22/06/2022
9914
Đức Cha Phêrô suy niệm: lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu năm C 2022


 














 


LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Ed 34,11-16; Rm 5,5b-11; Lc 15,3-7  

 

 

1. Bài Tin Mừng trong lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu (năm C) là dụ ngôn Tìm chiên lạc, và dụ ngôn này làm đảo lộn hoàn toàn cách nhìn của nhiều người về Thiên Chúa. Bởi lẽ khi nói đến tôn giáo, người ta hay nói đến việc con người kiếm tìm Thiên Chúa mà quên rằng chính Thiên Chúa tìm kiếm con người trước. Cũng thế, nhiều người thường hình dung Thiên Chúa như vị thần xa lánh và thích trừng phạt kẻ tội lỗi, đang khi Chúa Giêsu lại khẳng định: “Tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7). Thánh Phaolô còn khẳng định mạnh mẽ hơn trong bài đọc 2: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những kẻ tội lỗi: đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

2. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có chấp nhận để cho Chúa tìm không? Chương 15 trong Tin Mừng Luca trình bày những dụ ngôn về lòng thương xót: Tìm chiên lạc (15,4-7); Tìm đồng bạc bị mất (15,8-10); Người cha nhân hậu (15,11-32). Vấn đề là con chiên đi lạc, người chăn chiên tìm lại được, không những người chăn chiên vui mà cả con chiên cũng vui! Đồng bạc bị mất, nó nằm yên chỗ nào đó, người phụ nữ thắp đèn và quét nhà để tìm, đồng bạc vẫn nằm yên đó, chỉ đợi chủ nhà quét trúng! Còn con người thì sao? Chúa đi tìm và khi thấy Chúa đến thì con người chạy trốn tiếp! Chúa quét nhà để tìm nhưng khi cây chổi sắp chạm đến thì con người lách ra chỗ khác! Câu hỏi vẫn còn đó: chúng ta có chấp nhận để cho Chúa tìm không?

Câu hỏi này cần được đặt ra khi mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu. Ngày lễ này khởi đi từ thị kiến của nữ tu người Pháp, Maria Magarita Alacoque. Vào tháng 6 năm 1675, đang khi chiêm ngắm Thánh Thể, chị thấy Chúa Giêsu hiện ra và chỉ cho chị xem Trái tim của Ngài. Sứ điệp Chúa trao cho chị rất rõ ràng: “Đây là Trái tim đã yêu thương loài người quá bội…nhưng chỉ được đáp lại bằng sự vô ơn”. Rồi Chúa yêu cầu chị dành Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa để tôn vinh Thánh Tâm Chúa. Đức Clêmentê XIII (1758 – 1769) cho phép dòng Thánh Tâm mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, và đến năm 1856, Đức Piô IX thiết lập lễ Thánh Tâm và cho phép cử hành trọng thể trong toàn Hội Thánh.

Nữ tu Alacoque nhấn mạnh rằng ở tâm điểm của việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa là tình yêu vị tha và hi sinh của Chúa Kitô dành cho hết mọi người, và tôn sùng Thánh Tâm là để khám phá tình yêu ấy. Nhưng tại sao con người không đáp lại? Vì tình yêu của Chúa mời gọi sám hối, thay lối đổi đường. Hãy chiêm ngắm chính Chúa Giêsu trong câu chuyện Người phụ nữ ngoại tình (Ga 8,1-11). Ngài cứu chị khỏi án xử độc ác của người đời và nhẹ nhàng nói với chị: “Tôi không lên án chị đâu”; đồng thời Ngài nói thêm: “Thôi, chị về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa không nói, “Về đi và cứ tiếp tục như cũ”, nhưng là “Về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Tình yêu Thiên Chúa là tình yêu tha thứ, đồng thời là tình yêu mời gọi sám hối.

3. Từ đó, khi đến với Thánh Tâm Chúa, mỗi Kitô hữu nên tự hỏi: Có khi nào chúng ta nại vào tình yêu của Chúa để ở lì trong tội lỗi không? Có khi nào chúng ta nhân danh lòng thương xót của Chúa mà khước từ sám hối? Cần nhớ lại lời của thánh Gioan Phaolô II: “Ai cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa thì cuộc đời người ấy sẽ là sự sám hối liên lỉ”.

Ngoài ra, đây cũng là dịp để những người có trách nhiệm mục vụ tự hỏi: Thế nào là mục vụ thương xót? Liệu có nguy cơ nhân danh lòng thương xót và sự đồng cảm để câm lặng trước tội lỗi không? Theo bài đọc 1 trích từ sách Ezekiel, làm mục vụ theo lòng thương xót là tìm kiếm chiên lạc, băng bó những chiên bị thương, chữa lành chiên bệnh, canh giữ chiên khỏe mạnh (Ed 34,16), đồng thời giúp chiên theo đường công chính: “Ta sẽ chăn dắt chúng theo sự công chính” (Ed 34,16). Chúa chăn dắt đoàn chiên Chúa theo sự công chính chứ không phải theo đàng tội lỗi. Mục vụ thương xót không chỉ là an ủi, nâng đỡ, nhưng còn là giúp nhau sống trong sự công chính, và đây là trách nhiệm lớn lao của các mục tử. Vì thế, ở một nơi khác, cũng trong sách Ezekiel, Chúa phán: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng ‘chắc chắn ngươi sẽ phải chết’, và nếu ngươi không báo cho kẻ gian ác đó biết, không nói để cảnh cáo nó từ bỏ lối sống xấu xa, để nó được sống, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội lỗi của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó” (Ed 3,18). Giúp nhau sống theo sự thật của Tin Mừng mới là mục vụ thương xót đích thực. “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin uốn lòng chúng con nên giống Trái tim Chúa”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm