
LỄ THÁNH GIA THẤT
St 15,1-6; 21,1-3; Cl 3,12-21; Lc 2,22-40
ĐỀN THỜ GIA ĐÌNH
1. Cũng như bao gia đình Do Thái đạo đức khác, Đền thờ Giêrusalem đóng vai trò quan trọng trong đời sống Thánh gia thất như Tin Mừng thánh Luca kể lại: Đức Maria và Thánh Giuse đem con lên Đền thờ để tiến dâng cho Chúa theo luật định (Lc 2,22); hằng năm cả gia đình hành hương lên Đền thánh (Lc 2,42), có lần Đức Maria và Thánh Giuse nong nả tìm trẻ Giêsu đi lạc và cuối cùng tìm thấy con trong Đền thờ (Lc 2,46).
Trong cuộc sống công khai, Đền thờ Giêrusalem và các hội đường cũng là nơi Chúa Giêsu giảng dạy dân chúng (x. Ga 18,20). Cũng tại Đền thờ ấy, Ngài đã xua đuổi con buôn ra ngoài và tuyên bố: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán” (Ga 3,16), và mạnh mẽ hơn nữa: “Cứ phá hủy Đền thờ này đi, trong ba ngày, Ta sẽ xây lại” (Ga 3,19). Khi kể lại lời tuyên bố này, thánh Gioan nói thêm: “Đền thờ Chúa Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài” (Ga 3,21).
Như thế, Thánh Gia thất tại Nazarét chính là đền thờ của Chúa vì Chúa Giêsu – Ngôi Lời nhập thể, đang hiện diện ở đó và có mặt trong mọi sinh hoạt, biến cố lớn nhỏ của gia đình. Dĩ nhiên về mặt lịch sử, chỉ có Thánh Gia thất mới thực sự là Đền thờ của Thiên Chúa hằng sống, tuy nhiên theo nghĩa thiêng liêng, mỗi gia đình Công giáo cũng có thể là đền thờ của Chúa, và đó là ơn gọi rất cao quý.
2. Tại sao gia đình Công giáo được gọi là đền thờ của Chúa, và phải làm gì để xứng đáng với danh hiệu ấy? Trong bài đọc 2 trích thư Colôssê, thánh Phaolô đưa ra những gợi ý và chỉ dẫn rất cụ thể.
Gia đình là đền thờ của Chúa vì Thiên Chúa hiện diện ở đó và mọi người có thể gặp gỡ Ngài, nhất là khi cả nhà tụ họp trước bàn thờ Chúa để đọc kinh cầu nguyện: “Hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi, thánh ca do Thần Khí linh hứng” (Cl 3,16).
Gia đình là đền thờ Thiên Chúa vì là nơi Lời Chúa được loan báo để hướng dẫn mọi người: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan” (Cl 3,16).
Gia đình là đền thờ Thiên Chúa vì là nơi thể hiện đời sống theo luật Phúc Âm, luật yêu thương: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, hiến thánh và yêu thương. Vì thế anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau nếu người này có điều gì phải trách móc người kia… Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái, là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14).
Khi gia đình sống đúng ý nghĩa và ơn gọi là đền thờ Thiên Chúa thì sự bình an và niềm vui sẽ thấm đẫm đời sống gia đình, niềm vui sâu lắng và bền bỉ.
3. Ngày nay chúng ta đang chứng kiến một thực trạng đáng buồn của nhiều gia đình: bất hòa, bạo lực, đổ vỡ, ly hôn… đều có xu hướng gia tăng. Từ quan điểm xã hội học, các chuyên gia đưa ra những con số thống kê và phân tích các nguyên nhân về kinh tế, môi trường, xã hội… Thiết nghĩ từ quan điểm đức tin, phải nói đến nguyên nhân sâu xa nhất là gia đình không còn là đền thờ của Thiên Chúa nữa. Gia đình không còn là đền thờ Thiên Chúa vì không phải Thiên Chúa nhưng một ngẫu tượng khác (tiền bạc, khoái lạc) đang thống trị gia đình. Gia đình không còn là đền thờ Thiên Chúa vì trong gia đình, mọi người không đối xử với nhau bằng bằng luật yêu thương, nhưng bằng những tính toán kiêu căng và ích kỷ. Vì thế niềm vui và bình an của Chúa không đến được, thay vào đó là chia rẽ, hận thù, oán ghét, bất hòa, bạo lực, và những hậu quả tai hại khác.
Mừng lễ Thánh Gia thất là cơ hội để các gia đình Công giáo chiêm ngắm, suy niệm và cầu nguyện cho chính gia đình bé nhỏ của mình trở thành đền thờ Thiên Chúa hằng sống. Khi Thiên Chúa được nhìn nhận và vinh danh thì bình an và niềm vui cũng đến cho gia đình, và qua gia đình, cho toàn xã hội.
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm