21/11/2022
184
Linh mục của Chúa Kitô_ Bài 14: Tuỳ thuộc vào Thánh Thần




 

 






 

LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Divo Barsotti

Bài 14: Tuỳ thuộc vào Thánh Thần

Con người có thể bằng lòng với những gì mình có. Rốt cùng, định luật của tạo vật là luật quán tính (thụ động). Con người được gọi vào một thân phận cao cả, nhưng điều đó gây nên mệt mõi cho họ, mặc dù ân sủng vẫn thúc bách và mặc dù Chúa vẫn khuyến khích họ trên con đường không cùng ấy. Thực ra, ơn sủng không miễn cho họ khỏi mệt mỏi, nhưng ơn sủng giúp họ tiến hơn. Thiên Chúa không thay thế con người.

Luôn luôn con người phải nhờ ơn sủng, và dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần, mới có thể tiếp tục cuộc hành trình đi về với Chúa. Hơn nữa, ơn sủng ấy chính là việc cầu nguyện, vì nhờ cầu nguyện, linh hồn được nâng cao lên.

Đời sống kitô-hữu là con đường tiến liên tục đến Chúa, một việc lên cao mãi. Chính khi tâm hồn phó thác hoàn toàn cho mãnh lực Chúa Thánh Thần, trong cầu nguyện, mới không bị dừng lại hay rơi xuống trong tình trạng thấp hèn của mình : được Thánh Thần nâng cao lên mãi đến Chúa, linh hồn sẽ sống. Trong lời cầu nguyện ấy, Chúa Thánh Thần hoạt động và hiện diện. Nếu linh hồn dễ bị rơi xuống thấp, nếu vì định luật thụ động, tự nhiên linh hồn muốn tìm an nghỉ, chính lúc nó để cho hoạt động của Chúa Thánh Thần chiếm hữu nó, linh hồn có thể mở rộng cho ước muốn bi thương của Chúa, và sẽ cầu nguyện, và trong khi cầu nguyện, linh hồn được nâng cao lên tới Chúa. Trong thư gửi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã dạy: “Thánh Thần đỡ đầu tình cảnh yếu hèn của ta. Vì cầu xin thế nào cho phải, ta nào có biết. Song chính Thánh Thần chuyển cầu cho ta bằng những tiếng rên khôn tả” (Rm 8,26). Như thế có nghĩa: thứ nhất, trong việc cầu nguyện, chính Thánh Thần nâng đỡ chúng ta, thứ hai, việc cầu nguyện của chúng ta là việc thỉnh nguyện: Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta. Thánh Thần vẫn là thầy dạy cầu nguyện. Không ai khác có thể dạy chúng ta khoa cầu nguyện cả. Nếu việc cầu nguyện là một sự thông phần vào mối liên hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con, việc kết hợp với Chúa Kytô giả thiết phải có hoạt động của Thánh Thần. Chúng ta là con trong người Con Một, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần mà Chúa đã ban cho chúng ta. Chính nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần mà Chúa Giêsu được cưu mang trong lòng Đức Mẹ. Chính nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần mà Chúa Kytô hiện diện trong Giáo Hội và sống trong tâm hồn con người. Chính cũng nhờ Thánh Thần mà chúng ta cầu nguyện.

Việc cầu nguyện đòi buộc một tâm hồn hoàn toàn tuân phục hoạt động của Chúa Thánh Thần. Nhưng cầu nguyện và tuân phục không thể rời nhau: chúng ta không biết phải cầu nguyện thế nào, chính Thánh Thần chuyển cầu cho chúng ta bằng những tiếng rên khôn tả.

Có lẽ lời cầu nguyện của chúng ta phải là ngợi khen và cảm tạ. Trong kitô giáo, việc tạ ơn là đặc điểm đầu tiên của cầu nguyện: hiến tế tạ ơn phải chăng là cách cầu nguyện tuyệt hảo của Giáo Hội?

Trên thực tế bao lâu chúng ta chưa kiện toàn ơn gọi của chúng ta, việc kiện toàn ấy sẽ như một mục tiêu phải đạt đến, một nhiệm vụ tiên quyết trên những nhiệm vụ khác. Bao lâu chúng ta chưa là thánh, chúng ta phải chiến đấu để nên thánh. Chúng ta có thể tự bằng lòng với sự nghèo hèn của mình, nhưng Chúa có bằng lòng chấp nhận như thế không? Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Bao nhiêu lần người ta hỏi tôi: nhưng Chúa có bằng lòng về tôi không? – Hỡi con, tôi trả lời: làm sao Chúa có thể bằng lòng về con được? Như thế, Ngài chấp nhận quá ít nếu Ngài chỉ có con thôi; Thiên Chúa chỉ bằng lòng chính mình mà thôi” (vive flamme).

Câu hỏi phải đặt ra là chúng ta có làm Chúa bằng lòng không? Vì Chúa không thể bằng lòng vì bao lâu chúng ta chưa nên giống Ngài. Con người được kêu gọi yêu mến và ngợi khen Chúa, không thể bằng lòng được bao lâu họ chưa yêu mến Chúa trong Thánh Thần, bao lâu họ chưa ca tụng Chúa trong lời ca tụng của Chúa Con. Đó là điều thánh Gioan Thánh Giá nói trong “ngọn lửa sống động”: “Lúc ấy linh hồn sẽ mãn nguyện khi linh hồn có thể cho Chúa chính Chúa, không gì khác nữa”. Và Giáo Hội sống sự kiện toàn việc cứu rỗi trong lời cầu nguyện cao cả nhất của mình: hiến tế tạ ơn. Giáo Hội dâng gì cho Chúa? Chính Con Một Ngài. Và trong việc hiến dâng Con Chúa, Chúa Cha được toại lòng, an nghỉ và vui mừng. Đó là điều chúng ta luôn hướng đến luôn, cho Chúa chính Chúa, và chúng ta phải hiểu rằng Chúa sẽ không bao giờ bằng lòng bao lâu chúng ta chưa trở nên chính Ngài. Chân phước Ruysbroeck đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ biết thoả mãn. Bạn hãy ném vào vực thẳm của Chúa một cái gì, tất cả những gì bạn ném vào đó, đều bị nuốt ngay và Chúa vẫn còn khao khát vô biên”.

Khi chúng ta mới chập chững bước vào đời sống tu đức, chúng ta tưởng đã làm nhiều lắm khi đọc được vài kinh nguyện hay dâng một vào việc hy sinh, nhưng khi chúng ta đi càng sâu vào sự thánh thiện, Chúa càng ngày càng đòi buộc, và chúng ta càng ngày càng không thoả mãn với những gì chúng ta làm cho Ngài. Thiên Chúa càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn và con người càng cảm thấy mình cho đi càng ít. Tại sao thế? Thiên Chúa là Thiên Chúa, và tất cả những gì được tạo nên cũng không thể đáp ứng đòi hỏi của tình yêu vô biên của Ngài. Chính trong đòi buộc không thể được thoả mãn ấy, Chúa tỏ hiện tình yêu chân thực của Ngài. Và linh hồn nào càng lo âu, càng bị xâu xé vì không thể cho Chúa đủ, thì càng nên thánh thiện, vì đó là mức độ của sự hiện diện của Thánh Thần.

Chúng ta hãy dừng lại nơi ý tưởng này. Hãy suy gẫm về tình yêu Chúa như một sự cho đi chính mình. Nhưng tỉnh yêu Chúa càng sâu rộng trong việc tự hiến của mình, thì Ngài đòi buộc chúng ta tự hiến cho Ngài và Ngài đòi buộc nơi ta tất cả, làm như Ngài được vui mừng nơi ta. Ai yêu thì tìm thấy hạnh phúc của mình nơi người mình yêu. Ông Silêsius đã nói: “Chúa không thể sống mà không có tôi”. Đây không phải là một lời lộng thánh. Nếu tôi ở trong Đức Kytô thì Chúa không thể sống mà không có tôi. Nếu không có Chúa Con thì cũng không có Chúa Cha, và tôi là con trong  trong Chúa Con. Tình yêu của Chúa mới thực sự là tình yêu. Ngài yêu chúng ta không những Ngài tự hiến mà Ngài đòi buộc tất cả nơi chúng ta. Ngài yêu chúng ta, vì thế, chúng ta là sự sống của Ngài, chúng ta cũng có thể là sự chết của Ngài nữa.

Đó chính là hạnh phúc của chúng ta. Sự tự do của chúng ta đối với Chúa ví như sự tự do của một thanh nữ không tìm thấy ai yêu mình cả. Tự do để làm   gì? Nếu sự tự do không dùng để yêu? Tất cả những gì tôi có, tôi phải cho đi. Nếu không, những thứ đó không có giá trị gì cả. Nếu Chúa để cho tôi tự lo lấy thân phận của tôi, sự sống của tôi sẽ trở nên sự chết. Chính vì Chúa thương tôi mà Ngài đã ban cho cuộc đời hèn mạt của tôi, cho thân tôi một giá trị vô biên. Tôi chỉ có giá trị khi Chúa yêu tôi mà thôi. Vì thế, giá trị của chúng ta xem ra chẳng ra gì , thực ra là vô biên.

Vậy chúng ta phải cho Chúa chính mình Chúa. Từ đó nảy sinh tính cách sinh động của việc cầu nguyện. Làm sao con người có thể bằng lòng với việc cầu nguyện của mình được? Lời cầu nguyện luôn luôn khác. Nếu người nào cầu nguyện lúc năm mươi tuổi như lúc hai mươi tuổi, hay lúc sáu mươi tuổi như lúc năm mươi, thì thực ra người ấy không biết cầu nguyện bao giờ, vì nếu cầu nguyện biến đổi tâm hồn và thúc đẩy tâm hồn siêu vượt mãi, một cách liên tục, trong hy vọng, trong tình yêu và trong sự tự hiến.

Cầu nguyện là ước muốn, là khao khát thánh thiện, là nhu cầu trong sạch tuyệt đối, nhu cầu được tình yêu nung nấu mình. Chúng ta chỉ hưởng được niềm vui khi chúng ta bị nắm lấy và bị chiếm hữu hoàn toàn. Nếu chúng ta thực sự là kitô-hữu, cái chết sẽ là niềm vui tuyệt vời của chúng ta. Tại sa ? Vì chỉ lúc ấy, chúng ta mới hoàn toàn tự hiến. Bao lâu tình yêu còn loại trừ không muốn chết đi, thì bấy lâu, tình yêu chỉ là một trò đùa: người ta tự hiến rồi cướp lại chính mình. Chính trong sự chết mà con người hoàn toàn tự hiến mà không cần đòi hỏi một điều gì, không cần một bảo đảm nào ngoài sự bảo đảm của đức tin. Như thế, đời sống kitô-hữu không có mục đích nào khác là chết. Chúng ta chỉ đạt đến sự trọn lành khi chúng ta chết, vì chỉ trong cái chết chúng ta mới hiến thân trọn vẹn và vĩnh viễn, và như thế, tình yêu của chúng ta sẽ trọn hảo.

Trong ánh sáng ấy, chúng ta phải biết sống cuộc sống của mình. Lúc ấy, chẳng những sự chết không làm chúng ta kinh sợ mà lại là sự hoàn hảo tối hậu của cuộc đời chúng ta. Như Chúa Giêsu, chúng ta sẽ sống hành động cuối cùng của chúng ta trong sự chết. Sự chết không là một gãy đổ, một sự khép kín. Nó sẽ khép kín gì được? Nó sẽ mở rộng cho chúng ta lối đi về Chúa. Nó sẽ mở rộng cho chúng ta vào tình yêu. Làm sao chúng ta sợ sự chết được? Tất cả đời sống chúng ta trở thành một cuộc đi tới sự tự hiến tối hậu mà Chúa đang chờ đợi nơi ta, và trong đó, chúng ta tìm thấy cuộc đời kitô-hữu chúng ta được kiện toàn, vì, sau cùng, chúng ta có thể sống sự hoàn hảo của đức ái.

Đòi hỏi ít hơn thế tức là đóng khung chúng ta trong chính mình, trong sự nghèo hèn của chúng ta, tức là chúng ta từ chối chính mình với Chúa, là cưỡng bách Đấng Quyền Năng tuyệt đối, Ngài chỉ tìm thấy nơi ta kích thước của chính Ngài. Nếu Chúa không tự thoả mãn chính mình, thì hậu quả là thu gọn Thiên Chúa vào một kích thước không phải là kích thước của Ngài, và như thế là cưỡng bách Ngài. Ngài sống trong chúng ta như một khả thể phải được thực thi trong hành động. Chúa nói với thánh Catarina Xiêna: “Con là vô biên trong ao ước, cũng như Cha là vô biên trong hành động”.

Ôi sự thật cao vời biết chừng nào ! Không phải tôi mong muốn sự thánh thiện, chính Chúa đòi hỏi điều đó nơi tôi, Không phải tôi tìm được hạnh phúc trong sự thánh thiện, mà chính Chúa tìm thấy hạnh phúc của Ngài trong sự thánh thiện của tôi. Nhưng tôi, tôi muốn là niềm vui của Chúa. Tôi muốn rằng vì tình yêu của Ngài, Ngài tìm thấy sự sống của Ngài trong tôi. Không phải tôi tìm chính mình, nhưng tôi tìm Ngài. Điều làm tôi băn khoăn không phải là nhu cầu trở nên trọn hảo, nhưng là nhu cầu cho Chúa được có thể sống trong tôi đúng với kích thước vô biên của Ngài.

Chắc chắn những điều ấy, đối với một người phàm là một ước muốn vô lý, nhưng không có gì là không thể đối với Chúa, Đấng đã chọn tôi, yêu tôi và muốn sống trong tôi.

Quả thực, trong việc trao ban Thánh Thần của Ngài, Thiên Chúa sống trong tâm hồn con người và làm cho nó nở ra đến kích thước bao la của Ngài.

Từ đó, chúng ta hiểu sự cao cả của các thánh. Đền thờ thánh Phêrô chỉ là món đồ chơi trẻ con khi đem so sánh với tâm hồn một đấng thánh. Chúng ta hãy tưởng đến tâm hồn của những vị thánh như Phanxicô Assisi, Têrêxa Avila, Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Nhưng sự cao sang lộng lẫy của trần gian có là gì so với một tâm hồn có Chúa ngự trị? Chính khi nhìn thấy sự cao cả ấy, con người mới thấy như do một trực giác về tầm mức bao la của vận mệnh của mình. Chúng ta lớn lao đến nỗi thế giới này không thể chứa đựng chúng ta. Cuộc đời chúng ta lớn hơn lịch sử, lớn đến mức độ chúng ta không thể sợ sự chết nữa. Chúng ta mắc một căn bệnh là bệnh “duy lịch sử”. Làm cho nhiều người quan niệm rằng, con người nhỏ bé hơn lịch sử. Dù vậy, con người không sống trong lịch sử, nhưng trong quả tim Thiên Chúa. Sự bao la của vũ trụ không thể chứa đựng một em bé, tất cả khoản dài của thời gian không thể bao trùm một hơi thở của một tâm hồn. Con người có một giá trị vô biên, nếu Chúa thương họ. Quả tim con người là nơi Chúa ngự trị, và vì thế, nó lớn hơn cả vũ trụ.

Vì chúng ta được tạo nên cho Chúa, sự đói khát của chúng ta càng tăng khi chúng ta càng được no say. Chúa ban cho chúng ta tình yêu và tình yêu không bao giờ cho là đủ. Cũng như ngọn lửa, nó chỉ sống được khi nó lan tràn. Tình yêu triển nở mãi trong ta và với nó, nhưng ước muốn và nhu cầu yêu thêm nữa vẫn tăng lên. Chúng ta càng đi sâu, chúng ta càng đói khát Chúa hơn. Đúng thế, nhưng không phải chỉ có sự khao khát Chúa tăng thêm mà thôi, nhưng nhu cầu của tâm hồn muốn mở rộng để đón nhận ơn Chúa cũng tăng thêm. Nó sẽ trở nên càng ngày càng không chịu nỗi. Không ai có thể bắt một thánh nhân dừng bước. Lúc đầu, khi chúng ta còn trẻ, chúng ta đi từng bước một, nhưng người nào, trong suốt cuộc đời mình, đã đáp trả tiếng gọi  của Chúa với một sự trung thành khiêm tốn, người ấy chạy và bay trong tuổi già. Càng tiến thêm, thay vì nhọc mệt, tâm hồn càng mạnh mẽ hơn, tâm hồn sẽ chạy, sẽ bay.

Như thế, tuổi già là một ân huệ với điều kiện là phải trung thành với Chúa luôn, vì lúc ấy, đức ái đã lan tràn trong tâm hồn và biến tâm hồn thành một thánh đường xứng đáng cho Chúa. Con người kitô-hữu không biết đến sự suy đồi và trong đời sống kitô-hữu, không có sự già nua cằn cỗi: chỉ có một sự tăng triển liên tục của sự sống vì có một sự tăng triển tình yêu. Tất cả trở nên trong lành hơn, đơn giản hơn, xác thực và tuyệt vời hơn. Linh hồn chỉ còn biết Chúa thôi và chỉ yêu Chúa mà thôi.

Chúng ta đừng sợ ngày cùng tận, có thể là rất gần. Cũng đừng sợ tuổi già. Tuổi già chỉ trở nên bi đát đối với những người không có Chúa mà thôi; nhưng đối với những ai yêu mến Chúa, những năm tháng chỉ phá tan bức màn để cho sự Hiện Diện duy nhất được rạng sáng hơn. Chúng ta đừng ngoái nhìn lại sau lưng, chúng ta hãy sống những lời của thánh Phaolô: “Không phải là tôi đã đạt được giải hay đã thành toàn, nhưng tôi đang đuổi theo và chụp lấy chiếm đoạt, bởi chưng tôi đã được Đức Giêsu Kytô chụp lấy chiếm đoạt rồi. Hỡi anh em, phần tôi, tôi chưa kể mình là đã chiếm đoạt được rồi; nhưng điều duy nhất là quên phía sau và lao mình tới trước […] (Pl 3, 12-13).

Đừng nuối tiếc tuổi trẻ hay tuổi già, vì mục đích vẫn ở trước mặt ta. Chúng ta hãy bước tới trong sự thanh thản tươi vui và chắc chắn, vì Đấng kêu gọi chúng ta là Yêu Thương. Chúng ta không đi về sự chết mà là về sự sống. Và chớ gì Thánh Thần đưa chúng ta đi tới trước, trong một lời cầu nguyện liên lỉ mỗi lúc, một lời cầu nguyện sống động hơn. Làm sao thế giới này có thể chấp nhận sứ điệp cứu rỗi và tin vào sự sống thiên đàng, nếu chúng ta sợ sự cứu rỗi đó, nếu chúng ta tìm hết mọi cách để lùi nó lại sau này, nếu chúng ta còn nuối tiếc một cuộc sống đang vượt khỏi tầm tay chúng ta? Nếu chúng ta tìm thấy một thiện hảo của mình trong những thứ mà thế giới này trao hiến cho chúng ta, thì làm sao chúng ta có thể chiếm hữu Thánh Thần, Đấng gọi: “Hãy đến, lạy Chúa Giêsu!”

Sự sống thật của chúng ta ở bên kia thế giới. Sự sống thật của chúng ta là Thiên Chúa. Chớ gì linh hồn chúng ta được tự do để chạy đến với Ngài, và đó là hiệu quả mà cầu nguyện mang lại.

Chúng ta chỉ có Chúa để mơ ước thôi, và Chúa không bao giờ làm chúng ta thất vọng và việc phụng sự Ngài là một điều quí giá.

Thực ra đối với người trẻ, tự giải thoát mình khỏi ý riêng, khỏi ước muốn tiến thân hay đạt đến một địa vị nào đó, nhưng hãy tự giải thoát mình từ từ và các bạn sẽ yên lành vui tươi. Hãy tìm Chúa mà thôi, các bạn sẽ không bao giờ thất vọng. Tất cả mọi nẻo đường đều đưa chúng ta về gần Chúa: chức vụ nào đó hay một đời sống chìm sâu vào thinh lặng. Chúa cao cả hơn mọi sự…Tìm Chúa, ước ao Chúa thôi. Đó là đời sống kitô-hữu. Sự cao cả đích thực ở trong tình yêu. Đó là mục tiêu của chúng ta, đó là việc cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta không cầu cạnh gì nơi ai nữa, Chúa thôi.

Việc cầu nguyện thúc đẩy tất cả những ai được Chúa Thánh Thần ngự trị và giữ họ trong con đường giải thoát và thanh luyện tiệm tiến và liên lỉ, Và linh hồn mở rộng mãi để đón nhận ơn Chúa. Ông Pascal có một lời chí lý: “Ngươi sẽ không tìm Ta nếu ngươi đã không tìm thấy Ta rồi”. Chính sự tìm kiếm Chúa liên lỉ, sự khao khát càng ngày càng mãnh liệt là dấu hiệu của sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con người. Nhà thần bí thành Byzance là Simon Nhà Thần học mới, đã nói khi quay về Chúa Thánh Thần: “Chúa là chính Chúa trong con, niềm ước mơ của con”. Chớ gì Chúa là niềm ao ước thực sự trong chúng ta và chớ gì chúng ta không ao ước gì hơn là Chúa.

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ