16/04/2022
5756
Đức Cha Phêrô suy niệm Lễ Vọng Phục Sinh năm C 2022


 














 


CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Cv 10,34a.3-43; Cl 3,1-4; Ga 20,1-9  



 

Không ít người trân trọng và yêu mến Đức Giêsu khi đọc Kinh Thánh nhưng lại không thể chấp nhận rằng Ngài đã sống lại từ cõi chết. Họ cho rằng câu chuyện Phục Sinh chỉ là chuyện thần thoại mang ý nghĩa biểu tượng chứ không phải là thực tại lịch sử! Với các Kitô hữu thì khác, Phục sinh vừa là thực tại lịch sử vừa là thực tại siêu nhiên và là nền tảng của niềm tin Kitô.

1.Đức Kitô phục sinh xoay chuyển cuộc đời các tông đồ

Sách Công Vụ trình bày hình ảnh thánh Phêrô mạnh dạn và dõng dạc loan báo, làm chứng về Chúa Giêsu cho mọi người: “Chúng tôi xin làm chứng về mọi việc Người đã làm trong cả vùng dân Do Thái và tại chính Giêrusalem. Họ đã treo Người lên cây gỗ mà giết đi. Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,39-41). Phêrô ấy cũng sẵn sàng làm chứng cho lời rao giảng bằng chính mạng sống của mình. Đây là hình ảnh hoàn toàn trái ngược với hình ảnh một Phêrô yếu đuối, sợ hãi đến độ chối Thầy trước kia. Điều gì đã làm nên sự thay đổi ấy nếu không phải là sự phục sinh của Chúa?

Có người giải thích việc các Tông đồ tin rằng Chúa sống lại chỉ là ảo tưởng tập thể. Họ lập luận rằng các môn đệ vì quá nhớ Thầy Giêsu nên tưởng tượng ra Thầy hiện đến với mình lúc này lúc khác, cuối cùng tin rằng Thầy đã sống lại từ cõi chết! Lập luận ấy không phù hợp với những gì Phúc Âm kể lại: các Tông đồ không phải là những người dễ tin. Ngay cả nhóm phụ nữ ra mồ, không thấy xác Chúa, thì ý nghĩ đầu tiên của họ không phải là “Chúa đã sống lại”, nhưng là “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, và chúng tôi không biết họ để Người ở đâu” (Ga 20,2). Thánh Luca còn kể thêm là khi các bà chạy về báo tin cho các Tông đồ biết thì “các ông cho là chuyện vớ vẩn nên chẳng tin” (Lc 24,8). Thế nên không phải đức tin của các tông đồ đã tạo ra sự Phục sinh, nhưng chính sự Phục sinh đã tạo ra đức tin nơi các tông đồ.

2. Biến cố Phục sinh của Đức Kitô đã khơi nguồn lịch sử Kitô giáo

Biến cố Đức Kitô sống lại từ cõi chết không những đã làm xoay chuyển cuộc đời các Tông đồ, mà còn khơi nguồn lịch sử Đạo Kitô. Một học giả Kinh Thánh đã trình bày cách sâu sắc và mạnh mẽ về điều này: “Toàn bộ Cựu Ước được cắm neo nơi biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Israel, là cuộc giải phóng dân Do Thái khỏi ách nô lệ Ai Cập, biến cố được gọi là Xuất Hành. Mọi lời trong Cựu Ước đều được viết ra sau Xuất hành, viết trong ánh sáng của cuộc xuất hành và nếu không có cuộc xuất hành thì có lẽ đã không được viết ra, bởi lẽ sẽ không có dân tuyển chọn để viết cho họ”. Sau đó ông nói tiếp:

“Tương tự như thế, toàn bộ Tân Ước cắm neo nơi cuộc xuất hành thứ hai và mang tính quyết định, là sự chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Mọi lời trong Tân Ước đều được viết ra sau Phục Sinh, viết trong ánh sáng Phục Sinh, và chắc chắn là đã không được viết ra nếu không có sự Phục Sinh. Bởi lẽ tại sao phải ghi lại đời sống và lời nói của một người mà kết cục cho thấy chỉ là một nhà lãnh đạo sai lầm? Thánh Phaolô hiểu rất rõ điều này khi ngài nói: “Nếu Đức Kitô không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi rỗng tuếch, và đức tin của anh em cũng rỗng tuếch” (1Cr 15,14). (G. Ernest Wright, God Who Acts: Biblical Theology as Recital, 40).

3. Biến cố Phục sinh của Đức Kitô khơi nguồn đời sống thiêng liêng

“Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Lời mời gọi “hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” gắn với xác định về thượng giới là “nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa”. Cho nên “tìm kiếm những gì thuộc thượng giới” không có nghĩa là suốt ngày nhìn lên trời theo nghĩa vật lý, hoặc chỉ quan tâm đến chuyện trên trời mà lãng quên việc xây dựng thực tại trần thế, nhưng là nhìn nhận Đức Kitô Phục sinh là chủ cuộc đời chúng ta, để trong mọi sự, chúng ta suy nghĩ và hành động trong ánh sáng của Ngài.

Đức Bênêđictô XVI gợi ý Phục sinh như một “bước nhảy tiến hóa – evolutionary leap”, một sự sống mới, chiều kích mới. Bước nhảy tiến hóa ấy có thể thấy được nơi cuộc sống của các Tông đồ, những chứng nhân của Đức Kitô Phục sinh, và bước nhảy ấy cũng tiềm tàng nơi tất cả những ai mang danh Kitô hữu.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm