04/10/2021
6103
Đức Cha Phêrô suy niệm Đức Mẹ Mân Côi 07/10


 





















 

 


THÁNH GIOAN PHAOLÔ II VÀ CHUỖI MÂN CÔI

  

  

 

Ngày 13/5/1981, cả thế giới bàng hoàng khi nghe tin Đức Gioan Phaolô II bị ám sát tại quảng trường thánh Phêrô. Mehmet Ali Agca, người Thổ nhĩ kỳ, đã bắn bốn phát, hai trong bốn viên đạn đã trúng đích nhắm là Đức Giáo hoàng, nguy hiểm nhất là viên đạn bắn vào vùng ngực, cách tim trong gang tấc, nhưng ngài may mắn thoát chết. Sau này ngài mô tả: “Bàn tay một ai đó đã bắn tôi, nhưng có Bàn tay khác đã điều chỉnh viên đạn”.

Ít năm sau, Đức Gioan Phaolô II đã gửi viên đạn đến Fatima và vị giám mục sở tại đã cho gắn viên đạn vào vương miện của Đức Mẹ. Khách hành hương đến viếng Đức Mẹ đều có thể thấy viên đạn như chứng tích về sự bảo vệ Đức Mẹ dành cho Đức Giáo hoàng và cho Giáo Hội.

Nối kết hai sự kiện đó lại, chúng ta sẽ thấy sự tin tưởng và lòng yêu mến của Đức Gioan Phaolô II với Đức Mẹ.

Lòng yêu mến ấy đã được nuôi dưỡng từ thưở thiếu thời như chính ngài kể lại: cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong nhà thờ giáo xứ ở Wadowice, những cuộc hành hương đến Đền thánh Đức Mẹ ở Kalwaria, sau đó là Đền thánh quốc gia ở Jasna Gora tôn kính Đức Mẹ Đen được coi như Nữ vương của Ba Lan (x. Entrez dans l’espérance, 308).

Lòng yêu mến ấy được thể hiện rõ nét trong khẩu hiệu giám mục của ngài “Totus Tuus” (Tất cả thuộc về Mẹ), và Đức Gioan Phaolô II giải thích châm ngôn đó không chỉ là câu nói đạo đức nhưng diễn tả niềm tin sâu xa của Công giáo: “Nhờ thánh Louis-Marie Grignion de Monfort, tôi hiểu rằng lòng sùng kính đích thực đối với Mẹ Thiên Chúa là lòng sùng kính tập trung vào Chúa Kitô, cắm rễ sâu trong mầu nhiệm Ba Ngôi, mầu nhiệm Nhập Thể và Cứu Độ” (Ibid., 307).

Lòng yêu mến ấy liên kết chặt chẽ với mệnh lệnh của Đức Mẹ tại Fatima là “siêng năng lần hạt Mân Côi”. Ngài lý giải về sự kiện Fatima: “Phải nói gì về ba trẻ ở Fatima, ngay trước biến cố tháng 10 năm 1917, bất ngờ nghe Đức Trinh Nữ Maria nói: ‘Nước Nga sẽ trở lại’ và ‘Trái tim Mẹ sẽ thắng’? Những đứa trẻ này không thể tự sáng chế ra những lời tiên đoán đó. Các em đâu biết gì nhiều về lịch sử và địa lý, lại càng không biết gì về những phong trào xã hội và sự phát triển của các ý thức hệ. Thế nhưng tất cả những gì các em loan báo đã được thực hiện” (Ibid., 203).

Rồi sự kiện ngài bị ám sát lúc 5g13’ ngày 13/5/1981 lại càng làm cho ngài xác tín hơn: “Ngày 13 tháng 05 năm 1981, khi bị bắn ở quảng trường thánh Phêrô, tôi đã không lập tức nhận ra hôm đó là ngày chúng ta mừng kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra với ba trẻ ở Fatima, Bồ Đào Nha, để truyền cho các em những sứ điệp mà chúng ta thấy đã được thực hiện vào cuối thế kỷ XX” (Ibid., 320). Sứ điệp ấy lại được Đức Gioan Phaolô II kết nối với lời tiên tri của vị tiền nhiệm về tương lai quê hương Ba Lan của ngài: “Chính kinh nghiệm của đất nước Ba Lan giúp tôi hiểu Đức Mẹ tham dự vào chiến thắng của Chúa Kitô như thế nào. Tôi được nghe trực tiếp từ Đức hồng y Stefan Wyszynski là vị tiền nhiệm của tôi kể lại rằng Đức hồng y August Hlond, trước khi qua đời, đã nói tiên tri: Chiến thắng, nếu có, sẽ đến qua Đức Mẹ Maria” (Ibid., 319).

Với Thánh Gioan Phaolô II, lòng sùng kính Đức Mẹ không chỉ là thứ đạo đức tình cảm nhưng là xác tín đức tin: “Mỗi người chúng ta phải ý thức rằng lòng sùng kính Đức Mẹ không chỉ là một xu hướng tình cảm nhưng dựa trên sự thật khách quan về Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đức Mẹ là Eva mới mà Thiên Chúa đặt bên cạnh Chúa Kitô là Ađam mới, từ ngày Truyền Tin, rồi đến Đêm Giáng sinh ở Bêlem, đến tiệc cưới Cana, đến khi đứng dưới chân Thánh Giá và sau đó là Lễ Hiện Xuống: Đức Mẹ là Mẹ Chúa Kitô và Mẹ của Hội Thánh. Công đồng Vaticanô II đã làm một bước tiến ngoạn mục cả về giáo thuyết cũng như về lòng sùng kính Đức Mẹ. Thật đáng tiếc vì không thể trích dẫn ở đây tất cả chương VIII của Hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng muôn dân). Khi tôi dự Công đồng, tôi đã khám phá kinh nghiệm của cá nhân tôi trong chương này” (Ibid., 308).

Thánh Gioan Phaolô II không chỉ là thầy dạy nhưng còn là chứng nhân sống động về lòng sùng kính Đức Mẹ và về sức mạnh của chuỗi Mân Côi. Trong tháng Mân Côi, chúng ta hãy theo gương ngài để biết quý trọng và siêng năng lần chuỗi Mân Côi, là sách Phúc Âm tóm lược, là phương thức cầu nguyện đơn sơ và hiệu quả, và là cách thế nuôi dưỡng đời sống đức tin Công giáo.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm