21/12/2016
388
Hãy cho con đôi cánh thiên thần để thiên đường con tới khỏi chơi vơi_Lm FX Thượng


 

Ngày 21.05.2013, ĐGH Phanxicô tạo một đợt “bão tố” đối với sự tranh luận về tôn giáo sau một bài giảng nói về người vô thần. Trong bài giảng này, ngài nhấn mạnh rằng vấn đề không phải là gia nhập tôn giáo, nhưng là “chúng ta làm điều tốt”:

“…Thiên Chúa đã cứu độ tất cả chúng ta bằng Máu Thánh của Đức Kitô: Tất cả chúng ta, không chỉ người Công giáo. Mọi người! “Ngay cả người vô thần?”. Ngay cả người vô thần. Mọi người!… Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm làm điều tốt. Và tôi nghĩ rằng mệnh lệnh này đối với mọi người làm điều tốt là con đường tốt đẹp dẫn tới hòa bình. Nếu mỗi chúng ta làm phần việc riêng mình, nếu chúng ta làm điều tốt cho người khác, nếu chúng ta gặp nhau ở đó, tức là làm điều tốt, và chúng ta đi chậm, nhẹ nhàng, từng chút một, chúng ta sẽ tạo nên văn hóa của sự gặp gỡ: chúng ta cần điều đó rất nhiều. Chúng ta phải gặp nhau trong việc làm điều tốt. “Nhưng tôi không tin, vì tôi là người vô thần! Còn làm điều tốt: chúng ta sẽ gặp nhau ở đó”.

Sau bài giảng gây tranh luận đó, các hàng tít trên các tờ báo lớn và chủ yếu như báo New York Times đã kêu lên với chữ “tin quan trọng” theo Đức giáo hoàng, thậm chí người vô thần cũng có thể vào Thiên đàng: tất cả chúng ta, kể cả người vô thần, sẽ “gặp nhau ở đó [Thiên đàng]” với điều kiện là làm điều tốt. Đây là một số ví dụ mà nhiều hàng tít lớn trên các tờ báo uy tín: “Thiên đàng dành cho người vô thần? Đức giáo hoàng tạo sự tranh luận”; “ĐGH Phanxicô có tín đồ dị giáo? Không, nhưng ngài gợi lên các vấn đề”; “ĐGH Phanxicô nói: Ngay cả người vô thần cũng có thể vào Thiên đàng”.

Theo Giáo lý Công giáo, Thiên đàng là ‘nơi chốn’ dành cho những ai đã được thanh tẩy, người chết trong tội lỗi không được phép vào. “Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy hoàn toàn sẽ sống đời đời với Chúa Kitô. Họ đời đời giống Thiên Chúa, vì họ “nhìn thấy Ngài” mặt đối mặt (Cf. 1Ga 3,2  hoặc 1Cr 13,12; Kh 22,4) (Giáo lý hội thánh Công giáo 1023). “Những ai chết trong ân sủng và tình bằng hữu của Thiên Chúa và được thanh tẩy không trọn vẹn, dù không được chắc chắn sự cứu rỗi đời đời, phải trải qua sự thanh tẩy sau khi chết, cũng sẽ đạt được sự thánh khiết cần thiết để bước vào sự vui thoả của Thiên Chúa” (Giáo lý hội thánh Công giáo 1054).

Theo sự an bài phổ quát của Thiên Chúa, những linh hồn của tất cả các thánh và của tất cả các tín hữu khác đã chết sau khi lãnh phép Thánh Tẩy của Chúa Kitô, mà nơi họ không có gì cần được thanh tẩy khi họ chết, hoặc nếu có gì cần được thanh tẩy sau khi chết thì họ đã hoàn tất công việc đó, cả trước khi được sống lại trong thân xác của họ và trước khi có phán xét chung. Thiên Đường đã như thế từ khi Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu chuộc chúng ta lên trời: những linh hồn lành thánh đó đã, đang và sẽ ở trên trời, nơi Nước Trời và Thiên đàng, với Chúa Kitô, vì các linh hồn đó đã được nhận vào hội các thánh thiên thần. Từ khi có cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu Kitô, các linh hồn đó đã và đang xem thấy bản tính của Thiên Chúa bằng một cái nhìn trực quan và có thể nói là mặt giáp mặt, không qua trung gian của một tạo vật nào hết. (x. Bênêđictô XII: DS 1000; LG 49).

Hội Thánh trình bày: Thiên Đường hiện hữu của thực tại mầu nhiệm tình yêu mãi mãi. Đó không phải là địa danh, không phải vật chất, không phải quốc gia có biên cương mà là một tình trạng hiệp thông hoàn toàn với Thiên Chúa, được chiêm ngưỡng Ngài đến muôn đời bằng một tình yêu không gì lay chuyển nổi (x. Diễm ca 8,6-7). Công Giáo luôn tuyên xưng điều này bằng cách thể hiện niềm tin của mình nơi sự hiệp thông với các thánh. Nơi mầu nhiệm thông công tam giới “siêu giới – địa giới – âm cảnh” không bao giờ cô đơn trong đời sống đức tin diễn tả hàng ngày qua các cử hành phụng vụ Hội Thánh.

Đức tin đưa ta đi vào trong sự hiệp thông với tất cả các thánh và những người thân yêu của chúng ta đã thực hành niềm tin với niềm hân hoan đơn sơ và làm chứng cho niềm tin ấy qua cuộc sống của họ khi đang còn sống hay đã qua đời, “tất cả nên một” trong cùng một niềm hy vọng. Dân Kitô giáo trở nên “một thân thể” duy nhất được tác thánh, hợp nhất và thăng tiến bởi “một Thần Khí” (x. Ep 4,4).

Xã hội hôm nay cũng có lắm kiểu thiên đàng được thêu vẽ thật lộng lẫy. Người ta thương người nghèo nên gây quỹ từ thiện bằng những buổi đấu giá bức tranh giá hàng chục tỷ đồng, một mai đại thụ giá vài tỷ đồng. Rồi những cuộc lạc quyên rộn ràng, cuộc phát chẩn trống kèn tưng bừng. Kẻ cho người nhận được nêu danh tính trên phương tiện truyền thông đại chúng nhiều ngày liền dẫu chỉ “vét túi trùm sò” quẳng mấy đồng lẻ tan chợ chiều. Người trong cơn túng bấn của trận lũ lịch sử Trung Phần nhận được mấy gói mì cho qua cơn đói. Họ thấy thiên đàng. Người cho được ca tụng hảo tâm và được đưa lên truyền hình cho “vua biết mặt, nước biết tên”. Họ có thiên đàng của chính họ rồi – tình trạng sướng tự nhiên của những người hiếu “cầu danh tiến hơn là tiến đức khinh danh”. Rồi người nghèo vẫn còn đó, vẫn lầm lũi tàn tạ. Kẻ giàu cũng còn đó và vẫn làm giàu theo cách của họ. Chỉ có trời mới biết thiên đàng của họ có hạnh phúc không.

Thiên đàng mà Đức Kitô nói tới: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:2-3) là nơi hạnh phúc, được chiêm ngưỡng Thiên Chúa nhãn tiền, được sống trong hoà bình thư thái, không có chinh chiến…

Kitô Đạo đưa vạn vật trên con đường duy nhất, tâm duy nhất đó là đạt tới tình trạng viên mãn nơi Thiên Chúa. Đây là cuộc tiến hóa vĩ đại nhất, tiến hóa để trở nên nghĩa tử của Thiên Chúa như Đức Kitô Giêsu. Trong cuộc tiến hóa này, bắt buộc tất cả phải mang lấy con tim như Đức Kitô, tâm hành như Đức Kitô và tự do như Đức Kitô, tự do đến mức chết trần trụi trên thánh giá vẫn không chút sân si, tỵ hiềm. Trong đau đớn nhất vẫn tín thác mà không bỏ chạy trước thánh ý Chúa. Thế giới có đầy của cải vật chất, mà khốn khổ thay tất cả vật chất ấy đang đẩy nhân loại vào tình trạng hư không, tạp loạn, hư hoại và khốn nạn nhất. Kim loại để làm cốt thép xây nhà cao tầng, kim loại cũng được đúc súng giết người và phá sập các thành phố cổ kính lẫn hiện đại không chừa! Hình ảnh Thiên Đường của Công lý Thiên Chúa, nơi sự thật và lòng nhân từ ngự trị với vầng nhật lớn chiếu khắp thiên hạ là Đức Kitô – Độc Đạo Siêu Thăng cho mọi sinh thụ. Kitô Đạo như mặt trời lên chiếu sáng khắp nơi, quang đãng cho cảnh hư không chưa từng sáng làm trỗi lên những khóm hoa hướng dương của lòng tin, khóm huệ thanh tịnh, đóa tường vy vô tư, hay cành hồng lộng lẫy của đức kiên nhẫn kiêu hùng.

Thử hỏi khi Kitô Đạo đã không còn trong thân tâm, trời lặn u tối khắp nơi, hư không sẽ trở lại và cảnh thê lương sẽ lại càng thê lương. Thế giới vẫn còn tranh tối tranh sáng, còn tính của hư không thì rỗng rang không thay đổi. Sự kiện Nhập Thể của Lời Thiên Chúa quang minh, giải thoát và tập họp muôn dân nước, đẩy lùi những ô nhiễm, cấu trọc, ám muội, sinh tử thì của nhân sinh từ muôn nghì kiếp. Nếu Thiên Đường của Đức Kitô Giêsu không đến qua biến cố nhập thể, chết và phục sinh của Người thì tiền kiếp lẫn hậu kiếp, khứ sinh, hiện sinh và hậu sinh vẫn không đạt được danh hiệu nghĩa tử Thiên Chúa – viên thành Kitô Đạo.

Kitô nhân, tất cả những ai được thanh tẩy trong máu Đức Kitô trong ngày rửa tội, trong những ngày sống Kitô Đạo không ngộ được cái bản thể của “tâm Kitô hoằng quang” này mà sinh ra một cái tâm khác trên cái tâm này, trật hướng Kitô Đạo bên ngoài, chấp trước sắc tướng – bận tâm cầu hình thể, sắc diện mà đi tìm một thiên đường tại thế hào nhoáng, con đường siêu độ bên ngoài Đức Kitô sẽ thường xuyên thấy mình sống trong phẫn nộ bất an vì đời có bao giờ theo ý mình, và Paradise tại thế chỉ dành cho người giàu phải không?

Chính sự chấp trước này làm thế giới chiến chinh triền miên gây bao đau khổ. Truyền thống thần học tu đức xác định những căn nguyên nguy hại cần phải tránh dựa trên ba xung năng hướng: Dục vọng (thực dục, sắc dục, vật dục và tư dục), ma quỷ (thế lực siêu nhiên chống lại ý muốn của Thiên Chúa qua Kitô Đạo), Thế gian (với những thú vui, mánh lới, gạt lường, tranh giành, giết chóc cùng với những thú vui bất chính, sự khủng bố và kỹ nghệ hưởng thụ phi luân). Tránh những xung năng ấy để đạt tới Thiên Đường bằng cách nào? Chúa Kitô Giêsu qua bài ca vâng phục của Thánh Phaolô đã diễn tả sự “phá chấp”, tức có gì ràng buộc thì Người đã phá bỏ, đến mức “xả chấp”, để nó rơi xuống, tự hủy những dục vọng dù nhỏ nhất nơi bản thân để hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa và đi trong huấn lệnh Người. Giống như hoa sen từ trời gieo cấy xuống thế trần đang bùn nhơ, nhưng hướng lên trời, nhìn về Thiên Đạo mà khỏi bùn, đi vào Thiên Đạo đến độ có trút đổ lên hoa sen điều gì thì nó cũng không bị dính nhơ và vẫn tỏa mùi hương; đó là thực chất của tu của Kitô Đạo chính danh.

Đức Kitô “tự hạ” và “xả chấp” là một chủ đề lớn trong Kitô học. “Kenosis - Tự hủy mình ra trống rỗng” không phải chỉ được hiểu trong cuộc thương khó và cái chết của Đức Kitô, nhưng về căn bản phải được hiểu qua chính biến cố Nhập Thể. Vì tự bản chất, con người chỉ là thụ tạo, chỉ là hư vô, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy kiếp người. Ngài đã tự hạ mình để nâng con người lên “thần hóa con người”. Và khi tự hạ, Đức Kitô Giêsu cũng chấp nhận mang nơi mình sự hư vô đó, để chia sẻ với nhân loại sự thấp hèn, đau khổ phát sinh tự bản tính hư vô ấy để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. (x.Pl 2,6-11)

Thật vậy, Đức Kitô Giêsu qua những trang Tin Mừng đầy tính “xả chấp” ấy đã dạy Kitô nhân – đồ đệ trung tín của Người phương thế của Thánh Linh để phá bỏ sự cố chấp cố hữu nằm trong tính khí thông thường, nhưng vì hiểu lầm, Kitô nhân chưa hiểu hết nhiệm ý của Người lại nghĩ chỉ với sức thực hành riêng của bản thân là có thể “phá chấp” khai thông Kitô Đạo đến viên thành trong thân tâm – sai lầm nghiêm trọng. Trong khi mỗi nhân sinh còn là phàm phu chưa có trí tuệ của Chúa Kitô, sự hiểu biết của những Kitô nhân ấy không chính xác, muốn biến đổi khai thông Kitô Đạo nhất thiết phải có Thánh Linh của Đức Kitô hỗ trợ. Trước mọi sự việc, Kitô nhân luôn “suy nghĩ, cầu nguyện, cân nhắc trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần” nếu họ muốn luôn đi trong Kitô Đạo.

Thánh Linh sẽ hướng dẫn Kitô nhân trong trạng thái thanh tịnh, trọn vẹn, sáng suốt cùng khắp. Người đời không liễu ngộ được, chỉ nhận định cái “kiến văn giác tri” (cái thấy nghe cảm biết) là tâm, bị kiến văn giác tri che lấp. Đức Kitô đã để lại cho Hội Thánh – công trình Kitô Đạo Thần Khí, với ơn Thần Khí, bản thể tự hiển hiện. Như vầng nhật giữa hư không, chiếu khắp mười phương, tuyệt không chướng ngại.

Có câu: “Phàm phu nắm lấy ngoại cảnh, đạo nhân nắm lấy tâm”. Kitô nhân nương vào Kitô Đạo với sự thành khẩn trong tác động của Chúa Thánh Thần được giải thoát rồi thì tất cả đam mê, tham ái được xả, chấp trước cũng tự hóa giải mà đạt đến minh triết, từng bước đi lên tu chứng và thành đạo. Vì, trên cuộc đời này, con người khổ vì gặp điều chán ghét mà không bỏ được, hoặc điều ưa thích mà không nắm giữ được. Hết phương!

Cổ nhân sớm đã đề xuất tư tưởng “mệnh lý hữu thời chung tu hữu, mệnh lý vô thời mạc cưỡng cầu” - cái gì có trong mệnh thì cuối cùng rồi sẽ có, cái gì không có trong mệnh thì không thể cưỡng cầu - (lấy từ: cổ huấn «Tăng Quảng Hiền Văn»). Câu này khuyên bảo người đời đừng có gò ép cưỡng cầu, kỳ thực cũng là chớ nên tham vọng bất cứ gì, hãy thật tự do với tất cả mọi thể vật ngoại thân và tâm tà, ý bất lương. Tại sao đừng tham vọng, bởi vì tham vọng cũng chỉ là vô dụng. Mọi vật tuân theo những quy luật. Tham vọng, sân si, vọng tưởng chấp trước không hề thay đổi thực tế, mà chỉ gia tăng phiền não.

Thiên Đàng của Kitô Đạo, nơi mỗi Kitô nhân bước đi hàng ngày là tống khứ tham vọng, hủy tư dục, thành tâm ý và cầu Thiên Đạo, như vậy Thiên Mệnh là thứ mà người tu luyện coi là nên có nhất, truy cầu bằng bất kể giá nào kể cả sinh mạng rất quý cũng quyết bỏ để tầm cầu Thiên Ý. Kitô nhân chẳng dám dùng phúc phận người thường chỉ bé như hạt vừng để đổi lấy uy đức vĩnh viễn trong vũ trụ nhưng đem hạt giống bé nhỏ của hy vọng vun trồng nơi tâm hồn bằng kiên nhẫn hy sinh đến một ngày nào đó đại thụ vươn tầm cao vút chẳng phải rất đáng hay sao?

Kẻ hèn mọn suy nghĩ: ơn Chúa ban cho tôi thấy như vậy, giúp tôi hiểu phải thực hành Đạo Chúa Kitô như thế nào. Tự gẫm cách mình tự nguyện cho đi thời giờ, tiền bạc, sức khỏe vì lòng  yêu mến Đạo Chúa Kitô của mình: để mình yêu Chúa thì cũng đủ lắm rồi chớ không cần phải nghĩ chi đến những cách thức to lớn nào khác...

Nhờ vậy tôi tự nhận thấy dạo nầy đúng là mình được yêu Chúa hơn,  được dung dưỡng phong phú hơn trong Kitô Đạo bằng chính Thần Khí Đức Kitô và mình máu Thánh Người trong tư cách Kitô nhân, nên sung sướng lắm!

Lm FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho