23/01/2016
724
Ánh chân lý trong mỗi chúng ta_Lm FX. Thượng

Buổi trưa hè oi ả miền quê nắng chang chát, chiếc Radio già rè rè những thông tin về những cuộc họp của các nhà lãnh đạo. Lại họp hành. Hừ. Rồi, qua chương trình “mỗi ngày một câu danh ngôn”, anh chàng phát thanh viên đài phát thanh địa phương quê mình cất giọng trầm ấm, cô nàng xinh xinh trong trẻo phụ họa theo sau: “Chân lý chỉ có một, nó không nằm trong tôn giáo, mà nằm trong khoa học” (Leonardo Da Vinci). Chợt tỉnh giấc mơ màng, cầm lấy “vũ khí” và vào “trận suy tư” cho chính mình, để xác tín hơn về niềm tin vào Thiên Chúa – “Chân Lý tuyệt đối”, chỉ có niềm tin vào “Chân Lý” ấy có sức cứu mình khỏi những tranh chấp tầm thường của “bậc thượng trí”. Phải, “chân lý chỉ có một”, chọn lựa sống cho chân lý cũng ác liệt như chiến tuyến.

Triết gia Plato  Aristotle cho biết “chân lý” là những ý kiến được coi là "đúng” khi nào ý kiến đó khẳng định điều gì “có” thì thực sự “có”, khẳng định “không có” thì thực sự là “không có”. Còn ý kiến sẽ “sai” khi mà nêu ra “có” nhưng thực sự “không có” hoặc nêu “không có” trong khi thực sự là “có”. Khi ý kiến “đúng” thì nó phải phù hợp với bản chất sự vật, hiện tượng của giới tự nhiên hay thực tại. Lúc đó ý kiến “đúng” sẽ được coi là chân lý. Thiết tưởng, ai cũng biết chân lý là một sự thật của loài người, đã là “chân lý” theo nghĩa chặt chẽ nhất có nghĩa điều đó luôn luôn đúng và tồn tại mãi mãi theo thời gian. “Chân lý” thật sự hữu ích cho đời khi nó giúp con người thoát khổ và bất tử khi áp dụng thực hành nó. Da Vinci có điều gì đó lầm ở đây, nhỉ?

“Chân lý” mà Leonardo Da Vinci nói trong lập luận của ông là sự nhận thức hiện thực trong bộ óc con người của ông khi va chạm với nhiều mảng sáng tối của tôn giáo và khoa học. Vì vậy, ông tin rằng chân lý sẽ phát triển trên cơ sở khoa học; còn tôn giáo là thứ chân lý “ngụy” sẽ bị đè bẹp, nhỉ? Học trò được dạy: Có những khẳng định được đúng một cách hiển nhiên, ví dụ “Toàn thể thì lớn hơn thành phần” vì biểu hiện một chân lý trực tiếp. “Chân lý hiển nhiên” khác với tiền đề phỏng đoán, hay giả định tạm thời. Phỏng đoán, giả định căn cứ trên vào các tiền đề là giả thuyết cơ sở ban đầu để suy tư tìm kiếm chân lý. Lòng say mê tìm kiếm chân lý “nguyên tuyền” là động lực trong sáng cho một quá trình suy luận, tư duy liên tục để đi đến những chân trời lập luận mới.

Với Da Vinci, khi sự vật, hiện tượng được tổng quát hóa có tính khoa học, được chứng minh và kiểm nghiệm thực tế, thể hiện tính chất phổ quát và không tìm được sự kiện trái ngược, thì ý kiến sẽ được coi là “đúng”, là chân lý. Ông chỉ tin vào “chân lý” do thí nghiệm chứ không phải do “trải nghiệm”. Vì, thí nghiệm thì có thể “chạm” tới bằng giác quan và lập luận tư duy. Thế nhưng, “trải nghiệm” thì không hoàn toàn có thể “chạm” tới được. Điều đó đôi khi rất linh thiêng và rất siêu hình. Chân lý của phòng thí nghiệm là chân lý Da Vinci theo đuổi. Thuộc về niềm tin, mang tính tôn giáo thì gắn “Chân Lý” với một Đấng Thánh. Không thể “thí nghiệm” ngài để kết luận ngài như tìm kiếm một loại hóa chất hiếm. Niềm tin tôn giáo là một quá trình “trải nghiệm” nội tâm và ngoại giới đi đến một xác tín, xác tín chân lý đó được tôi luyện thành một viên kim thạch lung linh sáng láng là niềm hy vọng được sống muôn đời. Da Vinci không tin điều đó chăng?

Trong vũ trụ có quá nhiều huyền bí kỳ ảo, còn lâu chúng ta mới dám khẳng định đâu là “chân lý” bất biến. Thực tế cho ta bài học rằng có những ý kiến vừa không thể đúng một cách hiển nhiên, vừa khó kiểm chứng bằng quan sát sự kiện được. Khinh suất phát biểu “đây thì có, đó thì không” là quá vội vàng chăng? Biết bao chuyện trong dòng lịch sử diễn luận: một “sự thật thực nghiệm” theo thói đời nhận định “biến tướng” thành “chân lý thường tồn” chỉ cần tìm kiếm sự nhất trí của một nhóm người nào đó được chỉ định hoặc các nhà chuyên môn được cho là có tín nhiệm, có kiến thức, kinh nghiệm. Chưa đi vào trong “Chân lý” của Đấng Siêu Việt của tôn giáo bằng nội tâm hay qua việc quan chiêm các công trình tự nhiên tinh vi, huyền diệu để hiểu thì không thể nói “chân lý không có trong tôn giáo”.  Ví dụ ý kiến “cô ấy là người xinh đẹp nhất” nếu được đa số đồng thuận thì có thể coi là dấu hiệu của ý kiến đó có khả năng “đúng”. Rõ ràng đây tiếp tục là một sự ngộ nhận về chân lý, khi mà liệu ý kiến “cô ấy là người xinh đẹp nhất” có tác động một cách tốt nhất đến sự phát triển chung của loài người không? Mọi chân lý đều phải hình thành dựa trên nền tảng là tính tích cực trong sự tác động của nó đối với sự phát triển chung của loài người. Chân lý duy nhất luôn luôn đúng, không có chân lý bên ngoài bản chất sự vật, hiện tượng.

Danh họa Da Vinci là tài năng hiếm có của nhân loại, ông thủ đắc nhiều biệt tài. Nhận thức của người dựa trên kinh nghiệm “nhìn, chạm, điều nghiên, đo đạc, ước lượng”. Chân lý có hình thù ra sao? Chất liệu cụ thể là gì? Có thể biến chuyển trạng thái không? Chẳng ai biết cho rõ chân lý như chính nó. Suy tư, tìm kiếm sự thật là một quá trình gian khổ nhiều cám dỗ. Nhiều khi chỉ mới tiệm cận tới chân lý từ “ngoài ngõ”của sự khôn ngoan mà cứ ngỡ bắt được chân lý trong lòng bàn tay. Mỗi lý thuyết được đưa ra ở từng thời kỳ có thể sẽ tiến được đến gần hơn tới chân lý nhưng chưa bao giờ là chân lý theo đúng nghĩa bất biến của nó. Xét ở một mức độ nào đó, một định lý, quy luật có thể gọi là “hội tụ”, hay “tiệm cận”chân lý, nhưng cũng có thể sẽ rời xa hơn mà người ta gọi là “phân kỳ”, hay “lạc hướng”.

Định kiến của nhà danh họa Da Vincin chủ quan ở chỗ: khái niệm “chân lý” của người chỉ đứng trên phương diện “thực hành thí nghiệm toán – lý – hóa – sinh”. Chân lý tồn tại với bản thể của nó sẽ không bao giờ lộ diện đầy đủ trên thực tế cuộc sống xã hội hay trong phòng thí nghiệm, hoặc ngay cả trong suy tư của nhà bác học “thông minh tính trời” để ta có thể đem “nhận thức” (lý thuyết vạn vật học) ra so sánh xem nơi nào “có” hay nơi nào “không”, nhỉ? Ngay lúc này, lập luận của ngài Da Vinci, hay tôi, hay anh, hay chị “hội tụ” hay “phân kỳ”, “lạc hướng”? Khi khoa học đưa tới suy tư “quán triệt” chỉ căn cứ trên các thí nghiệm thực hành để kiểm chứng “tính thực” với tiêu chí: “Thực nghiệm là tiêu chuẩn của chân lý”, tức là thay vì “chân lý”, người ta dùng “cái thực” trong quá trình “thực nghiệm” làm cái na ná của “chân lý”. Họ thất bại tạm thời trong việc “nắm bắt” chân lý, vì chân lý thì linh thiêng, thần thánh hơn nhiều, nó chỉ dành cho những người có đủ đức tính xứng hợp với nó. Nó chỉ tỏ mình cho kẻ chân thành, khiêm hạ và không dối lòng, không bị tác động bởi kinh nghiệm bản thân và tâm tánh cá nhân.

Nhớ khi xưa, để làm cho cả thế giới phải suy nghĩ lại về định đề: “Trái đất là trung tâm của vũ trụ”, ngài Copernicus đã tiến hành đo đạc quỹ đạo chuyển động của các hành tinh và mặt trời và nhận thấy: do “thực nghiệm” đưa đến nhận thực rằng sẽ phù hợp hơn nếu cho rằng mặt trời mới là“trung tâm”; Hay để chứng minh cho“chân lý” – “Trên trái đất, mọi vật đều rơi như nhau”, Galileo đã thực hiện thí nghiệm với các vật rơi nặng, nhẹ khác nhau trước sự chứng kiến của các thẩm phán Toà án Thành Vatican. Thế giới rất sẵn lòng đón nhận “thực nghiệm tính” hơn “siêu việt tính”. Theo tuyệt đại đa số, chỉ có “thực nghiệm tính” là có tính thuyết phục nhất thôi. Tức là ở đây, thay vì “chân lý” là cái “trừu tượng” mang tính tổng quát hóa, siêu việt hóa, người ta lựa chọn “thực nghiệm” là cái có thể “sờ mó” được làm “vật thay thế”, làm “tiêu chuẩn chân lý”. Da Vinci đánh đổi cho chân lý chiếc áo thực nghiệm, trùm lấy nó và bắt nó phải chịu. Kỳ thực, tính thánh thiêng đã biến mất, chân lý tưởng đã đăng quang, nhưng lại bị ném vào thế giới trần tục, chịu cho “thực nghiệm” phủ trùm lên nó năm giác quan, thô thiển, thô bạo. 

Chân lý là khách quan, hơn nữa rất thiêng liêng không phụ thuộc vào chủ quan của con người, nhưng“vật thay thế” nó – “thực nghiệm” lại là nhận thức chủ quan phụ thuộc chặt chẽ vào sự công nhận (biểu quyết) của số đông những người nhận là “nhà khoa học”. Chân lý với bản thể khách quan, độc lập, thiêng liêng bị đẩy ra ngoài lúc nào mà không hề hay biết. Bởi thế, chúng ta mới nghe thấy những điều tuyên bố hùng hồn tương tự như: chủ thuyết này, tư tưởng nọ là ánh sáng, và họ cũng tự nhận họ, duy nhất họ là “chủ nghĩa khoa học”. Nực cười, nhỉ?

Nhà Vật lý học người Ăng-lê là Newton đã cảnh báo: “Vật lý! Hãy cẩn trọng với siêu hình!”. Từ đây xuất hiện một vấn đề: vậy, lấy gì làm “tiêu chuẩn chân lý” khi mà cái gọi là “thực nghiệm” lại có thể không đáng tin cậy như vậy? Không lẽ phải từ bỏ nó? Không ai lại trẻ con đến mức không thấy tầm quan trọng của thí nghiệm (thực nghiệm). Thực nghiệm giúp cho tư duy cẩn trọng hơn và từng bước hoàn bị kiến thức tương đối về sự thể, thực trạng của vấn đề. Nếu ai đó “tuyệt đối hóa” quá mức tính “chân lý” của “toán – lý – hóa – sinh” sẽ khiến cho khoa học minh xác thực sự rẽ sang một lối khác: ngày càng rời xa “chân lý – khách quan” để sa chân, lún sâu trong “thực nghiệm” hay “nhận thức phòng thí nghiệm” khi “chủ quan số đông” biến dạng thành khách quan”. “Thực nghiệm”  bao giờ cũng là kết quả của việc đo đạc các thông số khác nhau của đối tượng, để qua đó nhận biết được nó là chính nó chứ không phải là một cái gì khác. “Chân lý” trong khoa học là chân lý “thước đo”, nhỉ? Thước đo “thực nghiệm”, chắc chắn cần thiết đảm bảo sự thống nhất của sự vật nhận thức và các giải pháp để đạt tới độ chính xác cần thiết.

“Chân lý” là thực tại khách quan, nó là chính nó, không thỏa hiệp với số đông vừa ra khỏi phòng thí nghiệm “tối tân” lẫn “tối mặt”. “Chân lý khoa học” của Da Vinvi phụ thuộc vào chủ quan, “chủ quan số đông”, “tổng thể hóa chủ quan” để thiết định “chân lý chỉ có một” nhưng thực ra là “nhiều cái một” cộng lại.  Thừa nhận, nhận thức con người chỉ có thể tiệm cận, phiến diện từng góc cạnh của chân lý rồi tự nhận là nắm được “chân lý” đều là chủ quan, hoàn toàn phụ thuộc vào biểu quyết của số đông. À, “bao nhiêu số đông” là vừa cho một chân lý, nhỉ? Chính vì vậy, việc đặt niềm tin thái quá vào “thường nghiệm đám đông” có thể sẽ dẫn tới nhận thức sai lầm. Vậy, cần phải đặt ra câu hỏi là: nếu “thực nghiệm” cũng có thể sai thì làm thế nào để biết rằng nó sai? Không lẽ còn có một cái gì đó khác có thể đóng vai trò là “tiêu chuẩn của chân lý”?

Theo truyền thống lâu đời của Kitô giáo, chân lý là “ánh sáng bên trong” của bản thể sự vật và hiện tượng. Chân lý là “Đấng siêu việt” bên trong mỗi con người, ở giữa loài người. Suy tư này rất giống với ý niệm “Nội tại tuyệt đối” là một ý niệm căn bản nơi tâm thức người Ðông phương. “Chân Lý” là thần ở sâu trong lương tâm con người, theo kiểu nói của Công giáo, có nghĩa là Đấng Siêu Việt chính là “chân lý sâu xa của sự vật” (ipsa produndarei veritas). Như thế, chân lý thực chỉ có trong tôn giáo. Khoa học sở đắc thuộc tính sinh vật, vật thể, chất loại nhưng tôn giáo mới có nơi mình “bản thể của vạn vật”. Sự thật về bản thể ấy chỉ tìm được nơi Đấng sáng tạo nên vạn vật. Như nhà phát minh hiểu sáng chế của mình hơn các nhà máy mua lại sáng chế ấy để chế tác theo ý mình.

Có thể quả quyết rằng mọi người có thể đạt tới chân lý chứ không chỉ “nhà khoa học” hay “triết gia” hoặc “lãnh tụ tôn giáo”. Nếu mọi người không nương dựa vào chân lý đầy hào quang ở trong lòng mình thì họ không thể tìm thấy chính họ trong thế giới siêu việt được dọn sẵn cho họ từ đời đời. Con đường đưa người ta đến “Chân Lý” luôn luôn là con đường nội tâm nhiều hơn “thực nghiệm”. Các tôn giáo  giảng dạy con đường đó. Chúng ta phải xác định rằng Đấng Thánh đã chiếu giải chân lý trong tôn giáo bởi vì chỉ có tôn giáo chỉ dạy con đường ấy.

Mệnh đề “chân lý chỉ có một” của Da Vinci chứng minh sức ảnh hưởng của nó, nhất là trong thời đại thượng tôn thực nghiệm này, nơi mọi tín đồ của khoa học. “Chân lý” mà khoa học sùng bái thực dụng quá mức đến xa rời nội tâm, xa rời bản thể mà lại huênh hoang. Leonardo Da Vinci, liệu đó có phải tên của “Chân Lý”? Câu hỏi đã có lời giải đáp.

Lm FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho