23/10/2021
7045
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXX TN B 2021: ĐÔI MẮT TÂM HỒN


 














 


CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

Gr 31,79; Dt 5,1-6; Mc 10,46-52  


ĐÔI MẮT TÂM HỒN

    

 

1. Tức khắc anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi”, thánh Marcô kể như thế. Thông thường, kể rằng “anh ta nhìn thấy được và đi theo Người” là đủ rồi, cần gì phải thêm câu “trên con đường Người đi”. Xem ra có vẻ thừa thãi, nhưng chính vì có vẻ thừa thãi nên người đọc mới thắc mắc về con đường Người đi là đường nào? Và đó là câu hỏi quan trọng.

“Đường Người đi” ở đây là đường lên Giêrusalem, ở đó Chúa Giêsu sẽ bị bắt, bị kết án và bị giết (x. Mc 10, 32-34). “Đường Người đi” còn Đạo, là lối sống của những ai muốn theo Chúa và làm môn đệ của Ngài, cho nên trên đường lên Giêrusalem, Chúa Giêsu dạy các môn đệ những bài học cụ thể về hôn nhân (Mc 10,1-12), về tiền bạc (10, 17-27), về quyền lực (10, 35-45).

Thế nhưng các môn đệ lại không “thấy”. Các ông chỉ thấy con đường lên Giêrusalem là đường dẫn đến đau khổ, thất bại và cái chết, nên các ông sợ và tìm cách ngăn cản Thầy. Đang khi đó, anh mù không thấy đường, nhưng khi được chữa lành, lại thấy rõ hơn các môn đệ đã đi theo Chúa trên con đường Tin Mừng. Hóa ra sáng mắt mà không thấy, mù lòa thì lại thấy! Chúng ta thường gọi người theo Đạo lâu năm là “đạo gốc”, còn người mới theo Đạo là “tân tòng”, nhưng không biết “đạo gốc” có thấy rõ hơn “tân tòng” chăng, hay cũng giống như các môn đệ xưa và anh mù được chữa lành?

2. Trong cuộc sống, có rất nhiều điều người ta thấy mà không thấy, chẳng hạn ai cũng thấy bầu trời nhưng không phải ai cũng thấy Ông Trời. Thấy bầu trời bao la và xinh đẹp nhưng không thấy Đấng tạo nên bầu trời: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người” (Rm 1, 20).

Một ví dụ khác, thấy thống kê về nghèo đói nhưng không thấy nỗi đau. Hiện nay trên thế giới hơn 3 tỉ người thiếu ăn, đang khi gần 2 tỉ người ăn uống thừa mứa đến độ sinh bệnh. Đức Giáo hoàng Phanxicô gọi đó là nghịch lý, nhưng nhiều người không thấy vậy vì họ lý luận rằng tôi có tiền thì tôi xài, còn ai đói thì là chuyện của họ chứ không phải của tôi! Và đương nhiên là không thấy nỗi đau của người nghèo.

Vì thế, chúng ta không chỉ cần cặp mắt của thể xác mà còn cần có đôi mắt của tâm hồn. Người ta thường nhắc tới câu nói của Pascal: “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết” để bàn về chuyện tình cảm, nhưng có lẽ cũng nên đọc trọn câu văn của Pascal: “Con tim có những lý lẽ của nó mà lý trí không biết. Có cái nhìn thiêng liêng ngang qua và vượt trên cái nhìn tự nhiên. Có sự lắng nghe thiêng liêng ngang qua và vượt trên việc nghe tự nhiên. Có sự phân định thiêng liêng ngang qua và vượt trên lý luận tự nhiên”. Pascal đâu chỉ nói đến chuyện tình cảm nhưng muốn nói đến đôi mắt tâm hồn, đôi mắt tâm linh. Đúng là “chỉ với con tim, chúng ta mới có thể nhìn thấy cách đúng đắn; con mắt thể xác không nhìn thấy điều thiết yếu” (Antoine de Saint Exupery).

3. Để có được đôi mắt tâm hồn, cần phải xin Chúa chữa lành: “Thưa Thầy, xin cho tôi được thấy” (Mc 10,51), đồng thời phải tập luyện như Chúa Giêsu đã dạy dỗ và tập luyện cho các môn đệ. Ở đây xuất hiện vấn đề quan trọng là giáo dục.

Trong cuộc gặp gỡ các đại diện tôn giáo ngày 05/10/2021, Đức Giáo hoàng Phanxicô nói đến nền giáo dục toàn diện. Giáo dục toàn diện là giáo dục con người toàn diện trong cả bốn chiều kích: lý trí, ý chí, tình cảm, tâm linh; được cụ thể hóa bằng hình ảnh cái đầu, bàn tay, trái tim, linh hồn. Trong thực tế, không chỉ ở Việt Nam nhưng nhìn chung trên thế giới, giáo dục ngày nay hầu như tập trung vào lĩnh vực tri thức, còn những lĩnh vực khác ít được quan tâm, nhất là tình cảm tâm linh. Hệ quả là trường học có thể cung cấp cho xã hội những con người có cái đầu to nhưng tim hơi bé và cằn cỗi.

Ngoài nhà trường ra, gia đình cũng đóng vai trò rất lớn trong việc giáo dục, và nếu nhà trường thiếu sót trong việc cung cấp nền giáo dục toàn diện, thì vai trò của gia đình lại càng quan trọng hơn. Thật vậy, gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên và lâu dài nhất. Chính trong gia đình, chúng ta học những bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa. Những bài học ấy được trao ban không bằng giáo huấn khô khan nhưng bằng tình yêu thương, cách cư xử của cha mẹ và mọi người trong nhà, vì thế thấm sâu vào tâm hồn mỗi người và tác động rất lâu dài.

Nếu gia đình Công giáo chu toàn bổn phận giáo dục con cái thì sẽ cung cấp cho xã hội những con người toàn diện và Kitô hữu tốt lành, họ sẽ là chứng nhân sống động và tích cực cho sứ vụ loan báo Tin Mừng, bằng chính đời sống hằng ngày của họ.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm