09/09/2022
390
Linh mục của Chúa Kitô_ Bài 4: Con người hiểu biết




 

 






 

LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Divo Barsotti

Bài 4: Con người hiểu biết

 

Nếu Thiên Chúa tự mạc khải qua tạo thành và qua lời nói, sự sống hiệp thông với Chúa đòi hỏi phải siêu vượt mọi dấu hiệu. Đó là điều biện minh cho việc từ bỏ kitô-giáo hay đúng hơn việc từ bỏ cần thiết cho mọi cuộc sống đạo đức. Đây không phải là một sự từ bỏ đơn thường là không biết đến sự vật mà là siêu vượt mọi sự. Chính vì thế, đức thanh bần đòi buộc một sự siêu vượt: đây không phải là không biết đến của cải trần gian, không phải là không biết thưởng thức hay khinh chê nó, mà là hiểu biết chính xác giá trị của nó và chọn Chúa mà thôi: chúng ta từ chối không dừng lại nơi của cải đời nầy, vì chúng ta vượt xa tất cả để đạt đến Chúa. Cũng thế, đức trinh khiết không phải nằm ngoài phạm vi của hôn nhân, nhưng vượt qua ranh giới của hôn nhân. Chính hôn nhân công giáo hình như có một giá trị sư phạm: xuyên qua tình yêu nhân loại, con người được dẫn đến sự trinh khiết đích thực của hữu thể trong tình yêu độc chiếm của Thiên Chúa.

Bây giờ chúng ta hãy bước vào vấn đề: làm sao sống đời sống đức tin của chúng ta, không phải dưới viễn ảnh của Thiên Chúa, Đấng mạc khải, nhưng dưới quan niệm của con người hiểu biết. Sự hiểu biết Thiên Chúa, nhờ đức tin, không phải chỉ là một sự hiểu biết hoàn toàn trừu tượng. Lời Chúa trong Thánh Kinh đã dạy chúng ta rất rõ ràng: sự hiểu biết Chúa liên hệ đến lý trí và tất cả mọi quan năng của con người. Thực thế, lời Chúa nói với con người toàn diện trong sự độc nhất và trong cả sự nguyên tuyền của nó. Thực ra, người Do thái đã không quan niệm về lời nói như người Hy lạp: tiếng nói không chỉ là một biểu hiện của hữu thể mà nó mang theo một sức sinh động nội tại, nó quy hướng về hành động. Như thế, Lời Chúa làm cho chúng ta biết Ngài khi nó biến đổi chúng ta trong Ngài. Sự hiểu biết Chúa trong đức tin là một sự hiểu biết thiêng liêng và nó được diễn tả ra bằng những cơ năng thiêng liêng. Cũng như con người biết được vũ trụ nhờ những giác quan thế nào thì, trên bình diện thiêng liêng cũng vậy, những giác quan thiêng liêng là cơ quan nhờ đó con người liên hệ với Thiên Chúa. Ai muốn thấy mặt trời thì cần đôi mắt : như thế, nếu Thiên Chúa tự mạc khải, con người cần có một cơ năng đặc biệt để có thể thấy Chúa.

Đúng thế, đức tin có mắt để thấy Chúa, có tai để nghe lời Chúa, có tay để sờ đụng Chúa. Nếu không có những giác quan thiêng liêng ấy thì con người không thể biết Chúa, và chính những giác quan thiêng liêng nầy mới cho chúng ta một kinh nghiệm sống động về Chúa. Thường chúng ta hay nói về việc lắng nghe lời Chúa, nhưng không phải chỉ nghe mà thôi. Thánh Inhaxiô Loyola nói đến “cảm giác”, thánh Gioan Thánh Giá “sờ vào” Chúa. Thánh Têrêxa Avila nói đến việc “thưởng thức” và “thấy” Chúa. Đời sống thiêng liêng đối với thánh Phanxicô Assisi là một điệu nhạc thiên quốc. Trong Tin Mừng, thánh Gioan nói đến sự “chiêm ngưỡng “Chúa và nơi thánh Grêgôriô thành Nadian, chúng ta nghe nói đến “ánh sáng”. Thánh Bênađô nói đến “hôn và ôm ấp”. Đối với những nhà thần bí, sự sống thiêng liêng được xem như sự phối hợp yêu thương như vợ chồng giữa Chúa và linh hồn.

Con người sống cuộc sống tự nhiên của mình trong mối liên hệ với thế giới bằng giác quan của mình : cũng thế, họ sống đời sống thần linh của họ trong mối liên hệ với Thiên Chúa nhờ những giác quan thiêng liêng của họ. Nếu không còn liên lạc gì với sự vật nữa, chúng ta sẽ chết. Giác quan tự nhiên đối với tạo vật thế nào thì giác quan thiêng liêng cũng liên hệ với Chúa như thế.

Đời sống thần bí hình như, một cách nào đó, đi trước việc khổ hạnh và đi theo con người trong suốt cuộc sống thiêng liêng của họ. Nói rằng kinh nghiệm kitô-giáo là hoa quả cuối cùng của cuộc sống thiêng liêng là không đúng: ngay từ đầu, đức tin đưa chúng ta vào vũ trụ của Chúa, và hành động đức tin, theo thánh Tôma Aquinô, mang lấy tính chất là một kinh nghiệm.

Kinh nghiệm về Chúa, đối với chúng ta, lúc đầu, bao giờ cũng mơ hồ và nghèo nàn, vì chúng ta chưa trong sạch đủ, chúng ta còn lệ thuộc vào đam mê xấu xa của mình, nhưng nếu đời sống đạo đức của chúng ta ngày càng sâu xa và sống động, những quan năng của chúng ta được thấm nhuần tinh thần đạo đức, kinh nghiệm về Chúa của chúng ta sẽ sâu xa hơn, sống động hơn. Sống một cuộc sống thần linh có nghĩa là liên hệ với Thiên Chúa, một liên hệ thực sự dù trong đức tin, xuyên qua những dấu hiệu nhờ đó, Ngài tự mạc khải. Nhưng chính Chúa tự mạc khải, chính Chúa nói. Nếu Ngài không tự mạc khải, thì sự vật không còn là dấu hiệu : chúng sẽ trở nên dầy đặc và che khuất Thiên Chúa.

Đúng thế, sự hiểu biết Thiên Chúa huy động toàn thể quan năng con người. Con người chỉ hiểu biết Thiên Chúa khi được Ngài chiếm hữu. Không phải toàn thể con người chúng ta sẽ được hưởng hạnh phúc thiên đàng sao? Trong đời sống vật chất, chúng ta biết sự vật và chiếm hữu sự vật, trong đời sống thiêng liêng, chính Chúa chiếm hữu chúng ta và như một cơn hỏa hoạn, Ngài soi sáng lý trí chúng ta, tiêu hủy mọi đam mê xấu xa của chúng ta. Chúng ta càng để cho Ngài biến đổi và làm cho chúng ta nên giống Ngài chừng nào, chúng ta càng hiểu biết Ngài chừng nấy.

Trong đời sống đạo đức được nối kết với việc mạc khải nhờ vũ trụ, sự hiểu biết Chúa chỉ là một cảm tưởng mơ hồ về Đấng thiêng liêng, đó chỉ là tiếng gọi làm cho con người tỉnh thức và chú ý đến huyền nhiệm như một mùi hương loan báo một hiện diện. Hơn một cảm tưởng về Chúa, nó là một linh cảm, hơn một liên hệ, nó là một tiên báo đem con người đến một mạc khải cao xa hơn. Sự vật, khi chúng ta xem nó như dấu hiệu của một hiện diện, đem chúng ta vào một không khí trầm lắng, dọn đường cho chúng ta đón nhận một mạc khải cao xa hơn, khi Chúa muốn tự mình thông truyền cho chúng ta. Cách hiểu biết ấy là chung cho mọi người. Tôi không tin vào vô thần. Nếu ai chấp nhận sống, tức là chấp nhận rằng sự sống có một ý nghĩa, và cái gì làm cho cuộc sống có ý nghĩa? Khi con người chấp nhận tạo thành, họ chấp nhận rằng tạo thành có giá trị của nó. Sống tức là mặc nhiên tin, tin vào cuộc sống, tin vào ý nghĩa và trong giá trị của sự sống. Nhưng ai có thể mang lại mang lại ý nghĩa cho cuộc phiêu lưu của con người, ai có thể mang lại giá trị cho tạo thành? Đứng trước huyền nhiệm của một cuộc sinh nở, đứng trước huyền nhiệm của sự chết, đứng trước vẻ đẹp huy hoàng của cảnh vật, không ai lại không cảm thấy một rung động thần thiên. Việc mạc khải do vũ trụ tạo nên một bầu khí tôn giáo bao trùm cả cuộc sống con người, làm nó rực sáng, mang cho nó một thứ duy nhất nào đó.

Chính trong bầu không khí đó, con người có thể lắng nghe lời Chúa. Nếu con người biết chú ý, Lời Chúa có thể đến với họ và, giữa muôn ngàn tạo vật, họ sẽ cảm thấy được kêu gọi. Đúng thế, chính lời Chúa kéo con người ra khỏi đám đông vì lời Chúa thiết lập một liên hệ với họ.

Một cuộc sống đạo đức đích thực và cá biệt chắc chắn sẽ biểu lộ ra trong sự lắng nghe. Thiên Chúa thông hiệp với con người, thiết lập liên hệ với con người, khi Ngài trực tiếp khuyến cáo họ, kêu gọi họ, ban cho họ lề luật của Ngài và hứa ban tình yêu của Ngài cho họ, Tất cả đều được biểu lộ qua một dấu hiệu là lời. Mối liên hệ với thiên Chúa trong dấu hiệu của lời giả định nơi con người cơ năng thiêng liêng của thính giác. Thiên chúa biết chúng ta và kêu gọi chúng ta. Và cuộc sống đạo đức là một đáp trả. Con người, một khi đã được khuyến cáo một cách cá biệt, cảm thấy mình phải dấn thân một cách cá biệt với Thiên Chúa: cuộc sống của họ sẽ tìm thấy một chiều kích mới, một giá trị tuyệt đối, nó siêu vượt sự trống không của thời gian đang trôi qua không cùng, nó siêu vượt sự mênh mông của một tạo thành trong đó mọi sinh vật đều như bị cuốn trôi, bị san bằng với hư không.

Con người nào sống một cuộc sống đạo đức cá biệt đã nghe thấy tiếng Chúa. Chỉ một mình Thiên Chúa  có thể kêu gọi chúng ta, chỉ có Chúa mới biết tên chúng ta. Hơn thế nữa: Thật khó chấp nhận rằng con người nào sống  thực sự một cuộc sống cá biệt và có thể tự thực hiện mình thành một con người, nếu không ngoi lên khỏi đám đông, khỏi cái tổng thể, nhờ  đã đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.

Nhưng chúng ta là kitô-hữu. Và chúng ta, các linh mục, chúng ta là dụng cụ của Thiên Chúa, Đấng đang ban lời của Ngài. Nếu Ngài đoái nhìn đến chúng ta và dùng những lời nói nghèo nàn của chúng ta, thì cũng chính Ngài nói qua môi miệng chúng ta. Nếu chúng ta nghe một người nào nói với chúng ta về Chúa, chúng ta hãy khiêm nhượng đặt mình trước huyền nhiệm của một Thiên Chúa đang nói với chúng ta.

Phải, chúng ta phải biết rằng, Thiên Chúa ngỏ lời với chúng ta. Trong lúc nầy, Ngài đang ngỏ lời với các bạn qua một linh mục nhỏ bé nhất của Ngài. Cuộc sống thiêng liêng, khi nó tùy thuộc vào mạc khải qua tiên tri, phải là một lắng nghe và sự lắng nghe nầy phải là lề luật của chúng ta suốt cuộc đời dương thế nầy.

Dù vậy, cuối cùng, đời sống thiêng liêng của con người không phải chỉ là nghe lời Chúa. Kitô-hữu, linh mục không chỉ lắng tai nghe , mà phải nói với Chúa và Chúa nói qua miệng lưỡi họ. Vì thế mà giáo phụ Simon đã nói: “Bây giờ bạn đã đọc xong, hảy xếp sách lại: lời chính là bạn.” Thực vậy, điểm cuối của cuộc sống thiêng liêng không phải lắng nghe một lời nói tiên báo của huyền nhiệm, mà là Ngôi Lời làm người trong chúng ta. “Và Ngôi Lời đã làm người.” (Ga 1,14). Đúng thế, đó là những gì đang diễn ra trong người kitô-hữu, và linh mục phải thực thi đến cùng huyền nhiệm đó, như cuộc Nhập Thể kéo dài. Cuộc sống kitô-giáo không chỉ là lắng nghe Lời mà thôi, nhưng còn phải tiếp nhận Lời trong ta, phải cưu mang nó, nhập thể nó vào trong chính đời sống chúng ta. Nó không phải là nghe hay nhìn thấy thị kiến, mà là hiệp nhất. Cuộc sống của kitô-hữu, của linh mục không thể chỉ gom vào cơ năng thính giác mà thôi, mà phải liên đới với cơ năng của thị giác và hơn thế nữa của xúc giác, như thánh Goan đã muốn: cảm thức một hiện diện đang bao bọc và chiếm hữu chúng ta.

Người kitô-hữu được mời gọi nên thánh, và linh mục, nếu không là thánh thì có nguy cơ phản bội thánh chức và sứ mệnh của mình. Thánh Gioan, thánh sử, khởi đầu bức thư thứ nhất của ngài đã viết: “Những gì từ khởi nguyên, những gì chúng tôi đã nghe, những gì chúng tôi đã thấy tận mắt […] những gì chúng tôi đã sờ tới về Ngôi Lời sự sống […] chúng tôi loan báo cho anh em.” Sau thính giác và thị giác, kinh nghiệm thiêng liêng của vị tông đồ xem ra như được kiện toàn trong xúc giác thiêng liêng. Đời sống thiêng liêng được diễn tả trong chứng tá ấy, được kiện toàn trong sự hiệp nhất giữa con người và Thiên Chúa, trong Chúa Giêsu, Chúa chúng ta. Chính đó là điều chúng ta phải sống. Người kitô-hữu không chỉ lắng nghe lời Chúa mà đủ, nhưng phải sống với Ngài, hiệp nhất với Ngài: một sự hiệp nhất càng khiêm tốn, vui tươi, càng trở nên  đích thực.

Chúng ta phải sống hiệp nhất với Chúa Kytô. Nghe lời Chúa vẫn chưa đủ, phải kiện toàn lời ấy: Chúa Kytô ở với chúng ta, ở trong chúng ta. Với tư cách là kitô-hữu và hơn nữa, là linh mục, chúng ta phải hành động nhân danh Ngài: chúng ta không thể tách rời khỏi Ngài, cũng không thể đợi đến ngày mai mới sống kết hợp với Ngài. Và, trên hết mọi sự, chức tư tế đòi buộc chúng ta sống hiệp nhất với Ngài. Nếu linh mục hành động in personna Christi, thì phải một lòng một ý với Ngài, một sự sống với Ngài mà thôi.

Thật, đời sống kitô-hữu và linh mục cao quí biết bao! Chúng ta không thể sống đời sống đức tin như một cảm thức, cũng không phải mơ hồ về thần linh như người Hy lạp, cũng không với một cảm tưởng mãnh liệt về trách nhiệm luân lý trước một Thiên Chúa đang điều khiển và đòi buộc chúng ta thực hiện thánh ý Ngài! Vì chúng ta phải sống hiệp thông đích thực với Chúa Kytô đang hiện diện, trong một tâm thức mãnh liệt về sự hiệp nhất với Ngài. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,16) Và Ngài không sống “với chúng ta” như với các môn đệ trong thời gian Ngài còn ở trần gian; Ngài ban Thánh Thần cho chúng ta và nhờ Thánh Thần, Ngài sống trong ta. Lề luật kitô giáo được tóm lại trong Tin Mừng Gioan bằng câu nói của Chúa Giêsu khi Ngài hứa ban Thánh Thần cho các môn đệ: “Anh em hãy ở trong Thầy như Thầy ở trong anh em”(Ga 15,4). Làm sao có thể là kitô-hữu, là linh mục mà không hiểu được, hic et nunc, rằng khi chúng ta họp nhau nhân danh Ngài, Đấng Phục Sinh đang ở giữa chúng ta? Làm sao có thể là kitô-hữu và linh mục của Chúa Kytô mà không muốn được Ngài chiếm hữu, không cảm thấy rằng được Ngài chiếm hữu? Một “người khác” đang sống trong chúng ta; nhưng Chúa Kytô không còn là “khác” nữa; nhờ ơn Thánh Thần của Ngài, chúng ta là Một với Ngài.

Đó là những gì cuộc sống đức tin đòi buộc. Thế giới của chúng ta không chỉ là thế giới mà tay chúng ta sờ đụng và mắt chúng ta nhìn thấy mà thôi; thế giới đích thực của chúng ta là Chúa Kytô: chúng ta nhìn bằng đôi mắt của Ngài và chúng ta chỉ thấy Ngài thôi, chúng ta nói với môi miệng của Ngài và chúng ta chỉ còn là lời của Ngài thôi. Chúng ta cảm thấy được Ngài chiếm hữu và chúng ta đã thực sự được Ngài chiếm hữu rồi. Và đó chính là chiều hướng cần phải có để hiểu “ấn tính” của phép truyền chức thánh: một sự chiếm hữu bản tính nhân loại của chúng ta của Chúa Kytô, để nhờ chúng ta, Ngài còn có thể hoạt động và làm cho thế giới nhìn thấy Ngài.

Chúng ta chỉ sống chức linh mục của chúng ta khi chúng ta cảm nhận và muốn được Chúa chiếm hữu. Chúng ta không còn thuộc về mình nữa khi chúng ta là kitô-hữu. Phép rửa tội và các bí tích khác đã cho Ngài những quyền càng ngày càng lớn trên chúng ta. Và giờ đây, chúng ta không thuộc về mình nữa, chúng ta không thể đòi lại được nữa. Chúng ta không sống sự sống của mình nữa: chúng ta phải nhận thực điều đó và muốn điều đó từng ngày,với lòng khiêm nhượng thẳm sâu và, đúng vậy, nhưng với lòng thành thực và yêu thương. Và chính như thế, đức tin của chúng ta đưa chúng ta vào sống một cuộc sống yêu thương: chúng ta tự hiến cho Chúa Kytô để Ngài chiếm hữu chúng ta như Ngài đã chiếm hữu bản tính nhân loại mà Ngài đã nhận lấy từ cung lòng Đức Trinh Nữ.

Nhưng nếu chúng ta không muốn, sự hiệp nhất ấy sẽ không thể thành tựu được. Cũng thế, sự kết hợp nhân loại chỉ có thể thực hiện được khi vợ và chồng cùng ưng thuận như nhau, vậy,sự hiệp nhất tuyệt vời giữa Thiên Chúa và con người được thực hiện với sự đồng thuận của đôi bên. Ngài yêu chúng ta, Ngài muốn chúng ta thuộc về Ngài; từ khi chúng ta chịu phép rửa tội, Ngài đã chiếm lấy linh hồn và cả thân xác chúng ta, và hơn thế nữa, từ khi chúng ta nhận phép truyền chức thánh. Nhưng đáp lại, chúng ta phải tự hiến cho Ngài và mỗi ngày, chúng ta sống với tất cả sức lực chúng ta quà tặng mà Ngài đã ban cho chúng ta: lý trí, ý chí, cảm năng và cả đến thân xác chúng ta, Ngài có toàn quyền sử dụng. Và như thế, cuộc sống đức tin của chúng ta được thực hiện trong sự hiệp thông yêu thương đó, hơn nữa trong sự hiệp nhất đó: sự hiệp nhất của Thánh Thần, đòi buộc sự phân biệt vĩnh cửu của hai hữu thể, vì nếu sự phân biệt nầy chấm dứt, thì sự phân biệt giữa người yêu và người được yêu, lúc ấy sẽ không còn hiệp nhất nữa, thì cũng không còn tình yêu.

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ