10/10/2020
1135
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVIII TN A: BÀN TIỆC NƯỚC TRỜI


 














 

BÀN TIỆC NƯỚC TRỜI

Chúa nhật XXVIII – Is 25,6-10; Pl 4,12-14.19-20; Mt 22,1-14


 

1. Đọc dụ ngôn Tiệc cưới (Mt 22,1-14), người đọc ngày nay không khỏi có những thắc mắc về một số chi tiết trong dụ ngôn.

Trước hết, nhà vua mở tiệc cưới cho con và mời quan khách đến dự tiệc. Dĩ nhiên nhận lời mời hay từ chối là quyền tự do của mỗi người, nhưng nếu không nhận lời thì thôi, làm gì đến nỗi “bắt các đầy tớ vua sai đi mời khách, hành hạ người ta và giết chết” (Mt 22,5)?

Thế rồi, vì những người được mời không chịu tới dự tiệc nên nhà vua sai đầy tớ ra đường gặp ai, bất luận tốt xấu, cũng mời hết vào tiệc cưới (22,8-9). Thế nhưng chuyện đáng nói là khi nhà vua tới, ông thấy một người không mặc y phục lễ cưới, thế là ông ra lệnh trói chân tay người đó rồi quăng vào chỗ tối tăm (x. 22,13). Đúng là chuyện ngược đời! người ta đang đi ngoài đường, tự nhiên được lôi vào dự tiệc, rồi lại bắt người ta vì tội không mặc y phục lễ cưới!

Để vượt qua những thắc mắc trên, cần hiểu dụ ngôn không phải là câu chuyện hoàn toàn giống đời thực, nhưng là câu chuyện vận dụng ngôn ngữ hình tượng để chuyển tải một nội dung; vì thế người kể có thể thêm thắt những tình tiết làm nổi bật nội dung giáo huấn muốn trình bày. Ở đây, chi tiết về “khách mời hành hạ và giết chết người đem thư mời” khó lòng diễn ra trong đời thực, nhưng là hình ảnh minh họa thái độ và phản ứng của một số người trước lời mời gọi của Thiên Chúa.

Về chuyện ‘nhà vua ra lệnh mời mọi người ở ngoài đường vào dự tiệc, rồi lại bắt và hành hạ một người không mặc y phục lễ cưới’, thắc mắc này sẽ tan biến ngay khi hiểu rằng bài Tin Mừng Mt 22,1-14 bao gồm hai dụ ngôn tách biệt, nhưng thánh Matthêu nối kết thành một vì chung chủ đề tiệc cưới, nên mới làm nảy sinh thắc mắc.

 

2. Để hiểu nội dung dụ ngôn Tiệc cưới, cần đặt dụ ngôn Tiệc cưới vào bối cảnh Tin Mừng Matthêu : Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem trong vinh quang (21,1-11), Ngài đuổi những người mua bán trong Đền thờ (21,12-17), các thượng tế và kỳ mục chất vấn về quyền bính của Chúa (21,23-27), khi đó Chúa Giêsu mới kể cho họ nghe các dụ ngôn, trong đó có dụ ngôn Tiệc cưới (22,1-14).

Trong Kinh Thánh, bàn tiệc là hình ảnh quen thuộc để diễn tả niềm vui Nước Trời : “Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc, tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon” (bài đọc 1). Cũng thế, dụ ngôn Tiệc cưới là dụ ngôn về Nước Trời, “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,2). Các đầy tớ được nhà vua sai đi mời khách đến dự là các tiên tri trong suốt chiều dài lịch sử Cựu Ước, không ngừng lên tiếng kêu gọi dân Chúa trở về với giao ước đã ký kết với Ngài. Thế nhưng không những không lắng nghe, họ còn bắt bớ, đánh đập và giết chết các sứ giả Thiên Chúa sai đến. Chính vì thế, “nhà vua nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng” (22,7). Chi tiết này được cho là đã thành hiện thực vào năm 70, khi đế quốc Rôma tấn công và tàn phá Giêrusalem.

 

3. Được tham dự bàn tiệc Nước Trời, nói nôm na là lên thiên đàng, là mục đích tối hậu của đời sống Kitô hữu. Trên lý thuyết là thế nhưng trong thực tế, rất nhiều khi chúng ta quên lãng mục đích tối hậu này vì nhiều lý do : “đi thăm trại, đi buôn” (Mt 225), “mới mua thửa đất và cần đi thăm, mới tậu bò nên phải đi thử, mới cưới vợ” (Lc 14,20). Hoặc mục đích tối hậu có đó nhưng lại ngại lên đường vì phải “mặc y phục lễ cưới” (Mt 22,12), nghĩa là phải bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới. Vì thế dụ ngôn Tiệc cưới không chỉ là lời cảnh giác dân Chúa ngày xưa, nhưng còn là lời mời gọi mỗi tín hữu ngày nay.

Chọn Nước Trời là mục đích tối hậu không có nghĩa là chỉ đi nhà thờ đọc kinh và không làm gì hết, nhưng là nhìn và làm mọi sự trong viễn tượng Nước Trời. Có thể diễn tả điều này bằng một câu chuyện cụ thể. Báo chí Việt Nam lúc này quan tâm đến chính trường Hoa Kỳ, vì thế ngay cả những diễn tiến liên quan đến việc bổ nhiệm thẩm phán cho Tối cao pháp viện cũng được thông tin đầy đủ. Nhân vật được nhắc tới ở đây là bà Amy Coney Barrett, được đề cử thay thế bà Ruth Bader Ginsburg, vị thẩm phán mới qua đời. Điều muốn nói ở đây là nhiều người Công giáo Hoa Kỳ xem bà Barrett như một hình mẫu cho đời sống Công giáo. Trong một xã hội và thời đại hô hào quyền phá thai, bà là người mẹ của 7 đứa con, trong đó có một cháu bị bệnh Down. Trong một xã hội bị cho là kỳ thị chủng tộc, bà nhận nuôi 2 trẻ Haiti da đen. Trong một xã hội hô hào giải phóng phụ nữ, ly thoát gia đình để có thể tham gia và tiến thân trong xã hội, bà vẫn lo cho gia đình, đồng thời đạt tầm cao sự nghiệp, là giáo sư đại học, thẩm phán liên bang, bây giờ được đề cử thẩm phán Tối cao pháp viện. Ở nền tảng, bà là người Công giáo thuần thành, lại tham gia phong trào đạo đức, ở đó chị em phụ nữ noi gương Đức Mẹ, nhận mình là nữ tì của Chúa!

Dĩ nhiên đây là trường hợp hiếm hoi nhưng là hình ảnh truyền cảm hứng cho đời sống đức tin Công giáo : chọn Nước Trời là chân trời tối hậu của đời sống, và làm mọi việc trong chân trời đó. Chọn lựa đó làm cho cuộc sống chúng ta nên phong phú từ hiện tại và là đường dẫn đến bàn tiệc Nước Trời.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm