09/10/2021
6332
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVIII TN B 2021: SỐNG KHÔN NGOAN


 














 


CHÚA NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN

Kn 7,7-11; Hr 4,12-13; Mc 10,17-30  


SỐNG KHÔN NGOAN

     


 

1. “Lầm lẫn lớn nhất của nhân loại là lầm lẫn giữa hạnh phúc và khoái lạc”, một nhà tư tưởng thời xưa đã nói thế. Tưởng rằng đó chỉ là suy nghĩ của thời xưa nhưng mới đây, một nhà khoa học cũng phát biểu tương tự: “Văn hóa Mỹ có khuynh hướng lẫn lộn hạnh phúc với khoái lạc” (Dr Robert Lustig, The Hacking of the American Mind). Tôi e rằng nhận xét này không chỉ đúng cho văn hóa Mỹ nhưng còn đúng cho phần lớn các xã hội trong thời đại hiện nay. Vì lầm lẫn giữa hạnh phúc với khoái lạc nên người ta đi tìm hạnh phúc bằng cách tìm kiếm khoái lạc để rồi sau những giây phút khoái lạc cao độ, lại rơi vào tình trạng trống rỗng, vô nghĩa và vô vọng.

Lại có sự lầm lẫn khác nữa là lầm lẫn giữa khôn ngoan và kiến thức, vì thế đánh giá sự khôn ngoan dựa trên kiến thức và bằng cấp. Thật ra có mối quan hệ giữa khôn ngoan và kiến thức nhưng không hoàn toàn giống nhau. Kiến thức là những thông tin chúng ta tiếp thu nhờ học hỏi, còn khôn ngoan là khả năng sử dụng những thông tin và hiểu biết đó cách tốt nhất. Như thế, kiến thức chỉ là một phần, còn khôn ngoan là toàn thể và mang lại ý nghĩa cho cuộc sống cá nhân cũng như cộng đồng. Các nhà hiền triết xưa không có kiến thức khoa học chúng ta có ngày nay, nhưng những phát biểu của các ngài vẫn luôn là ánh sáng soi đường cho hậu thế.

Sách Thánh đề cao sự khôn ngoan bằng những lời lẽ cao quý nhất: “Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, chỉ là cát bụi, và bạc so với Đức Khôn Ngoan cũng kể như bùn đất” (Kn 7,9); “Tôi quý trọng Đức Khôn Ngoan hơn cả vương trượng, ngai vàng” (Kn 7,8). Cùng với lời ca tụng đức khôn ngoan trong bài đọc 1, Hội Thánh giới thiệu Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng như hiện thân của sự khôn ngoan.

2. Chúa Giêsu chính là hiện thân của sự khôn ngoan, vì thế người thanh niên trong câu chuyện Tin Mừng mới tìm đến với Chúa Giêsu để đặt câu hỏi quan trọng nhất trong đời: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (Mc 7,17); tôi phải làm gì để có cuộc sống phong phú ý nghĩa ngay từ đời này và tồn tại mãi ở đời sau? Đây chẳng phải là thao thức của con người ở mọi thời đại sao?

Chàng thanh niên ấy đã hỏi đúng người và được chỉ đúng đường, nhưng cuối cùng anh ta lại bỏ đi: “Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi” (Mc 7,22). Tại sao? Vì sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác với sự khôn ngoan của loài người. Thánh Marcô kể rằng “khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường” (10,17). Đường nào đây? Thưa, là đường đến thập giá. Làm sao có thể coi đường thập giá là đường khôn ngoan được? “Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hi Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (1Cr 1,22-24). Và thánh Phaolô viết tiếp: “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1,25).

Thế đấy, sự khôn ngoan của Thiên Chúa khác xa với sự khôn ngoan của loài người, nên cũng là điều dễ hiểu khi chàng thanh niên không chấp nhận lời mời gọi của Chúa Giêsu: “Hãy bán đi những gì anh có mà chia cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (Mc 10,21). Làm sao có thể gọi đó là khôn ngoan? Phải tích lũy mới là khôn ngoan chứ! Phải giàu lên thì cuộc sống mới phong phú, mới có thể ngẩng mặt lên với cuộc đời chứ! Chỉ có những kẻ dại dột mới làm theo lời khuyên của Chúa Giêsu, “bán đi những gì mình có mà chia cho người nghèo”.

3. Đúng là lời mời gọi của Chúa Giêsu vừa khó hiểu vừa khó chấp nhận, nhưng nhiều nghiên cứu ngày nay được đăng trên các tạp chí chuyên ngành (vd. Psychological Science) lại cho thấy lời dạy của Chúa hoàn toàn đúng: chính lúc cho đi là khi nhận lãnh, việc cho đi làm cho con người cảm nhận niềm vui và hạnh phúc lâu dài, hơn là chỉ chi tiêu cho chính mình.

Dù sao chăng nữa, sống theo sự khôn ngoan của Tin Mừng vẫn luôn là thách đố lớn, vì thế phải cầu xin: “Tôi kêu cầu và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi” (Kn 7,7).  Phải cầu xin để có thể sáng suốt nhận ra sự khôn ngoan của Tin Mừng không giống với sự khôn khéo của thế gian: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi”. Phải cầu xin vì sống theo sự khôn ngoan của Tin Mừng đòi hỏi sự từ bỏ, kể cả những gì thân thương nhất là “anh em, chị em, cha mẹ, con cái” (Mc 10,29), nhất là từ bỏ chính mình. Phải cầu xin vì sống theo sự khôn ngoan của Tin Mừng khiến ta phải chấp nhận sự thiệt thòi, thua kém, kể cả ngược đãi và bách hại (x. Mc 10,30).

Cùng với đức khôn ngoan, mọi sự tốt lành sẽ tới; nhờ đức khôn ngoan, cuộc sống sẽ phong phú khôn lường (x. Kn 7,11).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm