05/12/2016
448
Mùa vọng, ngày trở về sống lại niềm xót thương_Lm. FX. Thượng

Năm Thánh Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã kết thúc. Mấy trăm ngày trong năm thánh là thời gian đặc biệt của ân sủng và ánh sáng nhân từ. Khi những con tim được tha thứ, chữa lành và yêu thương nâng niu đã dâng lời chúc tụng và tạ ơn thì tự thâm tâm khách hành hương năm thánh đều có sự tự đáy lòng và chấp nhận hòa giải và tha thứ cho nhau.

Lòng Thương xót và tình yêu của Thiên Chúa dào dạt mênh mông như suối yên bình vẫn đổ vào tâm can nhân loại mới từ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tất cả những trang Kinh Thánh là bản tự tình của tình thương và lòng nhân hậu của Thiên Chúa đối với nhân loại. Tâm tình của Đức Thánh Cha Phanxicô trong toàn năm thánh 2016 về lòng thương xót đặt trọn nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Thánh Tâm giữ im lặng để luôn luôn mời gọi tất cả trở về cội nguồn để sống và suy gẫm từ trái tim Người. Nhớ lại khi công bố Năm Thánh, Đức Thánh Cha đã bày tỏ, Năm Thánh mở ra đón nhận tất cả những ai đang đau khổ, đang cô đơn hay bị bỏ rơi; người tội lỗi không hy vọng được tha thứ để cảm nhận được tình yêu của Chúa Cha.

Năm Thánh là tia sáng ấm áp của tình yêu của Thiên Chúa. Chính Ngài vác chúng ta trên vai và đưa về Nhà của Hy Vọng. Được Chúa chạm đến và được biến đổi mãi là lời mời gọi sống trọn hảo trong tình yêu thương. Năm thánh Lòng Thương Xót là tiếng Chúa thúc giục tiến lên trên đường hy vọng giữa xã hội nhiều người vô cảm và nhẫn tâm. Nếu sự tha thứ, nâng đỡ, an ủi, giúp đỡ, khích lệ không có chỗ trong tâm hồn thì làm sao tìm được một cuộc sống có ý nghĩa và nhiều niềm vui. Trong nỗi nhớ mùa đông đang tràn về, dư âm lòng thương xót của Chúa vẫn còn như tia nắng vẫn dẫn dắt dân Kitô đi vào mùa đông thánh với cảm xúc đầy tràn hạnh phúc và tín thác.

***

Từ “Mùa Vọng” bắt nguồn từ thuật ngữ Latin “Adventus”, nghĩa là việc đến một nơi hoặc một thời điểm nào đó. Vì vậy, Mùa vọng thường được hiểu như thời gian đợi chờ biến cố Giáng Sinh. Mùa vọng quy chiếu về việc Chúa đến theo hai nghĩa liên hệ nhau trong lịch sử cứu độ: (1) sự kiện nhập thể của Giêsu vào cung lòng Đức Mẹ tại Bêlem xứ Giuđê; (2) biến cố Thiên Chúa đến vào ngày Chung Thẩm để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Nhưng theo thiển nghĩ cá nhân, Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử lòng thương xót, một lịch sử hoài niệm lòng nhân từ và phát lệnh hành động trong tinh thần thống hối canh tân để van nài Đấng Thiên Sai – dấu chứng lòng thương xót từ biến cố nhập thể của Đức Kitô vào trong cuộc đời mình. Kinh Thánh diễn tả sự mong đợi Đấng Messia đến để nắm binh quyền đánh bại xâm lăng, cứu dân tộc họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô dịch nhục nhã cho dân ngoại lai. Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia – Đấng đến để giải phóng khỏi nô lệ tội lỗi, nguồn cơn của đau khổ nhân sinh.

Lòng Thương Xót đã đến gõ cửa và chữa lành, Đấng Messia là Đức Kitô đã đến chữa lành, ban đầu người ta cũng hồ hỡi đón nhận Ngài, nhưng rồi thấy Ngài là Đấng không giống như mình nghĩ, không hành động như mình mong, không thực hiện những điều như mình muốn, nên người ta dần dần bỏ Ngài. Hơn nữa, vì quyền hành và tham vọng, vì kiêu căng đã muốn khai trừ Ngài khỏi làng mạc, thành phố của họ. Tệ hơn nữa, họ muốn Ngài phải chết. Cuộc sống tràn đầy lòng thương xót có phải cách sống “hợp thời” trong thời đại hay đổi thay và nhiều khuynh hướng như hôm nay? Hay là chúng ta lại muốn đóng đinh lòng thương xót sau khi kết thúc năm thánh này?

Người Do Thái đã muốn Vị Cứu Tinh tạc vẽ trong ý đồ và tham vọng chính trị bành trướng, muốn khuôn khổ cho Vị Cứu Thế theo quan niệm và mơ ước tự tôn dân tộc, nên đã không nhận ra hay không muốn nhận ra một Thiên Chúa đánh mất tất cả uy nghiêm trong thân phận một hài nhi tứ cố vô thân. Chúng ta ngày nay cũng cố nắn đúc lòng thương xót theo kiểu thế gian “có qua có lại” hơn là vị nhân sinh, vô vị lợi, xả kỷ, tự hủy quê thân. Cuối cùng, lòng thương xót chết cho những ảo tưởng, kiêu căng và tội lỗi của họ, và thật ra cũng là của nhân loại, của mỗi người chúng ta.

***

Lịch sử của ơn cứu độ trong Mùa vọng “hậu năm thánh Lòng Thương xót” là để chúng ta xác tín rằng, thái độ mong đợi và chuẩn bị Chúa đến trước tiên phải là hành vi tẩy luyện tâm can và đào tạo cuộc sống mình, để không rơi vào tình trạng vong thân và lạc mất cứu độ.

Vì đầu óc ta đầy những tạp niệm, định kiến, thành kiến, thiên kiến sẽ làm ánh mắt ta trở nên mù lòa trước thực tại lung linh kỳ ảo của Lòng Thương Xót Chúa; tạp niệm trần tục như khối sương mù dày đặc mùa đông sẽ hạn chế sự hình dung chính xác và làm cho quan niệm lệch lạc hoặc thiếu sót về Thiên Chúa từ ái. Dục vọng si mê làm điên đảo tâm can, rối loạn thần trí, hiểu sai lầm và ngộ nhận về chính mình và tha nhân. Tâm hồn đi trong mùa vọng cần đến những tia sáng thương xót từ ngọn lửa Thánh Tâm Chúa Kitô để từ đó sáng lên một cái nhìn trung thực, đúng đắn, rõ ràng và thâm sâu về mọi thực tại theo cái nhìn của Thiên Chúa.

***

Đại văn hào Nga, Dostoievski có lần kể câu chuyện về một người phụ nữ ở dưới luyện ngục, tha thiết xin thánh Phêrô cho lên thiên đàng. Thánh nhân yêu cầu bà nhớ lại xem đã làm được điều gì tốt để ngài có thể dựa vào lý do đó mà xét cho vào Thiên đàng. Người phụ nữ nhìn lại thật tỉ mỉ cuộc đời và nhớ chắc chắn đã có lần cho lão ăn mày khốn khổ một củ hành. Bà vội trình với thánh Phêrô và ngài phán, vì ngươi đã cho kẻ khó một củ hành nên bây giờ ta sẽ cột sợi dây vào củ hành thả xuống luyện ngục, rồi ngươi cứ bám vào đó, ta sẽ kéo lên. Thế là người phụ nữ bám chặt vào củ hành để thánh Phêrô kéo lên. Khổ nỗi khi thấy bà được kéo lên, những người khác nhao nhao xin theo và bà ra sức dẫy dụa đạp họ xuống, vừa đạp vừa la “một mình tao lên thôi”! Nhưng vì dẫy dụa quá nên sợi chỉ đứt luôn và bà vẫn ở lại chỗ cũ.

Sống trong tâm tình canh tân là trút bỏ hiện thân của vị kỷ để thể hiện hình ảnh của một Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót. Trên hết mọi sự là tính cấp thiết của việc cầu nguyện để xin Chúa chữa lành mọi vết thương trong tương quan nhân sinh. Tội ác và những dục vọng trần lụy khiến cho vết thương ấy ngày một to lớn, bởi vì khi nó càng lớn, chính nó sẽ làm cho chúng ta đau đớn hơn nhiều và với thời gian sẽ trở nên khó cứu chữa. Mùa vọng là tiếng lòng thổn thức của con dân xin Thiên Chúa thương xót, vì lòng thương xót của Ngài sẽ là phương thuốc hữu hiệu chữa lành tính lãnh đạm và ích kỷ của thời đại lao xao chợ búa ngày nay.

Biết chạnh lòng thương anh em mới thực sự là con cái của Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Mùa vọng hậu cảnh năm thánh Lòng Thương Xót yêu cầu mối bận tâm với nỗi khổ của anh em, vì khi đó chúng ta mới là chi thể của Đấng Tự Hủy toàn hiến vì thương xót. Thiên Chúa không ngơi nghỉ thương xót. Hãy đáp trả Lòng Thương Xót bằng chính cách chúng ta sống xứng đáng với tình thương xót vô hạn mà Ngài đã trao tặng cho chúng ta, và đó cũng là thái độ chờ đợi tích cực mà Chúa Hài Nhi mong đợi nơi đoàn dân Chúa.

***

Tiết trời đêm nay có lẽ cũng đã có chút gì đổi khác, như nhắc ý thức hơn về một sự thay đổi khác trong đời sống thiêng liêng. Mùa Vọng là một khoảng thời gian ngắn để có thể có những chuẩn bị cần thiết đón nhận ơn lành từ trời mà Con Thiên Chúa mang đến. Khí trời se se lạnh làm ta vội nghĩ đến những cánh thiệp Noel, những hang đá, cây thông, đèn lấp lánh hay những chương trình lễ hội hoành tráng hơn là việc dọn lòng sao cho xứng hợp để đón Chúa. Năm nay mang tâm tình và sắc thái riêng. Tâm tình của người được Thiên Chúa xót thương và thăm viếng mời gọi để sống cuộc sống của mình cho phù hợp hơn với tâm tình ấy.

Thiết nghĩ trong vài câu từ thô mọn của kẻ quê mùa này khó diễn tả hết tâm tình. Ai đó hãy dành chút thời gian để suy nghĩ và xin ơn Chúa soi sáng để sống mùa vọng năm nay với một cách thức đổi mới hơn và triển nở hơn sau một năm dài gieo trồng và gặt hái ân ban của niềm hy vọng và lòng thương xót.

Mùa vọng đến với chính tôi, trong lòng tôi, trong cuộc sống của tôi, để mang đến niềm vui và bình an từ trời xuống cho tôi. Nếu bấy lâu nay, mệt mỏi với những lo toan bộn bề cho kiếp mưu sinh, thì thời gian này thiết thực quá để mời Chúa đến, mang đến nguồn bình an sâu thẳm từ Lòng Thương Xót như đại dương hiền hòa sâu thẳm phong nhiêu. Đây chính là lúc đón nhận nguồn bình an ấy với tất cả ý thức và tình yêu…

Bài Thánh ca cũ xưa âm vang từ chiếc máy già rè rè: “đồi cao hay suối sâu hãy biến thành những con đường thẳng tắp… dọn đường cho Chúa đi! Trở về với Chúa đi!...”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi, lời mời gọi này có ý nghĩa gì với chúng ta không? Đâu là những núi cao mà mình cần làm cho phẳng, đâu là những lối đi khúc khuỷu mà mình cần phải sửa cho ngay? Thế trần còn đó những con đường quanh co lọc lừa, những ngạo mạn kiêu căng. Bình an của Chúa có thể đến và ngự trị trong tâm hồn mình nếu ai đó cùng cộng tác với Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể khiến cho cuộc sống của ta được bình an và hạnh phúc.

Mùa Vọng là mùa tỉnh thức và cầu nguyện. Và hôm nay, thái độ căn bản cho việc tỉnh thức và cầu nguyện chính là “hướng tâm hồn lên tới Chúa” – trở về với Lòng Thương Xót Chúa. Thiên Chúa mà chúng ta hướng lòng lên cũng chính là Trung Tâm của cuộc đời chúng ta. Chính Ngài đang sống giữa chúng ta.

***

Thế gian cứ chạy mải miết theo những điều xấu trong hành trình gian trần này, mà quên mất đi Thiên Chúa, nguồn mạch của sự sống, là Đấng làm mưa trên cả những hoa tươi đang nở thơm phức, cũng như những cánh hoa héo tàn theo thời gian. Vì thế, trên hết tất cả chúng ta hãy hướng lòng về Chúa, là nguồn sống đích thực, là nơi chúng ta phát xuất và nơi chúng ta cũng sẽ trở về.

Hãy hướng lòng về Chúa cho trọn vẹn, hãy dựng cho Chúa một nơi thánh để Chúa ngự ở giữa chúng ta. (x. Xh 25,8).

Cánh cửa năm thánh 2016 đã khép lại một khoảng thời gian hành hương trở về sám hối canh tân trong ân sủng, nhưng cánh cửa của lòng thương xót, cánh cửa tình yêu quảng đại của tâm hồn ta, của cuộc sống của chúng ta hãy để mở toang mời Đấng Thiên Chúa Cứu Thế ngự vào trung tâm cuộc đời hôm nay. Ngài là chính ngọn nến sáng đêm đông mà mỗi người cần tiếp đón và thắp lên cho tâm hồn mình.

Viết tại Nhà Thờ Thới Sơn

Tuần I Mùa Vọng

02.12.2016

Lm. F.X Nguyễn Văn Thượng