24/12/2021
12736
Đức Cha Phêrô suy niệm lễ Thánh Gia Thất năm C 2021


 














 


 

LỄ THÁNH GIA THẤT

1Sm 1,20-22.24-28; 1Ga 3,1-2.21-24; Lc 2,41-52  

  


 

Từ lâu trong lịch sử, các tín hữu đã dành sự quý trọng đặc biệt đối với Thánh Gia thất Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse; tuy nhiên ngày lễ này chỉ được chính thức đưa vào lịch phụng vụ của Hội Thánh vào năm 1921, dưới triều Đức Giáo hoàng Bênêđitô XV, với mục đích giới thiệu Thánh Gia như mô hình mẫu cho các gia đình Công giáo. Vậy, bài Tin Mừng Luca 2,41-52 nói gì về Thánh Gia?

1. Gia đình Nazarét là gia đình gắn bó với Thiên Chúa. Thánh Luca kể: “Hằng năm, cha mẹ Chúa Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”. Trong sinh hoạt tôn giáo của người Do Thái lúc ấy, mỗi năm có ba cuộc hành hương vào ba ngày lễ lớn là Lễ Lều, Lễ Vượt Qua, Lễ Ngũ Tuần; trong đó hành hương dịp lễ Vượt Qua là quan trọng nhất. Hành trình từ Nazarét đến Giêrusalem là 104 km, nếu đi xe như ngày nay thì mất khoảng 2 tiếng, nhưng đi bộ lại là chuyện khác! Và gia đình Nazarét không chỉ đi một lần nhưng là “hằng năm”. Tất cả đều cho thấy một gia đình đạo đức, đặt Thiên Chúa trên hết và quy hướng mọi sự về Chúa.

Gia đình Công giáo cũng được mời gọi sống tinh thần đó và cách thể hiện vừa đơn giản vừa cần thiết là cầu nguyện trong gia đình: “Cầu nguyện trong gia đình là phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố niềm tin phục sinh. Gia đình có thể dành vài phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cho một ai đó đang gặp khó khăn, xin Ngài trợ giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về cuộc sống và bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với những lời đơn sơ như thế, giờ cầu nguyện này có thể đem lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình” (Amoris laetitia, 318).

2. Gia đình Nazarét là gia đình gắn bó với nhau. Trong câu chuyện trẩy hội lên đền Giêrusalem, nhiều lần thánh Luca dùng cụm từ “cùng nhau, với nhau”: “Cả gia đình cùng lên đền”; “Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giêrusalem mà tìm”; “Người cùng với cha mẹ trở về Nazarét”. “Cùng nhau, với nhau” diễn tả tình yêu thương, sự gắn kết, lo lắng cho nhau. Hãy nghe lại lời Đức Mẹ nói với trẻ Giêsu khi tìm thấy con trong đền thờ: “Con ơi, sao con lại làm cho cha mẹ như thế. Con không thấy cha con và mẹ phải cực lòng tìm con sao”. Rõ là một lời trách móc nhưng nghe cảm động biết bao vì ở đó chất chứa tất cả tình thương yêu, lo lắng, chăm sóc cho nhau.

Cũng vậy gia đình Công giáo lý tưởng phải là gia đình trong đó mọi người yêu thương nhau, chăm sóc cho nhau và tha thứ cho nhau. Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, “Tình yêu gia đình được cấu thành từ hằng ngàn cử chỉ thực tế và cụ thể… Trong gia đình, có ba từ cần được nói lên là “Làm ơn”, “Cảm ơn” và “Xin lỗi”. Ba tiếng thật thiết yếu. Khi trong gia đình, người ta không cậy quyền và biết nói: “Làm ơn”…; người ta không ích kỷ và học nói “Cảm ơn”; và khi có người nhận ra mình đã làm điều gì sai trái mà biết nói “Xin lỗi”, thì trong gia đình ấy sẽ có bình an và niềm vui” (AL 315, 133).

3. Gia đình Nazarét là trường học đầu tiên của trẻ Giêsu. Ở phần kết câu chuyện Tin Mừng, thánh Luca viết: Trẻ Giêsu “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Nazarét và hằng vâng phục các ngài… Trẻ Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta” (2,51-52). Chính trong ngôi nhà Nazarét ấy, Con Thiên Chúa học làm người. Có những giai thoại trong các mạo thư kể về những phép lạ Chúa làm trong tuổi ấu thơ, hàm chứa trong đó là sự phủ nhận nhân tính thực sự nơi Chúa Giêsu, vì Ngài chẳng cần học hành gì cũng biết hết mọi sự! Thực ra Thiên Chúa làm người là nên giống chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi, nên Ngài cũng phải học, “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Và nền giáo dục Ngài lãnh nhận được từ cha mẹ là nền giáo dục toàn diện, làm cho Ngài thêm khôn ngoan (trí dục), thêm cao lớn (thể dục), thêm ân nghĩa trước mặt Thiên Chúa (thiêng liêng) và trước mặt người ta (nhân bản).

Là các bậc cha mẹ Công giáo, chúng ta giáo dục con cái thế nào? Nền giáo dục toàn diện hay chỉ có một chiều kích? Giáo dục bằng cách nào, bằng lý thuyết hay gương sáng? Hội Thánh nhắc nhở các bậc phụ huynh rằng: “Gia đình là trường học đầu tiên dạy các giá trị nhân bản….Gia đình là môi trường đầu tiên của việc hòa nhập xã hội… Dù cha mẹ cần đến trường học để bảo đảm cho con cái mình có được một nền giáo dục cơ bản, nhưng họ không bao giờ có thể khoán trắng cho một ai khác việc huấn luyện đạo đức cho con cái…. Nhiệm vụ của cha mẹ bao gồm cả việc giáo dục ý chí và phát triển những thói quen cũng như những khuynh hướng tình cảm hướng thiện cho con cái” (Amoris laetitia 263, 264, 274, 276).

Đức Thánh Cha Phanxicô đã kết thúc Tông huấn Amoris laetitia bằng một lời cầu nguyện. Thiết nghĩ lời cầu nguyện ấy cần được các gia đình Công giáo đọc lên trong nhà mình mỗi ngày, không chỉ như lời kinh dâng lên Chúa, mà còn là lời nhắc nhở cả gia đình về hướng sống phải theo.

 

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse,

nơi các ngài chúng con chiêm ngắm vẻ rạng ngời của tình yêu đích thực;

chúng con tin tưởng phó thác nơi các ngài.

 

Lạy Thánh Gia Nazarét, xin làm cho gia đình chúng con

trở thành nhà của hiệp thông và cầu nguyện,

thành trường học đích thực của Tin Mừng, và thành Hội Thánh tại gia.

 

Lạy Thánh Gia Nazarét, xin đừng để gia đình chúng con

xảy ra bạo lực, khép lòng và chia rẽ;

xin cho tất cả những ai bị tổn thương hay bị xúc phạm,

mau tìm được sự an ủi và chữa lành.

 

Lạy Thánh Gia Nazarét, xin giúp mọi người chúng con,

ý thức về tính thánh thiêng, sự bất khả xâm phạm,

và vẻ đẹp của gia đình trong chương trình của Thiên Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse,

Xin đoái nghe và nhận lời chúng con cầu khẩn. Amen.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm