24/01/2017
535
Đọc được gì từ nhiễu loạn @?­ Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

 

Truyền thông hiện nay đem đến những thay đổi lớn trong cách nhìn nhận và tiếp cận thế giới. Một trong những vấn đề thiếu sót nhất hiện nay là sự thiếu phân định, cân nhắc và tôn trọng chuẩn văn hóa trong việc sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ không phải là công cụ thô trong tay để sử dụng tùy tiện, nó là phương tiện thể hiện văn hóa giao tiếp thường ngày. Giới trẻ ngày hôm nay dường như ít chú ý đến việc trao dồi và sử dụng ngôn ngữ. Sự lệch chuẩn khá xa trong việc sử dụng ngôn ngữ trong thời đại công nghệ số và truyền thông sóng hóa (nhắn tin trên điện thoại, chat trên mạng…). Các nhà nghiên cứu ngôn ngữ cho rằng giới trẻ đã sáng tạo ra cho mình một kiểu loại ngôn ngữ riêng không theo quy chuẩn của tiếng Việt, thường được gọi là “ngôn ngữ teen” hay “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ @”.

Thực thế, ngôn ngữ được tạo ra qua quá trình lao động, sản xuất, qua giao tế xã hội. Tổ tiên chúng ta đã cố gắng gìn giữ sự phong phú của tiếng Việt, đã không để mình bị đồng hóa dân tộc khi cương quyết gìn giữ tiếng nói Việt Nam. Ngày nay, đọc những tin nhắn, lướt trên Fanbage, Zalo, các ứng dụng đàm thoại đa năng sẽ ngạc nhiên với sự “sáng chế” ngôn ngữ cách chóng mặt của giới trẻ, các em tuổi vị thành niên. Bằng cách xáo trộn chi tiết của các chữ cái tiếng Việt, kết hợp nhiều loại ký hiệu khác nhau, pha trộn những câu chữ tây tàu lộn xộn học được từ phim ảnh ngoại. Ngôn ngữ kiểu @ nấu lẩu này thường được sử dụng trong các em vị thành niên phần nhiều, cụ thể là trên các trang Facebook, Twitter, Instagram hay trang mạng xã hội khác như các công cụ trò chuyện trực tuyến, đặc biệt là trong tin nhắn điện thoại. Không ít người phê phán cho rằng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay là “lệch chuẩn ngôn ngữ” và “báo động cần khắc phục”...

Song, nhu cầu phát triển ngôn ngữ tất yếu của giới trẻ trong xã hội hiện đại là tất yếu khi xã hội phát triển ở một mức độ nào đó. Theo chúng tôi, ngôn ngữ thể hiện “ý thức xã hội”. Khi phương tiện truyền thông gỡ bỏ những khung chuẩn với phê bình “đúng/sai” trong hệ thống quy tắc, chúng đã cho giới trẻ tự do sử dụng khả năng sáng tạo và dung nạp từ vựng, chữ viết, cấu trúc không theo chuẩn mực nào. Việc sử dụng ngôn ngữ không theo hệ quy chuẩn tiếng Việt của giới trẻ là một hiện tượng văn hóa có thể khía cạnh nào đó khiến giới trẻ mất dần cảm thức viết đúng, nhớ đúng, làm đúng theo những nguyên tắc văn phạm và chính tả. Việc thể hiện chữ viết lấy các ký hiệu, đảo chữ, xoay thứ tự vần là phong cách đặc trưng của giới trẻ. Nhờ kết nối qua các trang xã hội mởi, sự va chạm giữa các giá trị khiến cho hình thức biểu đạt văn hóa được giới trẻ bị va chạm, biến dạng, lệch pha như hôm nay.

Nhiều bài văn của học sinh lớp 10 mà câu cú còn không thể dịch nổi: “Tình yêu” thì viết thành “tình iu”, “nhiều” thì viết thành “nhìu”, “quá” viết thành “was/qa”. Rồi chấm phẩy loạn lên, chưa hết câu đã chấm (.). Trong khi có câu đọc đến suýt “tắt thở” mà vẫn chưa thấy dừng.

Ngôn ngữ là kết quả của một quá trình trao đổi, tiếp xúc xã hội; Ngôn ngữ kết nối con người với nhau, tạo nên giá trị một cộng đồng cũng như văn hóa của cộng đồng đó. Nhờ ngôn ngữ mà quá trình chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau được diễn ra cách thuận lợi. Ngôn ngữ là phương tiện hữu hiệu để diễn đạt cho người khác nắm bắt tư tưởng, tình cảm, trạng thái và nguyện vọng của mình.

Ngôn ngữ @ hiện nay mà giới trẻ sử dụng có thể được coi là bộ phận của một nhóm ngôn ngữ biệt hình, dị dạng tồn tại trong một chuẩn mực hẹp trong lứa tuổi vị thành niên, một nhóm xã hội chia sẻ mở. Dĩ nhiên khi sáng tạo “xé rào” như thế, tuổi teen cũng có những giá trị chuẩn mực cho riêng mình; sáng tạo ngôn ngữ không theo cung cách văn hóa xã hội chuẩn hóa, giới trẻ như muốn khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chung của xã hội. Qua diễn biến ngôn ngữ @, họ thể hiện sự hiếu kỳ muốn khám phá, định hình lại lối sống bứt ra ngoài truyền thống để tạo “hiệu ứng ngôn ngữ” mang bản sắc cho riêng mình. Tuy nhiên, việc lạm dụng thái quá các “biệt ngữ @”, câu văn phá cách tới kỳ dị khiến cho ngữ pháp, ngôn ngữ Việt đứng trước nguy cơ mất dần sự trong sáng giàu đẹp.

Nếu vào facebook, các diễn đàn mạng xã hội hay nhận được tin nhắn của một 9X, 10X nào đó, không ít người sẽ phải giật mình vì cảm giác như lạc vào thế giới hoàn toàn khác. Chữ viết tắt vô tội vạ, những biểu tượng thời @ và cả những biến dạng chữ viết được sử dụng tràn lan. Chẳng biết sự “tiến hóa” của tiếng Việt sẽ ra sao trong vài chục năm nữa?

Ở góc độ lý thuyết, xu hướng đa dạng văn hóa trong xã hội dẫn đến việc hình thành khái niệm “khu biệt văn hóa” của từng nhóm lợi ích hay độ tuổi, các tầng lớp xã hội. Trong bận tâm ấy, ngôn ngữ riêng của giới bình dân cũng được sáng tạo theo nhu cầu giao tiếp của người nghèo, kẻ phạm pháp, đồng tính, thanh thiếu niên cũng có nhu cầu giao tiếp bằng chính ngôn ngữ họ tự sáng tạp ra. Ngôn ngữ @ thể hiện phong cách, ứng xử và các sở thích nhằm báo hiệu, bộc lộ tư cách trẻ, độc đáo và sốc. Quan sát kỹ giới trẻ hôm nay sẽ thấy họ thích sự phá cách trong cách ăn mặc, đầu tóc, giày dép… Yếu tố phi vật thể tưởng như không có trong ý định phá cách. Tuy vậy, những phương ngữ, tiếng lóng, đặc biệt ở những trào lưu mới lạ của giới trẻ. Giới trẻ @ không chỉ mang trong mình tư cách là một thành viên độc đáo mà đồng thời còn đại diện cho gia đình, cộng đồng, tôn giáo, sắc tộc và giai cấp của mình. Trong tổng thể văn hóa, ngôn ngữ @ vẫn là một bộ phận hữu cơ của văn hóa. Tuy nhiên, những hệ giá trị đặc trưng của một ngôn ngữ chính thống cần được tôn trọng phát huy. Cộng đồng những người trẻ, năng động, sáng tạo, ưa thích sự trải nghiệm những điều mới lạ nhưng không hiểu những tác động tiêu cực lên những giá trị thẩm mỹ của ngôn ngữ được gìn giữ và bảo tồn qua bao thế hệ. Ngôn ngữ tuổi teen thời @ chỉ giúp bộc lộ bản sắc cá nhân và cách tạo dựng phong cách riêng của giới trẻ khi giao tiếp bằng ngôn ngữ trên thực tại ảo không theo hệ cấu trúc ngôn ngữ chuẩn đã được định hình từ môi trường xã hội rộng lớn hơn.

Dạng thức sử dụng ngôn ngữ giao tiếp mang đặc tính riêng của phong cách khẩu ngữ nên thường theo kiểu lối nói vần và theo kiểu mã hóa ngôn từ. Ngôn từ @ giới trẻ hay nói chuyện với nhau nhiều khi làm tăng tính biểu cảm, sinh động. Ví dụ: “tiền” thành “xiền”, “tình yêu” thành “tình iu”, “ghét như con bọ chét, nhỏ như con thỏ, tin vịt, chạy mất dép, bó tay. com, bốc hơi (biến mất), đít chai (kính)…” Để ca ngợi cái đẹp thì giới trẻ nói “đẹp dã man”, còn “vụ này có vẻ lục tốn đấy nhỉ” là để nói về một vụ chi tiêu tiền bạc, để khen một người nhiều tiền thì “thầu giầu nhỉ”. Đó là một vài trong khá nhiều ví dụ về sử dụng ngôn ngữ hiện nay mà đại đa số nằm trong giới trẻ. Việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp hàng ngày trở nên một trào lưu.

Vị thành niên là độ tuổi có đặc trưng tâm lý thích cái mới, ưa sự khám phá, thường hành động theo trào lưu. Vì vậy như một “làn sóng” dây chuyền, chỉ trong vài năm, cách nói, viết trên ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Nhiều bạn trẻ xem đó như là một “phát minh”, một thứ ngôn ngữ riêng giúp giới trẻ có thể trao đổi, bày tỏ mọi thứ. Qua khảo sát, hầu hết các bạn trẻ thường sử dụng “ngôn ngữ teen” trên mạng và tin nhắn điện thoại. Điều này cho thấy mức độ gắn liền của ngôn ngữ chat đối với các công cụ truyền thông hiện đại. Các bạn trẻ thường lựa chọn mạng xã hội làm không gian giao tiếp, chia sẻ với bạn bè. Nếu như không bàn tới các khía cạnh hạn chế của lạm dụng internet thì việc sáng tạo, sử dụng những ngôn ngữ “lệch chuẩn” đôi khi cũng là giải pháp giúp giới trẻ giải phóng năng lượng, giải thoát bức xúc cá nhân, thể hiện bản thân một cách dễ dàng hơn. Và có thể nói, ở khía cạnh nào đó, việc sử dụng dạng thức ngôn ngữ này đã tạo nên sự cộng cảm trong cộng đồng giới trẻ hiện nay.

Nhìn vào những biến chuyển của xã hội Việt Nam đương đại, có thể thấy thanh niên Việt Nam đã có những định hình về phong cách riêng mang hơi thở của thời đại, khác biệt với những dạng thức văn hóa khác. Bên cạnh những đặc trưng thể hiện sự nhanh nhạy, sáng tạo, đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế xã hội thì ở một phương diện nào đó, văn hóa thanh niên cũng được cho là có nhiều hiện tượng “gây sốc”. Nhiều bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ nước ngoài để viết tắt. Ví dụ trong tiếng Anh, chữ “hoặc” thành “or”, chữ “của” là “of”, chữ “nhưng” thành “but”… Ngay cả những từ tiếng Anh cũng được viết tắt tràn lan. “Hi!” (xin chào) được viết thành “2!”, “PLZ” (làm ơn) là viết tắt của “please”, “OMG” là viết tắt của “Oh My God” (chúa ơi), “G9” là viết tắt của “Good night” (chúc ngủ ngon), “WC” là từ viết tắt của “Welcome” (chào mừng)… Trào lưu mượn âm và nghĩa tiếng Anh để diễn tả ý tiếng Việt kiểu nổi loạn được coi là những sáng kiến “siêu cao thủ”. Ví dụ: cụm từ “No four go” được hiểu theo ngôn ngữ teen là “Vô tư đi”. Tương tự như vậy, “no table” được hiểu là “không bàn”, “like is afternoon” có nghĩa “thích thì chiều”, “sugar you you go” là “đường ai nấy đi”…

Từ góc độ giáo dục, việc lạm dụng các ngôn từ thiếu thẩm mỹ của giới trẻ trong giao tiếp cũng là những vấn đề mà xã hội, các bậc cha mẹ và nhà trường cần quan tâm. Song, ở khía cạnh văn hóa, “giá trị gây sốc” của những ngôn từ “lệch chuẩn” cũng mang những nét đặc trưng thể hiện phong cách riêng của văn hóa giới trẻ hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng: một bộ phận giới trẻ hiện nay đã lạm dụng hiện tượng này để tạo ra sự “mới lạ”, “phá cách”, “sáng tạo”, “phi chuẩn mực”, dí dỏm, hài hước mà người ta gọi là “lệch chuẩn”. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và nếu không có sự điều chỉnh sớm sẽ có tác hại đến chuẩn mực ngôn ngữ dân tộc. Những ngôn từ “biến hóa” của giới trẻ đã và đang được sử dụng rộng rãi từ bàn phím điện thoại, máy tính đến giao tiếp hàng ngày, tuy chỉ mang tính cá nhân, nhưng lại ảnh hưởng đến đối tượng giao tiếp, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống và sự giàu đẹp trong ngôn ngữ của cha ông.

Cuộc sống thường nhật hiện nay, sự xuất hiện ngôn ngữ của cư dân mạng là quy luật tất yếu trong thời đại phát triển của thế giới truyền thông mà internet đóng vai trò chủ đạo, mở ra một dạng thức văn hóa mới trong đó ngôn ngữ mang những giá trị cốt lõi chuyển tải mọi sắc thái của hành vi giao tiếp trong không gian đa chiều, đa phong cách của thế giới mạng. Rất nhiều bạn trẻ đã làm biến dạng ngôn ngữ khiến câu chữ trở nên khó đọc, khó hiểu. Họ lấy con số thay cho chữ mà không có một nền tảng cơ sở nào. Ví dụ, chữ “e” là số 3, “a” là số “4”. Với một câu hỏi đơn giả như: “Cậu làm gì thế?” sẽ được viết thành: “Ca^u la\m gi’ the^”, “Chúc chị vui vẻ” sẽ được viết là “Chut chi dzui dze”, “Hôm nay em buồn quá” thường được viết thành “Hum ney em bun wa :(”, “Tôi đâu có lỗi gì cơ chứ” sẽ có “biến dạng” là: “To^i da^u co’ lo^~i gi\ co’ chu’/” hay “3m hj~u chi’t lj’n” có nghĩa là “Em hiểu chết liền”… Bên cạnh đó, teen Việt cũng rất thích sử dụng biểu tượng để chen vào giữa hoặc cuối câu như cách để thể hiện cảm xúc của mình: “<3” là yêu; “*” là hôn, “$_$” là bao nhiêu tiền, “@ @” có nghĩa ám chỉ đến những người đeo kính… Không chỉ trong tin nhắn, blog, diễn đàn hay forum, trên các mạng xã hội, cách sử dụng ngôn ngữ trên cũng rất phổ biến. Điều đáng lo ngại là nhiều bạn trẻ lại coi đó là cách thể hiện cá tính, “vành đai” an toàn để họ có thể đối phó với cha mẹ, thầy cô giáo. Sử dụng tiếng lóng, chêm vào câu nói nghe rất bậy bạ như “vãi”, “củ chuối”, “bó tay”... Đáng xấu hổ là những lời bậy bạ này lại được phát ra từ miệng những cô cậu học trò, trong lời đối thoại, chia sẻ trên mạng xã hội. Chưa hết, cách sử dụng ngôn ngữ teen thậm chí còn làm sai lệch nghĩa đen vốn có của nhiều từ. Ví dụ, từ “thím” vốn được sử dụng chỉ vợ của chú (em trai bố) thì nay được sử dụng để chỉ những thanh niên ngoa ngoắt; từ “thánh” trên mạng xã hội dùng để chế giễu ai đó hoặc than vãn (thánh nhọ); từ “chém gió” thường được dùng để diễn tả hành động vô nghĩa thì nay được dùng chỉ người thiếu hiểu biết, nói phét hay ý nói chuyện tào lao (trà chanh chém gió vỉa hè); từ “ném đá” giờ được dùng để chỉ hành động phản đối ai đó…

Nhìn chung, tình trạng sử dụng ngôn ngữ của một bộ phận người trẻ - chủ nhân tương lai của đất nước khá  xô bồ, lộn xộn trong việc nói, viết là vấn đề không mới nhưng rất quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Nhiều lĩnh vực đời sống đã thay đổi rất nhiều, ngôn ngữ cũng có nhiều  thay đổi. Đặc biệt là hiện tượng từ “lạ” xuất hiện ngày càng nhiều như đã đề cập. Nhận xét về hiện tượng này có người cho rằng  đó là sự “sáng tạo” làm giàu thêm vốn ngôn ngữ, là hiện tượng bình thường, “dễ thương” và không nên từ chối. Không thể phủ nhận một thực tế rằng, trước sự phát triển năng động của cuộc sống, ngôn ngữ cũng phải mở rộng, phải phát triển vốn từ để đáp ứng nhu cầu sử dụng. Không ai phủ nhận sự tích cực trước những sáng tạo mới lạ, nhưng không phải bao giờ nên đồng nghĩa sáng tạo tùy tiện với sáng tạo tích cực, đúng đắn. Có thể nói dòng ngôn ngữ @ hóa Việt văn của thế hệ 8x, 9x hiện nay như  “Pan co koe ko?”, “Pan dag lam j?”, “Pan nâu mam ckua?” không chỉ dừng lại ở việc nhắn tin qua điện thoại cho bạn bè, cho người cùng trang lứa mà nhiều khi còn sử dụng kiểu viết ấy để giao tiếp với cả anh chị, bố mẹ, thầy cô giáo tạo nên sự hổ lốn, lộn xộn và mất dần sự trong sáng ngữ nghĩa và cấu trúc văn phạm quy chuẩn.

Trong thời đại số hóa, giản lược hóa và đa năng hóa, việc đơn giản hóa ngôn ngữ là không sai. Nhưng điều đáng nói tới là sự nhầm lẫn khi biến nó thành những kí hiệu chung để nói và viết ở mọi lúc, mọi nơi. Có thể nói đây chính là sự “sáng tạo” tiếng Việt một cách kì quặc, quái dị, khác thường. Nó không chỉ làm cho tiếng Việt mất đi sự trong sáng mà còn là hành động làm mất đi đặc sắc của văn hóa dân tộc, góp phần không nhỏ tạo nên sự hỗn loạn, “ô nhiễm” trong đời sống ngôn ngữ.

Lm. FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho