13/11/2021
8503
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXXIII TN B 2021: SỨ ĐIỆP HI VỌNG


 














 


CHÚA NHẬT XXXIII THƯỜNG NIÊN

Đn 12,1-3; Dt 10,1-14.18; Mc 13,24-32  


SỨ ĐIỆP HI VỌNG


 

1. Tin Mừng Marcô được biên soạn trong thời Hội Thánh phải chịu cuộc bách hại nặng nề dưới thời hoàng đế Nêrô (54-68): thánh Phêrô bị đóng đinh ngược, thánh Phaolô bị chém đầu, rất nhiều Kitô hữu bị bắt và phải chịu những hình phạt khủng khiếp. Chính sử gia Tacitus (60-120) đã ghi lại quyết định và những hành động độc ác của Nêrô sau vụ hỏa hoạn tại Rôma: “Nêrô gán tội và ra những hình phạt khủng khiếp nhất cho đám người mà dân chúng gọi là các Kitô hữu… Họ bị giết và đem ra làm trò tiêu khiển cho đám đông; họ bị thả cho chó cắn đến chết; những người khác bị đóng đinh vào thập giá, người khác lại bị thiêu sống để thắp sáng ban đêm khi ánh sáng mặt trời đã tắt…” (Annales XV, 44).

2. Trong bối cảnh trên, trích đoạn Tin Mừng hôm nay loan báo sứ điệp hi vọng. Tác giả sử dụng thể văn khải huyền khá phổ biến trong những giai đoạn khủng hoảng, chẳng hạn sách Đaniel (bài đọc 1) hoặc sách Khải Huyền của thánh Gioan; thể văn này vận dụng ngôn ngữ hình ảnh, màu sắc, các nhân vật, con vật, con số… mang tính biểu tượng để truyền tải sứ điệp hi vọng.

Nền tảng của sứ điệp hi vọng là Lời Chúa, Lời tồn tại đến muôn đời: “Trời đất sẽ qua đi nhưng những lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu” (Mc 13,31). Lời khẳng định này của Chúa Giêsu được chứng minh cụ thể qua việc Đền thờ Giêrusalem bị tàn phá. Khi nghe một môn đệ trầm trồ trước vẻ huy hoàng tráng lệ của Đền thờ, Chúa Giêsu nói: “Anh nhìn ngắm công trình vĩ đại đó ư? Tại đây sẽ không còn tảng đá nào trên tảng đá nào, tất cả đều sẽ bị phá hủy” (Mc 13, 1-2). Đã xảy ra đúng như thế vào năm 70 khi đế quốc Rôma xua quân chiếm đóng Giêrusalem, phá hủy thành phố và cả Đền thờ.

Chân trời của sứ điệp hi vọng ấy là Ngày quang lâm của Chúa: “Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến. Lúc đó, Người sẽ sai các thiên sứ đi, và Người sẽ tập họp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương về, từ đầu mặt đất cho đến cuối chân trời” (Mc 13, 26-27). Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, người Công giáo đều tuyên xưng niềm tin ấy: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”.

3. Sứ điệp hi vọng ấy mời gọi các Kitô hữu sống ra sao trong hành trình trần thế?

Trước hết, có một thái độ không đúng đắn cần phải tránh là vội vã tin theo những lời tiên báo về tận thế. Điều đáng tiếc là có một số người viện dẫn Kinh Thánh để loan báo ngày, giờ tận thế, đang khi Chúa Giêsu khẳng định: “Về ngày hay giờ đó thì không ai biết được, ngay cả các thiên sứ trên trời hay người Con cũng không, chỉ có Chúa Cha biết mà thôi” (Mc 13,32). Sự vội vã tin theo những lời tiên báo như thế - và đã sai nhiều lần, chẳng những không thuyết phục được ai mà còn khiến nhiều người đồng hóa niềm tin Kitô giáo của chúng ta với những chuyện hoang đường.

Thay vào đó, đón nhận sứ điệp hi vọng của Lời Chúa phải thúc đẩy các Kitô hữu vững vàng trong thử thách và kiên nhẫn trong gian khổ. Trong thông điệp Spe Salvi, Đức Bênêđitô XVI nêu cao tấm gương của hai người Công giáo Việt Nam mà ngài gọi là những chứng nhân hi vọng. Cha thánh Phaolô Lê Bảo Tịnh (+1857) bị cầm tù và chịu đủ thứ hình phạt nhưng từ chốn lao tù, ngài viết cho giáo dân: “Tôi viết cho anh em những điều này để chúng ta được hiệp thông với nhau trong đức tin: giữa cơn bão táp này, tôi đã thả một cái neo tận ngai Thiên Chúa; đó là niềm hi vọng luôn sống động trong lòng tôi”. Về Đức Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận, Đức Bênêđitô XVI viết:”Suốt 13 năm giam cầm, trong một tình trạng hầu như hoàn toàn tuyệt vọng, việc lắng nghe Thiên Chúa và có thể thưa chuyện với Chúa đã trở nên sức mạnh hi vọng ngày càng tăng, niềm hi vọng đã khiến Đức Hồng y, sau khi được tự do, trở nên một chứng nhân hi vọng cho mọi người trên toàn thế giới, chứng nhân của niềm hi vọng cao cả không tàn lụi, ngay cả trong đêm tối của cô đơn” (số 32, 37). Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta tự hào về các bậc tiền bối trong đức tin, và niềm tự hào ấy phải thúc đẩy chúng ta trung thành với Chúa trong mọi hoàn cảnh vì “đã thả một cái neo tận ngai Thiên Chúa”, và trở nên “chứng nhân của niềm hi vọng cao cả không tàn lụi”.

Đồng thời, sứ điệp hi vọng của Lời Chúa phải dẫn lối cho đời sống hiện tại của người Kitô hữu. Hi vọng là hướng tới điều gì đó còn trong tương lai, nhưng chính tương lai ấy lại soi đường cho hiện tại. Tương lai của chúng ta là gì? Thánh Phaolô dạy: “Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người. Nhưng không phải thế! Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1Cr 15, 19-20). Tương lai ấy mời gọi lối sống theo những giá trị Tin Mừng, không chỉ để được lên thiên đàng sau khi chết nhưng còn là góp phần xây dựng một xã hội công bằng, tôn trọng sự thật, cổ võ tình liên đới, phát huy tình huynh đệ; tắt một lời, đó là xã hội theo định hướng của Nước Trời, đã bắt đầu từ hôm nay và sẽ hoàn thành trong Trời Mới Đất Mới.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm