30/10/2021
7558
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXXI TN B 2021: MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI


 














 


CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN

Đnl 6,2-6; Dt 7,23-28; Mc 12,28b-34  


MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI

    

 

1. Khi một kinh sư hỏi Chúa Giêsu, “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng hàng đầu?” Ngài trả lời: “Điều răn đứng hàng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai cũng giống như thế, là: Người phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác quan trọng hơn” (Mc 12,29-31).

Câu trả lời của Chúa Giêsu không có gì mới vì Ngài chỉ trích dẫn hai điều răn đã có trong Cựu Ước (Đnl 6,4-5; Levi 19,18). Cái mới là ở sự liên kết hai điều răn: “Điều răn thứ hai cũng giống như thế” (secundum autem simile). Chính mối liên kết này làm nên sự độc đáo và tính cách mạng trong giáo huấn của Chúa Giêsu.

2. Vì điều răn mến Chúa được liên kết với điều răn yêu người nên yêu người trở thành bản trắc nghiệm về lòng yêu mến Chúa cách đích thực, như thánh Gioan dạy: “Nếu ai nói “tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20). Lời đó chất vấn cách sống Đạo của chúng ta, vì có khi quá nhấn mạnh việc thờ phượng mà chưa quan tâm đủ đến tình yêu thương dành cho nhau trong đời sống hằng ngày, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Đồng thời, trong bối cảnh thế giới hiện nay, giáo huấn của Chúa Giêsu trở thành lời chất vấn chủ nghĩa khủng bố nhân danh tôn giáo. Đức Giáo hoàng Phanxicô thường xuyên nhấn mạnh điều này, rõ nét và chính thức nhất là trong Tuyên bố chung của Ngài và Imam Al-Azhar, Almad Al-Tayyeb, ngày 04/02/2019:

“Chúng tôi tuyên bố cách dứt khoát rằng các tôn giáo không bao giờ được kích động chiến tranh, những thái độ căm ghét, thù nghịch và cực đoan, cũng không bao giờ được kích động bạo lực hoặc đổ máu. Những thực tại bi thảm này là những hậu quả của việc đi sai giáo huấn tôn giáo. Chúng phát xuất từ chỗ chính trị thao túng tôn giáo và từ những giải thích của các nhóm tôn giáo trong lịch sử, đã lợi dụng sức mạnh của cảm thức tôn giáo trong tâm hồn con người, để thúc đẩy họ hành động theo một đường lối không liên quan gì đến chân lý tôn giáo. Họ làm như thế để đạt được những mục tiêu chính trị, kinh tế, thế tục và thiển cận. Do đó chúng tôi kêu gọi tất cả các bên liên quan hãy ngừng sử dụng tôn giáo để kích động sự thù ghét, bạo lực, chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín mù quáng, và hãy ngừng sử dụng danh Thiên Chúa để biện minh cho những hành động giết người, lưu đầy, khủng bố và đàn áp. Chúng tôi yêu cầu điều này trên nền tảng là niềm tin chung vào Thiên Chúa, Đấng đã không tạo dựng con người để bị giết hay để đánh nhau, cũng không phải để bị tra tấn hoặc hạ nhục trong đời sống của họ. Thiên Chúa, Đấng tối cao, không cần ai bảo vệ Ngài và không muốn Danh Ngài bị sử dụng để khủng bố con người” (Human Fraternity for World Peace and Living Together).

3. Nếu điều răn yêu người là bản trắc nghiệm của lòng mến Chúa đích thực thì điều răn mến Chúa cũng là thước đo của tình yêu con người. Yêu người nối kết với mến Chúa là yêu người trong ánh sáng Lời Chúa, yêu người đúng như phẩm giá cao cả của họ là hình ảnh Thiên Chúa, chứ không theo sở thích cá nhân chóng qua của mỗi người chúng ta.

Nếu mến Chúa là thước đo tình yêu con người thì liệu có thể nhân danh tình yêu con người để loại trừ Thiên Chúa không? Thời đại ngày nay đang chứng kiến một phong trào rộng lớn nhân danh con người để loại trừ Thiên Chúa: “Trong số những hình thức vô thần hiện nay, không thể bỏ qua một hình thức vô thần mong giải phóng con người, nhất là về phương diện kinh tế, xã hội. Hình thức vô thần này cho rằng tự bản chất, tôn giáo làm cản trở công cuộc giải phóng đó…Vì thế những người chủ trương lý thuyết ấy, một khi lên nắm chính quyền, họ kịch liệt chống lại tôn giáo, dùng cả những biện pháp cưỡng bách để truyền bá thuyết vô thần, nhất là trong phạm vi giáo dục thanh thiếu niên” (GS 20).

Có thể Thiên Chúa họ phủ nhận không phải là Thiên Chúa đích thực mà chỉ là vị Thiên Chúa do họ tưởng tượng ra: “Một số người tự tạo cho mình một hình ảnh về Thiên Chúa, để rồi Đấng mà họ bác bỏ, thực ra hoàn toàn không phải là Thiên Chúa của Tin Mừng” (GS 19). Nhưng cũng có thể chính cách rao giảng Tin Mừng và đời sống bê bối của các tín hữu khiến người ta phủ nhận Thiên Chúa: “Các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nẩy sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo” (GS 19).

Vì thế hiện tượng vô thần lại là lời mời gọi các tín hữu sống trọn vẹn hơn giáo huấn Mến Chúa Yêu Người của Chúa Giêsu: “Điều có thể làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa hơn cả là đức ái huynh đệ của các tín hữu, những người luôn đồng tâm nhất trí cộng tác cho đức tin của Tin Mừng và thể hiện mình là dấu chỉ hiệp nhất” (GS 21).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm