03/10/2020
1173
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVII TN A, và Đức Mẹ Mân Côi


 














 

VƯỜN NHO CUỘC ĐỜI

Chúa nhật XXVII thường niên – Is 5,1-7; Pl 4,6-9; Mt 21,33-43

 

 

1.Tuần rồi, tôi nhận được thư của một giáo dân chưa từng gặp mặt. Lá thư viết, “Những năm đầu sau giải phóng, con mất phương hướng trong cuộc sống vì những thay đổi quá lớn. Con tìm sự an ủi trong những lúc vào nhà thờ ngồi im lặng nhìn lên Thánh giá Chúa và nhìn Đức Mẹ. Năm 1979 con chịu Phép Rửa tội và Thêm sức, rồi vài tháng sau đó con lấy chồng nhưng không làm phép hôn phối. Liên tiếp những năm sau đó, con đã phá thai nhiều lần, rồi 5 năm sau, con ly hôn…

Năm 2018, trong dịp đi Đức có việc, con đã qua Pháp đến Lộ Đức, cầu xin Đức Mẹ cho con được mạnh mẽ trở lại với Chúa. Và con đã được ơn Chúa, trong một buổi chiều, không một sự chuẩn bị xét mình, con đã vào tòa giải tội. Từ ngày đó, con rất hạnh phúc được rước lễ, được đến với Chúa.

Cả nhà con không ai theo đạo nên con tự tìm hiểu thêm sau gần 40 năm không biết rõ về giáo lý, Kinh Thánh. Trong một dịp bất ngờ, con tìm thấy các bài giảng của Đức cha trên youtube. Con nghĩ Chúa và Đức Mẹ đã nhận lời con cầu nguyện, cho con được hiểu biết về Chúa và Hội Thánh…

Con biết Đức cha đang cố gắng giúp cho các em nhỏ ở Giáo phận được có một học vấn tốt hơn. Con xin phép được gửi một chút để giúp phần nào cho trẻ em vùng quê. Ký tên : một người con của Chúa ở Sài Gòn”.

Xin phép chia sẻ lá thư này như một kinh nghiệm sống đức tin và gợi ý suy niệm bài Tin Mừng hôm nay.

 

2. Đọc lại dụ ngôn Những tá điền sát nhân, tôi tự hỏi tội của họ là gì? Phải chăng là tội lười biếng? Không, họ không lười biếng, nếu họ lười biếng không chịu làm việc thì lấy đâu ra hoa lợi mà chủ sai người đến thu! Phải chăng vì họ đánh đập các đầy tớ được chủ sai đến, cuối cùng là giết luôn người con của ông chủ? Đúng, nhưng tại sao lại đánh đập người ta và nhất là giết con của chủ? Đến đây thì tội của họ mới lộ rõ là tội chiếm đoạt quyền sở hữu của chủ: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi và đoạt lấy gia tài của nó” (Mt 21,38). Họ chỉ là tá điền được chủ thuê làm vườn nho nhưng lại muốn chiếm luôn quyền làm chủ, chẳng khác gì Adam và Eva không chấp nhận thân phận mình là thụ tạo nhưng lại muốn nên như Thiên Chúa!

Dĩ nhiên Chúa Giêsu kể dụ ngôn này là để giáo huấn hàng lãnh đạo dân Chúa lúc đó, và họ cũng hiểu điều đó như thánh Matthêu ghi nhận : “Nghe những dụ ngôn Chúa Giêsu kể, các thượng tế và người Pharisêu hiểu là Ngài nói về họ. Họ tìm cách bắt Ngài nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Ngài là một tiên tri” (21,45-46).  Cũng thế, giáo huấn của Chúa vẫn cần thiết cho những người lãnh đạo trong Hội Thánh ngày nay, tuy nhiên dụ ngôn này không chỉ liên quan đến hàng lãnh đạo mà còn mời gọi mỗi chúng ta suy nghĩ về chính cuộc đời mình trong tầm nhìn đức tin.

Cuộc đời mỗi người là vườn nho của Chúa. Mọi người đều bước vào cuộc đời này từ hư vô tuyệt đối và cũng sẽ từ giã cuộc đời với hai bàn tay trắng. Sự sống, sức khỏe, tài năng, sắc đẹp…tất cả đều là những ân huệ ta lãnh nhận từ nơi Chúa, và Chúa mong muốn ta canh tác vườn nho cuộc đời này cách cần mẫn, để mang lại những hoa trái tốt lành như Chúa mong muốn.

Trong thực tế, chúng ta mang lại hoa trái nào, trái tốt hay nho dại? “Tôi những mong trái tốt, sao nó sinh nho dại?” (Bài đọc 1). Chúng ta canh tác vườn nho để mang lại hoa trái Chúa muốn hay chỉ để cho bản thân hưởng thụ cách ích kỷ và kiêu căng?

 

3. Trong lá thư đã chia sẻ ở trên, người viết kể lại hai giai đoạn trong cuộc đời và cách mình chăm sóc vườn nho cuộc đời ra sao. Ở giai đoạn thứ nhất, chị canh tác vườn nho theo ý riêng và sở thích của mình, không cần biết đến Chúa, thế nên phạm nhiều thứ tội, nhất là phá thai. Hệ quả là tâm hồn bất an, gia đình đổ vỡ. Giai đoạn thứ hai bắt đầu bằng sự sám hối, cầu nguyện, học hỏi Lời Chúa và cố gắng sống theo Lời Chúa, cụ thể là làm việc bác ái. Kết quả là sự bình an và niềm vui trong tâm hồn.

Mỗi chúng ta đều có quyền tự do chọn lựa thái độ sống trong cuộc đời, hoặc nhìn nhận Chúa là Chủ cuộc đời mình và canh tác vườn nho cuộc đời theo ý Chúa muốn; hoặc gạt Thiên Chúa ra bên lề, coi mình là chủ nhân tuyệt đối và sử dụng cuộc đời này chỉ để phục vụ những tính toán và sở thích riêng.

Sẽ được gọi là tá điền sát nhân hay tá điền trung tín là tùy vào sự chọn lựa của mỗi người. Chúa nhật hôm nay cũng là Chúa nhật đầu tháng 10, tháng Mân Côi. Ước gì sự vâng phục của đức tin nơi Đức Mẹ vừa khích lệ vừa nâng đỡ chúng ta trong những chọn lựa hằng ngày: “Này tôi là tôi tá Chúa, xin vâng như lời sứ thần truyền”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm


 





CHUỖI MÂN CÔI TRONG LỊCH SỬ
 

 

Người Công giáo gọi tháng 10 là tháng Mân Côi. Trong tháng 10 có lễ Đức Mẹ Mân Côi và trong tháng này các tín hữu được khuyến khích lần chuỗi Mân Côi. Việc tôn sùng Đức Mẹ Mân Côi và lần chuỗi Mân Côi như hiện nay không phải đã được ấn định ngay từ đầu nhưng đã trải qua nhiều giai đoạn. Nhìn lại một chút lịch sử cũng là cơ hội tốt để người tín hữu yêu mến Đức Mẹ hơn và trân trọng chuỗi Mân Côi hơn.

Ngày 7 tháng 10 năm 1573, Thánh Giáo hoàng Piô V đã thiết lập lễ Đức Mẹ Mân Côi để tạ ơn Chúa về chiến thắng tại vịnh Lepanto trước sự tấn công của người Thổ, cuộc chiến thắng được cho là nhờ việc lần chuỗi Mân Côi mà có. Năm 1716, Đức Clêmentê XI đã ấn định toàn thể Hội Thánh đều mừng lễ này. Năm 1884 Đức Piô XII quyết định dành cả tháng 10 hằng năm cho việc lần chuỗi Mân Côi. Kể từ sau Công đồng Vaticanô II, tại nhiều nơi trên thế giới, việc lần chuỗi Mân Côi xem ra bị xao nhãng nhưng tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn coi việc lần chuỗi Mân Côi là việc đạo đức quen thuộc và hữu ích nhất.

Từ “Mân Côi” trong tiếng Việt được dịch từ tiếng La tinh “rosarium” có nghĩa là “vườn hồng”. Chuỗi Mân Côi là bó hoa hồng dâng lên Đức Mẹ đang ngự trên trời, quả là hình ảnh rất đẹp. Nhìn lại lịch sử, người ta thấy chuỗi Mân Côi đã phát triển qua nhiều giai đoạn. Việc lần chuỗi hay lần hạt đã có từ lâu đời. Ngày xưa các đan sĩ mỗi ngày đọc 150 Thánh vịnh. Lúc đầu họ dùng 150 viên đá cuội đựng trong túi nhỏ để đếm. Sau này người ta thay bằng dây chuỗi với 150 nút thắt, cuối cùng là sợi dây với 150 hạt.

Người giáo dân không thể thuộc lòng các thánh vịnh như các đan sĩ nhưng cũng muốn có hình thức giúp cầu nguyện tương tự, từ đó hình thành truyền thống mỗi ngày đọc 150 kinh Lạy Cha. Theo thời gian, lời chào của sứ thần Gabriel được thêm vào trước mỗi kinh Lạy Cha : “Kính mừng Maria đầy ân phúc, Đức Chúa Trời ở cùng bà”. Rồi sau đó lại thêm lời ca tụng bà Elisabeth dành cho Đức Mẹ : “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”. Tiếp theo nữa, người ta thêm vào lời cầu nguyện : “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử”. Kinh Kính Mừng như chúng ta có ngày nay được hình thành như thế.

Năm 1214, Đức Mẹ hiện ra với thánh Đaminh và dạy thánh nhân truyền bá kinh Mân Côi. Đức Mẹ hứa rằng nếu làm như thế, thánh nhân sẽ thành công trong việc  cải hóa những người theo lạc giáo Albigeois và hội dòng của ngài sẽ phát triển. Thánh Đaminh đã dành cả đời để làm theo lời Đức Mẹ dạy. Một trăm năm sau, Chân phước Alan de la Roche tiếp tục công việc của thánh Đaminh. Ngài chia chuỗi Mân Côi thành từng chục kinh, mỗi chục được bắt đầu bằng kinh Lạy Cha. Đến thế kỷ 15, các mầu nhiệm được thêm vào cho từng chục kinh, giúp người đọc ghi nhớ và suy niệm những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Năm 1917, khi hiện ra với 3 trẻ tại Fatima, Bồ Đào Nha, Đức Mẹ tuyên bố Mẹ là Đức Mẹ Mân Côi và khuyến khích các trẻ lần chuỗi Mân Côi hằng ngày.

 

Các vị Giáo hoàng đều khuyến khích các tín hữu lần chuỗi Mân Côi. Đức Phaolô VI gọi chuỗi Mân Côi là sách Tin Mừng thu nhỏ, phương pháp cầu nguyện đơn sơ và hữu hiệu nhất. Ngày 16 tháng 10 năm 2002, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II quyết định thêm năm mầu nhiệm vào chuỗi Mân Côi, gọi là Năm Sự Sáng, tập trung vào sứ vụ công khai của Chúa Giêsu. Trước những phê phán cho rằng việc lần chuỗi Mân Côi quá đề cao Đức Mẹ và ảnh hưởng không tốt đến việc đối thoại với anh em Tin Lành, ngài khẳng định, “Cho dù chuỗi Mân Côi mang đặc tính Maria nhưng ở tâm điểm là lời cầu nguyện quy về Chúa Kitô. Chuỗi Mân Côi chứa đựng chiều sâu của toàn bộ sứ điệp Tin Mừng. Đó là âm vang lời cầu nguyện của Đức Mẹ, là lời kinh Ngợi Khen (Magnificat) ngàn đời trước công trình Nhập thể cứu chuộc đã được bắt đầu từ cung lòng thanh khiết của Đức Mẹ”.

Trải qua nhiều thế kỷ với biết bao biến động, chuỗi Mân Côi vẫn tồn tại và được cổ võ, vì rất nhiều tín hữu cảm nghiệm lần chuỗi Mân Côi là phương pháp cầu nguyện đơn sơ và tuyệt vời, để nhờ Đức Mẹ và với Đức Mẹ, chúng ta đến với Chúa Giêsu, học với Chúa các nhân đức Phúc Âm, và bước theo Chúa trên mọi nẻo đường đời.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm