15/02/2021
2407
Đức Cha Phêrô suy niệm THỨ TƯ LỄ TRO


 














 

THỨ TƯ LỄ TRO

Ge 2,12-18; 2Cr 5,20-6,2; Mt 6,1-6,16-18  


SÁM HỐI  

 


 

Mùa Chay thánh bắt đầu bằng Thứ Tư Lễ Tro vì trong Thánh Lễ có nghi thức xức tro, diễn tả tâm tình sám hối là tâm tình chủ yếu của Mùa Chay. Sám hối là từ ngữ quen thuộc trong nhiều tôn giáo, tuy nhiên nội hàm của từ ngữ không hoàn toàn giống nhau. Các bài đọc Kinh Thánh cùng với nghi thức xức tro bày tỏ ý nghĩa của sám hối theo tầm nhìn của Kitô giáo.

 

1. Trước hết là chiều kích nội tâm của sám hối. Trong bài đọc 1, tiên tri Giôen kêu lên: “Hãy xé lòng, đừng xé áo” (Ge 2,13), còn trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy: “Khi bố thí, đừng khua chiêng đánh trống…nhưng hãy làm cách kín đáo, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm… Khi cầu nguyện, đừng làm như bọn đạo đức giả… nhưng hãy vào phòng, đóng cửa lại và cầu nguyện cùng Cha, Đấng hiện diện nơi bí ẩn…Khi ăn chay, đừng làm bộ rầu rĩ… nhưng hãy rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay, ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi bí ẩn” (Mt 6, 1-18).

 

Rõ ràng Lời Chúa nhấn mạnh sám hối như một thái độ nội tâm hơn là cử chỉ bên ngoài. Con người là tinh thần nhập thể trong một thân xác, vì thế thái độ tâm hồn được diễn đạt qua cử chỉ bên ngoài, tuy nhiên nếu chỉ có cử chỉ bên ngoài mà thiếu thái độ nội tâm tương xứng, thì chúng ta có nguy cơ trở thành kẻ giả hình! Xức tro là cử chỉ bên ngoài mà mỗi tín hữu thấy được, nghe được, chạm vào được, nhưng nếu không có lòng ăn năn sám hối chân thành, những cử chỉ ấy chỉ là đạo đức giả như Chúa Giêsu lên án.

 

2. Thứ đến, sám hối trong Kitô giáo còn mang chiều kích cộng đoàn. Hôm nay, mỗi người trong nhà thờ tiến lên để được xức tro, đồng thời tất cả mọi người trong nhà thờ đều được xức tro. Hôm nay, không chỉ Nhà thờ chính tòa Mỹ Tho mới xức tro nhưng tất cả các nhà thờ trong Giáo phận, hơn nữa tất cả mọi nhà thờ trên toàn thế giới đều cử hành nghi thức xức tro. Và trong Lời nguyện nhập lễ, Hội Thánh thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, ngày hôm nay, tất cả chúng con ăn chay hãm mình để bước vào mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng”. ‘Tất cả chúng con’ chứ không phải ‘một mình con’.

 

Ghi nhận trên muốn nói lên rằng sám hối là hành vi cá nhân, đồng thời là hành vi mang tính cộng đoàn Hội Thánh. Sở dĩ như thế là vì khi chịu Phép Rửa Tội, chúng ta trở nên những chi thể trong Thân Thể duy nhất của Chúa Kitô, vì vậy chúng ta liên đới với nhau trong tội lỗi cũng như trong ân phúc. Phạm tội là hành vi của cá nhân nhưng đồng thời ảnh hưởng đến toàn thể Hội Thánh, làm mất đi vẻ đẹp và làm tổn thương sức sống của Hội Thánh. Vì thế sám hối không chỉ là hành vi của cá nhân nhưng còn là hành vi của cả cộng đoàn Hội Thánh.

 

3. Sau cùng, sám hối trong Kitô giáo còn mang chiều kích cánh chung. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy: “Khi bố thí, đừng để tay trái biết việc tay phải làm…và Cha của anh sẽ trả lại cho anh…Khi cầu nguyện, hãy cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi bí ẩn, và Cha của anh, Đấng ngự nơi bí ẩn, sẽ trả lại cho anh… Khi ăn chay, đừng để ai thấy là anh ăn chay…và Cha của anh, Đấng ngự nơi bí ẩn sẽ trả lại cho anh”. “Sẽ trả lại” là động từ ở thì tương lai, và tương lai này không chỉ là một ngày, một năm sắp tới nhưng là tương lai cánh chung, sau cuộc sống trần thế này.

 

Cũng thế, khi xức tro trên đầu mỗi người, thừa tác viên nói: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, hoặc “Hãy nhớ mình là bụi tro và sẽ trở về bụi tro”. “Sẽ về với bụi tro” cũng là động từ ở thì tương lai, là lời nhắc nhở về tương lai cánh chung, khi chúng ta lìa bỏ cuộc sống trần thế, cũng là lúc Thiên Chúa trả lại cho mỗi người những gì xứng với việc họ làm. Vì thế, chính ý thức cánh chung thúc đẩy chúng ta sám hối để khi ra trước tòa Chúa, sẽ không phải ân hận vì đã cố chấp trong tội lỗi và phải nhận lãnh án phạt muôn đời.

 

Với sự hiểu biết trên, hãy cùng với Hội Thánh cử hành nghi thức xức tro để diễn tả lòng sám hối chân thành của mình, và cố gắng sống tinh thần sám hối trong Mùa Chay, để thanh luyện bản thân, góp phần xây dựng cộng đoàn Hội Thánh trong hiện tại, và hướng tới Nước Trời vĩnh cửu trong tương lai.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm