22/09/2022
171
Linh mục của Chúa Kitô_ Bài 6: Ai sai phái chúng ta?




 

 






 

LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Divo Barsotti

Bài 6 : Ai sai phái chúng ta?

 

Ai sai phái chúng ta? Câu trả lời xem ra quá dễ. Nhưng trước khi trả lời câu hỏi ấy, chúng ta hãy ôn lại một vài điểm đã nói trước.

Cần phải nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu đã làm thất vọng tất cả những ước muốn trần thế và chính nhờ thế mà Ngài đã thực hiện sứ mệnh Chúa Cha đã trao phó cho Ngài và đã cứu thế gian. Ngài đã làm thánh Gioan Tẩy Giả thất vọng. Khi thánh nhân sai hai môn đệ đến để hỏi Ngài có phải là Đấng người ta đang mong đợi hay phải đợi một người khác? Câu hỏi ấy biểu lộ một khủng hoảng tâm hồn của Gioan, lúc ấy ông đang ở trong tù. Như thế, ngay cả Gioan Tẩy Giả cũng phải trải qua những lúc đen tối để thanh tẩy niềm tin của ông. Những cám dỗ về đức tin vẫn không thể tránh được khi người ta còn có thể nhầm lẫn ý tưởng của mình với ý Chúa, hy vọng của mình với sự mong đợi của Chúa. Chúng ta cần phó thác vì Chúa mãi mãi là Đấng chúng ta không thể hiểu được. Nếu chúng ta muốn trung thành với Ngài, chúng ta phải vươn ra khỏi mọi tư tưởng, mọi ước vọng. Chúa xem ra làm chúng ta thất vọng, nhưng, thực ra, Ngài vẫn luôn kiện toàn kế hoạch của Ngài nhờ sự phó thác vô điều kiện của một đức tin thực sự trong sáng. Chúa vẽ một đường thẳng với những đường cong, tục ngữ đã nói thế.

Chúng ta hãy nhìn các tông đồ. Họ là những người đầu tiên được sai phái. Họ đã hiểu biết thế nào về thế giới mà họ được sai đến? Ngày cả xã hội Do thái mà họ là thành phần, có lẽ họ cũng chưa hiểu: họ là những người chất phát, nên đứng trước những vấn đề xã hội, chính trị và tôn giáo, có lẽ họ cũng chẳng hiểu gì sâu xa. Có lẽ những vị Hồng Y và Giám Mục và các nhân viên của phòng Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh hiện nay hiểu rõ tình hình thế giới hiện nay hơn các tông đồ hiểu thế giới ngày xưa. Nhưng các tông đồ đã biết gì về thế giới của họ là xứ Giuđê? Chúng ta phải vận dụng tất cả mọi khả năng chúng ta để phục vụ Chúa, nếu không, Chúa sẽ bẻ gãy chúng ta và loại trừ chúng ta. Nhưng không phải những khả năng của chúng ta đem lại lợi ích gì cho Ngài. Chúng chỉ là dấu chứng cho sự tận tâm của chúng ta trong sứ mệnh Ngài đã giao phó mà thôi.

Và đúng thế, Ngài thường chọn những người như những dụng cụ không mấy thích hợp, và trước khi sử dụng, Ngài lại bẻ gãy và làm cho chúng trở nên hư vô. Và chính lúc ấy, con người mới có thể làm việc Chúa. Khốn cho chúng ta nếu chúng ta tin tưởng vào những khả năng của chúng ta, và khốn cho chúng ta hơn, khi chúng ta thành công và bám víu vào thành công đó. Thành công, đối với một kitô-hữu, là một sự khốn nạn lớn lao nhất, vì họ sẽ không thể kinh nghiệm được sự vô tài bất lực của họ khi họ đáp ứng đòi hỏi của Chúa và họ dần dần có thể không còn lệ thuộc vào Chúa nữa.

Chắc chắn, tôi không bao giờ muốn cho ai phải gặp khó khăn, thử thách cam go, nhưng nếu ai thành thực phụng sự Chúa, người ấy sẽ gặp khó khăn. Đó chính là ân huệ cao quí nhất mà Chúa có thể ban cho những người Ngài chọn. Tôi không biết những người khác đã gặp những đau khổ nào, nhưng riêng tôi, tôi phải thú nhận rằng, trong đời linh mục của tôi, tôi nhận thấy không có lúc nào tôi được ân huệ lớn lao hơn lúc tôi bị gạt ra ngoài, bị “khớp miệng”, mặc dù những khó khăn ấy là những đau khổ nặng nề đối với tôi. Lúc ấy, tôi mới nhận thấy rằng tôi đã yêu Giáo Hội hơn chính bản thân tôi. Thử thách tôi phải chịu đã trở nên một bảo đảm cho tình yêu của tôi. Trước khi Chúa thử thách chúng ta, chúng ta có dám chắc rằng chúng ta đã yêu Ngài không?

Chúng ta hãy trở về với các tông đồ. Có lẽ các ngài đã hiểu biết phần nào thế giới Do thái, trong đó họ đang sống, nhưng họ biết gì về thế giới của người Hy Lạp và người La Mã mà họ được sai đến? Có lẽ chúng ta không thể quyết đoán rằng họ không biết gì cả, chúng ta cũng không biết gì về các tông đồ như Anrê, Phlipphê hay Batôlômêô, nhưng ít ra, chúng ta biết rằng Phaolô biết rõ thế giới Hy lạp, và các thư ngài viết chứng tỏ ngài biết tư tưởng của phái khắc khổ, tư tưởng của người Hy Lạp, những luật lệ hiện hành thời bấy giờ của thế giới La Mã. Sự hiểu biết của Phaolô là một sự hiểu biết trực tiếp và cá nhân chứ không sâu xa. Đó chỉ là tầm hiểu biết thông thường của một nhà trí thức thời bấy giờ mà thôi. Không, ngài không hiểu biết nhiều về thế giới quanh ngài đâu, dẫu vậy, những gì ngài biết về nên văn hoá Hy Lạp. Ngài có quốc tịch La Mã, tất cả những yếu tố ấy, ngài đã sử dụng vào công việc truyền giáo của Ngài.

Các tông đồ khác cũng thế. Tuy tầm hiểu biết của họ về thế giới Hy-La và về ngôn ngữ chỉ hạn hẹp thôi, nhưng các ngài đã biết sử dụng đúng mức.

Cách làm việc của các tông đồ là mẫu mực đời sống linh mục của chúng ta. Chắc chắn chúng ta phải sử dụng mọi sự hiểu biết của chúng ta trong phạm vi của mỗi người, nhưng sự hiểu biết ấy chỉ tương đối mà thôi, và công việc chúng ta phải gánh vác lại quá nặng nề và mênh mông.

Thực sự, công việc Chúa trao cho chúng ta quá nặng nề và hình như nó đè bẹp chúng ta. Chúng ta phải đủ can đảm để hiến thân cho Chúa. Thực ra, chúng ta đã không can đảm lắm đâu, vì lúc chấp nhận làm linh mục, chúng ta có lẽ không ý thức bao nhiêu. Và đối với một thanh niên hai mươi lăm, hai mươi bảy tuổi, làm gì hơn được, mặc dù anh có thuộc lòng tất cả thần học và được điểm cao nhất? Sự hiểu biết của anh cũng chỉ là lý thuyết mà thôi. Nhưng khi đứng trước thế giới mình phải cứu vớt, phải đem Chúa đến, và lúc ấy mình không biết ăn nói làm sao, thực là một thử thách lớn lao! Chán nản và bối rối ! Chính lúc ấy, con người linh mục mới thấy rằng sứ mệnh lớn hơn mình và không có thể lấy tỷ lệ nào để so sánh giữa tài lực nhỏ bé của mình và công việc Chúa đã trao phó. Quyền lực chính trị, kinh tế, mức độ văn hoá và cả tuổi trẻ đầy hứa hẹn, cũng chỉ là không. Và chúng ta không biết làm sao để đạt đến thế giới, những linh hồn chúng ta thấy như hư mất và họ lại không muốn nghe nói gì về Chúa nữa.

Nhưng kinh nghiệm về sự bất lực của chúng ta không là một lý do để nản lòng, càng không là một lý do để chúng ta bỏ lững sứ mệnh của chúng ta. Nếu Chúa cho chúng ta ý thức mãnh liệt về sự bất lực của chúng ta, đó là để niềm tin của chúng ta vào sức lực của Ngài càng ngày càng thanh trong và mãnh liệt hơn, vì chính Chúa đã sai phái chúng ta. Chúa đã đánh lừa chúng ta chăng? Tại sao, ngay lúc đầu, Chúa không cho chúng ta biết trước tất cả những khó khăn của công việc, tất cả những gì Ngài đòi hỏi? Một con người, trước khi dấn thân vào cuộc đời, có hiểu biết tất cả những gì đang chờ đợi họ không? Họ ý thức tất cả những gì là can đảm, hi sinh, nhẫn nại mà cuộc đời sẽ đòi hỏi họ không? Không ai có thể dấn thân vào đời mà không tin cậy vào sự trợ lực của Chúa. Đàng khác, người nào biết rõ rằng Chúa kêu gọi mình vào công việc của Ngài mà từ chối, người ấy có còn xứng đáng là người không? Và một kitô-hữu có còn là kitô-hữu nữa không nếu biết chắc rằng Chúa gọi họ vào chức vụ linh mục và họ lại không tin rằng Chúa sẽ giúp và nâng đỡ họ suốt cuộc đời linh mục để họ có thể trung thành?

Có cái gì khác có thể nâng đỡ chúng ta trong những lúc mệt mỏi, chán buồn, bối rối và khủng hoảng không? Chúng ta tất cả đều gặp những lúc ê chề ấy, và khốn cho chúng ta, nếu chúng ta không bao giờ biết đến những giây phút ấy, vì chúng ta sẽ kiêu căng, chúng ta sẽ trở nên vô ý thức.Tính kiêu căng sẽ làm mù mắt chúng ta và chúng ta sẽ không còn thấy sự khác biệt giữa thực trạng của chúng ta và những gì Chúa đòi hỏi.

Nhưng khi nhìn thấy sự chênh lệch ấy, chúng ta lấy sức lực đâu để bền vững trong việc tông đồ? Ai đã sai phái chúng ta? Chính Chúa sai phái chúng ta. Chúng ta đừng quên điều đó.

Và đây, chính là cái gì biểu hiện sự có mặt tích cực của Chúa trong lòng thế giới: sự kiện Chúa muốn dùng chúng ta, Chúa dùng những con người nhỏ hèn yếu đuối, không những là những con người, trên phạm vi nhân loại, là những người yếu đuối vì kém tài, kém hiểu biết, kém uy lực mà còn thường là mong manh và lắm khi thất tín.

Chúng ta phải là những vị thánh, những vị thánh đích thực… và trên đời này không có mấy người. Chúng ta phải cám ơn Chúa vì có lẽ không có thời nào như thời nầy, Chúa đã ban cho Giáo Hội một vườn hoa thánh thiện sung mãn. Trong hàng Giáo Phẩm hiện nay, biết bao nhiêu Hồng Y, Giám Mục thánh thiện. Còn các Giáo Hoàng? Tôi không thể kể hết được từ Đức Piô X, với lòng bác ái không cùng của Ngài, Đức Bênêđitô XV, Đức Piô XI, mạnh mẽ và vững chắc như một phiến đá. Đức Piô XII, mặc dù ngài bị công kích rất nhiều, rồi đến Đức Gioan XXIII, vị Giáo Hoàng được biết bao nhiêu người sùng mộ yêu mến… Chúa đã ban cho chúng ta những vị Giáo Hoàng tuyệt hảo! Tất cả những điều ấy có thật, nhưng vẫn chưa đủ. Khối thánh thiện ấy vẫn không thấm vào đâu đối với sứ mệnh của chúng ta. Đàng khác, sự thánh thiện của người khác không chuẩn miễn chúng ta khỏi nên thánh, cũng không bù đắp sự thiếu kém của chúng ta là những kẻ Chúa đã gọi và đang sống sứ mệnh của Chúa Kytô hôm nay.

Hình như thế giới hôm nay, vượt khỏi tầm tay chúng ta và không muốn nghe nói đến chúng ta nữa. Chúng ta vẫn biết như thế, chúng ta vẫn đứng hàng đầu trong lịch sử vì chúng ta sống với Chúa. Chúa không những là khởi đầu của lịch sử, Chúa cũng là cuối cùng của mọi tiến trình của lịch sử nữa. Dù lịch sử có tiến đến đâu chăng nữa, nó không thể đạt đến vị trí của người kitô-hữu vì họ ở bên kia mọi tiến triển của nhân loại. Không có một tiến hoá nào vượt qua được những gì người kitô-hữu đang sống, nếu họ sống trước uy nhan Chúa.

Chúng ta biết như thế; nhưng đối với thế giới hôm nay, chúng ta xem ra lạc hậu. Chúng ta trở nên đồ chưng bày cho viện bảo tàng. Trước mắt thế giới, Giáo Hội chỉ là một di tích của một thời đại đã chìm vào dĩ vãng. Chúng tôi nhớ một cảm giác nặng nề mà chúng tôi đã cảm thấy khi đến chơi với một vị Giám Mục lớn tuổi và thật khiêm tốn, trong một toà Giám Mục rộng thênh thang, nhưng bắt đầu đổ nát rêu phong. Sự sống xem như vắng mặt. Và tất cả đều thúc đẩy chúng tôi trốn chạy. Một lần khác, cũng một cảm giác nặng nề trống trải như thế, khi chúng tôi đến giảng phòng cho các thầy trong một tu viện. Tu viện mênh mông và các thầy đi co ro như những con sâu nhỏ…

Dù vậy, chúng ta phải biết và phải tin rằng Chúa đã trao thế giới này trong tay chúng ta. Không phải thế giới, cũng không phải lịch sử có thể cứu vớt chúng ta. Chính chúng ta phải cứu vớt thế giới.

Ai đã sai phái chúng ta? Chính Chúa. Chúng ta phải tin như thế. Sự nghèo nàn kém khuyết của chúng ta không còn là chướng ngại nữa mà là dụng cụ của Chúa Toàn Năng, đồng thời nó trở nên cho chúng ta một lý do để tạ ơn Chúa. Nghèo hèn và yếu đuối, Chúa vẫn sử dụng chúng ta. Chúng ta không cộng tác với thế giới mà với Chúa. Và Thánh Kinh đã xác nhận: chúng ta là cooperatores Christi, là những cộng sự viên của Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã cần đến sự nghèo hèn của chúng ta. Không có gì cao cả hơn, không có gì có thể làm chúng ta xúc động hơn là tình yêu của Chúa, không những đã tự hiến cho chúng ta mà còn mặc lấy bản tính nhân loại của chúng ta, sự nghèo nàn của chúng ta, làm như Ngài cần đến nó để thi hành ý định của Ngài. Ngài đã muốn xin sự nghèo hèn của chúng ta, như thể, nếu không có chúng ta, Ngài không thể cứu thế giới!

Hôm nay cũng như mọi thời, Chúa đã chọn những gì bị khinh miệt để làm hỗ ngươi những gì quyền quí, những gì yếu kém để làm bẽ mặt những gì mạnh mẽ. Chúa đã muốn chọn sự khiêm tốn, nhưng chính Ngài chọn. Sự chênh lệch giữa sự nhỏ hèn của chúng ta và sứ mệnh cao cả Ngài trao ban cho chúng ta được san bằng nhờ lòng thương xót và quyền năng vô biên của Ngài.

Được san bằng, nhưng với lượng nào? Với lượng đức tin của chúng ta. Khi chúng ta phó thác cho sức mạnh của Chúa, chúng ta cần cảm thấy rằng chúng ta chỉ là dụng cụ của quyền lực vô biên của Chúa. Thực hiện ý Chúa không phải là công việc của một con người, chỉ có Chúa mới có thể làm được. Đàng khác, thánh ý Chúa là gì, phải chăng là chính Chúa? Vậy, có cái gì của Chúa mà không phải là Chúa? Thực hiện thánh ý Chúa có nghĩa là thực hiện chính Chúa vậy. Con người phải kiện toàn một chương trình của Chúa, và chương trình của Chúa, là chính Chúa hiện diện trong lòng thế giới.

Chúng ta chỉ có một việc là phó thác tất cả cho Chúa, đó là sự khôn ngoan của chúng ta. Nếu chúng ta không muốn chìm sâu vào tuyệt vọng, nếu chúng ta không muốn bỏ phế công việc của chúng ta, chỉ có một việc phải làm là phó thác mọi sự cho Chúa trong đức tin. Chúa đòi buộc chúng ta tin vào Chúa, phó thác tất cả cho quyền năng vô biên Ngài. Nếu không, chúng ta chỉ còn một lối thoát là nhìn nhận trong bất lực hoàn toàn của chúng ta, sự phá sản không thể tránh khỏi

Đấng đã sai chúng ta đi không để chúng ta cô đơn. Chúng ta hãy nhớ những gì Chúa Giêsu đã nói trên đường đi tử nạn. Ngài là Con Thiên Chúa, Ngài trở nên miếng mồi ngon cho sự sợ hãi âu lo. Những gì Chúa Cha đòi hỏi xem ra như vượt quá sức nhân loại của Ngài: “Bây giờ linh hồn Thầy rối loạn. Nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này…Lạy Cha, xin hãy làm rạng danh Cha (Ga 12,27-28). Và trong vườn Giêtsêmani, Ngài đã lặp đi lặp lại: “Lạy Cha, xin đừng theo ý Con nhưng xin cho ý Cha nên trọn!’ (Lc 22, 42). Đó là bài học Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Nếu Ngài đã làm trọn thánh ý Cha Ngài, là vì Ngài không đơn độc: “Nhưng Ta không bao giờ cô đơn cả” (Ga 16,32).

Như thế, Ngài dạy chúng ta đừng bao giờ ở một mình, hãy cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài. Đấng đã sai phái chúng ta không bao giờ để chúng ta cô đơn đâu. Ngài đến với chúng ta. Làm sao Chúa có thể sai chúng ta đi như chiên giữa sói mà không ở bên chúng ta nhờ Thánh Thần Ngài, và không ở trong tâm hồn chúng ta? Và con người nào dám kiện toàn công việc của Chúa nếu Chúa không sống trong họ?

Chúng ta cần cảm thấy rằng Chúa Kytô trợ lực chúng ta và chính Ngài ở trong chúng ta, và chính Ngài đang hoạt động trong đời sống chúng ta. Đời sống chúng ta không phải là của chúng ta, nhưng cũng là của Ngài nữa. Ngài luôn hiện diện, hôm nay cũng như hôm qua trong thân phận con người, trong khiêm nhường và nghèo khó. Ngài vẫn là Con Thiên Chúa, Đấng cứu thoát thế gian, và Ngài đã sống nghèo nàn và ẩn dật, nhưng sự khiêm tốn ấy không ngăn cản Ngài kiện toàn công cuộc cứu rỗi thế gian. Trái lại, chính sự yếu hèn đã giúp Ngài thực hiện công việc của Chúa Cha trao ban. Sự yếu hèn của Thiên Chúa mạnh hơn sức lực con người. Cũng thế, Chúa Kytô hiện diện trong sự khiêm nhường và nghèo hèn của chúng ta làm cho chúng nên dụng cụ mà Chúa chọn để nối tiếp sứ mệnh Chúa Kytô. Và cũng như Ngôi Lời Thiên Chúa đã dùng cái chết trên thập giá của Ngài để cứu thế gian, hôm nay, Ngài cũng tiếp tục việc cứu rỗi ấy nhờ sự chết mỗi ngày của chúng ta, nhờ sự bất lực và nghèo hèn của chúng ta. Sự chết xem ra không ích lợi gì cho ai, lại là dụng cụ được Thiên Chúa toàn năng chọn để thực hiện công trình của Ngài. Nhưng có lẽ chúng ta lại tưởng rằng chúng ta sẽ không đồng số phận với Chúa Kytô sao? Trong trường hợp ấy, có lẽ đừng nên chấp nhận ơn gọi của chúng ta; vì từ chối không sống một đời sống như Chúa Kytô, là làm cho đời sống linh mục của chúng ta  ra vô nghĩa vì đời sống linh mục là theo gương Chúa Kytô, hay đúng hơn, là thông phần vào chúc tư tế của Chúa Kytô.

Chúa đã chọn cứu vớt thế gian bằng cái chết và sự khiêm nhường: ai tưởng có thể cứu thế giới bằng cách khác, dần dà sẽ phản bội chức linh mục của mình và hy vọng của nhân loại. Linh mục không thể muốn nên trọng hơn Đấng đã sai mình, và hành động hữu hiệu hơn Ngài: linh mục chỉ cần hiện tại hoá Huyền Nhiệm cho con người. Nơi đó mới thực là sự cao cả của linh mục và sự cao cả này không thể sánh với cái gì khác trên trần gian này.

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ