24/10/2020
1231
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXX TN A: MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI


 














 

MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI

Chúa Nhật XXX – Xh 22,20-26; 1Th 1,5-10; Mt 22,34-40  

 



 

 

1. “Điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Đây không chỉ là câu hỏi người thông luật nêu lên để thử Chúa Giêsu, nhưng còn là câu hỏi thường xuyên được đặt ra trong đời sống Dân Chúa thời Cựu Ước. Bởi lẽ có đến 613 điều răn trong Torah (Luật Môsê), trong đó có 248 điều khuyến khích làm (ngươi phải làm điều này, điều kia), và 365 điều cấm (ngươi không được làm). Làm sao nhớ hết và làm sao biết điều nào quan trọng hơn? Đúng là có nguy cơ “thấy cây mà không thấy rừng”!

Vì thế, các bậc thầy trong dân phân biệt ra điều nặng và điều nhẹ, ví dụ Mười Điều Răn là những điều nặng, còn một số điều khác là nhẹ. Ngay trong Kinh Thánh Cựu Ước cũng có những bản tóm lược các điều răn chính yếu. Thánh vịnh 15 nói đến 11 điều: “sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy, miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã, coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa Trời, giữ trọn lời thề, không cho vay nặng lãi, không nhận quà hối lộ”. Isaia tóm lại trong 6 điều: “theo đường chính trực, ăn nói thẳng ngay, không chiếm đoạt của cải, không nhận quà hối lộ, không nghe lời độc địa, không nhìn việc xấu xa” (33,15). Mica tóm lại trong 3 điều: “thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa, khiêm nhường bước theo Chúa” (6,8).

 

2. Còn với Chúa Giêsu thì sao? Xem ra Chúa Giêsu không cung cấp điều gì mới vì hai điều răn Ngài đưa ra đều đã có trong Cựu Ước.

Về điều răn mến Chúa, sách Đệ nhị luật viết: “Nghe đây, hỡi Israel, Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất. Hãy yêu mến Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ, hết sức anh em” (6,4). Điều răn này trở thành lời kinh đọc hằng ngày, những người đạo đức còn làm đúng theo những chỉ dẫn trong sách Đệ nhị luật là “buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu” (6,8).

Điều răn yêu người cũng đã có trong sách Lêvi: “Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (19,8).

Sự mới mẻ Chúa Giêsu đem tới là sự kết hợp hai điều răn trên khi Ngài nói, “điều răn thứ hai cũng giống điều răn thứ nhất” (Mt 22,39), và khẳng định, “Tất cả Luật Môsê và các sách tiên tri đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy” (Mt 22,30). Chính sự liên kết này là luồng ánh sáng soi chiếu toàn bộ cánh rừng Lề luật thay vì chỉ chăm chú vào từng cây rừng riêng lẻ. Cũng chính sự liên kết này làm nổi bật tình yêu và lòng mến như động lực thúc đẩy và ban tặng sức sống cho việc tuân giữ Lề luật. Nói như thánh Augustinô, “Hãy yêu và làm điều bạn muốn”.

 

3. Chúa Giêsu không chỉ nói, “Ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi” nhưng còn nói thêm, “Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình”. Vì thế, yêu người là bản trắc nghiệm về lòng yêu mến Thiên Chúa như thánh Gioan Tông đồ dạy: “Nếu ai nói tôi yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy”. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu không chỉ nói đến yêu người cách chung chung như yêu cả nhân loại, nhưng Ngài nhấn mạnh “yêu người thân cận”, tức là những người chúng ta nhìn thấy, sống chung, tiếp xúc hằng ngày. Chính tình yêu cụ thể đó là dấu hiệu của lòng yêu mến Thiên Chúa đích thực.

Ngược lại, Chúa Giêsu cũng không chỉ nói đến việc yêu thương người thân cận, nhưng Ngài còn nhấn mạnh lòng yêu mến Thiên Chúa “hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn”. Câu hỏi đặt ra là liệu người ta có thể loại bỏ Thiên Chúa mà vẫn yêu người không? Đây chẳng phải là khẳng định của chủ trương nhân bản vô thần sao?

Khi con người loại bỏ Thiên Chúa ra bên lề cuộc sống, con người sẽ tự cho mình là Chúa và tự đặt ra chuẩn mực để xác định thế nào là yêu người! Có người ca tụng Hitler với lý luận rằng ông ta yêu người đấy chứ, dù ông giết chết cả triệu người, bởi lẽ phải làm như thế để xây dựng nhân loại mới! Không ít người cũng lý luận rằng phá thai là yêu người đấy chứ vì nếu không phá, đứa trẻ sinh ra sẽ phải sống trong nghèo đói suốt đời cùng với gia đình nó! Euthanasia (chết êm dịu) là yêu người đấy chứ vì làm cho người ta không phải chịu những đau khổ vô ích và vô nghĩa!

Quả thật, “Một xã hội không có Thiên Chúa – xã hội không nhận biết Ngài, coi như Ngài không hiện hữu – là xã hội không còn thước đo chuẩn mực. Trong thời đại chúng ta, người ta thường nói Thiên Chúa đã chết. Người ta đảm bảo với chúng ta rằng khi Thiên Chúa chết, chúng ta sẽ hoàn toàn tự do. Trong thực tế, cái chết của Thiên Chúa trong một xã hội cũng có nghĩa là không có tự do, vì không còn mục đích định hướng cuộc sống. Và cũng mất luôn la bàn hướng dẫn chúng ta phân biệt tốt và xấu, thiện và ác” (Bênêđictô XVI, Giáo Hội và scandal lạm dụng tình dục, 10/4/2019).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm