13/09/2022
1246
Dịch vụ mạng xã hội và giáo dục con cái trong gia đình_ Lm. Pet. Khương 






 




 

 

DỊCH VỤ MẠNG XÃ HỘI[1] VÀ GIÁO DỤC CON CÁI TRONG GIA ĐÌNH

 

(WGPMT) Các phương tiện truyền thông đã đạt đến một tầm quan trọng đến độ trở thành phương tiện chủ yếu để hướng dẫn và kích thích các hành vi cá nhân, gia đình và xã hội của nhiều người[2]. (Trích Tông Thư Il Rapido Sviluppo (Sự Phát Triển Nhanh Chóng) Của ĐGH Gioan Phaolô II (Ngày 24-10-2005)

Phải nhìn nhận rằng: Sự phát triển nhanh chóng của truyền thông đã chi phối, tác động đến hầu hết mọi sinh hoạt của con người, trong đó hoạt động giáo dục cũng chịu ảnh hưởng lớn của truyền thông. Và lẽ dĩ nhiên, giáo dục con cái trong gia đình ngày nay cũng không nằm ngoài sự tác động này. Đặc biệt dịch vụ mạng xã hội và điện thoại thông minh, trở thành phương tiện truyền tải thông tin kiến thức tốt cũng như xấu.

Cách đây vài thập kỷ, cụm từ Dịch vụ mạng xã hội vô cùng xa lạ trong nhận thức của người dân Việt Nam, và hiển nhiên giáo dục trong gia đình vẫn theo kiểu truyền thống. Nghĩa là cha mẹ hiểu về đạo lý như thế nào, sống ra làm sao… thì dạy cho con cái mình học theo như vậy. Nói cách dễ hiểu là giáo dục bằng phương pháp làm gương sáng và cầm tay chỉ việc, truyền thụ kiến thức.

Vào năm 2011 một nhóm nhà khoa học người Đức, phát triển một chiến lược kỹ thuật cao cho Chính Phủ Đức đã giới thiệu khái niệm Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Cuộc cách công nghiệp này bao gồm phần cứng phần mềm và sinh học, đặc biệt nhấn mạnh đến những tiến bộ trong truyền thông và kết nối. Kỷ nguyên thời đại 4.0 này được đánh dấu bởi những đột phát trong lãnh vực kỹ thuật số, robotics, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, máy tính lượng tử, công nghệ sinh học, internet, vạn vật, điện toán phân tán, công nghệ không dây thế hệ thứ năm, in 3D và phương tiện vận tải không người lái.[3]

Từ đó cho đến nay, công nghệ thông tin liên tục bùng nổ phát triển không ngừng, đã thúc đẩy người dân sử dụng internet ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê từ tháng 07 năm 2021 số lượng người dùng internet tại Việt Nam đạt 68.72 triệu người, với 18.308.303 thuê bao internet băng rộng, và 68.447.303 thuê bao internet băng rộng di động. Còn về thuê bao di động, có 123.041.378 thuê bao phát sinh lưu lượng, với 69.404.991 thuê bao có truy cập internet, số còn lại chỉ để nhắn tin, gọi điện.[4]

Nếu tính tỷ lệ phần trăm giữa 69.404.991 thuê bao có truy cập internet, với dân số Việt Nam hiện tại: 99.088.362 người[5]. Cho thấy số người dùng điện thoại có kết nối và truy cập internet chiếm hơn 70 phần trăm dân số.

Với lượng lớn người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh có kết nối truy cập internet đã trở thành thị trường béo bỡ để nhà mạng khai thác tối đa mọi hình thức kinh doanh, tiếp thị, quảng cáo, tuyên truyền quan điểm chính trị, định hướng dư luận, văn hóa, tôn giáo, và lẽ đương nhiên là có cả giáo dục nữa.

Trước đây cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên cho con cái của mình: Cha mẹ nói sao con nghe vậy, cha mẹ dạy sao con làm vậy, cha mẹ làm gương như thế nào con làm lại giống vậy. Hoạt động giáo dục trong gia đình theo kiểu truyền thống, xem ra lại định hình nhân cách và phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ: Tư cách, tác phong, khả năng nghe nói nhìn, kỹ năng giao tiếp, suy nghĩ, làm việc… Đều được hình thành từ cha mẹ, có thể gọi con cái là“bản sao nâng cấp” của cha mẹ.

Giáo dục nơi gia đình theo kiểu truyền thống gặp phải một yếu điểm, đó là: Việc phát triển năng lực nơi con cái còn hạn chế. Bởi vì kiểu giáo dục truyền thụ kinh nghiệm và kiến thức, lâu dần sẽ hình thành thói quen lười tư duy sáng tạo nơi trẻ nhỏ. Thói quen lười tư duy sáng tạo có thể thành tập quán khi các em đã trưởng thành.

Ngày nay, hoạt động giáo dục theo kiểu truyền thống có sự thay đổi: Người dạy là cha mẹ giờ là điện thoại thông minh, laptop, computer. Phương pháp cầm tay chỉ việc, truyền thụ kiến thức giờ trở thành nghe nhìn và tự tư duy. Dịch vụ mạng xã hội trở thành “người truyền thụ kiến thức”. Vai trò của cha mẹ trong giáo dục con cái vô tình bị thu hẹp lại, có chăng chỉ còn là truyền thụ kinh nghiệm và một ít kỹ năng (nếu như cha mẹ có).

Vì thế có thể nói: Việc định hình nhân cách cho các em giờ phó mặc cho dịch vụ mạng xã hội. Tư cách, tác phong, thần thái, nhân cách… Tất cả đều được mạng xã hội chi phối định hình lúc nào cũng chẳng hay. Và hệ quả của việc để mạng xã hội can thiệp quá sâu vào việc giáo dục con cái trong gia đình sẽ là: Não trạng sống ảo tưởng, tư duy thiếu thực tế, và quan trọng là không kiểm soát được quá trình hình nhân cách nơi trẻ nhỏ.

Con vừa khóc, cha mẹ đưa chiếc điện thoại, và trẻ nhỏ tha hồ vui chơi cách vô tội vạ với đủ thứ nội dung trên đó, mà cha mẹ cũng chẳng buồn quan tâm, kiểm soát. Điện thoại trở thành bạn thân thiết với trẻ con lúc nào không hay. Từ đó trẻ con đánh mất dần kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nghe, nói và kỹ năng tương tác cộng đồng giảm sút

Thay vào đó là phát triển tối đa khả năng nhìn (tiếp nhận hình ảnh). Vì thế mà các dịch vụ mạng xã hội khai thác triệt để tuyền tải hình ảnh trên các phương tiện truyền thông. Điều này vô tình biến chiếc điện thoại thông minh trở thành công cụ đắc lực hữu hiệu truyền tải dịch vụ mạng xã hội đến với người dân, đặc biệt là các trẻ nhỏ.

Gọi là dịch vụ mạng xã hội, thì hiểu rằng trên đó chứa đựng muôn vàn chuyện xã hội, tốt cũng như xấu, ai cũng có quyền nói về mình, ai cũng có quyền trình bày quan điểm của mình, ai cũng có quyền tuyên truyền, chia sẻ bất kỳ nội dung hay chủ đề nào đó mà chưa chắc những điều chia sẽ này luôn đúng. Hoặc cũng có thể những nội dung trình bày nhằm mục đích định hướng dư luận, hoặc hướng ý người dân đến sự hiểu biết sai lệch, hoặc công kích, đả phá tư tưởng hoặc tổ chức nào đó…

Trong giai đoạn trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức, chưa đủ kiến thức, chưa vững lập trường…. Chắc chắn sẽ bị dịch vụ mạng xã hội định hình tư tưởng và hình thành nhân cách – Thay vì điều này do cha mẹ các cháu thực hiện. Chưa biết những ưu điểm của mạng xã hội tác động lên các cháu đến đâu. Nhưng dám khẳng định rằng: Các cháu chưa thành người thì đã thành con nghiện - nghiện mạng xã hội.

Không thể loại trừ điện thoại thông minh, hoặc cắt đứt kết nối vào internet của các trẻ. Vì thế, cần có giải pháp cho vấn đề này. Nhiều gia đình chọn giải pháp cho con cái sử dụng điện thoại thông minh, laptop, computer theo một lượng thời gian nhất định trong ngày. Giải pháp này xem ra gây ức chế cho trẻ. Ức chế bởi vì, trẻ muốn nhiều mà lại cho ít.

Một số cha mẹ lại chọn giải pháp: Quản lý nội dung khi con cái truy cập internet. Tùy theo nhận thức và độ tuổi của con cái, mà cha mẹ cho phép con mình được tìm hiểu sâu vào những nội dung trên truyền thông đến mức độ nào.

Giải pháp này xem ra có nhiều lỗ hỏng và bất tiện: Chẳng lẽ cha mẹ suốt ngày cứ theo rình rập con cái, còn thời gian phải lo mưu sinh, nuôi sống gia đình nữa, và liệu rằng cha mẹ có đủ kỷ năng và kỷ thuật để quản lý nội dung của con cái không? Chưa kể những nội dung cha mẹ muốn con cái tiếp cận thì con cái lại chẳng thích, trái lại con cái lại thích những điều cha mẹ chưa cho phép, cha mẹ không ưa không thích.

Xem ra việc xử lý vấn đề: Điện thoại thông minh và dịch vụ mạng xã hội đối với con cái là không đơn giản chút nào, bịt chỗ này lại xì chỗ nọ, vá lỗ hỏng này làm bùng lỗ hỏng khác… Cấm không được mà cho cũng không xong.

Một vài gợi ý về quan điểm của Giáo hội trong công tác giáo dục, có thể giúp ích cho các bậc cha mẹ tiếp tục suy nghĩ để tìm ra phương pháp khắc phục trong vấn đề này:

Trong Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo (Gravissimum Educationis, 28 tháng 10 năm 1965), các Giáo phụ nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của cha mẹ trong vấn đề giáo dục con cái. “Vì là người truyền sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục chúng… Vai trò giáo dục này quan trọng đến nỗi nếu thiếu sót thì khó lòng bổ khuyết được”.

Vai trò của cha mẹ là dạy con cái “hiểu biết và thờ phượng Chúa và yêu người thân cận”. Việc giáo dục đó chuẩn bị các em cho đời sống trong xã hội.  Mặc dù “Nhiệm vụ giáo dục trước hết thuộc về gia đình, nhưng cũng cần đến sự trợ giúp của toàn thể xã hội”. Các quyền bính dân sự và chính trị “đẩy mạnh công cuộc giáo dục giới trẻ bằng nhiều phương cách, như bảo vệ quyền lợi cha mẹ và những người góp phần vào việc giáo dục và phải giúp đỡ họ trong công tác đó. Theo nguyên tắc bổ trợ, khi cha mẹ và các đoàn thể khác thiếu sáng kiến, xã hội dân sự phải kiện toàn công việc giáo dục, nhưng cũng phải để ý đến nguyện vọng của cha mẹ”[6]

Trong Thông điệp Centesimus Annus, Đức Thánh Cha ghi nhận vai trò quan trọng của gia đình, trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân và thăng tiến sự sống. Thông qua việc hiến thân trao tặng nhau trong gia đình, ta học biết “ý nghĩa đích thực của con người. Ở đây chúng tôi muốn nói đến gia đình được lập trên hôn nhân”.[7] “Ðể vượt qua não trạng cá nhân chủ nghĩa đang lan tràn ngày nay, cần có sự dấn thân cụ thể trong tình liên đới và bác ái, khởi sự từ trong gia đình”.[8]

Trong chính Thông điệp Evangelium Vitae, Đức Thánh Cha lưu ý rằng “Phải chiến đấu với những nguyên nhân tạo điều kiện cho những mưu toan làm hại sự sống, nhất là bảo đảm cho gia đình và tình mẫu tử sự nâng đỡ cần thiết … hơn nữa, cần xét xem lại quan điểm về các loại chính sách lao động, đời sống đô thị, nhà cửa và các dịch vụ, để ta có thể hài hòa lịch làm việc với thời gian dành cho gia đình, để ta có thể thực sự chăm sóc con cái và những người lớn tuổi”[9]

Liệt kê một vài giáo huấn của Hội thánh cho thấy quan điểm của Giáo hội trong công tác giáo dục, đó là: Cha mẹ là không thể thay thế trong hoạt động giáo dục đầu đời và trong gia đình cho các cháu. Giáo dục phải làm sao định hình được nhân cách tác phong của các cháu, nhằm chuẩn bị cho việc đảm nhận vị trí trong xã hội và Giáo hội. Vai trò của nền giáo dục quốc gia hỗ trợ cho cha mẹ trong những nhiệm vụ này.

Vậy cho nên: Cha mẹ không thể dễ dàng phó mặc con cái mình cho dịch vụ mạng xã hội được. Hơn nữa cần định hướng việc hình thành nhân cách cho các cháu ngay từ trong gia đình, mà không phải là trao phó cho những loại hình dịch vụ, hoặc những hoạt động chi phối khác.

Cha mẹ lại càng không trao hết trách nhiệm giáo dục con cái mình cho hệ thống giáo dục quốc gia: Điều này dễ xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế mở cửa phát triển. Bởi vì cha mẹ vào công xưởng, còn con cái gởi vào bán trú ở nhà trường chiều đón về là coi như hoàn thành và rất ok. Sai lầm hoàn toàn, trái lại cha mẹ tùy hoàn cảnh mà dành thời gian gần gũi chia sẻ, dạy dỗ, hướng dẫn, đồng hành…Với con cái của mình càng nhiều chừng nào tốt chừng nấy.

Không thể đưa ra một giải pháp cụ thể cho vấn đề Dịch vụ mạng xã hội và giáo dục con cái trong gia đình. Nhưng ước mong bậc cha mẹ ý thức được vấn đề này, tham khảo thêm nhiều ý kiến của những chuyên gia, bên cạnh quan điểm của Hội thánh để có thể tự đưa ra một giải pháp tùy hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt của mỗi gia đình, mà có giải pháp cụ thể cho việc giáo dục con cái trong gia đình của mình, trước sức ảnh hưởng tác động mạnh mẽ của Dịch vụ mạng xã hội hiện nay.


[1] Dịch vụ mạng xã hội (tiếng Anh: Social Networking Service - SNS) là dịch vụ nối kết các thành viên cùng sở thích trên Internet lại với nhau với nhiều mục đích khác nhau không phân biệt không gian và thời gian. Những người tham gia vào dịch vụ mạng xã hội được gọi là cư dân mạng.  Dịch vụ mạng xã hội có những tính năng như chat, e-mail, phim ảnh, voice chat, chia sẻ file, blog và xã luận. Mạng đổi mới hoàn toàn cách cư dân mạng liên kết với nhau và trở thành một phần tất yếu của mỗi ngày cho hàng trăm triệu thành viên khắp thế giới. Các dịch vụ này có nhiều phương cách để các thành viên tìm kiếm bạn bè, đối tác: dựa theo group (ví dụ như tên trường hoặc tên thành phố), dựa trên thông tin cá nhân (như địa chỉ e-mail hoặc screen name), hoặc dựa trên sở thích cá nhân (như thể thao, phim ảnh, sách báo, hoặc ca nhạc), lĩnh vực quan tâm (kinh doanh, mua bán).

[2] Tông Thư Il Rapido Sviluppo, số 3

[3] X. Tự Điển Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia

[4] X. https://vnta.gov.vn/thongke/Trang/dulieuthongke.aspx

[5] X. https://danso.org/viet-nam (Theo số liệu mới nhất từ Liên Hợp Quốc ngày 05.09.2022)

[6] X. Công Đồng Vatican II, Tuyên ngôn Gravissimum Educationis (về Giáo dục Kitô giáo), 28 tháng 10 năm 1965, số 3.

[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách Chu Niên), 01-05-1991, số 39.

[8] Ibid., số 49.

[9] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Về Sự Sống), 25-03-1995, số 90