01/03/2017
483
Ai đã đốt cháy hết ngàn ngày trong lửa?­­_ Lm. FX Thượng

 

Một lưng một vốc kém chi mô,

Cho biết chanh chua khế cũng chua.

Ðã chắc bữa trưa chừa bữa tối,

Mà tham con giếc tiếc con rô.

Trăm điều đổ tội cho nhà oản,

Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa.

Khó bó cái khôn còn nói khéo,

Dầu ai có quấy vấy nên hồ.”

(Bài thơ: T Đời. x. Nguồn: Nguyễn Công Trứ - Cuộc đời và Thơ, Đoàn Tử Huyến biên soạn, tr. 16, NXB Lao Động, 2011)

Nguyễn Công Trứ (1778-1858) là một vị quan văn võ song toàn, có nhiều công trạng về phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh xã hội và cũng là một nhà nho điển hình trong nửa đầu thế kỷ XIX. Ông được ghi nhận có công lớn với triều Nguyễn dưới thời Minh Mạng, sự nghiệp rực rỡ về kinh bang tế thế. Nguyễn Công Trứ là người có tư tưởng nhân sinh đặc sắc thời phong kiến Việt Nam.

Khi đọc lại bài thơ “Trò Đời”, như khung cửa sổ nhìn ra tâm tư Nguyễn Công Trứ, phong phú, phức tạp với khuynh hướng tâm hồn hiện ra một cách mâu thuẫn. Tự ông mâu thuẫn, hay do bối cảnh xã hội đã dung hợp chi phối con người ông? Năm 1786 Nguyễn Huệ ra Bắc, năm đó Nguyễn Công Trứ là một chú bé, cho đến năm 1802, khi anh em Nguyễn Ánh thống nhất, năm đó Nguyễn Công Trứ 24 tuổi, thấy cuộc đời mình đã mở vào một con đường. Nguyễn Công Trứ đã chứng kiến bao nhiêu biến đổi. Tâm tư ông đã bị dao động giữa bao nhiêu khuynh hướng trái ngược trong một xã hội chia rẽ và loạn lạc.

Đời sống xã hội lúc ấy đầy bất ổn đưa tới nhiều chính kiến, sang đến thái độ, đến hành vi cũng bày ra lắm trái ngược, phe phái, thủ đoạn. Có người mạnh dạn cả quyết theo chiều hành động. Ngô Thì Nhậm ra đón Tây Sơn, Đặng Trần Thường cưỡi thuyền vào Nam, di thần nhà Lê đã liều mạng với lưỡi gươm Tây Sơn. Khác thế là thái độ tiêu cực đào ẩn, nhất là trong nhóm gọi là phò Lê. Có người sau vài lần thử sức với Tây Sơn thì chùn bước, như Phạm Nguyễn Du trốn lên ẩn nấp ở Thanh Chương, như Phạm Thái sống lang thang trong quán rượu bên đường, như chính thân phụ Nguyễn Công Trứ trở về cố hương dựng túp lều tranh để bảo vệ những ngày tàn, như Nguyễn Du lên núi Hồng Lĩnh săn bắn ngao du cho quên thế sự. Tấn trò đời là sân khấu lớn đi thờ trang thiêng “lợi dụng chủ nghĩa”, làm anh hùng vẫy vùng ngang dọc để thoả mãn những tham vọng cá nhân.

Thế gian tràn ngập cám dỗ và cực kỳ khó khăn để đạt được cảnh giới vô dục (không ham muốn). Để làm được như thế, con người nhất thiết phải bảo trì tâm thái tĩnh lặng như mặt nước. Tất nhiên đây không phải là cảnh giới của người thường. Tâm hồn chỉ có thể tĩnh lặng như mặt nước khi người ta vứt bỏ hết mọi bụi trần và sống với lòng biết ơn vì đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ khi một người tu luyện hiểu được các nguyên lý của vũ trụ và ý nghĩa thật sự của cuộc sống thì người đó mới có thể không còn ham muốn, chiến thắng mọi cám dỗ và giữ được tâm hồn tinh khiết.

Khi không mang theo ham muốn, nhân loại sẽ tự nhiên có được những phẩm chất cao đẹp. Không có dục vọng, con người sẽ có ý chí mạnh mẽ và trí tuệ. Không bị dục vọng chi phối, con người sẽ có thể tìm được phương hướng trong cõi mê này, luôn lý trí và sống đúng với chân ngã của mình. “Vô dục” là một cảnh giới tâm linh cao thượng mà trong đó nhân phẩm của một người sẽ giống như một cây thông: vĩnh viễn đứng thẳng trong mưa gió.

Bóng đêm lớn nhất trong tấn trò đời, theo tôi có lẽ đó là bóng dáng của dục vọng, vẫn là một thứ luôn luẩn quẩn trong kiếp nhân sinh. Có phải không, con người là hữu thể dục vọng, thê lương đang uốn mình đau đớn như con sâu bướm để bước ra khỏi đớn hèn, tranh đoạt, đua chen phù phiếm mà thành cánh bướm thăng thiên? Người đời vẫn cho rằng: “trần gian là cõi tạm” thế nhưng họ lại quằn quại tranh đấu, tư lợi để tồn tại như thể sẽ ở mãi trong đó, thời nào cũng như thời nấy. Nhân sinh, để đạt tới sự viên mãn đúng nghĩa của nó, thời phải nỗ lực về nhiều phương diện khác nhau để trở nên một con người hoàng tâm, tuệ trí thực sự. Đời sống hiện sinh bày nhiều vui thú để lôi kéo con người, bôi nhọ hoàng tâm và ảo mờ tuệ trí. Hoàn thiện kiếp đời cho đúng Thiên Mệnh, Chủ Ý phải trải qua biết bao thăng trầm trong cuộc sống, vui cũng nhiều mà đau khổ cũng không ít.

Khi họ được sinh ra trên đời, tức là đang bắt đầu nổi trôi với nhiều bất công, bạo lực, khoái lạc chờ đón. “Bóng đêm” dục vọng vẫn luôn rình rập bên cạnh từ sau tiếng khóc chào đời và luôn tìm cách để xâm chiếm cuộc nhân sinh đang manh nha. Phải thừa nhận rằng, hầu như đại phần đã không thể thoát ra được “vòng cương toả” ấy.

Dù cố gắng đến mấy, trao giồi phẩm hạnh đến mấy, dục vọng vẫn còn lẩn trốn bên trong. Người Công giáo, hay Phật tử đều nhận thấy điều đó. Tiếc cho những ai vì quá kẹt sâu trong tầm vô thường của tham vọng đã không nhận ra điều đó. Vì điều ác lẩn khuất, ngụy trang cách rất khôn ngoan trong phong thái đĩnh đạc, nho nhã hay thô lỗ tục tn. Chúng tìm cách để đánh trúng “tử huyệt” của con người.

Có câu: “Quân tử đa dục tắc tham mộ phú quý, uổng đạo tốc họa; tiểu nhân đa dục tắc đa cầu uổng dụng; bại gia tang thân.” Tư Mã Quang khuyên chúng ta không được nảy sinh dục vọng (bất tham dục), không dung túng bản thân (bất túng dục), cũng như không được đam mê dục vọng (bất thị dục). Chúng ta phải bảo trì các tiêu chuẩn đạo đức và tiến dần từ ít ham muốn đến không còn ham muốn trong khi vẫn giữ ý chí kiên cường.

Khi một người thác sinh vào thế giới này, không mang theo gì cả. Không có gì trên đời đi theo y hay được mang theo đi. Ngày nay, khó lắm khi người người ôm giữ nhiều dục vọng mạnh mẽ lại cho rằng các ham muốn ấy là bản năng gốc của nhân loại. Họ tin rằng “dục vọng là động lực trong cuộc sống”, nhưng rất ít ai chịu nghĩ sâu hơn về tác hại của việc dung dưỡng quá mức lòng tham không đáy của mình. Nguyên lai từ nhiều mặt: thức ăn, vật chất, danh vọng, lợi ích cá nhân, sắc dục và quyền lực. Nếu một người không biết cách kiềm chế dục vọng của mình, cả cuộc đời của người ấy sẽ chỉ là một quá trình liên tục theo đuổi dục vọng của mình. Chỉ bậc trí giả có tâm vô vi và ít ham muốn mới hiểu được niềm vui của sự bình dị và thỏa mãn.

Đại dương có thể dung chứa hàng trăm con sông, và hàng ngàn vách đá có thể đứng sừng sững nhờ ý chí kiên cường. Lâm Tắc Từ, tổng đốc của một tỉnh vào triều Thanh trong giai đoạn thời gian mà thuốc phiện bị cấm buôn bán, đã từng nói những điều mà mỗi khi đọc lại, tôi đều có thể cảm nhận được sự cởi mở, ý chí kiên cường, sự rộng lượng và tinh thần chính trực của ông: “Khi khiêm tốn và cởi mở thì chúng ta có thể tiếp thu nhiều ý kiến khác nhau. Khi không mưu cầu điều gì và không tranh đấu với ai, thì chúng ta cũng giống như những vách núi xuyên thấu trời xanh và đứng sừng sững một cách kiêu hãnh. Con người ta càng ít ham muốn thì tâm tư càng thoải mái. Người ta càng ít tìm kiếm thì càng trở nên mạnh mẽ. Dục vọng làm suy nhược ý chí.”

Cổ nhân có câu: “Tâm vi hình sở luy” (Tâm hồn sẽ trở thành cái mà nó dung chứa). Một người ham muốn càng nhiều thì áp lực càng nặng nề hơn. Ôm giữ càng nhiều dục vọng thì càng bị ràng buộc chặt hơn. Khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng thì con người không thể thoát ra được. Dục vọng sẽ ăn mòn ý chí, làm tha hóa lương tri và hậu quả là biến chúng ta thành nô lệ. Trên thực tế, có nhiều người đã hủy hoại sức khỏe, uy tín và nhân cách của bản thân chỉ vì ham muốn. Khi tâm của một người chứa đầy lợi ích và dục vọng cá nhân thì người ấy không thể có một nhân cách tốt hay ý chí mạnh mẽ được.

Nhân loại là sinh linh thiên tạo luôn chịu sự phân tranh tự chính nội tâm mình. Chính mình tự hại khi để ác thần có điều kiện điều khiển lương tâm và hành vi. Thiên Chúa thổi Thần Khí vào thỏi đất Ađam thì Ác Thần cũng phục kích xâm chiếm lương tri khi con người bất tuân Thiên Chúa lần đầu tiên trong vườn Eden. Quả táo Ađam là biểu tượng tham vọng, con rắn quấn lấy “cây táo cấm” ấy tượng trưng cho sức hút của dục vọng. Sức tàn phá của dục vọng có thể khiến thiên thần ở trên thiên đàng nổi loạn chống lại Chúa, và bị ném xuống hỏa ngục. Dục vọng len lõi vào linh hồn, kiến thiết sự căm thù Chúa, như Ác Thần ở địa phủ. Ma quỷ là hiện thân của tất cả sức mạnh điên loạn, tinh vi, tà ác.

Thánh Philiphê Nêri, khi còn sống, ngày nào khi thức dậy, cũng đọc lời cầu nguyện như sau: “Lạy Chúa, xin đừng tin tưởng vào con, vì ngày hôm nay, con có thể bán Chúa như Giudà và chối Chúa như Phêrô, rất dễ!”. Chính thánh Bênađô cảnh cáo các tu sĩ trong dòng mình: “Trên trần gian này, trong tu viện này, trong nội cấm này, các con vẫn luôn luôn có thể bị cám dỗ sa ngã phạm tội bởi vì ngay cả trên thiên đàng, vẫn có thể phạm tội.”

Thật may mắn cho nhân loại. Thay vì bị ném xuống hỏa ngục như Thiên Thần Lucifer và đồng đảng thì được chính Chúa Kitô bênh vực và cứu thoát. Tảng đất sét Ađam đã trở nên ghê tởm đối với Chúa Cha thì giờ nhờ được Tảng Đá Cứu Độ là Đức Kitô Giêsu che chở và cứu thoát khỏi tà ác của dục vọng. Tin vào Đá Tảng ấy “để phá huỷ công việc của ma quỷ” (x. 1 Ga 3,8)

Thánh Gioan Tông đồ viết rằng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, tôi viết cho anh em những điều này, để anh em đừng phạm tội. Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính. Chính Đức Giê-su Ki-tô là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta, không những tội lỗi chúng ta mà thôi, nhưng còn tội lỗi cả thế gian nữa” (x. 1Ga 2:1-2).  Thánh Phaolô hoàn toàn tin tưởng: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ” (x. Ph 2,10). Vì thế, để chiến thắng dục vọng – thế lực của Lucifer, để khỏi sa vào chước cám dỗ của đồng đảng ác thần, phải luôn luôn chạy đến với Chúa Kitô Giêsu, Đấng đã hoàn toàn chiến thắng Lucifer và âm binh của chúng.

Kitô hữu sống như Đức Kitô Giêsu là những con người tốt, những người muốn theo và phục vụ Người. Tuy tình yêu nồng nhiệt, sự sốt sắng có thừa mà con đường phục vụ Chúa thì không phải ai cũng hiểu là một con đường tuyệt đối không hề dễ dàng. Theo Chúa Kitô là cách để phụng sự đức công chính, nên hoàn thiện như tình trạng trước khi Ađam làm theo lời ác thần. Sống Lời Chúa là cách thức trở thành một thành phần của Đức Kitô, một chi thể làm việc tốt. Điểm thiết yếu trong đời sống Kitô giáo là bắt đầu sống với Chúa Kitô bằng chính thái độ của Người cho đến mức độ trưởng thành là sống trong Thiên Chúa, buông bỏ mọi dục vọng. Kinh nghiệm sống giữa Chúa Giêsu Kitô và Tông đồ trong các bài Tin Mừng cần phải được phát triển mỗi ngày một rộng rãi hơn, sâu đậm hơn trong chính đời sống Kitô hữu của từng cá nhân. Mỗi ngày, cần phải nhìn thấy nhiều hơn, đi sâu hơn vào nội tâm mình, điểm mặt những tham vọng, dục vọng nơi chính mình. Khi nhận thức được những đớn hèn, mới thấy cần thiết dìm mình vào trong mầu nhiệm phong phú vô cùng của nhân đức nơi tâm hồn Đức Kitô Giêsu. Kitô hữu sẽ thấy cõi trời mở rộng, và các thiên thần của Thiên Chúa lên xuống trên con người khi dục vọng được thanh lý, khi tà ác bị đánh bại. Đó là lúc mối tương quan với Thiên Chúa đã đạt được mức trưởng thành, sâu xa hơn mỗi ngày.

Lm. FX Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho