11/04/2020
2380
Đức Cha Phêrô suy niệm Đêm Canh Thức Vượt Qua, Thứ Bảy Tuần Thánh 2020
















 

GIA ĐÌNH, ĐỀN THỜ CỦA ĐẤNG PHỤC SINH

Đêm Canh Thức Vượt Qua 2020 

 

Nhìn vào bầu khí bên ngoài, lễ Giáng Sinh là lễ lớn nhất đối với người Công giáo, nhưng xét về nội dung thì lễ Phục Sinh lại là lễ quan trọng nhất. Lễ quan trọng như thế nhưng vì hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19, chúng ta không được đến nhà thờ dâng lễ, chỉ ở nhà xem lễ qua màn hình trực tuyến, thật đáng buồn! Liệu có thể thấy được điều gì tích cực trong hoàn cảnh giới hạn này?

 

1. Trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, phần căn bản là phần đọc Lời Chúa. Hội Thánh đề nghị đọc chín bài đọc, gồm bảy bài Cựu Ước và hai bài Tân Ước. Trong thực tế, các cộng đoàn thường chỉ đọc ba bài Cựu Ước, hoặc có thể chỉ đọc hai bài. Tuy nhiên dù có giảm bớt thế nào đi nữa thì vẫn phải giữ bài sách Xuất Hành (Xh 14,15 – 15,1a), kể lại việc dân Israel vượt qua Biển đỏ, là thời điểm quyết định trong cuộc giải thoát dân Israel khỏi miền đất nô lệ Ai Cập.

Theo lệnh truyền của Chúa, ông Môsê đã báo trước cho dân biết về cuộc giải thoát này để họ chuẩn bị sẵn sàng, đồng thời ông nói thêm với dân: “Hãy ghi nhớ ngày hôm nay là ngày anh em ra khỏi Ai Cập, khỏi cảnh nô lệ, vì Chúa đã dùng cánh tay mạnh mẽ của Người mà đưa anh em ra khỏi đó… Khi nào Chúa đưa ngươi vào đất tràn trề sữa và mật… ngươi sẽ cử hành nghi thức đó vào tháng này. Trong vòng bảy ngày, ngươi sẽ ăn bánh không men, và ngày thứ bảy là lễ kính Chúa… Ngươi sẽ kể lại cho con của ngươi rằng, sở dĩ như vậy là vì những gì Chúa đã làm cho cha khi cha ra khỏi Ai Cập” (Xh 13,3-9).

Đó là lý do người Do Thái mừng lễ Vượt Qua hằng năm rất trọng thể. Chúa Giêsu cũng chịu khổ nạn trong dịp lễ Vượt Qua này (x. Ga 13,1; 19,31), khi người Do Thái sát tế chiên trong Đền thờ, và như thế các Kitô hữu hiểu được rằng Chúa Giêsu chính là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1,29).

 

2. Vậy, người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua ra sao? Theo truyền thống, người Do Thái cử hành ngày lễ này rất chi tiết, ở đây chỉ xin ghi nhận một điều: vào thời đầu, họ cử hành ở nhà, trong bữa ăn gia đình, sau này mới cử hành trong Đền thờ, nhưng khi Đền thờ bị phá hủy và người Do Thái bị phân tán khắp nơi, người ta vẫn cử hành lễ Vượt Qua ở nhà, trong bầu khí gia đình. Trong bữa ăn trọng thể đó, đứa con trai nhỏ nhất trong nhà (từ 13 tuổi trở lên) đặt câu hỏi: Tại sao đêm nay lại khác mọi đêm? Người cha sẽ kể lại câu chuyện Vượt Qua như được ghi lại trong sách Xuất Hành.

Nếu chúng ta đặt việc cử hành lễ Vượt Qua này vào lịch sử Do Thái, sẽ thấy việc cử hành này có tầm quan trọng như thế nào. Dân Do Thái là một dân tộc gần 20 thế kỷ không có quê hương, ly tán khắp nơi, chịu nhiều thảm cảnh, ví dụ dưới thời Đức quốc xã, vậy nhờ đâu họ vẫn giữ được ngôn ngữ, căn tính văn hóa và tôn giáo của mình? Thiết nghĩ một trong những lý do quan trọng nhất là họ vẫn cử hành lễ Vượt Qua hằng năm ngay trong gia đình, qua đó căn tính dân tộc, văn hóa, tôn giáo vẫn được truyền lại từ thế hệ này đến thế hệ kia, không đứt đoạn. Leon Uris trong tiểu thuyết nổi tiếng Exodus đã làm sáng lên chi tiết này.

 

3. Dĩ nhiên Kitô giáo không phải là Do Thái giáo: Kitô hữu không giữ ngày Sabbath như Do Thái nhưng là Chúa nhật, ngày thứ nhất trong tuần, ngày Đức Kitô sống lại từ cõi chết; Kitô hữu cũng không cử hành Canh thức Vượt qua để tưởng nhớ biến cố vượt qua Biển đỏ, nhưng để hát mừng Đức Kitô Phục sinh, dẫn đưa nhân loại từ miền đất nô lệ tội lỗi đến Vương quốc thánh thiện, công chính, an bình. Thế nhưng trong hoàn cảnh chỉ có thể ở nhà dự lễ qua màn hình, việc người Do Thái cử hành lễ Vượt Qua trong gia đình lại có thể giúp chúng ta khám phá điều tích cực là vai trò của gia đình trong đời sống đức tin.

Gia đình là nơi Đức Kitô Phục sinh hiện diện: Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết không có nghĩa là Người trở về đời sống cũ như ông Lazarô, nhưng Người là Đấng hằng sống. Thân xác Người là thân xác vinh quang, không còn bị chi phối bởi những định luật vật lý tự nhiên trong không gian và thời gian, nên Người hiện diện ở nhiều nơi cùng một lúc, cách riêng nơi đâu “có hai, ba người tụ họp nhân danh Thầy”. Người hiện diện trong mỗi gia đình Công giáo, nhất là khi các thành viên trong gia đình quy tụ lại để làm việc thờ phượng.

Gia đình còn là nơi thông truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ kia. Cũng như nhờ cử hành lễ Vượt Qua trong nhà nên dù phải trải qua những giai đoạn khó khăn, người Do Thái vẫn gìn giữ và thông truyền căn tính văn hóa và tôn giáo cho thế hệ sau, gia đình Công giáo cũng là nơi thông truyền đức tin từ thế hệ này sang thế hệ khác, nhờ mẹ ru con bằng bài thánh ca, dạy con làm dấu Thánh Giá, đọc kinh Lạy Cha và Kính Mừng. Lịch sử Công giáo Việt Nam không thiếu những giai đoạn bi thảm nhưng vẫn mạnh mẽ vươn lên nhờ các gia đình.

Khi gia đình trở thành nơi thờ phượng Chúa và Lời Chúa thấm nhập các sinh hoạt hằng ngày, gia đình trở thành một cộng đoàn có khả năng làm chứng và giới thiệu về Chúa và vẻ đẹp của Đạo cho những người chung quanh, không ồn ào khoe khoang nhưng âm thầm mà thuyết phục.

Giây phút này, trong ngôi nhà nhỏ của anh chị em, vợ chồng, cha mẹ - con cái, đang quây quần trước bàn thờ Chúa, cùng hiệp thông cử hành lễ Phục sinh. Ước mong hình ảnh đó sẽ còn tiếp tục trong sinh hoạt mỗi gia đình, để ngôi nhà của chúng ta trở thành đền thờ của Đức Kitô Phục sinh, nơi thông truyền đức tin, và loan truyền vẻ đẹp của Tin Mừng Chúa Giêsu cho mọi người.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm