
CHÚA HIỂN LINH
Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12
Câu chuyện ba đạo sĩ từ Phương Đông tìm đến Bêlem thờ lạy Hài Nhi Giêsu là câu chuyện thật đẹp và không thể thiếu vắng trong mùa Giáng Sinh, được cụ thể hóa bằng hình tượng ba vua trong hang đá Giáng Sinh. Thế nhưng liệu câu chuyện này có thật chăng, hay chỉ là sáng tác riêng của thánh Matthêu? Theo Đức Bênêđictô XVI, thánh Matthêu đã kể lại một câu chuyện hoàn toàn có thật trong lịch sử, tuy nhiên lịch sử đó được suy tư và giải thích theo tầm nhìn thần học của ngài, nhờ đó người đọc hiểu sâu hơn về mầu nhiệm Chúa Giêsu (x. Đức Giêsu Nazarét, Trình thuật thời thơ ấu). Chúng ta có thể học được điều gì từ trình thuật quen thuộc này?
1. Hiển Linh là Thiên Chúa tỏ mình và Ngài tỏ mình cho nhân loại bằng nhiều cách. Trước hết là qua công trình tạo dựng: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 1,2). Ngôi sao Bêlem và cả vũ trụ mênh mông này là công trình tạo dựng của Thiên Chúa, qua đó con người có thể nhận biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Ngài, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể thấy được qua công trình của Ngài” (Rm 1,20).
Kế đến, Thiên Chúa tỏ mình qua Kinh Thánh. Khi được hỏi vị vua mới sinh của Do Thái ở đâu, các Kinh sư đã trích dẫn Kinh Thánh: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách Tiên tri có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđê, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2,5). Chúng ta có thể nhận biết Thiên Chúa hiện hữu và những phẩm tính của Ngài, nhưng làm sao biết được thánh ý, kế hoạch, dự định của Ngài? Chính Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta và những mặc khải ấy được ghi lại trong Kinh Thánh. Kinh Thánh là sách ghi Lời Thiên Chúa.
Đỉnh cao của mặc khải là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời nhập thể: “Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại…Họ sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2,9-11). Từ các hiện tượng thiên nhiên, ba đạo sĩ được dẫn tới Kinh Thánh, và Kinh Thánh lại đưa họ đến với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là đỉnh cao của mặc khải như thư Do Thái viết: “Thưở xưa nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Ngài” (Dt 1,1-2); và thánh Gioan khẳng định: “Chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ, nhưng Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Ngài đã tỏ cho chúng ta biết” (Ga 1,18).
2. Chúa Giêsu là đỉnh cao của chân lý mặc khải, tuy nhiên những khẳng định đó mới chỉ ở trên bình diện lý thuyết, còn trong thực tế, chúng ta đón nhận Chúa như thế nào? Bài Tin Mừng ghi nhận ít nhất ba thái độ khác nhau.
Thứ nhất là ba đạo sĩ, tượng trưng cho những người thành tâm và tha thiết tìm kiếm Chúa là chân lý tuyệt đối. Để tìm kiếm Chúa, họ chấp nhận từ bỏ đời sống ổn định và sung túc đang có để bước vào hành trình xa xôi, gian khổ, đầy nguy hiểm. Thứ hai là Hêrôđê, đại diện cho những người kiêu căng, ích kỷ, gian trá. Hêrôđê xuất hiện như một người tha thiết tìm kiếm chân lý, triệu tập các thượng tế và kinh sư lại để hỏi về nơi vị vua mới sinh ở đâu, rồi căn dặn các đạo sĩ trở về báo cho vua biết để vua đến thờ lạy. Nhưng thực ra bên trong ông lại là toan tính hủy diệt vị vua mới sinh, sẵn sàng hủy diệt bao trẻ thơ vô tội để giữ chắc ngai vàng quyền lực của mình. Thứ ba là các thượng tế và kinh sư, hình ảnh của những người tự cho mình là thông thái và hiểu biết nhiều nhưng lại không sống điều mình biết. Họ giỏi Kinh Thánh, có thể chỉ đường cho người khác nhưng bản thân lại không lên đường vì ngại gian khó.
3. Ngày nay vẫn thế. Có những người ngoại đạo nhưng đang thành tâm tìm kiếm Chúa và cố gắng ăn ở ngay lành theo tiếng lương tâm. Ngược lại, có những Kitô hữu thông thạo Lời Chúa và Giáo lý, nhưng lại không sống theo Lời Chúa dạy vì Lời Chúa đòi hỏi nhiều hi sinh, từ bỏ. Lại có cả những Kitô hữu đang hủy diệt mầm sống Giêsu, coi thường tiếng lương tâm cũng như giáo huấn của Chúa và Hội Thánh, chỉ chạy theo dục vọng và sở thích riêng mình. Câu chuyện ba đạo sĩ tìm đến Bêlem để thờ lạy Hài Nhi Giêsu không chỉ là áng văn hay, nhưng trở thành lời chất vấn mỗi Kitô hữu về thái độ sống đức tin của mình, đồng thời mời gọi mỗi người hãy cùng với ba đạo sĩ tin nhận Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Chủ đời sống của mình. Chỉ nơi ông chủ đó, chúng ta mới có sự thật trọn vẹn và sự sống dồi dào: “Quả thế, Lề luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật thì nhờ Đức Giêsu Kitô mà có” (Ga 1,17).
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm