21/07/2021
1032
Đức tin chịu thử thách trong đại dịch covid-19


 

Bệnh viêm đường hô hấp cấp, do virus nCoV gây ra, khởi xướng ở Vũ Hán Trung Quốc từ cuối năm 2019. Không lâu sau đó, đã lan rộng ra nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và trở thành đại dịch trên toàn thế giới kéo dài mãi cho đến hôm nay.

Tác động tiêu cực của dịch bệnh vào đời sống kinh tế xã hội loài người, đặc biêt là sức khỏe người dân, và hệ thống y tế luôn đặt trong tình trạng báo động. Những chính sách của các quốc gia như: Giãn cách xã hội, truy vết, cách ly, phong tỏa, xét nghiệm… Cũng như tạm dừng những sinh hoạt có tính quy tụ đông người, đóng cửa các chợ, hàng quán, dịch vụ, du lịch, vui chơi giải trí… Nhằm chống lại sự lây lan của dịch bệnh, hoặc làm trì hoãn sự bùng phát của những ổ dịch, để chờ đợi cứu cánh là tiêm chủng vaccine cho người dân, với hy vọng tạo được miễn dịch cộng đồng, nhằm đưa cuộc sống người dân trở lại với những sinh hoạt bình thường mới.

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, từ khi bùng phát cho đến giây phút này, các nhà khoa học miệt mài nghiên cứu, để tạo ra những loại vaccine tối ưu nhất, cũng như luôn cập nhật và chia sẻ liên tục phát đồ điều trị hữu hiệu nhất cho bệnh nhân covid.

Về phía các tôn giáo, tạm dừng những cử hành tế tự và phụng tự thờ phượng công khai có đông người tín hữu tham dự, mà thay vào đó là trực tuyến, online. Những lời kêu gọi tín hữu cầu nguyện cho đại dịch chóng qua của những bậc hữu trách trong các tôn giáo liên tục được nhiều người thực hành. Cách riêng đối với các linh mục, hằng ngày dâng lễ đều không quên và không ngừng nghỉ cầu xin ơn Chúa, để nhân loại chiến thắng đại dịch, bình an trở lại.

Xét trong từng giai đoạn bùng phát của đại dịch, có thể nói được con người đã chiến thắng, và phần nào kiềm hãm, đẩy lùi được dịch bệnh bằng những phương pháp giãn cách, phong tỏa, cách ly, phòng ngừa, theo dõi, khai báo y tế, điều trị, và tiêm chủng vaccine diện rộng cho người dân.

Nhưng nếu nhìn toàn cảnh đại dịch cách khách quan, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, với những phương pháp phòng chống khác nhau, nhân loại vẫn chưa thể làm chủ được tình hình và diễn biến của dịch bệnh. Đại dịch Covid luôn có khuynh hướng tiến triển tiêu cực, và trở nên phức tạp hơn.

Tốc độ lây nhiễm của những biến chủng mới nhanh hơn, diễn biến phức tạp và độc hại hơn. Tái nhiễm sau khi được tiêm chủng vaccine vẫn tiếp tục diễn ra, và có khuynh hướng người được tiêm chủng không kháng được những biến chủng mới. Viễn cảnh của nhân loại về miễn dịch cộng đồng, nhằm hạn chế, đẩy lùi dịch Covid-19 ra khỏi xã hội loài người ngày càng trở nên mù mờ, và xói mòn niềm tin vaccine nơi các nhà nghiên cứu, các chuyên viên và nhiều khoa học gia trong lãnh vực y tế, cũng như nơi nhiều người khác.

Trong bối cảnh tăm tối, bi thảm như vậy, đức tin của người Công Giáo đang bị thử thách mỗi ngày một nhiều hơn. Bị thử thách là bởi vì: Lý trí đang chất vấn đức tin. Bằng trí óc và sự hiểu biết có giới hạn, lý trí mỗi người có quyền đặt câu hỏi cho đức tin:

* Chúa hiện diện, Chúa Hằng Hữu. Vậy những lời cầu nguyện thống thiết của nhân loại Chúa có nghe không?

* Từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay, càng cầu nguyện dịch bệnh càng diễn biến phức tạp và nặng hơn. Vậy cầu nguyện có linh nghiệm không?

* Cuộc sống người dân, nhất là những người nghèo, mỗi ngày càng thống khổ hơn khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát và kéo dài. Vậy Lòng Thương Xót của Chúa sao cứ vẫn im tiếng trước cơn đại dịch này?

Và còn rất nhiều những câu hỏi khác mà lý trí của mỗi người đặt ra, để chất vấn hầu tìm kiếm câu trả lời từ đức tin của chính mình, trong bối cảnh đại dịch đang tàn phá xã hội và đời sống con người.

Đức tin trả lời sao cho thỏa đáng những câu hỏi mà lý trí đặt ra? Câu trả lời đầu tiên của đức tin là: THỜI GIAN. Không biết là bao lâu, nhanh hay chậm, lâu hay mau cho đến khi đại dịch kết thúc, hoặc là nhân loại chiến thắng được đại dịch bằng những liệu pháp y khoa mới, hoặc là con người rèn luyện và phát triển được những kỹ năng để thích nghi và sống chung với virus. Khi đó, chúng ta có quyền nói: Lời cầu nguyện cho việc chiến thắng dịch bệnh đã thành hiện thực, Chúa đã nhậm lời.

Chính vì thời gian, cho nên đức tin của người tín hữu trong bối cảnh dịch bệnh này phải chịu thử thách và tôi luyện. Thử thách về sự trung thành trong đức tin của mình đối với Thiên Chúa. Phải khẳng định một điều rằng: Dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, lũ lụt hạn hán, nghèo đói, ốm đau, bệnh tật… Nó đến từ xã hội loài người, do con người tạo ra cách vô tình hoặc hữu ý, hoặc là kết quả của việc con người tác động tiêu cực vào môi trường sống của chính mình, mà không phải là đến từ Thiên Chúa.

Chính vì thế, chúng ta không thể đổ lỗi cho Thiên Chúa được, lại càng không thể kêu trách Thiên Chúa sao thờ ơ lạnh nhạt trước hoàn cảnh bi đát của nhân loại hiện giờ. Trái lại, mỗi người phải tự trách, tự kiểm điểm chính bản thân mình. Trách và kiểm điểm là bởi vì: Con người chưa ý thức đủ, chưa thực hành cách tốt nhất, chưa tin tưởng tuyệt đối vào những giáo huấn của Chúa được lưu giữ và truyền đạt cho con người qua Hội Thánh. Con người vẫn còn  thờ ơ, lạnh nhạt trước những giáo huấn của Hội Thánh.

Giáo huấn về lương tâm trong sạch, khiết tịnh, công bình, bác ái, tiết độ, can đảm… Những giáo huấn về luân lý trong nghiên cứu khoa học, hòa bình, chiến tranh, xung đột và những cách giải quyết, cách tổ chức xã hội, y tế, cộng đồng… rất rất nhiều, không thể kể hết được. Nếu giá như, nhân loại tin, thực hành và sống theo Huấn quyền của Hội Thánh thì chắc không chỉ là dịch bệnh, mà nhiều những vấn nạn tiêu cực khác được đẩy lui khỏi xã hội loài người.

Ngay chính lúc này đây, đại dịch đang diễn ra. Chính sách, quyết sách, quốc sách của những người lãnh đạo đất nước phải xuất phát từ chính lương tâm trong sáng, cộng với sự khôn ngoan thật sự, mà không bị chi phối tiêu cực bởi những yếu tố khác (lợi ích kinh tế, ích lợi nhóm, chính trị, vị thế, uy tín trên trường quốc tế….), và người dân chấp hành đúng theo hướng dẫn, thì lẽ dĩ nhiên dịch bệnh sẽ được đẩy lui.

Chỉ tiếc một điều là chưa diễn ra cách hoàn hảo như những gì mong muốn. Chính vì lẽ đó mà đức tin tiếp tục phải chịu thử thách. Hơn thế nữa, Chính Chúa phải kiên nhẫn chịu đựng con người, hơn là con người chờ đợi sự can thiệp của Chúa trên dịch bệnh. Tại sao dám nói điều này? Hoàn toàn có lý để khẳng định như vậy là bởi vì: Thiên Chúa đã tạo dựng con người, và Ngài đã trao cho con người đầy đủ sự khôn ngoan và khả năng để chiến thắng. Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi con người sử dụng trí khôn ngoan mà Ngài đã đặt để trong con người để chiến thắng đại dịch, không chỉ chiến thắng đại dịch mà còn đẩy lui và chiến thắng nhiều vấn nạn khác nữa.

Điều đáng quan tâm ở đây là cầu xin Chúa ban ơn khôn ngoan và sử dụng ơn khôn ngoan này cho cho phù hợp với giáo huấn và thánh ý của Chúa. Mà không phải là cầu xin một phép lạ từ quyền năng của Chúa để chiến thắng dịch bệnh. Đại dịch này chẳng đáng là gì đối với Chúa, Chúa biết con người có khả năng chiến thắng được, cho đến khi nào vượt quá khả năng Chúa đã phú bẩm nơi con người, khi đó Chúa sẽ dùng quyền năng yêu thương của Ngài để can thiệp theo cách của Chúa.

Hiểu được như vậy, cơn đau của đức tin sẽ được xoa dịu, trở nên vững vàng, can đảm đối diện không chỉ với đại dịch, mà còn với nhiều vấn nạn khác trong cuộc sống hằng ngày.

Hiểu được như vậy, lý trí không còn chất vấn đức tin nữa, không còn oán trách hay hoài nghi về Thiên Chúa. Trái lại sự khôn ngoan và ơn đức tin cùng tạo nên sức mạnh để mỗi người tiếp tục can đảm, mạnh mẽ tiến về phía trước giữa cảnh phong ba bão táp trong thời dịch bệnh này.

Lm. Phêrô Trần Trọng Khương

Giáo phận Mỹ Tho