh nhọn, họ để Chúa ngồi, gọi là ngai của vua Do thái. Một tên lính khác bảo: “Vua Do thái sao không có vương miện? Ta sẽ cho hắn một vương miện đẹp nhất trần gian”. Anh ta đi ra chặt một nhánh gai và khoanh lại đặt lên đầu Người. Một tên khác bảo: “Vua Do thái ngồi trên ngai mà không có bệ chân? Ta sẽ làm cho vua Do thái một bệ chân thật đẹp”. Anh đã vào nhà bếp gấp ra một hòn đá đang nung trong lò và để hai chân Chúa lên đó. Dưới sức nóng, da bàn chân Chúa đã dính vào tấm đá. Hai bàn chân Ngài chỉ còn da non. Làm sao chúng ta có thể tưởng tượng những đau đớn Chúa phải chịu trong giờ phút ấy?

Mẹ không biết được điều đó, nhưng nhìn thấy Con bước đi một cách quá khó nhọc, Mẹ tự hỏi: Tại sao lại như vậy? Làm sao có thể bước đi với hai bàn chân chỉ còn da non? Mỗi bước đi là một đau đớn có thể chết đi được.

Sau này, trên tấm khăn liệm, người ta mới thấy rằng hai bàn chân của Chúa là hai vết thương cạn, rướm máu, mới biết được rằng Ngài đã đi trên hai bàn chân chỉ còn da non. Mẹ không biết tại sao Con Mẹ bước những bước đi nặng nề như thế.

Bước theo Con từng bước, những bước đi của Mẹ cũng nặng nề như bước đi của Con.

Mẹ ơi! Nhìn Mẹ đau đớn, con không thể chịu nổi. Chỉ vì con mà Mẹ với Chúa phải đau đớn đến như thế! Con phải yêu mến Chúa đến thế nào để xứng với tình yêu của Chúa và của Mẹ? Con vẫn còn quá thờ ơ và lắm khi yếu đuối…

Đi được một đoạn, bọn lính thấy Chúa không thể bước đi được nữa và có thể chết đọc đường, và nếu như thế thì cả toán lính sẽ phải bị tù vì để cho tử tội chết trước khi thi hành án. Họ gọi ông Simon đi đồng về vác thay cây thập giá cho Chúa.

Lúc này Chúa không còn vác thập giá nữa. Ngài bước đi dễ dàng hơn, nhưng làm sao bước đi với hai bàn chân chỉ còn da non? Mỗi bước đi là một cực hình.

Một người phụ nữ, không thể chịu được đã bước đến trao cho Ngài một cái khăn. Ngài dừng lại lau mặt. Bọn lính không cản trở gì, chỉ mong Ngài đừng tắt thở dọc đường thôi. Nhưng bước đi được một đoạn, Ngài không thể chịu nỗi, lại ngã xuống.

Mẹ chứng kiến tất cả. Mẹ nhìn Con đau xót. Cho con cùng bước đi với Mẹ, theo Chúa trên con đường thống khổ.

Mẹ đâu biết rằng, chỉ vì tội lỗi con và mọi người mà Con Mẹ phải khốn khổ như thế.

Mẹ đâu biết rằng Con Mẹ là đã gánh tất cả tội lỗi thế gian trên vai Ngài.

Một đám phụ nữ, thấy Ngài không còn hình hài đã than khóc. Ngài dừng lại an ủi họ và bước đi, rồi lại ngã xuống. Ngài đã kiệt sức. Sự đau đớn của thể xác đã đến cực độ. Tâm hồn Ngài ngập tràn cay đắng. Tội ác của thế gian đang đè nặng trên vai Ngài và giờ này càng hiện rõ trong tâm trí Ngài. Nhưng kề bên Ngài vẫn có Mẹ. Mẹ cũng đau khổ không kém.

Mẹ ơi!

Khi xưa Mẹ đã cùng Con Mẹ bước đi những đoạn đường đau đớn, xin Mẹ cũng hãy bước đi với con trong đoạn đường gian nan của con. Xin Mẹ hãy bước đi với Giáo Hội của Con Mẹ đang khốn khổ trong trần gian tội lụy này. Giáo Hội đang vác thập giá, xin Mẹ hãy nâng đỡ.

Những lúc con yếu đuối vấp ngã, xin Mẹ giúp con đứng dậy và bước tới. Chúa Giêsu, Con Mẹ đã ngã quỵ trên đường thập giá vì con, xin Mẹ đừng để con ngã quỵ. Cho con luôn tin yêu không sờn…Can đảm vươn lên, vươn lên mãi…

Cho con biết nhìn Chúa ngã quỵ để con yêu thương và can đảm hơn.

(Còn tiếp)

Lm Trầm Phúc