Hỏi: Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đạo Công Giáo chưa hoặc rất ít đọc Kinh Thánh nên sự hiểu biết về Kinh Thánh vô cùng hạn chế. So sánh với đạo Tin Lành thì họ học Kinh Thánh rất thuộc và cũng tìm hiểu rất sâu về Kinh Thánh. Vậy đâu là điểm khác biệt giữa đạo Công Giáo và Tin Lành trong lĩnh vực am hiểu Kinh Thánh?
Đáp:
Trước hết, xin lưu ý về nhận định của bạn. Thiết nghĩ, vì chưa có bằng chứng xác thực nên chúng ta cũng đừng vội khẳng định rằng “Hiện nay có rất nhiều bạn trẻ đạo Công Giáo chưa hoặc rất ít đọc Kinh Thánh nên sự hiểu biết về Kinh Thánh vô cùng hạn chế. So sánh với đạo Tin Lành thì họ học Kinh Thánh rất thuộc và cũng tìm hiểu rất sâu về Kinh Thánh.” Có thể nơi môi trường bạn sinh sống có những bạn trẻ như thế, nhưng biết đâu nơi khác, nhiều bạn trẻ Công giáo vẫn miệt mài đọc và học hỏi Kinh Thánh thì sao?
Giờ đây, xin trả lời cho phần hỏi chính của bạn về “điểm khác biệt giữa đạo Công Giáo và Tin Lành trong lĩnh vực am hiểu Kinh Thánh.” Có thể ý bạn hỏi liên quan đến hai điểm: khác biệt về kiến thức Kinh Thánh, và những khác nhau về Kinh Thánh nói chung giữa Công giáo và Tin lành. Vậy xin tạm trả lời bạn như thế này:
- Xét về kiến thức thì tôi chưa thấy có thống kê nào so sánh kiến thức Kinh Thánh giữa Công giáo và Tin lành. Nếu như nhận định trên của bạn là đúng thì chắc người Tin lành có kiến thức nhiều hơn Công giáo chăng? Tuy nhiên, thiết nghĩ trong thời đại ngày nay, chúng ta nên quan tâm đến việc cùng nhau hiểu biết Kinh Thánh, giúp nhau gia tăng kiến thức thì sẽ tốt hơn. Và thực tế, các nhà chuyên môn Kinh Thánh của Công giáo và Tin lành đã chia sẻ và giúp nhau rất nhiều về kiến thức Kinh Thánh.
- Về nội dung và việc nghiên cứu Kinh Thánh, chúng ta có thể nêu hai khác biệt căn bản sau đây:
ii. Thứ nhất là về Quy điển: Quy điển Cựu ước của Tin lành nhận 39 cuốn. Còn Công giáo là 46 cuốn. Vậy, Công giáo nhiều hơn 7 cuốn, đó là: Tobia, Giuđitha, 1 và 2 Macabê, Khôn ngoan (của Salômôn), Huấn ca (Ecclesiasticus) và Barúc (kể cả Thư của tiên tri Giêrêmia). Và chính xác hơn có thể kể đến một phần của các sách Esther và Daniel (x. Raymond E. Brown, 101 Questions & Answers On The Bible, (New York: Paulist Press, 1990), Q. 5).
i. Thứ hai là về việc giải thích Kinh Thánh: Công đồng Vaticanô II, qua Hiến Chế Tín Lý Về Mạc Khải Thiên Chúa – Dei Verbum, xác nhận: “Nhiệm vụ chính thức giải thích Lời Chúa đã được ghi chép hay lưu truyền, đã được ủy thác riêng cho Huấn Quyền sống động của Giáo Hội, một quyền hạn được thi hành nhân danh Chúa Giêsu Kitô” (số 10); và Công đồng kết luận: “những gì liên hệ đến việc giải thích Thánh Kinh, cuối cùng đều phải lệ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội, vì Thiên Chúa đã truyền lệnh và trao cho Giáo Hội nhiệm vụ gìn giữ và giải thích Lời Ngài” (số 12). Như vậy, có thể nói gọn, đối với Công giáo, việc giải thích và hiểu Lời Chúa phải được đặt trong truyền thống đức tin sống động của Giáo Hội và “phải lệ thuộc vào phán quyết của Giáo Hội.” Nói cách khác, đối với nhà chú giải Công giáo, khi ông đưa ra những giải thích của mình về Thánh Kinh, thì những giải thích này không nên vượt ra khỏi truyền thống đức tin và phải được sự chấp nhận của Huấn quyền Giáo Hội.
Hỏi: Kinh Thánh bản tiếng Việt được dịch ra từ ngôn ngữ của nước nào? Nếu được dịch ra từ tiếng Anh hoặc một thứ tiếng khác với tiếng Do Thái thì liệu có bị sai lệch chút nào so với bản gốc không? Và nếu không có sai lệch với bản gốc thì do đâu mà giữ được nguyên ý nghĩa như vậy?
Đáp:
- Kinh Thánh bản tiếng Việt được dịch ra từ ngôn ngữ của nước nào là do người dịch hay nhóm dịch chọn lựa. Nếu bạn muốn biết rõ thì có thể dựa trên những thông tin được ghi trong bản dịch.
- Xin lưu ý với bạn về từ ngữ “bản gốc.” Thật ra, hiện nay không còn bản gốc mà chỉ có những bản sao chép lại. Và trong những bản sao chép này, chúng ta có ngôn ngữ gốc là tiếng Do thái hoặc Hy lạp. Còn việc chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì chắc chắn phải có sai lệch, hay đúng hơn phải nói là bản dịch thường không thể diễn tả hết được trọn vẹn ý nghĩa so với bản ngôn ngữ gốc. Điều này cũng không khó hiểu. Chẳng hạn, Việt Nam chúng ta có ngôn ngữ, văn hóa, tập tục… khác rất nhiều so với người Do thái, nên việc chuyển dịch từ ngôn ngữ Do thái sang ngôn ngữ Việt chắc hẳn phải có nhiều sai lệch, thiếu sót. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, các bản dịch thường được chú thích hay giải nghĩa thêm bởi các dịch giả để người đọc có thể hiểu rõ hơn. Theo đó, kiến thức chuyên môn của người dịch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự chính xác của bản dịch.
Những thắc mắc của quý độc giả xin gửi về
23 Lý Thường Kiệt, Phường 6, Tp Mỹ Tho, Tiền Giang
Email: vpttxhgpmt@gmail.com