02/10/2021
5773
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVII TN B 2021: LY HÔN


 














 

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

St 2,18-24; Hr 2,9-11; Mc 10,2-16  


LY HÔN

  

 

1. Nói về thực trạng ly hôn tại Việt Nam hiện nay, một tác giả viết: “Ly hôn là một trong những vấn đề đang làm mưa làm gió, chính vì vậy mà nó được các cấp, ngành thực sự quan tâm, không ngừng kiểm kê và đưa ra con số cụ thể về các vụ ly hôn”. Theo thống kê, ly hôn tại Việt Nam tăng nhanh, chiếm 31% - 40%, cứ 3 cặp kết hôn thì 1 cặp ly hôn, và độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao.

Con số thống kê trên phản ánh thực tế xã hội và cũng phản ánh văn hóa thời đại, trong đó ly hôn được coi là chuyện bình thường, nhiều khi còn được đánh giá là có tính nhân văn cao. Trong bối cảnh đó, khi Hội Thánh Công giáo tiếp tục đề cao sự thánh thiêng của hôn nhân và không cho phép các tín hữu ly hôn, nhiều người cho rằng Hội Thánh xa rời thực tế, thậm chí còn bị coi là phi nhân, vô cảm!

Thế nhưng đừng tưởng đến bây giờ Hội Thánh mới gặp khó khăn về vấn đề này. Ngay từ thời Chúa Giêsu đi rao giảng, người Do Thái đã coi ly hôn là chuyện bình thường, dựa trên cơ sở vững chắc là chính Lề luật: “Ông Môsê đã cho phép viết giấy ly hôn mà rẫy vợ” (Mc 10,4). Vì thế, khi Chúa Giêsu khẳng định: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,9) thì chính các môn đệ đã phản ứng: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn” (Mt 19,10).

2. Đối diện với phản ứng của người Do Thái đương thời, Chúa Giêsu trả lời ra sao? Ngài đưa họ trở về với ý định nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người. Ý định ấy được trình bày trong trình thuật St 2,18-24 và được Chúa Giêsu tóm tắt: “Lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ nên một xương thịt. Họ không còn là hai nhưng chỉ là một xương thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10, 6-9). Đây cũng là câu trả lời của Hội Thánh Công giáo ngày nay.

Ý định nguyên thủy của Thiên Chúa là muốn cho con người được hạnh phúc, vì thế  luật Chúa không có mục đích hành khổ con người nhưng để giúp con người sống đúng với phẩm giá của mình. Hãy thử đọc lại Đnl 24,1 mà người Do Thái nói là ông Môsê cho phép ly hôn: “Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly hôn, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà”. Theo bản văn này, người đàn ông là người quyết định tất cả, còn người phụ nữ hoàn toàn ở trong thế thụ động. Cách nào đó, người đàn ông coi vợ của mình như một vật sở hữu và ông ta toàn quyền sử dụng. Phẩm giá người phụ nữ là người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa (x. St 1,27) và người trợ tá tương xứng của chồng (x. St 2,20) hoàn toàn biến mất.

Hơn thế nữa, những lý do được viện dẫn cho quyết định ly hôn cũng rất mơ hồ: không đẹp lòng, điều gì chướng! Phải giải thích ra sao? Trong thực tế, có hai cách giải thích: trường phái Shammai (50 BC – 30 AD) giải thích theo nghĩa chặt, tức là khi người vợ phạm tội ngoại tình; còn trường phái Hillel (110 BC – 10 AD) giải thích rộng, cho nên đưa ra nhiều lý do để ly hôn: vợ nói chuyện với người đàn ông khác, hỗn láo với người thân trong nhà, kể cả nấu ăn dở! Người ta có thể dùng Lề luật để biện minh cho sở thích và đam mê của mình, cuối cùng nạn nhân là phụ nữ và trẻ em, người vợ và con cái.

Ngày nay cũng thế, ly hôn bao giờ cũng để lại những tổn thương rất lớn trên vợ chồng, nhất là trên con cái, không chỉ về mặt vật chất nhưng quan trọng nhất là những thương tổn tinh thần, nhiều khi đi theo tâm hồn đứa trẻ suốt đời, tác động trên sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ, qua đó sẽ ảnh hưởng trên toàn xã hội.

3. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” “Phối hợp” trong tiếng Việt được dịch từ tiếng Hi Lạp synezeuxen. Từ này cũng được dùng để chỉ về việc người ta lấy cái ách nối kết hai con vật với nhau cho chúng làm việc chung. Cái ách trở thành hình ảnh về đời sống hôn nhân và gợi lên nhiều suy nghĩ.

Nói đến cái ách là nói đến gánh nặng. Hôn nhân mang đến niềm vui và hạnh phúc, nhưng hôn nhân cũng là trách nhiệm rất nặng nề, vì thế cần cầu nguyện. Nếu hôn nhân là do chính Chúa phối hợp thì trong cuộc sống hôn nhân, vợ chồng phải để cho Chúa hiện diện trong gia đình mình, chính Chúa sẽ ban ơn nâng đỡ và gìn giữ chúng ta. “The family that prays together stays together” – Gia đình cùng cầu nguyện thì gia đình gắn kết với nhau.

Ngoài ra, cái ách còn là hình ảnh của sự đồng lao cộng khổ. Hai con vật được nối kết bằng cái ách sẽ làm cho sức mạnh tăng gấp đôi. Cũng vậy, hôn nhân và gia đình là trách nhiệm nặng nề nhưng “thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”.

Cuối cùng, vì hôn nhân là trách nhiệm nặng nề nên đã có những đôi hôn phối gãy gánh giữa đường. Thực tế đó mời gọi chúng ta phải có sự đồng hành mục vụ và ĐGH Phanxicô thường xuyên nhấn mạnh ba điều: gần gũi, đồng cảm, dịu dàng. Gần gũi thay vì loại trừ và xa lánh. Đồng cảm thay vì lên án. Dịu dàng chứ không dữ tợn. Để họ cảm nhận được ách của Chúa êm ái và gánh của Chúa nhẹ nhàng (x. Mt 11,28-30).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm