15/05/2023
210
Chiếc xe đạp không phụ tùng
















 

CHIẾC XE ĐẠP KHÔNG PHỤ TÙNG
 

Ai đã từng sống ở Miền Tây, đặc biệt là khu vực quê hương Đồng Tháp sẽ cảm nhận được cái không khí vội vàng, xao động trong những ngày bình yên, tĩnh lặng của một nhịp sống rất đỗi bình thường. Cái không khí ấy tạo cho con người có một cảm giác luôn luôn phấn khởi giữa một cuộc sống an nhiên.

Như mọi ngày của tất cả các ngày, cuộc sống không đưa tôi đến với nhịp sống hối hả của dòng đời. Tuy nhiên hôm nay, tôi phải dịp ra khỏi sự bình thường đó và bắt đầu hòa mình vào những điều mới mẻ đối với mình, tuy có lẽ nó cũ rích đối với mọi người. Tôi đi qua bên kia sông mà người ta gọi là Cù Lao Tây, vì con Sông Tiền thật rộng lớn nên có rất nhiều chuyến đò đưa rước khách ở nhiều khu vực của Cù Lao. Buổi sáng là một trong những buổi rất vất vả của các thuyền trưởng, người thì đi làm, người đi buôn bán, các em nhỏ thì đi học, cũng có những người muốn đi xa thì cũng phải tranh thủ để bắt được những chuyến đò đầu tiên trong ngày. Rất dễ biết nơi nào là bến đò, ngoài việc nhìn tấm bảng hiệu đề thật rõ ràng: Bến Đò, thì hễ đi đến nơi nào mà có nhiều xe chạy ra một lúc là biết ngay nơi đó đò vừa cập bến, song song với đó là phải tranh thủ cho kịp, kẻo lỡ chuyến đò tiếp theo đang chuẩn bị chạy.

Như mọi người, tôi cũng bị cuốn theo dòng chảy tấp nập vội vàng đang nối đuôi nhau để chuẩn bị xuống đò tại bến đò Tân Quới. Chiếc đò chở khách qua sông chỉ tầm lứa “thiếu nhi” so với những chiếc phà lớn tại các bến phà Chợ Vàm đi qua An Giang hay phà Châu Giang đi qua Châu Đốc. Đò chỉ chở tối đa khoảng 20 lượt khách cùng với phương tiện là xe hai bánh. Trên đò, khách phải chen chút nhau để đứng và cố giữ chặt xe của mình, vì khi đò chạy, sóng đánh lắc lư dễ làm ngã xe. Vì thế, tôi ở yên trên xe và chân giữ chặt cố làm sao cho đứng vững nhất có thể. Tôi đang thơ mộng trên xe ngắm cảnh trời mây sông nước, ánh mặt trời vừa ra khỏi căn phòng ngủ, những tia sáng còn ngơ dại đang bắt đầu xuyên qua những khóm mây trắng trên cao, pha một chút màu xanh xanh lam lam của bầu trời tạo ra một khung cảnh vô cùng huyền diệu. Ánh nắng yếu ớt ấy còn tung tăng trên mặt nước như những đứa trẻ đang nô đùa. Tôi không thể rời mắt được khỏi khung cảnh ấy vì đối với tôi, lần đầu tiên tôi đi đò kiểu như thế. Đang chìm đắm trong cảnh sắc thần tiên, thì một bàn tay nắm lấy cánh tay tôi làm tôi giật mình, “Cháu ơi, giữ dùm bà chiếc xe đạp này nhé, bà phải đi qua đây một chút, bà sợ nó ngã”, một cụ bà đã qua tuổi trung niên nói với tôi như thế, đáp lại một tiếng dạ rồi tôi giúp bà giữ dùm chiếc xe.

Đò bắt đầu chạy, những làn sóng cũng bắt đầu va nhè nhẹ vào hai bên hông đò, chiếc xe của bà bắt đầu múa những điệu múa đầu tiên, càng ngày tôi càng thấy nặng nặng cánh tay mà tôi đang giữ chiếc xe, thì ra chiếc xe của bà nặng đến thế làm tôi phải quan tâm đến nó nhiều hơn và dùng nhiều sức mới có thể giữ vững được. Bà làm nghề bán cá, hằng ngày bà phải đi qua đò để đến tận bên đất liền mua cá tại nơi nào đó để mang về bán. Tôi nghĩ chắc có lẽ bà đi mua ở Chợ đầu mối, giá thành sẽ rẻ hơn để mang về bán kiếm chút ít tiền lời. Thu mua cá ở tận bên sông, bà phải tranh thủ lắm mới chạy về cho kịp thời gian chợ buổi sáng. Không chỉ vậy, điều làm tôi ngạc nhiên là cách thức bà mang cá về nhà, chắc cũng là cách bà chở số cá đi bán. Chiếc xe đạp thồ trên lưng một cái thau nhôm lớn được ràng vào cái yên phía sau có bắt thêm mấy thanh gỗ để cái thau không bị đổ, phía trên là một cái mâm lớn đậy lên cái thau, và trên cái mâm cũng để được nhiều cá, vì thành mâm tương đối cao. Tôi nhìn thấy trong cái thau phía dưới mâm có rất nhiều cá, chủ yếu là cá tra, cá lóc, có cả mấy con cá rô nữa, tụi nó đang chen chút nhau trong thau, giành giật nhau chỗ nằm thoải mái nhất, nhưng thực ra chẳng có chỗ nào thoải mái cả. Lâu lâu, bọn nó lại quẩy lên một cái, một chút nước ít ỏi trong thau văng ra bên ngoài, nhưng không thể nào thoát ra được, rồi đâu lại vào đó. Phía trên cái mâm có tới mấy bịt cá diêu hồng cột vội được để ngỗn ngang, chúng không cử động, chẳng nhúng nhít,.. vì chưng tất cả chúng đã chết tự hồi nào rồi. Có những con rùi nhỏ, không biết nguyên quán ở  đâu nữa, chúng tranh nhau vây quanh mấy bịt cá đó, để cố mút cho được chút ít gì đó cho buổi sáng, chắc đói cả đêm nên tụi nó cũng vội vàng không kém.

Đó có lẽ là phần đồ sộ nhất của chiếc xe mà theo tôi cảm nhận được khi tôi để ý kỹ hơn về nó. Tôi thật lấy làm ngạc nhiên vì ngoài cái chân chống ra, chiếc xe chẳng còn gắn thêm một phụ tùng nào vào cái sường sắt cũ kỹ và phai màu. Trên tay lái không có miếng nhựa bọc, nó chỉ trơ trọi là một thanh sắt hình sừng trâu và được siết chặt ở phần giữa. Bánh xe cũng trơ trọi một mình, có lẽ nó đã chia tay với cái Dè xe tự lâu rồi, sợi dây Xích sên ghì chặt vào Bánh răn và cố bám víu vào đó để giúp mình nương tựa, chứ nó cũng không còn người bạn thân thiết là cái Dè bọc sên nữa rồi, phía trên, cái Yên ngồi thật bóng bẩy và rắn chắt, nó đã không còn độ đàn hồi nữa vì bao năm dầm mưa dãi nắng với cuộc đời sương gió của chủ nhân mình. Điều tối thiểu nhất của một chiếc xe mà nó cũng không được trang bị đó là cái Thắng, không biết hai cái thắng đã được tháo ra hồi nào rồi và chắc có lẽ là hai sợi Dây thắng và cái Bố thắng cũng ra đi từ đó, tất cả chúng đã chuyển hộ khẩu hoặc là đã được đưa vào một xó nào đó để nghỉ hưu rồi chăng. Tôi không biết làm thế nào bà cụ có thể dừng chiếc xe lại khi cần phải dừng hay khi ai đó gọi bà để mua cá, có lẽ bà sẽ dùng đôi dép trên chân mà đạp vào bánh xe trước thay cho cái thắng để dừng lại, đó là cách mà tụi nhỏ chúng tôi thời còn quậy phá hay dùng nhất. Cũng đôi dép ấy của bà thay thế cho cái Bàn Đạp của xe luôn, vì nó không còn nữa, chỉ còn lại trơ một thanh sắt nhỏ và bóng ngời để giữ chân thôi.

Một cơn gió bất chợt làm cho con sóng trưởng thành va vào chiếc đò làm chao đảo, tôi vì mãi tập chú vào chiếc xe đạp nên đã lơ là xe mình đang ngồi, nên tôi hơi mất thăng bằng một chút, nó đó không làm tôi giật mình cho bằng lại có một bàn tay đụng vào tôi khiến tôi giật mình giống như lần trước. Bà đến gần tôi, nở một nụ cười biết ơn và nói: “cảm ơn con nhiều nhé! bà sợ để đây không có ai giữ thì nó ngã xe, mấy hôm trước bị ngã một lần, cá văng ra tùm lum, vất vả lắm mới gom lại được”. Một lời nói rất chân thành của bà làm tôi đáp lại với thái độ thật vui: “dạ không có gì đâu bà, sẵn tiện con đứng cạnh đây ấy mà”. Thế rồi vài câu xã giao, tôi lại lặng đi một chút, tôi không còn hứng thú ngắm cảnh xung quanh, tôi chẳng còn quan tâm đến chiếc xe của bà, mà tôi lại quan tâm đến bà cụ. Chiếc áo bà ba màu xanh đã bắt đầu phai màu khoác bên ngoài chiếc áo bà ba khác. Tôi thấy bà đưa tay vào cái túi áo bên trong, mở chiếc kim tây thật to mà bà dùng để khóa túi áo lại, bà lấy ra một chai dầu xanh chỉ còn một ít nước ở phần đáy, bà thoa dầu vào mũi vài cái rồi cất vội lại vào túi. Chắc có lẽ, vì tiếp xúc nhiều với mấy con cá diêu hồng đã bắt đầu “chuyển mình” kia nên bà phải đi rửa tay, và trở lại dùng dầu khử cho quên đi cái mùi của nó. Chiếc túi còn lại khóa kỹ lưỡng hơn vì nó dùng để cất tiền, bà cũng vội lấy ra hết để tổng kê lại số tiền của mình, tất cả là một ít tờ tiền mệnh giá lớn và rất nhiều tiền lẻ cuộn bao bên ngoài được xếp thật ngăn nắp. Bà cũng không quên giữ lại 2 ngàn để trả tiền đò khi lên bờ, trước khi bà cất trở lại túi và khóa cẩn thận bằng ổ khóa kim tây. Đò đã gần cập bến, vẻ vui mừng pha chút âu lo đang dần dần hiển hiện trên khuôn mặt của bà. Vui mừng vì bà và chiếc xe gia tài đã qua đò an toàn, vui mừng vì bà lại được trở về những đoạn đường quen đến nỗi như thuộc lòng vì bà đi qua hằng ngày, bà cũng vui mừng vì gặp lại được những khách mối thân thuộc của mình,.. thế nhưng, một chút âu lo cũng theo đó, vì chẳng biết hôm nay có bán hết số cá trên xe không hay phải tồn lại cho đến ngày hôm sau. Tôi nghĩ, giả như bà bán hết số cá trên xe, chắc bà cũng kiếm được một chút ít trang trải cho cuộc sống, nhưng nếu còn lại một vài con cá nào đó thì… xem như hôm nay là một ngày huề vốn vậy, lấy công để đổi phần cá thừa còn lại cho buổi ăn của gia đình.

Vẫn vơ một chút, tôi nghĩ đến gia cảnh của bà cụ, không biết nhà bà còn có ai sống chung nữa không? Nếu như bà có con cái và con cái ăn nên làm ra thì bà sẽ không phải vất vả đến thế, tuổi đời gần 70 mà không được nghỉ ngơi, vui vẻ bên con cháu. Nhưng nếu bà là lao động chính trong gia đình có người mất khả năng lao động hay phải nuôi cháu tuổi ăn học thì… tôi thật không dám nghĩ tới. Một con người khổ thân không kém với khổ tâm. Không biết cuộc sống của bà thực sự như thế nào, nhưng hằn sâu trên nét mặt, tôi thấy đó những vết nhăn biết nói đã nói lên tất cả gần như những điều tôi nghĩ. Những điều đó cũng không xa gì với những lời của Trần Tế Xương khi ông viết trong Thương Vợ:

Quanh năm buôn bán ở mom sông

Nuôi đủ năm con với một chồng

Lặn lội thân cò khi quãng vắng

Eo xèo mặt nước buổi đò đông.

Đò đã cập bến, tôi bắt đầu lên bờ và tiếp tục chuyến đi của mình, còn bà thì lại khởi đầu công việc thường nhật và quen thuộc. Xe tôi chạy trước một đoạn, tôi cố ngoái lại đằng sau, thấy bà đã yên vị trên xe, chân đạp từng bước nặng nhọc để xe bắt đầu xoay những vòng xoay mang theo bao nhiêu mơ ước tốt đẹp của một người phụ nữ đã lấm bụi đời, mà niềm mơ ước thiết thực nhất là bán được hết số cá mà hôm nay bà đang chở trên chiếc xe không phụ tùng này, tà áo bà ba ngắn ngủn cũng bon chen lượn theo làn gió mát trong ánh nắng non trẻ của một ngày mới tại một vùng quê bình yên đến lạ lùng.

 

Một Dòng Sông