06/03/2020
2306
“Đằng sau dịch bệnh sẽ là gì?” _CS Giuse Khánh Nhật




















 

“Đằng sau dịch bệnh sẽ là gì?”

   

Từ khi dịch bệnh Covid -19 diễn ra, đi đâu chúng ta cũng nghe nói về dịch bệnh với các mức độ nguy hiểm lây lan của nó và làm cho thế giới khiếp sợ vì số lượng người chết ở khắp nơi. Thêm vào đó nước mặn xâm nhập sớm cũng là vấn đề nhức nhói đang ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống con người. Thế nhưng phần lớn người ta chỉ nói về phòng chống, cách ly, phòng tránh,… mà ít ai nói đến sau dịch bệnh sẽ là gì?

Qua thực tế chúng ta có thể thấy cho đến khoảng giữa tháng 2 người ta đã ước tính trên thế giới đã có 5 triệu doanh nghiệp toàn cầu bị tác động bởi Covid -19 (vnexpress.net). Tại Việt Nam do dịch bệnh mà chỉ riêng đường sắt đã mất 2,8 triệu USD, ngành du lịch mất 7 tỉ USD (bbc.com), hay chỉ mất đường bay đến Trung Quốc thôi ngành hàng không đã mất đi 10 000 tỉ đồng… Đó là những con số mà chúng ta có thể thấy được. Tuy nhiên những mặt khác của sự khủng hoảng kinh tế khác thì khó mà ghi nhận được nhưng hệ quả của nó thì đang tác động trực tiếp đến cuộc sống chúng ta về thất nghiệp, trì trệ giao thương, khủng khoảng cung-cầu, tiêu dùng lớn hơn sản xuất, nơi dư thừa nơi thiếu thốn, mất tương quan xã hội… Chưa dừng lại ở đó hạn mặn sớm đã xâm nhập rất sâu vào 13 tỉnh của Nam Bộ. Bất cứ ai đến đây vào thời gian này sẽ thấy tận mắt sự xáo trộn đời sống của người dân nơi đây khi kênh rạch không còn nước để sinh hoạt, trồng trọt, cây cối chết khô (vtv.vn).

Những sự kiện này đan xen với nhau muốn nói với chúng ta điều gì?

Điều thứ nhất chúng ta có thể thấy xã hội hiện nay đã không còn quân bình. Nguyên nhân do cấu trúc của xã hội vốn đã hình thành và vận hành liên đới chặt chẽ với nhau từ bình diện quốc gia cho đến quốc tế. Đó là thế mạnh của sự phát triển. Thế nhưng chỉ cần một mắc xích có vấn đề là mọi hoạt động bị chậm trễ ngay. Thấy rõ nhất là việc trồng thanh long và dưa hấu với số lượng lớn mà trong nước không thể tiêu thụ hết thì phải đem xuất khẩu. Khi bên Trung Quốc không mua thì đời sống người nông dân lập tức bất ổn ngay. Bởi ngay từ khâu sản xuất không ai hỗ trợ họ nên họ phải “tự bơi”, kết quả như thế nào thì ai cũng đã biết.

Thứ hai là sự biến đổi nhanh chóng của khí hậu hạn hán, ngập mặn, thiếu việc làm… Thêm vào đó là sự chống chọi có tính bất lực, chịu trận đã làm bức tranh xã hội đã thiếu quân bình lại còn xáo trộn hơn, tạo thêm một sự rối loạn của xã hội.

Nếu sự mất quân bình và rối loạn này có tính ổn định sẽ phát sinh nhiều hệ lụy không đáng có nhưng sẽ diễn ra. Hệ quả tất yếu như ông bà ta có nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Đây chính là điều mà bài viết này muốn đề cập đến.

Trong ngành nghiên cứu về xã hội học, khi bàn về sự lệch lạc của con người thì người ta thường đề cập đến thuyết Căng Thẳng (strain theory). Thuyết này nói rằng: “các sự kiện trong cuộc sống xảy đến bất ngờ, làm thay đổi nghiêm trọng cuộc sống đòi hỏi một cá nhân phải thích nghi nhanh chóng” (vi.wikipedia.org), nghĩa là cuộc sống thay đổi bất ngờ (dịch bệnh, ngập mặn, việc làm) tạo nên một áp lực căng thẳng về nhu cầu ăn, ở, tiêu dùng mà phương tiện hợp pháp không có thì buộc họ phải hành động phi pháp miễn là để tồn tại. Và đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến tội phạm gia tăng trong xã hội chúng ta.

Bởi thực tế như đã đề cập có 5 triệu doanh nghiệp bị ảnh hưởng khắp toàn cầu vì dịch bệnh trong đó có cả Việt Nam. Cụ thể một doanh nghiệp muốn tồn tại trong lúc khó khăn này thì cần giảm bớt một lượng công nhân, mà những công nhân tay nghề thấp, lao động phổ thông thì dễ bị gạt ra đầu tiên. Đó là chưa kể hàng ngàn, hàng triệu công nhân khác bị thất nghiệp vì nhiều công ty phải phá sản. Vậy tình hình kinh tế khó khăn kéo dài thì họ lấy phương tiện hợp pháp nào để sống? Và đó chính là nguyên nhân dễ tạo nên bất ổn cho xã hội, nhất là những tình trạng trộm cắp ngày càng có tính hung hăng hơn, dã man hơn do họ thiếu phương tiện hợp pháp để sinh tồn.

Trước một thực tế mà chưa có thể xoay chuyển ngay thì lời cầu nguyện của chúng ta là cấp thiết nhất. Bởi chỉ có cầu nguyện con người mới biết mình là ai, giới hạn là thế nào, cần đến Thiên Chúa như thế nào, vì khi con người không còn tin vào Thiên Chúa nữa thì điều gì người ta cũng dám làm. Đó là điều tệ hại nhất. Biết trước như thế chúng ta cũng cần cảnh giác nhiều hơn để cùng bảo vệ những tài sản chung và cá nhân vì những nơi đông người nơi nhà thờ, nhà xứ, nhà dòng thông thường thiếu cảnh giác nhất.

Chủng Sinh Giuse Nguyễn Đặng Khánh Nhật